Tâm thái bình thản là ngọn nguồn của cuộc sống hạnh phúc
- Thiên Cầm
- •
Trong sách “Tiểu song u ký” có một câu đối về tâm thái bình thản như thế này: “Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn. Đi hay ở vạn sự tùy duyên, nhìn khung trời mây tụ mây tan”. Một người có thể coi lợi danh, vinh nhục như đóa phù dung sớm nở tối tàn, mới có thể giữ cho mình một nội tâm tĩnh tại, bình thản, nhìn cuộc đời đến rồi đi thất thường tựa mây khói, mới có thể giữ được sự vô vi thanh tịnh trong tâm cảnh.
Nếu tâm linh của con người thanh tịnh, không vấy bẩn, thì dẫu thân lâm vào cảnh khốn cùng, trong lòng cũng chẳng ưu phiền. Trái lại, khi tâm linh của một người bất an, lo lắng thì dẫu mỗi ngày tĩnh tu nơi rừng sâu núi thẳm, cái tâm kia cũng sục sôi như đang ở giữa chốn phố xá sầm uất, chẳng thể an yên. Bởi vậy, cảm thấy vui vẻ, may mắn hay không, phúc khí có đến hay không, là do tâm của mình quyết định.
Hết thảy những phiền não của con người phần lớn đều là lo chuyện được mất, hoặc canh cánh trong mình một sự tình nào đó. Cuộc đời, sống thế nào, xét cho cùng, cũng là tự mình định đoạt. Không ai có thể ngăn một người cảm thấy vui vẻ, thoải mái, tự do tự tại, lại càng không một ai có thể giới hạn niềm hạnh phúc trong lòng người. Bởi vậy, đối diện với hết thảy sự tình trong cuộc sống bằng tâm thái bình thản mới là cách lựa chọn tốt nhất.
Dưới đây là 6 điều cần lĩnh hội để có được tâm thái bình thản và khởi đầu một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
Chớ than phiền, oán trách cuộc sống
Một người thường xuyên than phiền, phàn nàn rằng cuộc sống bất công, ông trời không có mắt… sẽ cảm thấy vô cùng ngột ngạt và mệt mỏi, phúc khí tự nhiên cũng tiêu biến.
Mạnh Tử giảng: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi”. Như thế là để lay động tâm chí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy. Bởi vậy khi đối mặt với khó khăn trong đời, thay vì than phiền trách móc, hay ngã lòng, thối chí, hãy nghĩ rằng khó khăn là nấc thang giúp con người thăng hoa.
Con người thường mơ mộng về những điều tươi đẹp ở một nơi rất xa, nhưng lại quên mất rằng chúng đang ở ngay bên cạnh mình, rằng niềm vui và hạnh phúc kỳ thực rất giản đơn. Chúng hoàn toàn có thể được điều chỉnh bởi tâm thái của mỗi người.
“Mùa xuân có trăm hoa đua nở, mùa thu có ánh trăng, mùa hạ có gió mát, mùa đông có tuyết rơi, nếu trong tâm không lo phiền, đó mới là tiết trời đẹp nhất.”
Chớ ham muốn vật chất vô độ
“Ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng chỉ một đấu. Điện đài ngàn gian, đêm nằm cũng chỉ tám thước. Chim tiêu liêu làm tổ trong rừng, chỉ cần một nhánh cây. Chuột chũi uống nước sông, cũng chỉ cần đầy bụng”. Giữ mình không tham lại thường an ổn, tranh đoạt của người ắt sẽ thiệt thòi.
Sử học gia thời nhà Tống, Tư Mã Quang viết rằng: “Quân tử mà ham muốn nhiều thì sẽ trọng vật chất và lạc sang đường tà; kẻ tiểu nhân tham dục thì sẽ vì truy cầu phú quý mà tán gia bại sản và mất mạng.”
Một người luôn theo đuổi những vật phẩm xa hoa, tiêu xài vô độ phải biết rằng lòng tham và dục vọng của con người giống như đáy biển chẳng thể lấp đầy. Người tham lam dẫu tiền tài như nước, có được mọi thứ trong tay, mãi mãi cũng không cảm thấy thỏa mãn. Một người mà lòng tham vô độ thì vĩnh viễn chẳng thể tìm được sự bình an và hạnh phúc trong tâm, đêm ngày chỉ lo tranh đoạt lợi ích thiết thân; người thân, bạn bè ắt cũng dần dần rời xa họ.
Chớ dè sẻn tình yêu thương
Cổ nhân coi trọng chữ “Nhân”, tức là sự nhân ái, lòng yêu thương. Trong “Thuyết văn giải tự” có bình về chữ “Nhân” là: “Thiên địa chi sinh, tối quý giả dã”, ý nói lòng nhân từ là điều quý giá nhất, là giá trị cốt lõi bên trong mỗi con người.
Một người khuyết thiếu tình yêu thương, ích kỷ hẹp hòi, chỉ quan tâm đến bản thân thì rất khó lòng bao dung người khác. Khi không thể bao dung, sẽ thường xảy ra mâu thuẫn và cãi vã với mọi người xung quanh, cơ hội và phúc khí cũng không ở lại bên người này.
Ngược lại, một người luôn mang trong mình tình yêu thương thường rộng lượng và nhẫn nại, cảm thông trong các quan hệ xã hội như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Người như vậy sẽ có một cuộc sống hài hòa, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng. Họ luôn tỏa ra một sức hút kỳ lạ, hấp dẫn những người xung quanh, phúc khí và những điều may mắn cũng sẽ tìm đến với họ.
Francis Bacon, một tiểu thuyết gia người Anh, từng nói: “Trong tâm người biết trân quý người khác có ráng chiều, có ngọc trai và hoa thơm quanh năm suốt tháng. Người khinh miệt người khác trong tâm băng kết dày như thành trì, bốn biển đều khô kiệt, rừng rậm trở nên hoang vu.”
Chớ mải miết sống với quá khứ
Thời gian không như tiền bạc, chẳng thể để dành, lại càng không thể hoang phí. Thời gian như dòng sông, một đi không trở lại.
Nhiều người thường ôm giữ những chuyện trong quá khứ mà không thể vượt thoát. Họ không suy nghĩ tới ngày mai, không biết ngày mai sẽ đi đâu về đâu.
Một người quá luyến tiếc những chuyện xưa cũ của ngày hôm qua sẽ không thể thấy được ánh bình minh của ngày mai. Họ cũng không thể lĩnh hội được những điều tuyệt vời của hôm nay.
Lãng quên hy vọng thì những điều may mắn, tốt đẹp sao có thể đến bên được? Hãy cất giữ những mất mát và niềm vui trong quá khứ như một món quà giúp ta trưởng thành và hạnh phúc hơn trong hiện tại và tương lai.
Chớ quên bồi đắp năng lực bản thân
Cổ nhân giảng: “Trong phúc có họa, trong họa có phúc”, “Sông có khúc, đời có lúc”. Đối với một cá nhân mà nói, càng lúc thuận buồm xuôi gió, yên ổn, lại càng phải chú ý không phóng túng bản thân, càng phải nên nghĩ tới lúc gian nguy.
Trong cuộc sống của mỗi người nhất định sẽ ít nhiều xảy ra những biến cố này khác. Một khi biến cố xuất hiện, nếu bản thân không có cách ứng phó, ắt sẽ rất khó vượt qua, thậm chí còn lưu lại hối tiếc cả một đời. Trong gia đình, ngoài xã hội hễ mâu thuẫn xảy ra đều cần có cách xử lý, hóa giải, tránh làm tổn thương đến mỗi thành viên, như vậy mới được coi là một người có năng lực.
Một người luôn nỗ lực bồi đắp bản thân thì sẽ tìm được cách hóa giải những nguy cơ xảy đến.
Chớ so sánh mình với người khác
Vạn sự vạn vật trong đại tự nhiên, mỗi chủng, mỗi loài, mỗi cá nhân đều mang một dáng vẻ và những đặc tính riêng. Tây Lư nói: “Hòn ngọc bích đem dệt cửi không tiện bằng hòn ngói. Hạt châu đem làm đạn bắn chim thì không tiện bằng viên đất. Ngựa kỳ ngựa ký, ngày chạy nghìn dặm, nhưng cho bắt chuột thì không nhanh bằng con mèo. Thanh gươm quý, đem mà khâu giày thì không tiện bằng cái dùi.”
Chim bay trên trời, cá lội dưới nước, có cây đại thụ vững chãi, cũng có những mầm cỏ biếc mong manh, xanh rợp chân trời. Con người cũng vậy, mỗi người sinh ra mỗi cảnh, mỗi nghề, ai nấy đều giữ một vị trí nhất định trong xã hội.
So sánh về chức vị, thu nhập, hoàn cảnh gia đình… rồi tự dằn vặt, đau khổ, ghen ghét, đố kỵ thì có ích chi? Cuộc sống đó vẫn là của người khác, còn người bị tổn thương lại là chính mình. Đừng so sánh quá nhiều, hãy đặt tâm vào việc tu dưỡng bản thân, làm tốt việc của mình, thành công sẽ tự tìm đến.
Đạo gia giảng, mỗi người là một tiểu vũ trụ, vậy nên chớ tự coi nhẹ bản thân mình, hãy sống với một tâm thái bình thản, khám phá những điều bí ẩn trong sinh mệnh của bản thân, sẽ có rất nhiều điều thú vị đón đợi bạn ở phía trước.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa hạnh phúc Đời người Phúc khí cuộc đời nhân sinh cảm ngộ tâm thái