Tiên lễ hậu binh: Chiến trận thời xưa hoàn toàn không như ta nghĩ
- Dương Thuật Chi
- •
Cổ nhân có câu: “Tiên lễ hậu binh”, khi phát động chiến tranh cũng phải coi trọng lễ nghĩa. Điều này ứng dụng vào thực tế chiến tranh thời cổ đại như thế nào? Nếu nhìn vào cuộc chiến “Vũ Vương phạt Trụ” trong các ghi chép lịch sử thì thật sự là khó có thể tưởng tượng được.
Người hiện đại có câu: “Thắng làm vua, thua làm giặc”, “Cá lớn nuốt cá bé”, “Đánh rắn phải đánh dập đầu”, nên thường nhìn nhận rằng trong chiến tranh là không từ thủ đoạn. Các cuộc chiến tranh hiện đại có nào là chiến tranh sinh học, chiến tranh hạt nhân, v.v.. Dẫu sao cũng rất khó tìm được những hình ảnh đẹp trong chiến tranh hiện đại.
Cổ nhân giảng “Tiên lễ hậu binh”, người ngày nay thường chỉ hiểu đơn thuần cũng giống như việc ngoại giao trước khi phát động chiến tranh. Tuy nhiên sự thực là chữ “Lễ” này xuyên suốt toàn bộ cuộc chiến, “Lễ” được đặt trước, đặt trên “binh”. Nhìn lại các tư liệu lịch sử về việc Vũ Vương phạt Trụ, có thể thấy được rất nhiều điều đáng suy ngẫm.
Lý do động binh
Người xưa khi giao chiến coi trọng nguyên nhân. Nếu vô duyên vô cớ gây chiến thì cũng tương đương với việc bất nghĩa. Hơn nữa còn cần phải thực hiện nghi lễ trước mới được phép động binh.
Ví như kẻ làm vua mà bội đức, bại hoại cương thường, là hôn quân, khiến thiên hạ hỗn loạn, bách tính lầm than. Đây chính là lý do lật đổ sự thống trị của vị vua này, có thể dấy khởi nghĩa quân, thảo phạt kẻ vô đạo.
Trong “Tư Mã binh pháp” viết rằng:
Đối với những vị quân vương coi thường mệnh lệnh, vi phạm kỷ cương, băng hoại đạo đức, làm trái ý trời và bức hại công thần, thì lệnh cho chư hầu các nước biết đến, công bố tội danh của y, đồng thời bẩm báo thiên địa, thần linh và tiên tổ. Sau đó quan Thái Tế triệu tập quân đội các chư hầu, phát lệnh rằng: “Quốc gia đó vô đạo, cần xuất binh chinh phạt. Quân đội của các chư hầu vào ngày tháng năm đã định, mang quân đến nước đó, cùng thiên tử trừng trị kẻ có tội.”
Coi trọng đúng hẹn
Trong binh pháp “Lục Thao” (6 phép dùng binh) của Khương Tử Nha có ghi lại các quy tắc phát động chiến tranh. Cả hai bên phải thống nhất về thời gian và địa điểm của cuộc chiến và phải “đúng hẹn”.
Trong trận Mục Dã, sách “Lã Thị Xuân Thu” chép rằng:
Khi quân đội của Chu Vũ Vương đến sông Vị Thủy, vương triều nhà Thương đã cử Giao Cách đợi quân đội nhà Chu, Vũ Vương gặp mặt ông ta. Giao Cách nói: “Tây Bá sắp đến đâu rồi? Đừng lừa gạt chúng ta.” Vũ Vương nói: “Ta không lừa ngươi, chúng ta sắp đến đất Ân rồi.” Giao Cách lại hỏi: “Ngày nào thì đến nơi?” Vũ Vương đáp: “Ngày Giáp Tý sẽ đến ngoại thành Ân Đô. Ngươi hãy bẩm báo như vậy.”
Tuy nhiên, trên đường hành quân của vua Chu Vũ Vương, trời mưa liên tiếp mấy ngày, quân binh đi lại khó khăn. Lúc này, Chu Vũ Vương không những không cho phép binh lính dừng lại nghỉ ngơi, dưỡng sức, mà ngược lại còn ra lệnh cho binh sĩ tăng tốc hành quân.
Các binh sĩ báo cáo rằng một số binh sĩ đã bị ốm vì mưa, hãy để họ nghỉ ngơi một chút. Nhưng Chu Vũ Vương nói: “Ta đã bảo Giao Cách bẩm báo lại với quân vương của ông ta rằng, ngày Giáp Tý chúng ta sẽ đến ngoại thành Ân Đô. Nếu ngày Giáp Tý không đến được, Giao Cách sẽ thất tín. Giao Cách thất tín, thì quốc vương của ông ta sẽ giết ông ta. Ta hành quân vội vàng là để cứu Giao Cách khỏi chết.”
Chu Vũ Vương đã dẫn theo nhóm binh lính ướt sũng của mình, bước thấp bước cao, ngày đêm hành quân, cuối cùng cũng đến ngoại thành Ân Đô, tức Mục Dã. Lúc này, quân đội của Trụ Vương nhà Thương cũng đến đúng giờ đã hẹn, và bắt đầu dàn trận.
Mặc dù Trụ Vương là vị hôn quân bạo chúa mạt vận, nhưng ông ta cũng không giở trò thừa cơ lấy binh lực sung sức của mình đối với đội quân mệt mỏi của Chu Vũ Vương từ nơi xa đến.
Quân lực hai bên
Do mưa lớn trên đường đi, Chu Vũ Vương lại yêu cầu hành quân gấp, nên mặc dù quân đội đến Mục Dã không trễ hẹn, nhưng những người lính bị bệnh vì dầm mưa vẫn có đôi chút chậm chạp trong bước chân. Đội quân do Chu Vũ Vương thống lĩnh là một sư đoàn tinh nhuệ được “chọn xe”, “chọn mã” kỹ càng.
Trong “Bác Vật Chí” chép rằng:
Vũ Vương phạt Trụ, trên đường gặp mưa lớn. Vì vậy, ông đã thống lĩnh 300 chiến xa, 3.000 binh sĩ, đi 300 dặm một ngày và đã đến điểm giao chiến Mục Dã như đã hẹn.
Bát lộ chư hầu cũng đến trợ giúp Chu Vũ Vương.
Sử sách cho rằng quân Chu còn có hơn 4 vạn bộ binh, còn 3.000 binh sĩ kia là binh sĩ tinh nhuệ. Trong khi đó, quân Trụ Vương đến 70 vạn, trong đó có 530.000 binh sĩ và 170.000 nô lệ.
Sau này, các tài liệu của nhà Chu đều ghi lại rằng, đội quân của Trụ Vương nhà Thương ở phía đối diện lúc đó nhiều không đếm xuể.
Trong cuốn “Đại Minh – Đại Nhã” của nhà Chu viết: “Quân Ân Thương như nấm mọc sau mưa.”
Nghi thức trước khi khai chiến
Chu Vũ Vương dẫn đội quân tinh nhuệ đến vùng đất Mục Dã, quân đội của vua Thương cũng đã đợi ở đây từ sớm. Nhưng hai bên đều không vội vàng khai chiến, bởi vì vẫn còn đại sự hàng đầu trước trận chiến: Lễ tuyên thệ.
Trụ Vương vẫn kiên nhẫn chờ đợi, bởi vì đây là lễ pháp của tổ tiên. Năm đó, vua Thương Thang, tổ tiên của Trụ Vương, thảo phạt vua Kiệt nhà Hạ, cũng tuyên thệ như vậy, và đã lưu lại “Thang thệ” (Lời tuyên thệ của vua Thương Thang).
Chỉ thấy Vũ Vương cầm một cái kích lớn màu vàng, tượng trưng cho quyền chinh phạt ở tay trái, tay phải cầm cờ đuôi li ngưu (một loài bò vùng cao nguyên) màu trắng. Trước hết, ông bày tỏ lòng biết ơn đối với tám vị chư hầu đã đến tương trợ. Sau đó, Chu Vũ Vương triệu tập tất cả binh lính cầm giáo mác trong tay, bắt đầu chính thức tuyên thệ. Chu Vũ Vương lần lượt liệt kê những tội ác bất nhân bất nghĩa, hôn quân vô đạo của Trụ Vương. Đồng thời tuyên bố rằng mình sẽ thay trời thực hiện “lệnh trừng phạt của Thiên thượng”.
Vậy, tiếp theo phải chăng là hai bên sẽ “xông lên”?
Nhưng không, điều tiếp theo là quy định của Chu Vũ Vương đối với binh lính trên chiến trường.
Quy tắc của cuộc chiến là: Cứ tiến lên 6 hoặc 7 bước, thì phải dừng lại và chỉnh đốn hàng ngũ. Xông lên phía trước không quá 4 hoặc 7 lần, phải dừng lại chỉnh đốn hàng ngũ. Phải dũng mãnh như hổ và gấu đen, nhưng không được tấn công những người đầu hàng…
Theo suy nghĩ của chúng ta ngày nay, bước vài bước, xông lên vài lần lại chỉnh đốn hàng ngũ, thì còn chiến đấu gì nữa?
Nhưng đó là cách chiến đấu lúc bấy giờ. Không chỉ vậy, cảnh thú vị hơn là hàng vạn quân nhà Thương tập hợp ở phía đối diện, lặng lẽ đứng nghe Chu Vũ Vương lần lượt liệt kê những tội ác khác nhau của Trụ Vương.
Vị vua vong quốc vẫn nhận được sự tôn trọng
Khi trình tự nghi lễ kết thúc, đội quân hai bên giao chiến. Tuy rằng binh lực khác nhau một trời một vực, nhưng quân đội của Trụ Vương hầu như không có khả năng chống đỡ, và bị đánh bại chỉ trong chớp mắt. Rất nhiều người bỏ giáo xin đầu hàng Chu Vũ Vương.
Trụ Vương bại trận tháo chạy đến Triều Ca, ăn mặc chỉnh tề, rồi leo lên Lộc Đài, tự thiêu mà chết.
Sau khi được tin, Chu Vũ Vương không những không vui mừng, trái lại còn buồn khóc.
Có lẽ trong mắt Chu Vũ Vương lúc bấy giờ, khi chinh chiến, thảo phạt, thì Trụ Vương là vị vua tàn bạo khiến bách tính điêu linh, phải đánh bại ông ta, mới có thể giúp thiên hạ an định. Nhưng khi đối mặt với sinh tử, Trụ Vương dẫu là kẻ hôn quân vô đạo, thì cũng đều là bậc quân vương triều Thương mà thiên thượng an bài. Chu Vũ Vương, với tư cách là vị quốc vương mới do Trời an bài, vẫn nên kính trọng vị quân vương cũ này. Hơn nữa, dù sao vua Chu Vũ Vương từng là thần tử của Trụ Vương, nên cũng cần tôn trọng khi đối mặt với sự sinh tử của bậc quân chủ.
Là một vị vua vong quốc, sau khi chết vẫn có thể được trọng vọng như vậy đó.
Kỳ thực từ thời Thương, Chu cho đến thời Xuân Thu, vẫn có rất nhiều trường hợp dẫu là hai bên đối địch trong chiến tranh, các tướng sĩ vẫn bày tỏ lòng tôn trọng với nhau. Một ví dụ khác là trận Yên Lăng.
Trận Yên Lăng: Chớ nhục mạ bậc quân vương bại trận
Vào giữa thời Xuân Thu, hai nước Tấn và Sở tranh bá, nước Trịnh phụ thuộc vào nước Sở, nên nước Trịnh trở thành tâm điểm của cuộc giao tranh giữa hai nước.
Nước Trịnh thất bại trong cuộc chiến với nước Tấn, vua Trịnh Thành Công bèn chạy trốn bằng xe ngựa.
Hàn Quyết, đại phu nước Tấn truy đuổi vua Trịnh Thành Công. Phu xe của vua Trịnh Thành Công sợ binh lính nước Tấn đuổi theo phía sau, vì vậy ông ta vừa đánh xe vừa ngoái nhìn về phía sau, nên không thể chuyên tâm đánh xe.
Phu xe của Hàn Quyết nói: “Phải chăng cần mau đuổi kịp họ? Phu xe của họ liên tục quay đầu nhìn lại, không chú tâm vào việc đánh xe, nên có thể bắt kịp.”
Hàn Quyết nói: “Không thể làm nhục bậc quân vương một lần nữa.” Vì vậy, ông ta ngừng đuổi theo.
Tướng quân Khích Chí cũng truy đuổi vua Trịnh Thành Công. Thuộc hạ của ông ta nói: “Một chiếc xe hạng nhẹ đã được cử đến đón đầu từ đường nhỏ. Thuộc hạ sẽ đuổi kịp chiến xa và bắt được ông ta.”
Nhưng Khích Chí lại nói: “Làm tổn hại đến bậc quân vương sẽ bị trừng phạt.” Ông ta cũng ngừng truy đuổi.
Ngay trên chiến trường, tướng quân Khích Chí của nước Tấn 3 lần gặp chiến xa của Sở Công Vương. Ông bèn xuống xe và cởi mũ giáp 3 lần để tỏ lòng thành kính.
Như vậy có thể nói rằng trong chiến tranh, cổ nhân vẫn không quên lễ tiết, không quên nhân nghĩa, không quên đạo đức cao thượng. Vì thế, “Tiên lễ hậu binh” không giống như cách hiểu của chúng ta vào thời nay, tức là trước khi gây chiến thì phải có hành động ngoại giao. “Tiên lễ hậu binh” thật sự có nghĩa là chữ “Lễ” đặt trước chữ “binh”, dù cho có đánh nhau ngươi sống ta chết, thì cũng không thể quên lương tri và đạo đức, không thể vứt bỏ “Lễ”.
Theo Sound Of Hope
Tác giả: Dương Thuật Chi
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân Chu Vũ Vương tiên lễ hậu binh chiến tranh Trụ Vương