Tản mạn về đạo lý “sáng ba chiều bốn” của Trang Tử
- An Hòa
- •
Thành ngữ cổ có câu “triêu tam mộ tứ” (sáng ba chiều bốn), dùng để nói một người không có ý kiến kiên định, dễ dàng thay đổi tâm ý, dễ dàng thay đổi sở thích hay quyết định đối với một sự vật sự việc nào đó, thậm chí sự thay đổi đó xảy ra rất nhanh chóng chỉ trong sớm chiều. Tuy nhiên câu thành ngữ này còn xuất hiện trong sách của Trang Tử, mà hàm ý của Trang Tử khi sử dụng nó lại thâm sâu hơn nhiều.
Câu thành ngữ “sáng ba chiều bốn” xuất hiện trong chương “Tề vật luận” của Trang Tử thời Chiến Quốc. Câu chuyện như sau:
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở nước Tống, chư hầu của nhà Chu, có một ông già tên là Thư Công rất yêu thích khỉ, vì thế đã nuôi dưỡng cả một bầy khỉ. Dần dần Thư Công có thể hiểu được tâm ý của những con khỉ mà ông nuôi dưỡng. Vì nuôi dưỡng chúng, Thư Công đã phải bán của cải, gia tài của mình để mua thức ăn cho chúng. Cho đến một hôm, tài sản của Thư Công sắp cạn kiệt, không thể đủ cho lũ khỉ ăn uống nhiều như chúng muốn nữa nên ông buộc phải hạn chế lượng thức ăn của chúng.
Thư Công đã tuyên bố với lũ khỉ rằng: “Từ hôm nay trở đi ta sẽ cho các ngươi ăn quả cây lịch, buổi sáng mỗi con được ba quả, buổi chiều mỗi con được bốn quả, như vậy đủ chưa?”
Bầy khỉ nghe xong, con nào cũng thể hiện ra vẻ giận dữ, không đồng tình. Thư Công nói tiếp: “Được rồi! Vậy buổi sáng mỗi con bốn quả, buổi chiều mỗi con ba quả, đủ chưa?”
Bầy khỉ nghe thấy buổi sáng mỗi con được gia tăng thêm một quả cây lịch thì con nào cũng đều vui vẻ, phấn chấn hơn nhiều.
“Sáng ba chiều bốn” và “Sáng bốn chiều ba” thực chất là giống nhau nhưng phản ứng của bầy khỉ lại hoàn toàn bất đồng. Trong mắt của chúng nhìn thấy là “sáng ba” đã biến thành “sáng bốn”. Còn đối với Thư Công mà nói thì ông đã không gia tăng một quả cây lịch nào cả, chỉ là cải biến cách làm mà thôi.
Trang Tử kể ra câu chuyện này không phải để nói rằng bầy khỉ kia rất dễ dàng bị lừa gạt, mà là để sáng tỏ sinh mệnh quan “Tề vật” của ông. Trong cách nhìn nhận của Trang Tử, vạn vật Trời sinh, con người cũng như vậy, sự tồn tại của con người, vạn vật đều có ý nghĩa và giá trị riêng biệt nên nếu muốn tranh luận ai đúng ai sai thì khó có thể xác định chính xác, cũng sẽ xảy ra tranh chấp. Vậy phải như thế nào phân giải?
Lấy Thư Công làm ví dụ, ông hiểu biết bản tính vốn có của loài khỉ, lợi dụng tính cách của chúng, thuận theo sự vui mừng hay tức giận của chúng mà giải quyết vấn đề. Kết quả là, đối với ông mà nói, bất luận là danh hay thực, đều không có mất mát cũng không có phiền toái gì. Thư Công không cần phải phát huy tri thức cao minh hay kỹ năng đặc biệt gì của mình để trấn áp bầy khỉ mà là thuận theo đặc tính của loài khỉ, lợi dụng cái vui mừng hay giận dỗi của chúng để giải quyết vấn đề. Nhìn gần thì sẽ thấy “sáng ba” kém một chút so với “sáng bốn” nhưng nếu nhìn xa hơn một chút “sáng ba chiều bốn” và “sáng bốn chiều ba” là giống nhau. Kết quả như thế nào là do sự bất đồng về tầm nhìn quyết định.
Trang Tử cho rằng, “Khả hồ khả, bất khả hồ bất khả” (được là được, không được là không được). Sự tồn tại của vạn vật đều có bản chất của nó, có tác dụng vốn có của nó. Vô luận là lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu, thành hay bại… nhìn như đối lập nhưng chúng đều là trạng thái tồn tại tự nhiên của sự vật và giữa chúng đều có mối liên hệ với nhau. Người hiểu rõ “Tề vật” chính là có thể hiểu được lý tương thông giữa các vật, từ đó có thể chấm dứt sự tranh chấp giữa đúng và sai.
Con người sống trong tự nhiên, nếu có thể không mang theo quan niệm để quan sát người và vật, buông bỏ những định kiến thì sẽ dễ dàng hiểu được và nắm bắt được đạo lý tương thông giữa vạn vật. Không tranh cãi đúng sai, mà có thể nhìn thấy sự tương thông giữa những khác biệt, có thể nhìn đúng sai với tâm bình hòa. Điều này sẽ cho phép những tranh chấp đúng sai tự nhiên kết thúc theo Thiên đạo, tạo ra trạng thái hòa bình cho cả người khác và chính mình. Như vậy, con người sẽ có thể thanh thản, thoải mái. Có thể thanh thản, thoải mái cũng chính là đến gần với Đạo, đây chính là một tầng ý nghĩa sinh mệnh của “Tề vật”.
Thi nhân Tân Khí Tật thời nhà Tống đã viết: “Từ những câu chuyện kim cổ, được và mất, vinh hay suy, có khác gì sáng ba chiều bốn đâu!”. Con người nhìn rõ sự tương thông giữa được và mất, thịnh vượng và suy tàn, thì sẽ thấy chúng là những điều không tồn tại mãi. Cuộc sống vốn vô thường, tĩnh lặng quan sát sự thay đổi thất thường cũng là một cách sống an tĩnh, thoải mái.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Doãn Gia Huy
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Câu chuyện thành ngữ Trang Tử