Thất bại là một lẽ tự nhiên
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Trong cuộc sống cũng như công việc ta thường chứng kiến rất nhiều người tuy khỏe mạnh, thông minh, có kiến thức nhưng hầu như không làm được việc gì thành công hoặc tới nơi tới chốn? Cuộc sống cũng rất nhạt nhòa và buồn tẻ.
Tại sao?
Có nhiều lý do để giải thích. Chẳng hạn như cách sống của người đó, bản tính bẩm sinh hoặc hoàn cảnh hay số phận.
Tuy nhiên tôi nghĩ, một trong những lý do chính khiến các cá nhân có đầy đủ mọi thứ nhưng không sống bùng cháy, tràn đầy năng lượng và thành công, không đạt được thành tựu trong công việc mà họ hoàn toàn có thể là vì họ thiếu can đảm.
Nói khác đi là họ luôn sợ thất bại!
Bản năng của con người khi tiếp xúc với ngoại giới là vừa tò mò vừa sợ hãi. Tò mò kích thích con người tư duy và hành động. Sợ hãi khiến người ta co lại, từ bỏ suy nghĩ và hành động và luôn dùng tư thế thụ động đó như một phương thức tự vệ sinh tồn.
“Mình không thể làm được cái này. Mình đâu có làm nó trước đó?”
“Không nên làm nó. Có ai quanh mình làm thế đâu?”
“Ồ. Nếu làm cái này mà sai, mình sẽ còn mặt mũi nào nhìn người xung quanh” .
Nỗi lo sợ thất bại đó ám ảnh con người làm cho họ từ bỏ ngay trong đầu những ý tưởng của mình. Họ cam chịu đi theo một lối mòn nhiều người đã đi.
Đi cùng với nỗi sợ hãi sinh ra từ sự thiếu can đảm trong tư duy là định kiến lý tưởng hóa danh nhân, lý tưởng hóa những người thành công khi cho rằng ở họ con đường đi đến thành công là một con đường thẳng tắp và đơn giản.
Những cuốn sách “kĩ năng” khi được đọc một cách giản đơn, thiếu tinh thần phê phán dễ tạo cho người đọc cảm giác đó. Ở đó, tác giả thường là những doanh nhân thành đạt, những người nổi tiếng và cuốn sách cũng chủ yếu nói đến những thành công là chủ yếu. Họ cũng vạch ra những chiến lược, chiến thuật, phương pháp để đi đến thành công. Nếu đọc trong khi chưa có đủ trải nghiệm cuộc sống và minh triết trong tư duy người ta sẽ cảm thấy rạo rực tinh thần như thể chỉ cần vươn tay ra là có thể chạm đến thành công như họ.
Nhưng thực tế thì sao?
Thực tế thì danh nhân trước khi có được thành công hoặc thậm chí ngay cả sau khi đã thành công vẫn nếm mùi thất bại như thường.
Vĩ nhân, danh nhân suy cho cùng cũng chỉ là con người. Khi đã sống như một con người, thất bại là lẽ tự nhiên.
Cuốn sách “THẤT BẠI CỦA DANH NHÂN” của nhà văn người Nhật Masato Oono kể 24 câu chuyện về cuộc đời của 24 danh nhân. Đại đa số những danh nhân này rất quen thuộc với độc giả trên thế giới như Coco Chanel, Pablo Picasso, Anh em nhà Wright, Alfred Nobel… Tác giả cũng kể về một số nhân vật nổi tiếng của Nhật Bản như Yosano Akiko, Ninomiya Sontoku…
Khác với các cuốn sách viết về danh nhân khác, trong tác phẩm này tác giả không nói về thành công của danh nhân mà chủ yếu kể về những thất bại mà họ đã vấp phải và vượt qua để đạt được thành công đỉnh cao trong cuộc đời mình. Hầu hết, họ đều là những thiên tài, nhưng những thất bại của họ thì cũng rất giống như người bình thường. Ninomiya Sontoku thì thất bại và phải trốn chạy vì lòng đố kị và ghen ghét của người trong làng, Coco Chanel thì bị chê là “lỗi thời”, “lạc hậu”, Babe Ruht (vua bóng chày Mỹ) thì đã từng là đứa trẻ ngỗ ngược, uống rượu, hút thuốc từ khi 7 tuổi và có hơn 10 năm sống trong trường giáo dưỡng, Natsume Soseki (nhà văn số 1 Nhật Bản) thì không nói được tiếng Anh dù là giáo viên dạy tiếng Anh và du học thất bại…
Tuy nhiên, cái khác của họ là đã dũng cảm đối mặt với thất bại để chinh phục nó hoặc biến trải nghiệm cay đắng đó thành sức mạnh, nguyên liệu để khai phá một con đường mới, tạo ra những sản phảm mới.
Chẳng hạn Ninomiya sau khi bỏ chạy khỏi ngôi làng có toàn người đố kị, ghen ghét để lang thang khắp các suối nước nóng ở Nhật và hành thiền để suy ngẫm đã ngộ ra rằng ở trên đời thiện ác là thứ không dễ rạch ròi và hiếm có ai hoàn toàn thiện cũng như hoàn toàn ác. Sự giác ngộ ấy đã giúp ông có can đảm trở lại ngôi làng, chinh phục nhân tâm và tiếp tục công việc thành công.
Natsume Soseki sau khi du học Anh thất bại, trở về Nhật Bản đã biến những khổ đau, sầu muộn trong lòng mình thành tiểu thuyết. Và ông đã rất thành công.
Xen kẽ những câu chuyện về danh nhân, cuốn sách cũng có những phần tác giả phân tích về những thất bại thường ngày của con người như “bỏ quên đồ”, “khoác lác”, “mất tín nhiệm” với người xung quanh và cách thức vượt qua nó.
Sách được viết rất dễ hiểu, có hình minh họa hấp dẫn vì vậy từ học sinh tiểu học tới người lớn đều có thể đọc và suy ngẫm.
Nhà văn Masto Oono là nhà văn chuyên viết các sách diễn giải những điều vĩ đại một cách dễ hiểu, minh triết và gợi cảm hứng. Sách của ông đã bán được hàng triệu bản tại Nhật Bản. Những cuốn sách như vậy là một công cụ hiệu quả để nâng cao dân trí.
Lê Hậu – người dịch cuốn sách này là một bạn trẻ đang làm nghề biên-phiên dịch. Tôi đã gặp Lê Hậu trong một hai lần làm việc cùng với các nhà giáo người Nhật khi họ tiến hành các bài giảng hoặc giao lưu với độc giả Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tìm mua sách qua Facebook Nhà sách Vương gia
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Lịch sử giáo dục Nhật Bản: Phong trào “viết văn về đời sống”
- Đọc sách – Một cách thức để hòa nhập với thế giới văn minh
- Thi đua của giáo dục Việt Nam trong mắt người Nhật
- Tại sao người Việt sống ở nước ngoài lâu vẫn không ứng xử văn minh?
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương thất bại Thành công