Tình nghĩa vợ chồng son sắt của vua Gia Long
- Trần Hưng
- •
Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu tên thật là Tống Thị Lan, là người vợ đầu tiên của vua Gia Long, nổi tiếng với câu chuyện cuộc đời nhiều biến động và tình nghĩa vợ chồng son sắt với nhà vua.
Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu có tên tự là Liên, sinh năm Tân Tỵ (1761) ở Tống Sơn, Thanh Hóa. Khi còn trẻ bà đã được vua Gia Long đích thân đem lễ vật đến hỏi cưới. Bà được biết đến là người phụ nữ hết mực nhân hậu, cần kiệm, biết thương yêu tất cả mọi người. Từ khi trở thành Nguyên phi của Nguyễn Phúc Ánh, bà đã bao phen gian nan bôn tẩu khắp đó đây.
Thỏi vàng chẻ đôi
Năm Quý Mão (1783) vì bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, binh mã bị tiêu diệt gần hết nên Nguyễn Phúc Ánh đã sang cầu cứu quân Xiêm La, đồng thời nhờ Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp đàm phán viện binh. Trọng trách phụng dưỡng mẹ già và trông coi mọi việc trong gia thất suốt thời phiêu bạt, Nguyễn Phúc Ánh ủy thác hết cho Thừa Thiên Cao Hoàng hậu ở quê nhà.
Tình thế cấp bách, phút chia ly đã đến và ngày đoàn tụ chẳng biết đến bao giờ, có hay không, bởi vậy mà khi chia tay, Nguyễn Phúc Ánh đã lấy một nén vàng tốt, chặt ra làm hai, trao cho bà một nửa, còn mình thì giữ một nửa, và nói:
“Con ta đi rồi và ta cũng sẽ đi đây. Phi hãy phụng dưỡng Quốc Mẫu (tức bà Hiếu Khang Hoàng thái hậu, mẹ của Nguyễn Phúc Ánh). Ngày gặp lại cũng chẳng biết là vào lúc nào và ở đâu, bởi vậy, Phi hãy lấy nửa nén vàng tốt này làm của tin”.
Trong những ngày Nguyễn Ánh ngược xuôi đi cầu viện, đánh rồi lại thua, thua rồi lại đánh… lưu lạc hết Xiêm đến Việt, khi Việt cùng đường lại chạy sang Xiêm, bà Nguyên Phi vẫn một mình hết lòng hầu hạ mẹ chồng. Nhiều lúc tính mạng hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc, bà vẫn bình tĩnh vượt qua.
Năm Giáp Thìn (1784), vua Gia Long từ Xiêm trở về, bà rước Quốc mẫu ở lại đảo Phú Quốc. Mùa thu năm Mậu Thân (1788), khi vua Gia Long lấy lại Gia Định, cho người đến Phú Quốc đón bà cùng Quốc mẫu trở về Gia Định. Từ đây, mỗi khi hoàng đế đi đánh giặc, bà thường đi theo.
Có những lúc, bà Nguyên Phi còn thân hành may dệt nhung phục cho quân binh. Cũng có lần quân Nguyễn giáp trận với quân Tây Sơn, thế đối phương mạnh hơn, quân Nguyễn núng thế. Thấy vậy, bà đã tự tay nổi trống thúc quân làm cho binh lính Nguyễn hăng hái xông lên và cuối cùng đã thắng lợi…
Chính vì đức hạnh của bà mà năm 1793, Nguyễn Phúc Ánh đề nghị bà làm mẹ nuôi cho hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng) dù mẹ đẻ của hoàng tử là bà phi Trần Thị Đang (Thuận Thiên Cao hoàng hậu) còn đang khỏe mạnh. Bà bằng lòng với điều kiện chồng phải viết giao ước. Nguyễn Phúc Ánh đồng ý, từ đó hoàng tử Đảm về ở hẳn với bà.
Thừa Thiên Cao hoàng hậu sinh được hai người con trai nhưng đều mất sớm, trước khi vua Gia Long đoạt được sơn hà. Vì vậy bà chỉ còn hoàng tử Đảm bên mình.
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lật đổ hoàn toàn nhà Tây Sơn, lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long. Sau đó một năm, bà được lập làm vương hậu và năm 1806 thì được phong làm hoàng hậu.
Lời ước năm xưa
Khi đánh bại Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn, vua Gia Long đã hỏi bà chuyện thỏi vàng năm xưa… Bà ung dung đem nửa thỏi vàng ra trình lên. Vua Gia Long vô cùng cảm động, cầm lấy nửa thỏi vàng và bảo rằng:
“Vàng này mà còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp cho trong lúc gian nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết.”
Dứt lời, vua lấy nửa thỏi vàng của mình ráp với nửa thoi vàng của bà rồi trao hết cho bà. Về sau bà trao lại cho hoàng tử Đảm.
Vua Gia Long có hơn trăm phi tần nhưng chỉ lập duy nhất ngôi hậu cho bà. Tiếc rằng hưởng phúc không được bao lâu thì hoàng hậu qua đời năm 1814, thọ 53 tuổi. Vua Gia Long thương tiếc nên khóc lóc rất thảm thiết, để tang bà một năm theo lễ.
Đến khi hoàng hậu băng, hoàng tử Đảm được lệnh chủ trì tang lễ như trưởng tử. Nhưng các quan cho rằng nên để Hoàng tôn Đán, con ruột của Hoàng tử Cảnh làm chủ trì. Bấy giờ Gia Long dụ rằng: “Hoàng tử (chỉ Thánh Tổ hoàng đế) là con của Hoàng hậu, còn có khế khoán ở kia, nên sai làm chủ việc thờ cúng. Việc lớn của quốc gia không thể nhất khái câu nệ lễ của nhà dân”. Có quan cho rằng xưng hô trong văn khấn khó nói, vua lại dụ: “Con phụng mệnh cha để tế mẹ, danh chính ngôn thuận, có gì là không được”. Sau mới hết dị nghị.
Hoàng hậu được hiệp táng ngay sát cạnh mộ vua Gia Long trong khuôn viên Thiên Thọ lăng. Đây là lăng tẩm duy nhất của nhà Nguyễn có mộ vua và hoàng hậu đặt song song nhau.
Đức hạnh của bà thật xứng đáng là bậc mẫu nghi trong thiên hạ. đúng với câu được ghi trong văn sách lập làm Hoàng hậu:
- Hòa dịu cần kiệm tỏ đức hay, làm khuôn mẫu cho mọi gia đình.
- Đem phong hóa quan thư khiến Tu, Tề, Trị, Bình được trông cậy.
Sau này, khi hoàng tử Đảm lên ngôi (vua Minh Mạng), ông đã cho người đem thỏi vàng hai mảnh ấy thờ ở Điện Phụng Tiên.
Tiếc rằng Điện Phụng Tiên đã bị phá hủy vào năm 1947. Rất nhiều cổ vật nằm trong đây đã chịu chung số phận với nơi lưu giữ nó, trong đó có thỏi vàng bẻ đôi nhưng vẫn ghép lại được với nhau để làm tin năm xưa, tượng trưng cho mối tình đầy sóng gió nhưng rồi sẽ đoàn tụ giữa vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.
Trần Hưng tổng hợp
Dựa theo bài viết trên Fanpage Cố đô
Xem thêm:
- Cũng có một cung điện mùa hè được xây dựng dưới triều nhà Nguyễn
- Vị vua nhà Nguyễn là khắc tinh của đám tham quan
- Chuyên đề: Điều gì khiến nhà Tây Sơn bại bởi nhà Nguyễn?
- Công nữ Ngọc Vạn, người không có “truyện” trong sử nhà Nguyễn
Mời xem video: So đo càng nặng thì mất mát càng nhiều
Từ khóa nhà Nguyễn Nguyễn Ánh tình nghĩa vợ chồng lịch sử Việt Nam vua Gia Long