Tản mạn về quan niệm màu sắc tôn quý của cổ nhân
- An Hòa
- •
Người thời cổ đại căn cứ vào sự biến hóa của vạn vật tự nhiên theo mùa xuân, hạ, thu, đông và học thuyết ngũ hành để lựa chọn màu sắc của quần áo và trang sức. Cổ nhân cho rằng ngũ hành “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” cấu thành nên vạn sự vạn vật, màu sắc cũng không ngoại lệ. Quy luật ngũ hành do đó cũng thể hiện ở màu sắc.
Người thời cổ sử dụng màu sắc như một biểu hiện của ngũ hành, nhằm mong muốn đạt được trạng thái hài hòa giữa con người với Trời đất. “Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” trong ngũ hành đối ứng với màu “trắng, xanh, đen, đỏ, vàng” trong ngũ sắc, màu sắc tương ứng với không gian vật chất và thời gian bốn mùa. Chế độ phẩm cấp màu sắc cũng đại biểu cho địa vị xã hội thời xưa.
Màu đỏ, vàng, xanh, đen và trắng được gọi là chính sắc, tượng trưng cho sự cao quý và thường được sử dụng trong lễ nghi. Sự phối hợp của năm loại màu này với nhau sẽ tạo thành các màu phối hợp như cam, hồng, trắng xanh, tím… Những màu sắc phối này được dùng làm màu sắc thường nhật.
Tất nhiên trong một số trường hợp, màu sắc không phải là chính sắc, nhưng trong một giai đoạn thời kỳ, hoặc trong một tín ngưỡng nhất định, lại được coi là tôn quý. Ví như màu tím trong câu “Tử khí đông lai”, là màu sắc của điềm lành xuất phát từ việc khi Lão Tử đến cửa Hàm Cốc từ phía Đông thì Trời hiện sắc tím, Lão Tử truyền thụ Đạo Đức Kinh cho Doãn Hỷ, rồi đi về phía Tây. Do đó Đạo gia coi trọng màu tím.
Một màu cũng được coi là tôn quý là màu vàng. Màu vàng ban đầu là màu được sử dụng phổ biến nhất trong Phật gia. Vì trong kinh Phật miêu tả rất nhiều về màu vàng kim trong thế giới của Phật. Phật thể được xưng là “kim thân” (thân thể vàng), các chùa miểu sử dụng màu vàng và được gọi là “kim sát” (chùa vàng). Thời kỳ nguyên thủy, các trang sức và áo choàng của nhà sư đều dùng màu vàng chứ không phải màu nâu đất như ngày nay. Tượng Phật cũng được mạ vàng hoặc sơn vàng.
Trong quan niệm của nhiều người, màu vàng còn là màu của long bào Hoàng đế. Tuy nhiên thực ra trải qua các triều đại lịch sử, màu sắc mà triều đại chọn dùng, màu sắc long bào cũng có sự biến đổi. Mỗi một triều đại đều lựa chọn một loại màu sắc làm long bào và màu sắc cho Hoàng tộc. Mục đích của việc làm này là để phân biệt Hoàng tộc với các giai tầng khác trong xã hội. Đồng thời, nó cũng thể hiện ra sự cao quý của Hoàng tộc và Hoàng quyền. Điều này cũng có liên quan mật thiết đến học thuyết Ngũ hành. Theo đó, triều đại đi sau là một “hành” khắc với “hành” của triều đại đi trước. Ví dụ, Hoàng Đế trong Ngũ Đế là “thổ” đức (màu vàng), vì “mộc” khắc “thổ” nên nhà Hạ tiếp nối, là “mộc” đức (xanh). Vì “kim” khắc “mộc”, nhà Thương lên thay, là “kim” đức (trắng). Vì “hỏa” khắc “kim”, nhà Chu diệt nhà Thương nên là “hỏa” đức (đỏ). Vì “thủy” khắc “hỏa”, nhà Tần diệt nhà Chu, nên nhà Tần là “thủy” đức (đen). Đây là lý do Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên, chuộng màu đen, nhà Tần coi màu đen là tôn quý.
Tất nhiên qua tranh vẽ, chúng ta có thể thấy người xưa sử dụng màu sắc rất đẹp, rất đa dạng và hài hòa, thậm chí đẹp hơn thời trang và thẩm mỹ hiện đại rất nhiều. Đó là vì chuẩn mực sử dụng màu sắc của người xưa là hài hòa đẹp mắt. Còn màu sắc được cho là tôn quý thì bị cấm sử dụng bừa bãi. Do đó chỉ có thể thấy loại màu sắc đó trong lễ nghi lớn, trong triều phục, trong trang phục hoàng gia, v.v..
Màu sắc là ngôn ngữ chung của vũ trụ, người xưa có thể biết được sự thay đổi của thời tiết bằng cách nhìn vào màu sắc của bầu trời. Màu sắc thể hiện ở nhân gian cũng là dựa trên nguyên lý ấy. Do đó văn hóa thời xưa có câu “Thiên nhân hợp nhất”. Ở cấp độ tinh thần, một số môn pháp thời xưa đã biết sử dụng các màu sắc khác nhau tương ứng với các cơ quan khác nhau của cơ thể để điều hòa cơ thể, tâm trí và tinh thần của con người. Điều này vẫn còn có thể thấy ngày nay, trong những môn như Yoga Ấn Độ.
Màu sắc còn để biểu thị quá trình “thành, trụ, hoại, diệt”. Màu sắc đẹp nhất của một sinh mệnh thông thường là ở lúc mới xuất sinh, thông thường là sáng thiện lương, nhu hòa. Thời kỳ đỉnh cao sẽ là sáng ngời, rực rỡ, diễm lệ. Đến cuối của sinh mệnh thì màu sắc sẽ càng ngày càng đậm hơn, tối hơn, mờ hơn và cuối cùng tiến đến màu xám, màu đen.
Một người khỏe mạnh và lạc quan tích cực, luôn hướng về phía trước thì phần lớn thường thích những màu sắc sáng, trong. Ngược lại, những màu sắc mà một người suy sụp chán chường hoặc người bị bệnh thường nghĩ trong đầu hầu hết là màu u tối hoặc là màu sắc khác thường. Cho nên trang phục sáng hay tối, lựa chọn màu sắc thế nào có thể triển hiện ra tâm linh và đạo đức của một người. Ở bình diện lớn hơn, nó có thể triển hiện ra tình trạng của xã hội.
Việc sử dụng màu sắc, coi màu sắc nào là tôn quý, đóng một vai trò quan trọng trong xã hội, tín ngưỡng, phong tục văn hóa và quan điểm thẩm mỹ của người xưa. Nó phản ánh ra thế giới quan “Thiên nhân hợp nhất” và trạng thái tư duy của con người trong văn hóa truyền thống, mang nội hàm phong phú và thâm sâu.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Văn Hoa
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: