Tản mạn chuyện người xưa dùng mắt thể hiện thái độ
- Vương Du Duyệt
- •
“Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nó phản ánh cách nghĩ chân thực và những điều được chất chứa trong nội tâm của mỗi người. Rất nhiều khi, không cần hành động hay lời nói, một người chỉ cần dùng ánh mắt đã có thể thể hiện ra thái độ của mình với đối phương một cách rõ ràng rồi.
Người xưa có cách nói: “bạch nhãn” và “thanh nhãn”. “Bạch nhãn” chính là nhìn người khác bằng đôi mắt trừng trừng, trợn trắng, thể hiện ý tứ coi thường, chán ghét hoặc không chào đón. “Thanh nhãn” có ý nghĩa trái ngược, chỉ người lúc vui, mắt nhìn thẳng, tròng đen ở chính giữa, ví với việc coi trọng hoặc ưa thích một ai đó.
Lai lịch của từ “bạch nhãn” được ghi lại trong cuốn “Tấn thư”, phần “Nguyễn Tịch truyện”. Nguyễn Tịch là người thuộc gia tộc Ngụy Úy thời kỳ Tam Quốc. Ông có tài năng xuất chúng, cá tính mạnh mẽ không chịu gò ép theo khuôn phép, là người khoáng đạt và không câu nệ tục lệ, yêu thích uống rượu. Ông là một trong “Trúc lâm thất hiền” tức là bảy vị danh sĩ tài hoa cuối đời Nguỵ đầu đời Tấn, gồm Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Vương Nhung, Nguyễn Hàm.
Nguyễn Tịch bản tính hiếu thuận, mặc dù không câu nệ lễ giáo nhưng lời mà ông nói ra lại rất sâu sắc, không tùy tiện bình luận cái hay cái dở của người khác. Ông từ nhỏ đã chịu sự dạy dỗ của mẹ, có ý chí lớn lao. Thời họ Tư Mã nắm giữ triều chính nước Ngụy, Nguyễn Tịch vô cùng mất niềm tin. Ông suốt ngày cùng với Kê Khang uống rượu đến say
Nguyễn Tịch vốn là người có tính cách cởi mở và có phần ngang ngược, thường dùng đôi mắt của mình để thể hiện thái độ. Ông dùng “thanh nhãn” tức là hai mắt nhìn thẳng, lộ rõ tròng đen để nhìn người mà ông tôn kính và dùng “bạch nhãn” tức là trợn hoặc liếc mắt nhìn nghiêng, lộ rõ tròng trắng để nhìn người mà ông xem thường.
Lúc mẹ của Nguyễn Tịch qua đời, bạn bè thân thích đến phúng viếng. Người anh của Kê Khang là Kê Hỉ cũng đến nhà Nguyễn Tịch để viếng. Kê Hỉ là quan viên đương thời nhưng nổi tiếng truy danh trục lợi, Nguyễn Tịch rất xem thường và không vui khi gặp ông ta. Cho nên khi Kê Hỉ bước vào linh đường, Nguyễn Tịch đã dùng “bạch nhãn” mà nhìn khiến Kê Hỉ chán chường mà ra về. Sau Kê Khang phẩm hạnh cao khiết mang theo đàn và rượu đến viếng, Nguyễn Tịch vội đứng dậy đón tiếp, đôi mắt có thần, rạng rỡ. Kê Khang đánh đàn và uống rượu an ủi nỗi đau xót trong lòng Nguyễn Tịch. Đó chính là lai lịch của cách nói “bạch nhãn” và “thanh nhãn”.
“Thanh” có ý tứ là màu đen. Người xưa gọi mắt đen là “thanh nhãn”. Khi chúng ta nhìn ai đó thì nhãn cầu nằm ở giữa, “thanh nhãn” có nghĩa là chỉ ánh mắt ở trạng thái bình thường. “Thanh nhãn” và “bạch nhãn” là trái ngược nhau, dùng “thanh nhãn” nhìn để tỏ vẻ coi trọng hoặc yêu thích ai đó. Những từ chúng ta thường dùng ngày nay như “lọt vào mắt xanh”… đều bắt nguồn từ câu chuyện này.
Mắt xanh và mắt trắng tuy là một loại tư thái nhìn người nhưng thực chất đó lại là một loại tâm thái, biểu hiện ra hai loại thái độ khác nhau hoàn toàn. Người chú trọng tu dưỡng đạo đức chú ý đến ánh mắt mà người khác nhìn mình, bởi vì thông qua đó có thể biết bản thân mình có điều gì thiếu sót, hay có lỗi lầm gì cần sửa chữa để kịp thời sửa đổi. Ánh mắt của người khác chính là tấm gương
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Du Duyệt
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thái độ Ánh mắt nội tâm