Tàu thủy đầu tiên do người Việt đóng vào thời vua Minh Mạng
- Trần Hưng
- •
Vào những năm vua Minh Mạng trị vì, hải tặc hoạt động rất mạnh, các toán hải tặc này hầu hết ở Java (Indonesia) và Trung Hoa. Các chiến thuyền nhà Nguyễn trấn áp đánh bắt hải tặc có hiệu quả, nhưng cũng không thể hoàn toàn bảo vệ được dân chúng. Việc trấn áp hải tặc đôi khi không có kết quả mà còn bị thua. Chính vì thế mà vua Minh Mạng rất xem trọng phát triển thủy quân cũng như kỹ thuật đóng tàu.
Không muốn phụ thuộc kỹ thuật vào người Pháp
Khi Vua Minh Mạng mới lên ngôi đã có mấy chiếc tàu chạy bằng hơi nước từ thời vua Gia Long mua của Pháp để lại.
Bấy giờ, vua Minh Mạng ra các đạo dụ nhằm ngăn chặn viêc truyền bá đạo Thiên Chúa, vì nhận thấy đạo Thiên Chúa có nguồn gốc từ phương Tây không phù hợp với văn hóa phương đông của người Việt, nhất là khi người Việt vốn đã có truyền thống tín ngưỡng về Đạo, Phật, Nho rồi.
Các lái tàu và thợ máy gồm những người Pháp giỏi kỹ thuật, tức tối với việc nhà Vua ngăn việc truyền Đạo, tìm cách gây khó khăn trở ngại cho việc chạy tàu.
Biết việc này, vua Minh Mạng không muốn phụ thuộc vào người Pháp, nên khuyến khích các thợ kỹ thuật người Việt tự tìm hiểu kỹ thuật vận hành tàu, thậm chí còn có thưởng cho những ai làm tốt. “Tháng 3 năm 1834, Vua sai Hộ thành Binh mã Phó sứ là Trương Viết Soái chế ra xe “thủy hỏa ký tế”, nhờ sức nước chảy làm cho máy chạy” (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu).
Bấy giờ xảy ra một vài sự việc:
Tháng chạp năm 1836, một tàu Pháp tự ý đỗ ở hòn Mỏ Diều thuộc Quảng Nam (phía Tây bán đảo Sơn Trà bây giờ). Quan quân đến hỏi thì chủ tàu nói rằng đang đi thao diễn đường biển, hiện đang ở đây để lấy củi. Sáng hôm sau tàu này bắn súng lớn thị uy rồi rời đi trước sự bất lực của các tàu nhà Nguyễn.
Năm 1837, ở vùng biển Chu Mãi (thuộc Thừa Thiên) xảy ra việc cướp biển đánh thuyền buôn và cướp hết gạo. Triều đình cho chiến thuyển truy đuổi nhưng không kịp.
Nhận thấy không thể phụ thuộc vào người Pháp, năm 1838, vua Minh Mạng cho sở Võ Khố phỏng theo tàu phương Tây để chế tạo ra tàu cho Việt Nam dùng, để có thể làm chủ công nghệ. Nhiều vị quan có ý can vì rất tốn kém, có thể mua tàu của phương Tây, nhưng vua Minh Mạng muốn các công tượng trong nước quen với máy móc kỹ thuật.
Người Việt tự đóng chiếc tàu thủy đầu tiên
Vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ, nhưng các thợ thuyền trong công tượng không tin tưởng vào kỹ thuật của mình, dù Vua đốc thúc nhưng từ quan đến thợ không ai dám nhận. Cuối cùng có thợ rèn tên là Huỳnh Văn Lịch, người làng Hiền Lương, xin dứng ra đảm nhận. Lập tức Huỳnh Văn Lịch được giao làm giám đốc xưởng.
Ông Lịch vốn không biết máy móc nhưng lại giỏi nghề rèn, vì thế mà tìm ông Võ Huy Trinh vốn là thợ máy để giúp đỡ. Toàn xưởng cùng tìm hiểu các tàu phương Tây từ thời vua Gia Long để lại để đóng tàu mới.
Chẳng bao lâu tàu đã đóng xong, giống tàu của phương Tây. Đây là tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên do người Việt đóng. Vua Minh Mạng đích thân ra sông Ngự Hà xem tàu chạy thử và rất vừa lòng. Vua ban thưởng cho ông Lịch và ông Trinh, mỗi ông được một chiếc nhẫn vàng và một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn, những người còn lại trong xưởng được chung một ngàn quan tiền.
Sự việc này được Quốc Sử quán triều Nguyễn có ghi chép rằng:
Tháng 4 năm Kỷ Hợi (1839), ngài (vua Minh Mạng) ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước sở Võ khố chế tạo tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đường vỡ nồi nước, máy không chạy, người đốc công bị xiềng, quan bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lâu, vì cố tâu không thật đều bị bỏ ngục. Bây giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh, thả xuống nước chạy mau, ngài ban thưởng người giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗi người một cái nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn. Đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền.
Ngài truyền rằng: “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Tháng 10, lại chế thêm một chiếc tàu máy lớn, phí tổn hơn 11.000 quan tiền. Ngài truyền bộ Hộ rằng: “Ta muốn công tượng nước ta đều biết tập nghề máy móc, vậy nên không kể phí tổn”.
Thợ rèn Huỳnh Văn Lịch trở thành người đóng tàu thủy đầu tiên ở nước ta.
Tháng 11/1839, vua Minh Mạng cho nhóm xưởng ông Lịch đóng thêm 1 tàu thủy nước.
Không chỉ tự lực đóng tàu, vua Minh Mạng cũng tìm mua các tàu mới từ nước ngoài, các đoàn sứ bộ được cử đến Mã Lai, Singapore, châu Âu không chỉ bang giao mà còn tìm hiểu để mua các tàu mới.
Thủy quân không còn được chú trọng
Dù vua Minh Mạng chú trọng thủy quân, nhưng đến thời vua Tự Đức lại không xem trọng khiến tàu của ngoại bang đi vào vùng biển trong nước như chỗ không người, hải tặc hoành hoành không chỉ tấn công tàu buôn mà cả tàu chở lương thực của Triều đình.
Năm 1873, vua Tự Đức được các quan hộ giá ra chơi ở cửa biển Thuận An thì có 9 chiếc tàu buồm chở hàng của Triều đình từ Bắc kỳ vào Huế.
Đột nhiên ngoài khơi có 2 chiếc Tàu ô (hải tặc Trung Quốc) nổ súng tấn công, tàu nhà Nguyễn không chống cự được phải tháo chạy, 2 chiếc tàu hàng bị quân Tàu ô cướp mất. Quan quân nhà Nguyễn dùng súng thần công chống trả nhưng bắn không trúng phát nào, quân Tàu ô mặc sức cướp bóc rồi chạy mất.
Sự việc này thấy rõ sự yếu kém của hải quân thời vua Tự Đức, không còn mạnh như thời vua Minh Mạng trước đó.
Đến khi quân Pháp tiến đánh Đà Nẵng năm 1858 thì thủy quân nhà Nguyễn không có khả năng phòng thủ chống đỡ được.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Bùi Viện và quân đội tuần dương đầu tiên của Việt Nam
- Tài thiện xạ và thủy quân thời Trịnh-Nguyễn trong mắt người phương Tây
Mời xem video:
Từ khóa nhà Nguyễn tàu thủy đóng tàu