Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của tử vi – P4
- Trần Hưng
- •
Năm 1257 Chủ trại Quy Hóa tên Hà Khuất cho người cấp báo tin về Thăng Long tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hơp Thai dàn đại quân ở biên giới, uy hiếp, đe dọa, chuẩn bị sai sứ giả đến chiêu hàng. Tin tức đội quân Mông Cổ hùng mạnh sắp đánh Đại Việt nhanh chóng lan khắp Kinh thành, Triều đình lo lắng nghĩ cách đối phó, qua các cuộc nghị triều vẫn chưa thống nhất được ai sẽ làm Tiết chế cầm quân chống giặc. Dòng chạy của đoạn lịch sử dân tộc này tương truyền rằng có liên quan đến tử vi.
- Tiếp theo phần 3

Triều đình nghi kỵ Hưng Đạo Vương
Bấy giờ các tướng lĩnh đều muốn Hưng Đạo Vương lĩnh ấn tiết chế, vì Vương là người giỏi binh thư nhất. Vua Trần Thái Tông cũng biết rằng nếu để ai khác lĩnh ấn Tiết chế binh mã thì sẽ không thể dùng được đội quân Ngũ Yên nổi tiếng tinh nhuệ của Hưng Đạo Vương.
Trong khi đó người nắm giữ toàn bộ quân đội là Thái sư Trần Thủ Độ cùng các Hoàng thân lại không dám để Hưng Đạo Vương giữ ấn Tiết chế. Chuyện này là do Trần Thủ Độ ép vợ Trần Liễu đang có mang phải làm Hoàng hậu của Trần Thái Tông để duy trì tính nối dõi vương vị. An Sinh vương Trần Liễu làm phản nhưng được tha, vẫn ấm ức mãi, trước khi mất đã trăng trối lại với Hưng Đạo Vương rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”, đồng thời còn để lại cho Vương đội quân Ngũ yên tinh nhuệ nhằm đoạt được thiên hạ.
Vua Trần Thái Tông có phần tin tưởng Hưng Đạo Vương và muốn có đội quân Ngũ Yên, nhưng vẫn lo lắng bởi lời trăng tối của An Sinh Vương, vì thế mà trong một buổi thiết triều đã công bố sẽ giao cho Hưng Đạo Vương làm Tiết chế, nhưng do áp lực từ Trần Thủ Đô cùng các Hoàng thân mà không ban chiếu chỉ hay kiếm báu tiết chế. Có thể nói, chức Tiết chế của Hưng Đạo Vương chỉ là “trang trí cho đẹp”.
Trong các buổi thiết triều, Thái sư Trần Thủ Độ nêu lên kế sách, nhưng các tướng không tỏ thái độ. Lúc này tình thế khẩn cấp khi quân Mông Cổ chuẩn bị tiến sang, chức Tiết chế binh mã vô cùng quan trọng mà Triều đình nhà Trần lại mâu thuẫn không thống nhất.
Lá số tử vi của Hưng Đạo Vương
Theo cuốn sách của nhà Trần “Đông A di sự”, Huệ Túc Phu Nhân nói với vua Trần Thái Tông rằng tử vi có thể biết người trung hay kẻ gian, nên muốn xem tử vi của Hưng Đạo Vương. Vua Trần Thái Tông cho biết Hưng Đạo Vương sinh ngày 1 tháng 5 năm nhân thìn giờ mùi.
Huệ Túc Phu Nhân cẩn thận cầm bút chấm lá số rất chi tiết. Rồi Huệ Túc Phu Nhân nói với Vua rằng:
Tuổi nhâm thìn, mệnh thuộc thủy. Trong lá số thì mệnh lập tại hợi là cung thủy, kim tứ cục. Như vậy là bản mệnh với cung lập đồng hành, được cục sinh ra. Mệnh là bản chất con người, nơi mệnh lập là chỗ đứng của đời người. Chỗ đứng của đời người, với bản chất cùng một hành, có nghĩa cuộc đời lúc nào cũng thuận tiện. Cục là bước đi dài ngắn khác nhau. Kim sinh thủy. Cục kim sinh ra bản mệnh, sinh ra nơi mệnh lập thì từ bản chất, tới chỗ đứng, được bước đi sinh ra. Như vậy không bao giờ vương thất bại. Không bao giờ chết bất đắc kỳ tử. Nếu trao binh quyền cho vương thì chỉ có thắng hoặc hòa, chứ không bại.
Tử vi, Thất sát thủ mệnh, được Hóa quyền, Văn khúc, Trường sinh phù tá thì đây là số của một bậc tể thần, làm lên sự nghiệp vang lừng khắp hoàn vũ, muôn dân trông chờ, nghìn vạn năm sau còn tôn kính. Nói khác đi, mệnh của vương là mệnh của bậc thánh nhân. Như vậy thì bệ hạ còn nghi gì nữa mà không ban chỉ trao quyền Tiết chế cho vương, để vương kịp thời chuẩn bị phá giặc.
Biết Vua còn có ý lo Hưng Đạo Vương cướp ngôi, Huệ Túc Phu Nhân liền nói:
“Bệ hạ sợ trao binh quyền cho vương, rồi vương cướp ngôi vua ư? Nhất định không có. Nếu như vương cướp ngôi, thì muôn nghìn năm sau, sử xanh còn chép vương là một gian thần tặc tử. Trong khi số của vương là số đại anh hùng, đại thánh nhân…Thì nhất định không có việc vương cướp ngôi rồi”.
Tiết chế binh mã Hưng Đạo Vương
Trước buổi thiết triều một ngày, Huệ Túc Phu Nhân đã trao một tờ “hoa tiên” cho Trần Thủ Độ rồi nói rằng: “Tôi mới làm một bài thơ mừng tuổi thọ của Thượng phụ. Rất mong Thượng phụ thu nhận”.
Trần Thủ Độ nhận “hoa tiên” rời khỏi hoàng thành rồi mở ra đọc:
Hôm trước Thượng phụ thua cuộc, có hứa làm theo tôi ba việc. Việc thứ nhất là cho gia đình tôi kiều ngụ ở Đại Việt. Bây giờ tôi xin yêu cầu điều thứ nhì, mong Thượng phụ thực hiện. Đó là: Mai này Hoàng Thượng chỉ định ai lĩnh chức Tiết chế thống quốc binh sự, xin Thái sư đừng cản trở.
Đến buổi thiết triều, vua Trần Thái Tông nhìn mọi người một lượt rồi nói:
Suốt mấy ngày qua, trẫm đã suy nghĩ kỹ. Lại xét số Tử vi, khấn các vị tiên hiền Đại Việt phù hộ. Nay trẫm quyết định. Kể từ lúc này, Hưng Đạo vương là Tiết chế toàn bộ binh mã Đại Việt. Khi mang thanh kiếm này thì vương là trẫm. Mọi mệnh lệnh vương ban ra là lệnh của trẫm.
Nhiều người nhẹ nhõm hân hoan. Trần Thủ Độ cùng một số Hoàng thân cau mặt, nhưng cũng không biết phải làm sao vì Huệ Túc Phu Nhân đã dặn trước ông ta phải thực hiện lời hứa. Bấy giờ Trần Thủ Độ nhớ lại lúc mình thử tài Huệ Túc Khi Nhân thì bà đã nói chính xác cuộc đời của mình, điều này cũng giúp trấn an Trần Thủ Độ.
Hôm sau tại buổi nghị triều tại điện Uy Viễn diễn ra vào tháng 8 năm 1257 (âm lịch), các tướng cùng bàn kế chống quân Mông Cổ, mọi người đều mong ngóng tân Tiết chế đưa ra kế sách. Hưng Đạo Vương năm ấy mới 25 tuổi, hướng vào triều thần nêu cách chống giặc của mình:
Phàm ra quân, phải sử dụng ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. May mắn thay nhân hòa ta đã đạt được từ lâu rồi. Hiện cả nước đang chờ phá giặc.
Thứ nhì là thiên thời. Nếu bây giờ ta sai cắt mũi 3 tên bồi sứ họ Trịnh, rồi thả về (tức đây là cách hạ nhục Sứ giả Mông Cổ) như Thái sư bàn hôm trước, dĩ nhiên ta chọc cho Ngột Lương Hợp Thai nổi giận, đến mất bình tĩnh. Y sẽ xua quân tràn vào đánh ta trong tháng 9. Thế nhưng, khí hậu tháng 9 đến tháng chạp là mùa lạnh. Thiên thời đối với quân ta thực bất lợi. Vì quân ta chịu lạnh dở. Ngược lại, khí hậu này lợi cho quân Mông cổ, vì chúng sống ở vùng Thảo nguyên, khí hậu lạnh cắt da, xé thịt; khí hậu của ta đối với chúng là khí hậu mát mẻ, người ngựa của chúng sẽ cảm thấy dễ chịu.
Vậy ta cứ giữ bí mật việc tống giam sứ, để Ngột Lương Hợp Thai mỏi mắt chờ. Hết tháng chín không thấy sứ về, y lại sai sứ sang nữa. Ta cũng bắt giam. Sang tháng 10 không thấy sứ về, y có thể sai sứ sang nữa. Ta lại bắt giam. Như vậy y có xuất quân cũng phải sang cuối tháng Chạp. Ta chỉ cần cầm cự vài tháng, khí hậu trở thành ấm áp với ta, trở thành ôn nhiệt với Mông cổ. Thế là ta đạt được thiên thời.
Về địa lợi. Ưu điểm của giặc là Kỵ binh xung trận, là phá thành. Vậy ta không thủ thành, cũng chẳng dàn quân. Ta cần dụ cho giặc vào sâu trong nước. Trước hết, triều đình cần rời khỏi Thăng Long, ẩn vào sống với dân. Mỗi bộ ẩn vào một thôn xã khác nhau, luôn di chuyển, để giặc không biết tung tích. Ta dùng chim ưng liên lạc với nhau. Gia đình các đại thần, các võ tướng, ai ở đâu, thì đưa về quê mình sống với dân chúng. Như thế các quan yên tâm phá giặc, không phải vướng vít thê nhi.
Đến đây các triều thần đều đồng tình với kế sách của Hưng Đạo Vương, kể cả những ai trước đây vốn không đồng tình để ông giữ chức Tiết chế.
Về việc Hưng Đạo Vương được cử làm Tiết chế ngay từ cuộc chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất, cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép rằng: “Tháng 9 (năm 1257), xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn”.
Củng cố niềm tin đánh bại đại quân Mông Cổ
Huệ Túc Phu Nhân củng cố niềm tin khi nói với vua Thái Tông:
Thiếp xem tử Vi cho các thiếu niên trong Hoàng Tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau . Sự nghiệp của Quang Khải, Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng . Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu . Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của đệ tứ thái tử Trần Ích Tắc thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi…
Hưng Đạo Vương được cử làm Tiết chế binh mã, Triều đình nhà Trần trên dưới đồng lòng, vì thế mà đánh bại đội quân Mông Cổ.
Năm 1279 Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống, các năm 1285 cà 1287 quân Mông Cổ thêm 2 lần nữa đưa quân tiến đánh Đại Việt. Vua tôi nhà Trần đánh lui đại quân Mông Cổ hùng mạnh nhất, trở thành điểm sáng chói lọi trong lịch sử, khiến cả thế giới cũng phải khâm phục.
Còn về tử vi, khi Hoàng Bính khi đến Thăng Long cũng đã dâng lên 2 cuốn sách là “Tử vi chính nghĩa” và “Triệu Thị minh thuyết tử vi kinh” (đây là cuốn sách do nhà Tống bổ sung qua các trường hợp cụ thể trên cơ sở cuốn “Tử vi chính nghĩa”). Huệ Túc Phu Nhân đã truyền tử vi cho các tôn thất nhà Trần, dùng tử vi để biết người ngay, kẻ gian để dùng. Từ đó tử vi được lưu truyền trong nhà Trần được gọi là “Tử vi Đông A”.
- Xem phần 5
Trần Hưng
Xem thêm:
- Cả châu Âu và Trung Quốc đều muốn có được người Việt này
- Thiên tượng cho thấy Thánh nhân phương Nam đánh bại quân Mông Cổ
Mời xem video:
Từ khóa tử vi nhà Trần Hưng Đạo Vương
