Vào đầu thế kỷ 13 vó ngựa Mông Cổ tung hoàng khắp thế giới, từ châu Á sang tận châu Âu khiến cả thế giới kinh hoàng. Sau khi chiếm được nước Kim, vó ngựa Mông Cổ từ nhiều hướng tiến vào đất Tống.

Năm 1257 vào dịp tết tại triều đình nhà Tống, rất nhiều đại thần có mặt chúc tết Hoàng đế, trong số các đại thần có Hoàng Bính vốn là một vị quan đậu tiến sĩ thông tỏ thiên văn, tử vi và tướng pháp.

Sau khi chúc tết Hoàng đế xong, Hoàng Bính liền ghé đến tòa Khâm Thiên Giám thăm bạn bè của mình. Là những người giỏi tử vi, họ cùng bàn luận tử vi của các thân vương, đại thần trong triều đình, rồi cùng thấy một điều đặc biệt, đó là những người chết trước năm kỷ mão 1279 thì bình thường, nhưng nhiều người đều chết trong năm 1279, lại chết cùng một thời điểm và rất thê thảm.

Hoàng Bính xem kỹ tử vi của Hoàng đế cùng chư Vương, Thái tử, Tam công, Cửu khanh, thấy vận cùng cả rồi. Từ đó Hoàng Bính đoán rằng nhà Tống có lẽ sẽ bị diệt vào năm 1279.

Đêm hôm đó ông lên đài thiên văn quan sát thì thấy sát khí trùm lên các vùng thuộc đất Tống, quỷ tinh chiếu xuống vùng Mông Cổ, mạnh bất khả đương.

Trở về nhà, Hoàng Bính lo lắng không yên, thường quan sát thiên văn, một lần nhìn xuống phương nam thấy sao tử vi (ứng vào vua) sáng chói, các quần tinh xung quanh sáng rực rỡ, thịnh đến hơn trăm năm. Từ đó ông cho rằng Mông Cổ sẽ diệt nhà Tống, nhưng đến phương nam sẽ bị chặn lại.

Thế là ngay trong năm 1257, Hoàng Bính đưa toàn bộ gia tộc hàng nghìn người xuống phía nam đến nương thân ở Đại Việt, trong đó có cô con gái của Hoàng Bính tên là Hoàng Chu Linh năm ấy mới 16 tuổi, sinh ngày 24 tháng 3 năm tân sửu, giờ dần, theo tử vi thì đây là cách: “Nhật Nguyệt tịnh minh hợp chiếu hư không, cư trung Khôi, Hồng, nam tất vi tể tướng, nữ tất đắc quý nhân sủng ái”.

Lá số Hoàng tử Trần Quang Khải và Trần Nhật Duy

thanh thang long thumbnail
Thành Thăng Long. (Ảnh: quehuongonline.vn)

Sau khi đến Thăng Long dù Hoàng Bính thật lòng muốn “núp bóng Hoàng long” nhưng Triều đình có các ý kiến khác nhau, Trần Quang Khải tỏ ý lo lắng làm mếch lòng nhà Tống.

Theo “Đông A di sự” thì lúc này con gái của Hoàng Bính là Hoàng Chu Linh đã xem tử vi cho các Hoàng thân Quốc thích.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải sinh ngày 9 tháng 11 năm Tân Sửu, giờ Dậu. Hoàng Chu Linh nói rằng:

Mệnh của vương gia đóng tại mão, Cự, Cơ thủ mệnh, có Hóa lộc phù trì đó là cái cách của bậc tể thần, cách của một văn thần. Thế nhưng cung quan tại mùi, ngộ Hình. Hình là thanh kiếm, trong khi mệnh ngộ Tang môn. Thế thì vương gia còn có tài đại tướng bách chiến, bách thắng. Thêm Lộc tồn cư thiên di, là cái cách song lộc, văn chương quán thế.

Vũ Uy vương Trần Nhật Duy là con trai vua Trần Thái Tông. Sau này Uy Vũ Vương cùng vợ là Trần Ý Ninh được cử sang giúp nhà Tống chống quân Nguyên. Các trận đánh nổi tiếng ở thành Điếu Ngư và thành Tương Dương đều có sự giúp đỡ của vợ chồng Vũ Uy Vương cùng các tướng Đại Việt. Cũng trên đất Tống, vợ chồng ông đã sinh ra Trần Quốc Toản. (Xem bài: Trần Quốc Toản không tử trận, uy vũ chấn động Trung Nguyên)

Vũ Uy vương sinh ngày 28 tháng 9 năm nhân dần giờ thân. Hoàng Chu Linh đã dùng tử vi đoán rằng:

Số của vương gia hơi giống số của Trương Phi thời Tam quốc. Vương gia tuổi nhâm dần, mệnh của vương lập tại dần, Thất sát thủ mệnh. Cái cách Thất sát tại Dần, Tử vi kinh gọi là “Thất sát triều đẩu, nhất sinh tước lộc vinh xương”. Đúng ra Thất sát thủ mệnh thì da vương gia đen như nhọ chảo, nhưng vì vương gia sinh giờ thân, có Văn xương thủ mệnh, thành ra da trắng trẻo. Thất sát là thượng tướng tinh đẩu, nên dù Văn xương thủ mệnh, vương gia vẫn thích luyện võ hơn là học văn.

Cung Thiên di có Tử, Phủ trấn ngự, mà tuổi Nhâm, nên được cả Hóa khoa, Hóa quyền phù trợ (tử vi nhà Tống an Thiên phủ hóa khoa)… Thì hỡi ơi ! Số vương gia là số anh hùng, cả đời ngồi trên mình ngựa, ba thước gươm xông pha ngoài chiến trường, mà lưu danh muôn thuở.

Hoàng Chu Linh tiếp tục xem tử vi cho nhiều người có mặt lúc đó. Trong đó có cả vợ chồng Trần Tử Đức và Bùi Thiệu Hoa chỉ huy đội quân tinh nhuệ Ngũ Yên. (Xem bài: Lời tiên đoán về hai vị anh hùng chống quân Mông Cổ)

Lá số Trần Thủ Độ

Lúc này vua Trần Thái Tông dẫn một lão ăn mặc nông dân đến nói đây là lão Vũ Thủy cùng quê với mình, vì có tài trồng hoa nên nhà Vua mới để lão trông coi vườn thượng uyển. Vua Thái Tông nhờ Hoàng cô nương xem giúp lão còn sống được mấy năm nữa, rồi nói ngày sinh của lão là ngày 6 tháng 6 năm giáp dần giờ tỵ.

Hoàng Chu Linh nhìn tướng mạo lão Vũ Thủy rồi nói rằng:

Cứ như tướng tiên sinh: Dáng đi như con diều hâu rình mồi, mắt hổ, đầu lân, tay vượn…thì e tiên sinh chỉ ngồi dưới một người, mà trên vạn vạn người.

Số vớí tướng đều giống nhau. Nếu đúng tiên sinh là người làm vườn thì tài tiểu nữ không tới. Tiểu nữ chẳng dám đem ra bàn, e mất thời giờ vàng ngọc của đấng chí tôn, của chư vị anh hùng.

Lúc này Hoàng Bính mới xen vào câu chuyện, nếu Chu Linh đoán đúng hết thân thế sự nghiệp của lão Vũ Thủy thì lão phải thực hiện 3 yêu cầu của Chu Linh; còn ngược lại đoán không đúng thì Hoàng Bính cùng toàn bộ gia tộc trở về nước. Triều đình giật mình, vì không ngờ Hoàng Bính dám đánh cược lớn quá như vậy, lão Vũ Thủy cũng đồng ý đánh cược.

Có lẽ do vì đánh cược nên Hoàng Chu Linh cẩn thận bấm ngón tay và cũng nói nhiều hơn về lão Vũ Thủy:

Mệnh của tiên sinh lập tại Dần, Tử, Phủ thủ mệnh. Tử vi, Thiên-phủ đều là đế tinh. Vì vậy tiên sinh thuộc loại mệnh cực lớn. Tiên sinh sinh ra đúng thời, là người tạo ra thời thế. Tất cả thăng trầm của Đại Việt trong vòng 50 năm qua, đều do một tay tiên sinh nắn bóp thành voi, thành hổ, tùy ý.

Tiên sinh tuổi dần, mệnh lập tại dần, thì trong người có đến hai ông kễnh thủ mệnh, lại thêm sao Thiên hình phù trì. Tử vi kinh nói: “Hình hổ cư dần, hổ đới kiếm hùng, tương phùng đế cách, ư giáp kỷ nhân, uy vũ chấn động”. Nghĩa là: Người có Thiên hình, với Bạch hổ hay tuổi Dần, là cách hổ đeo kiếm hùng. Người tuổi giáp, tuổi kỷ, uy vũ chấn động. Có điều tiên sinh được Lộc tồn thủ mệnh, Hóa lộc cư quan, là cách song lộc, thì là người chuyên quyền.

Thiên hình miếu địa ở mệnh, thì dù tiên sinh chịu ơn ai một bát cơm, sau sẽ trả bằng một kho thóc. Bị ai mắng một câu, sau này tiên sinh sẽ tru di tam tộc nhà người ta.

Cung thê của tiên sinh có Phá quân, ngộ Hóa quyền, Thai, lại bị Kiếp, Không chiếu thì duyên tình của tiên sinh rối như mớ bòng bong. Cho đến giờ này cũng chưa xong, còn chạy như ngựa nhong nhong.

Thấy Hoàng Chu Linh nói về tình duyên, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung vợ của Thái sư Trần Thủ Độ liền nói Hoàng cô nương nói rõ hơn về duyên tình của lão Vũ Thủy.

Hoàng Chu Linh nói tiếp:

Năm trên mười tuổi, tiên sinh gặp một người. Rồi hai người thề non, hẹn biển, định cuộc trăm năm, không cần mai mối, cũng chẳng thỉnh mệnh cha mẹ. Mà dù cha mẹ có cản trở, tiên sinh cũng không nghe nào!

Thế rồi không hiểu vì lý do gì, hai người xa nhau. Nàng tuân lệnh cha mẹ lấy chồng. Tiên sinh hóa điên, hóa khùng, nhưng nhất quyết trung thành với nàng. Vì vậy khi chồng nàng qua đời, tiên sinh với nàng nối lại tình xưa. À, có một điều tiểu nữ nói tiên sinh đừng giận. Kể về uy quyền, thì tiên sinh thuộc loại vương bất vi vương, bá bất vi bá, nhi quyền khuynh thiên hạ. Nghĩa rằng tiên sinh chẳng là vua, cũng chẳng là bá, mà quyền nghiêng thiên hạ. Thế nhưng, bất cứ một người ở địa vị cao sang cũng năm thế bảy thiếp. Riêng tiên sinh thì chỉ biết có một phu nhân mà thôi!

Cung quan của tiên sinh có Liêm trinh, Thiên tướng, thì tiên sinh là người võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Danh tiếng bốn bể. Nhưng tiếc rằng cung quan ngộ Thiên không (sao thiên không xưa kia nay đổi thành địa không), nên tiên sinh hành sự bất chấp luật pháp, chẳng kể đạo lý. Có lúc tiên sinh thành người nửa chính, nửa tà, nửa ma, nửa quỷ. Tiểu nữ e muôn nghìn năm sau còn bị dị nghị. Nhưng… dù ai dị nghị, thì chỉ dị nghị về cá nhân tiên sinh. Còn đối với đất nước, quả thật công nghiệp cũng như tấm lòng của tiên sinh sáng như trăng rằm, không ai chê trách được

Lúc này Hoàng Bính hỏi Thủ Độ: “Thưa tiên sinh, xét số tiên sinh, thì tiên sinh chính là Thái sư Trần Thủ Độ”.

Nhà vua tuyên chỉ: “Thái sư thua Hoàng cô nương rồi. Vậy Thái sư phải làm cho cô nương ba điều đi thôi.”

Chu Linh nói điều ước thứ nhất của mình là mong toàn thể gia đình được ở Đại Việt, 2 điều ước còn lại sẽ nói sau.

Lúc này Hoàng Bính mới quỳ trước Vua và nói rằng chuyến tới Thăng Long này, mục đích của ông là dâng con gái cho nhà vua, để tỏ lòng trung với Trần triều. Lập tức nhà vua ban chế phong Hoàng Chu Linh là Huệ Túc phu nhân.

Sự kiện này Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép rất ngắn gọn:

“Đinh Tỵ, [Nguyên Phong] năm thứ 7 [1257], (Tống Bảo Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, Hoàng Bính đem cả nhà đến cửa khuyết, dâng con gái vào cung. Vua nhận, sách phong làm Huệ Túc phu nhân”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: