Là một dân tộc có truyền thống về nông nghiệp, người Việt xưa kia rất xem trọng nghề nông. Vào Lễ Tịch Điền, vua quan đều cùng xuống cày ruộng, từ đó mà hiểu được nỗi khổ của người nông dân và thêm xem trọng nghề này. Lễ Tịch Điền có nguồn gốc từ thời Thần Nông. Thần Nông dạy dân chúng làm nông, chế tạo ra cày bừa, tìm ra cây thuốc chữa bệnh, và cũng là người đầu tiên đã làm lễ Tịch Điền.

Bậc quân vương sáng suốt bởi hết lòng vì dân mà thành tựu công đức
Truyền thống quân vương cày cấy trong lễ Tịch Điền cũng phổ biến tại Trung Hoa thời xưa. (Tranh: Public Domain)

Thời nhà Nguyễn, vua Gia Long có quy định và chú trọng đến lễ Tịch Điền. Đến thời vua Minh Mạng thì xem đây là đại lễ và kéo dài 5 ngày.

Về thời gian tổ chức lễ Tịch Điền thời nhà Nguyễn, sách “Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ” viết rằng vào hạ tuần tháng tư hàng năm, Khâm thiên giám sẽ chọn ngày tốt cày ruộng Tịch Điền, nhưng trước đó phải làm lễ tế đàn Tiên Nông. Đàn Tiên Nông được vua Minh Mạng cho xây vào năm 1828, ở phía tây bắc Kinh thành Huế. Ngay phía trước đàn là khoảnh ruộng để Vua đích thân cày trong lễ Tịch Điền.

Trình tự lễ Tịch Điền thời Nguyễn

Trước ngày lễ, Bộ Lễ chuẩn bị sẵn trâu bò cùng giống lúa…, đồng thời dâng lên Vua danh sách các Hoàng thân quốc thích và quan đại Thần có thể tham gia. Vua theo danh sách này chọn ra 12 người gồm 3 Hoàng thân và 9 quan đại thần dự lễ Tịch Điền.

Vào ngày đầu tiên của lễ Tịch Điền, vào giờ tý, bộ Lễ sẽ chuẩn bị đủ sẵn sàng các lễ vật.

Đầu canh năm, quan Phủ doãn Thừa Thiên mặc lễ triều phục đến đàn Tiên Nông thực hiện lễ tế.

Sau 7 phát bắn pháo lệnh trên kỳ đài, đoàn rước Vua sẽ hành lễ với tiếng chiêng trống vang khắp cả vùng.

Sau khi đến đàn Tiên Nông, Vua rửa tay rồi làm lễ, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân chúng coi trọng làm nông.

Sau đó Vua thay quần áo, xuống cày ruộng Tịch Điền. Con trâu đi trước, còn Vua thì một tay cầm cày, một tay cầm roi rồi cày ruộng. Vua cày ruộng đến đâu, Hoàng tử cùng các quan đi phía sau rắc hạt thóc giống xuống đến đó. Vua cày xong 3 luống thì ngừng lại cho người khác cày tiếp.

Sau khi cày ruộng Tịch Điền xong, Vua thay đổi Triều phục rồi về lại Kinh thành.

Vua vào thành thì có 5 phát pháo lệnh báo hiệu Vua đã về.

Coi trọng nghề nông

Vua Minh Mạng tự thân cày ruộng, lại chứng kiến cảnh Hoàng thân và các quan cày ruộng, từ đó mà hiểu được nỗi khổ của nông dân, quyết định giảm bớt số thóc trưng thu của dân. Vua nói rằng:

“Trẫm tự thân đi cày bừa ở ruộng Tịch Điền, làm được 3 lượt, tuy chưa thấy vất vả mà các công khanh theo cày bừa và nông phu, nhiều người mồ hôi chảy đầy mặt mà dừng lại. Có thể thấy việc cày cấy gian lao, so với các việc khác gian khổ lắm thay. Nghĩ nhà nông quanh năm cần cù mà chưa được no ấm, lại bất giác động lòng trắc ẩn. Nay gia ơn trước tiên cắt giảm ba phần mười tất cả thóc gạo vốn phải trưng thu năm Minh Mạng thứ 10.”

(“Châu bản triều Nguyễn”, phần Minh Mạng, tập 36)

Vua Minh Mạng cũng cho rằng:

“Việc nông là việc trước nhất của nhà nước. Nếu vua không tự mình đứng làm thì không lấy gì dạy thiên hạ bỏ việc ngọn chăm việc gốc được.”

“Từ nay về sau, những người có chức trách thân dân nên thể ý trẫm mà khuyến khích việc nông tang, khiến cho dân đủ ăn, đủ mặc, vui vẻ ấm no. Để thoả lòng trẫm trọng nông chuộng gốc, mình tự làm trước, mà nêu phép tắc.

(“Đại Nam thực lục” tập 2).

Lễ Tịch Điền là nghĩ lễ rất độc đáo cho thấy sự trọng nông. Đây không chỉ là một nghi thức tượng trưng, mà vua quan đều thực sự xuống cày ruộng, từ đó mà thấy được nổi khổ của người làm nông, thêm thông cảm với người nông dân, dẫn đến các chính sách giúp người làm nông, như giảm trưng thu thóc lúa, giảm tô thuế.

Lễ Tịch Điền trong lịch sử nước ta

Theo ghi chép từ lịch sử thì vào thời kỳ tự chủ của người Việt, vua Lê Đại Hành là người đầu tiên cày ruộng Tịch Điền ở Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) vào mùa xuân năm 987. Từ đó mà lễ Tịch Điền được duy trì hàng năm, cho thấy sự quan tâm của Triều đình đối với nông nghiệp, khuyến khích nghề nông trong dân chúng.

tich dien doi son
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn tái hiện lại truyền thống thời xưa. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL)

Đến thời nhà Lý thì nông nghiệp rất được xem trọng, lễ Tịch Điền cũng được tổ chức thể hiện sự kính ngưỡng Trời đất, biết ơn Thần Nông. Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép về việc vua Lý Thái Tông cày ruộng Tịch Điền, tế Thần Nông như sau:

Mậu Dần, [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038] , (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1).

Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng Tịch Điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?” Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên bình rằng:

“Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng Tịch Điền để nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!”

(Đại Việt Sử ký Toàn thư)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: