Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của tử vi – P5
- Trần Hưng
- •
Nhà Trần từ thời vua Trần Thái Tông đến Trần Anh Tông đều tôn sùng Phật Pháp, dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng giúp Xã Tắc ổn định, Giang Sơn hùng mạnh, thiên hạ thái bình. Vua cũng là người tu luyện, khi thấy Thái tử trưởng thành thì nhường ngôi cho con, lên làm Thượng Hoàng để chuyên tâm tu luyện. Bắt đầu từ thời vua Dụ Tông trở đi thì Vua không còn kính ngưỡng Phật Pháp khiến nhà Trần dần suy yếu, Hồ Quý Ly nắm mọi quyền hành trong Triều. Cũng có một câu chuyện về tử vi gắn liền với thời mạt Trần này.
- Tiếp theo phần 4
Từ Tử vi thấy trước Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần
Bấy giờ Trần Nguyên Đán xem lá số Thượng Hoàng Nghệ Tông thì thấy Vũ Phá thủ mệnh, coi người thân như cừu thù, coi kẻ ác như ruột gan chắc chắn sẽ nghe Hồ Quý Ly; lại thấy Quý Ly có Tử Phá thủ mệnh tại mùi, biết y sẽ cướp ngôi, và nhà Trần mất. Ông cố gắng thuyết thục Thượng Hoàng không nên tin Hồ Quý Ly, nhưng những lời lẽ ruột gan của ông không được Thượng Hoàng nghe theo.
Khi Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông gả công chúa cho Hồ Qúy Ly, thì Trần Nguyên Đán hết sức khuyên can, ông còn làm bài thơ “Thập cầm” (Mười giống chim) cảnh tỉnh Thượng Hoàng hãy cảnh giác với “con quạ già hiểm độc” (chỉ Hồ Quý Ly). Trong bài thơ có câu:
Nhân ngôn ký gửi dữ lão nha
Bất thức lão nha liên ái phầu
Diễn nghĩa
Gửi con cho lão quạ già
Biết là lão quạ thương là mấy thương
Cảnh tỉnh nhà Vua không được, ông biết vận mệnh nhà Trần sắp hết, nên quyết định về Côn Sơn (Hải Dương) dạy học.
Quả nhiên năm 1399, Hồ Quý Ly cho hành hình 400 tướng lĩnh tôn thất nhà Trần, năm sau thì cướp ngôi.
Thấy trước số mệnh Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn
Trần Nguyên Đán có người cháu nội là Trần Nguyên Hãn, cháu ngoại là Nguyễn Trãi. Khi xem số tử vi ông thấy 2 người cháu thì thấy rằng sau này đều là bậc anh hùng nên tận tình chỉ dạy cho cả 2 người.
Với Trần Nguyên Hãn thì ông không lo lắng lắm, nhưng ông lại rất lo cho Nguyễn Trãi vì đứa cháu ngoại này có số mang họa cả 3 họ, nên ông dặn dò Nguyễn Trãi rằng “chiếm thành thì lui binh”.
Sau này cả Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi đều lần lượt gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, lập công lớn và đều là anh hùng dân tộc. Nhưng Lê Lợi lại chỉ là người có thể phò tá vào thời loạn, khi lên ngôi đã giết hại nhiều công thần khi xưa.
Lê Lợi nghi ngờ Trần Nguyên Hãn làm phản. Nhất là Trần Nguyên Hãn là hậu duệ nhà Trần, rất có thể cướp ngôi nhằm khôi phục nhà Trần. Trần Nguyên Hãn liền về quê ở ẩn, nhưng Triều đình vẫn cho bọn sai nha đến bắt về Triều chịu tội.
Theo lịch sử thì trên đường về kinh thành, khi đến bến Đông Hồ trên dòng sông Lô, Trần Nguyên Hãn nói: “Tôi với hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, hoàng thượng nghe lời gièm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết xin soi xét cho”. Rồi ông trầm mình xuống sông tự vẫn.
Thế nhưng theo dòng tộc họ Trần truyền lại thì khi đến giữa sông, Trần Nguyễn Hãn đã giết mấy tên sai nha, tự làm đắm thuyền giống như mình đã tự vẫn, rồi bơi trở vào bờ.
Còn theo dân gian thì khi thuyền đến xã Đông Sơn, ông ngửa mặt khấn trời rằng: “Tôi với Vua cùng mưu việc cứu dân. Việc lớn đã hoàn tất mà Vua lại muốn giết tôi. Hoàng Thiên có biết thì xin soi xét cho”. Ông vừa khấn xong thì bỗng nhiên gió lớn nổi lên, lật úp cả thuyền xuống. Bốn mươi hai xá nhân đều chết đuối cả, riêng ông cùng hai gia đồng lại trôi dạt được vào bờ và thoát chết.
Về Nguyễn Trãi thì nhớ lời dặn của ông ngoại, “chiếm thành thì lui binh”, nên khi đánh thắng quân Minh thì ông từ quan về quê. Tuy nhiên khi vua Lê Thái Tông lên ngôi lại rất muốn trọng dụng và cố mời ông ra làm quan bằng được. Cuối cùng Nguyễn Trãi bị vu oan va bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi viên.
Trần Nguyên Đán từ tử vi nhìn thấy trước được số mệnh, nhưng cũng không thể cải mệnh được.
Đông A di sự
Nhà Trần có ghi chép các vấn đề và sự kiện quan trọng của dòng tộc trong cuốn “Đông A di sự”. Cuốn sách này được chia làm 4 phần:
- Cuốn thứ nhất ghi chép tiểu sử các vị Vua, Hoàng hậu, Hoàng thân quốc thích, các phi tần.
- Phần thứ hai chép về thi văn nghệ thuật.
- Phần thứ ba ghi chép về ngôi mộ tổ ở Thái Đường, đây là nơi phát tích nhà Trần.
- Cuốn thứ tư ghi chép về tử vi.
Người khởi đầu chắp bút là Huệ Túc Phu Nhân, tiếp theo sau là Đoàn Nhữ Hài và Trần Nguyên Đán. Đây là cuốn sách do người trong dòng tộc chứng kiến viết ra nên có thể nói là chính xác.
Vì cuốn sách này ghi chép những việc trong dòng họ, nên không truyền rộng rãi, những người được giữ sách cũng không truyền ra bên ngoài.
Khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ, rất nhiều cuốn sách có giá trị bị chở đến Nam Kinh trong đó có cả cuốn “Đông A di sự”. Tuy nhiên vẫn còn bản khắc mộc của Trần Nguyên Đán được giữ kín truyền lại trong dòng họ.
Sau này vào lúc khó khăn, có người trong họ Trần dùng tử vi để kiếm kế sinh nhai, nên một phần tử vi Đông A đã truyền ra dân chúng qua khẩu truyền.
- Xem phần 6
Trần Hưng
Xem thêm:
- Những kẻ sĩ nhà Trần không quản nguy hiểm đối mặt với Hồ Quý Ly
- Vị Tể tướng tinh thông tử vi, cố giữ cơ nghiệp cho nhà Trần
- Hai lần nhận được tiên tri, Nguyễn Trãi vẫn bị tru di tam tộc
Mời xem video: