Tết, trong trí nhớ tuổi thơ của mình, là được mặc đồ mới, được lì xì và được tự do chạy đi chơi loăng ngoăng mà không bị la mắng, gọi về. Mọi người lớn bỗng dưng dễ tính hẳn ra và ai cũng thường cười bao dung với những lỗi nhỏ nhặt của bọn trẻ con lẫn của người lớn bằng câu, “Tết mà!”

Tết mà! Mẹ cắc củm từng đồng qua nhiều tháng ròng, mua vải được phân phối theo quy định, để cố may cho mỗi đứa con một bộ đồ mới. Gần tết, thợ may bận rộn nhiều đơn hàng nên từ lúc đi đo cho đến lúc khoác được bộ đồ mới là cả tháng hơn. Bọn trẻ con ngong ngóng chờ từng ngày, háo hức, đếm ngược đến ngày lấy đồ. Xong chỉ được mặc thử rồi cởi ra, để dành đến đêm ba mươi mới mặc đón giao thừa và mùng một mặc đi chúc tết hoặc đón khách.

Mình thường đặt bộ đồ mới dưới gối nằm. Đêm nào cũng sờ vuốt mãi lớp vải ca tê còn nguyên hồ cứng ngắc, sột soạt. Thỉnh thoảng lại dụi mũi hít hà mùi hồ, mùi sơn in hoa văn trên vải. Thích thú. Mong ước. Sung sướng. Mơ tưởng đến lúc khoác bộ đồ mới, súng sính chạy đi khắp nơi, ngầm khoe, để mong được nhận lời khen.

Tết mà! Cả nhà được ăn no, không phải nhường nhau như ngày thường. Mẹ nấu nồi thịt kho trứng to vật, theo phong tục miền Nam, nhưng miệng vẫn kể và nhắc món thịt đông miền Bắc. Mình hỏi sao mẹ không nấu, mẹ bảo, miền Nam không có mùa đông nên thịt sẽ không đông lại được. Hồi đó đâu có tủ lạnh để làm đông giả. Rồi mẹ kể chuyện gói bánh chưng, rửa sạch, ép dẽ, cột dây thả xuống giếng, giữ được cả tháng không hư mà nước không vô bánh. Con bé yêu miền Bắc, yêu hoa đào, yêu bánh chưng câu đối đỏ, con gà ngậm hoa hồng, yêu cái rét mưa phùn ngày tết Bắc, đều từ lời kể của bà.

Tết mà! Bọn trẻ con mặc sức ăn bánh kẹo các loại. Ngày thường, thỉnh thoảng trẻ con mới có cái kẹo cứng ngắc, chỉ dám nhấm nháp ngậm từng chút, không dám ăn nhanh sợ hết, ngon trời thần. Tết, nhà nào cũng mua sắm bánh kẹo để đãi khách đến chơi. Cũng vẫn chỉ là những cái kẹo cứng được làm từ đường và màu, mùi trái cây, bọc trong gói giấy bóng xanh đỏ vàng nhiều màu sắc thích mắt. Kẹo thèo lèo cứt chuột. Mứt. Nhiều nhất là mứt dừa. Nhà nào cũng bẻ mấy trái dừa cứng cạy trên cây xuống, biết hàng xóm không có thì ý ới cho nhau, lấy nước dừa kho thịt, cùi được cạy ra, bào mỏng, ướp đường, sên thành mứt. Nhà khéo tay còn pha chế thêm màu vô cho dĩa mứt có nhiều màu sắc. Rồi chùm ruột, na, bí… đều trở thành những miếng mứt ngọt lịm kẽ răng qua bàn tay chế biến tài tình của các chị các mẹ.

Chừng các mẹ thấy bọn trẻ con tăng động, biết chúng ăn nhiều đường quá thì mới la vài câu nhưng bọn trẻ thường phớt lờ lời la mắng vì chúng biết Tết mà!

Tết, nhà nào cũng nghèo, nhưng nhà nào cũng sắm hoa tươi để thắp hương ở ban thờ, trưng ở bàn khách và vài chậu hoa để ở hiên nhà, sân trước. Hầu như nhà nào cũng trồng mai, lặt lá trước tết để kịp hoa ngày tết. Canh đúng ngày, tưới và hãm đúng kiểu để hoa mai nở đúng tết là cả một nghệ thuật, cũng tương tự như đào miền Bắc, nhà nào có cây hoa mai nở đúng tết, nhiều nụ, đẹp đều được hàng xóm trầm trồ khen và học kinh nghiệm. Hoa, một thứ vật chất chuyên chở cái đẹp, mang ý nghĩa tinh thần, giá trị thẩm mỹ, là thứ không thể thiếu trong ngày tết. Nhà nào nghèo lắm thì cũng sắm hoặc tự trồng ít chậu vạn thọ hoặc cúc đồng tiền, loại hoa rẻ tiền, dễ trồng, để làm đẹp nhà cửa. Có hoa mới có tết.

Rồi lì xì, ui chao, cái phong bao đỏ đựng đồng tiền mới tinh có sức hấp dẫn ghê gớm. Trẻ con vui sướng chúc tết, lắng nghe lời dặn dò học giỏi chăm chỉ ngoan ngoãn của người lớn và hân hoan đón nhận những phong bao đỏ chứa đựng sự may mắn. Len lén chạy ra chỗ vắng, ngó trước ngó sau xem có ai không, rồi mới dám he hé phong bao xem trong đó là tờ tiền bao nhiêu, đoạn chạy đi khoe anh, khoe chúng bạn. Tiền lì xì thường được bọn trẻ con tò mò theo những anh chị lớn đặt vào chiếu bầu cua cá cọp, thắng được mấy đồng mừng quýnh, chừng thua lại phụng phịu khóc đòi tiền lại. Những anh chị lớn thường cho bọn trẻ ăn ké theo vài ván, bọn trẻ thắng thì cho luôn, thua thì chọc cho bọn trẻ mè nheo một lúc cho vui rồi trả lại.

Trước tết ít ngày, người ta đi chợ mua sắm, năm cũ sắp hết bèn nhân tiện đó ý ới gọi nhau, “Bà Hai năm nay tết lớn hông bà Hai?” trò chuyện hỏi thăm và coi như bỏ qua bất hoà trước đó. Tết mà, chuyện cũ bỏ qua, giải quyết những tồn đọng để năm mới mọi sự hanh thông, vui vẻ. Hổng thôi, mùng một tết gặp nhau mà còn vướng chuyện cũ, mặt chằm dằm chù ụ thì xui. Cái phong tục cũng là cái đẹp.

Năm đó, mình hơn tám tuổi, chiều hai mươi ba tết, ba vẫn còn nằm viện. Mình lóng ngóng đi ra đi vô, sợ nhà mình không có tết. Trong trí tưởng tượng của mình lúc đó, không đưa ông táo về trời thì không có tết. Biết năm nay ba bệnh nhiều, mẹ vất vả chạy đôn chạy đáo mua thuốc cho ba nên không có tiền mua sắm quần áo mới cho các anh và mình, mình hổng dám đòi, nhưng mình muốn có tết. Thế là con bé, dựa vào trí nhớ qua những lần trước nhìn thấy mẹ làm, bắc ghế leo lên lau dọn ban thờ sạch bóng, rút chân nhang đem ra sân đốt. Chập choạng nhọ mặt người, mẹ và các anh đưa ba từ viện về, bà xin bác sĩ cho ba về ăn tết ở nhà. Mẹ thắp hương khấn đưa ông táo, chỉ có gói kẹo thèo lèo cứt chuột mua vội và ấm trà nhạt. Vợ chồng, ba mẹ con cái xúm xít ăn kẹo uống trà, coi chương trình ca nhạc trên cái ti vi đen trắng có cửa kéo, mỗi lần bật lên phải chờ cả chục phút mới sáng được hơn nửa màn hình, thỉnh thoảng phải vỗ vỗ cái thùng mấy cái thì nó mới có tiếng. Vậy là có tết.

Chị dâu kể, “Năm nay người ta đi chợ tết bị giựt dây chuyền, lắc tay quá trời. Tụi nó ăn cắp cả bông.” Mình sững người. “Trời ơi, quê mình xứ trồng bông mà ai đi ăn cắp bông làm chi?” “Bông người ta bán chợ bông tết á. Ngủ canh mà vẫn bị ăn cắp.” Mình cảm giác như bị đâm. Con gái cũng trố mắt, “Bông rẻ mà ăn cắp chi vậy ta?” Mình than, “Hồi xưa nghèo lắm con, mà không ai ăn cắp như vậy hết. Nghèo nhưng không ai hạ tiện và xấu xí trong tâm hồn đến mức đi ăn cắp bông chợ tết. Người ta hiểu cái chậu bông, thứ tượng trưng cho cái đẹp, phải được trân trọng đón về, không thể có được từ một hành động xấu là ăn cắp. Mấy năm nay, nghe chỗ này chỗ kia xảy ra những hiện tượng ăn cắp bông chợ tết, thậm chí ăn cắp bông được trưng bày nơi công cộng, phá hoại ở những nơi triển lãm… mẹ buồn và trong tâm trí mẹ luôn nghĩ hành vi xấu xí đó chừa quê mình ra. Có lẽ tại mẹ quá yêu quê mình nên mẹ mong và không muốn nghĩ về cái thực tế là cái xấu xí tệ hại ấy nó chẳng chừa chỗ nào hết.”

Tết giờ, nặng lòng, buồn thỉu buồn thiu…

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.