Trạng Lường và Trạng Toán: 2 thần đồng toán học thuở xưa
- Trần Hưng
- •
Các vị Trạng xưa kia đa số là giỏi văn chương chữ nghĩa, hiểu sâu kinh điển Nho gia, tùy thời mà có cả Phật và Đạo gia. Nhưng có 2 vị Trạng đặc biệt là Trạng Lường và Trạng Toán nổi tiếng từ nhỏ vì khả năng tính toán thần kỳ của mình, để lại những tác phẩm toán học giúp dân tính toán đo đạc đất đai, đồ vật, cũng như tính toán vật liệu được dễ dàng.
Thần đồng Lương Thế Vinh
Lương Thế Vinh sinh năm 1441 tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), đỗ Trạng nguyên khi mới 23 tuổi. Từ bé ông đã nổi tiếng là thần đồng bởi khả năng tính toán rất giỏi. Rất nhiều câu chuyện về ông được lưu truyền trong dân gian.
Một lần Lương Thế Vinh cùng chúng bạn chơi đùa dưới gốc cây cổ thụ cao lớn, đám trẻ cùng đố nhau xem cái cây này cao bao nhiêu, chẳng ai đoán giống nhau cả, rồi lại đố nhau làm sao biết được chiều cao của cây. Bọn trẻ cho rằng chỉ có cách buộc dây trên ngọn rồi thòng xuống mà đo, nhưng Lương Thế Vinh nói rằng không cần thế, chỉ cần đo bóng cây là tính ra.
Đám trẻ nhao nhao không tin, Lương Thế Vinh lấy cây gậy, đo chiều cao của nó, rồi dựng gậy trên mặt đất đo bóng cây, sau một lát tính toán đã ra chiều cao của cây. Đám trẻ không tin nên vẫn thực hiện theo cách trèo lên cây cao buộc dây trên ngọn rồi thòng dây xuống để đo, kết quả cũng giống như Lương Thế Vinh đã tính.
Cách tính của Lương Thế Vinh là cách mà ngày nay toán học gọi là tam giác đồng dạng.
Thần đồng Vũ Hữu
Trong lịch sử khoa bảng, Mộ Trạch là ngôi làng có số người đỗ đạt nhiều nhất với 36 người đỗ tiến sĩ, chủ yếu là họ Vũ.
Thời vua Lê Nhân Tông có gia đình ông Vũ Bá Khiêm thuộc họ Vũ làng Mộ Trạch sinh hạ được một cậu bé kháu khỉnh đặt tên là Vũ Hữu. Ngay từ thuở nhỏ Vũ Hữu đã nổi tiếng bởi tài năng thiên bẩm về tính toán, trong làng ai có tranh chấp phân chia ruộng đất đều nhờ cậu bé tính toán giúp. Tiếng đồn lan khắp cả vùng Đường An, Trấn Hải Dương.
Một lần Vũ Hữu cùng cha là ông Vũ Bá Khiêm sang nhà bạn của cha chơi. Chủ nhà có cái điều cày được nạm bạc rất đẹp mà cái nõ lại bằng đồng, nên muốn thay cái nõ đồng bằng bạc. Nhưng chủ nhà lại không biết phải ứng ra bao nhiêu bạc. Biết Vũ Hữu có biệt tài tính toán nên chủ nhà nhờ tính giúp.
Vũ Hữu liền xin đem một cái đĩa, rồi đặt chén nước vào trong đĩa, lại rót nước đến đầy miệng chén nước, rồi đem nhúng cái nõ vào chén nước. Nước bị nõ choán chỗ liền tràn ra ngoài xuống cái đĩa. Đem đong số nước tràn ra ngoài chính là phần bạc cần dùng cho chiếc nõ. Chủ nhà theo đó mà đề xuất số bạc để thợ làm, quả nhiên là vừa vặn.
Trạng Lường và Trạng Toán
Năm 1460 vua Lê Thánh Tông lên ngôi, đến năm 1462 thì tổ chức khoa thi đầu tiên. Đây là khoa thi có sự tham dự của các thần đồng nổi tiếng khi đó như Lương Thế Vinh, Quách Đình Bảo, Nguyễn Đức Trinh. Vũ Hữu cũng là thần đồng tại địa phương mình, nhưng là thần đồng về toán học.
Đến kỳ thi cuối là thi Đình tổ chức năm 1463, kết quả người đỗ đầu là Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh, Thám hoa Quách Đình Bảo, còn Vũ Hữu đỗ Hoàng giáp.
Lương Thế Vinh được dân gian gọi là Trạng Lường.
Vũ Hữu dù không đỗ Trạng nguyên, nhưng dân chúng biết ông là người tính toán giỏi nhất nên vẫn quen gọi ông là Trạng Toán.
Trạng Toán tính vật liệu xây thành
Theo sách “Công dư tiệp ký”, năm nọ 3 cửa thành là Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa được xây từ thời nhà Lý lâu ngày nên bị đổ. Vua Lê Thánh Tông sai sửa lại, nhưng các quan bộ Công lúng túng không tính ra được khối lượng vật liệu và dự toán kinh phí.
Có người liền tâu lên biệt tài của Trạng Toán, Vua cho gọi Vũ Hữu tính số vật liệu. Vũ Hữu đo đạc cả ngày, sáng hôm sau đã báo lên số vật liệu cần thiết để xây sửa 3 cửa thành.
Các quan trước đó tính không ra số vật liệu cần xây dựng bẽ mặt liền tâu với Vua rằng: “Xin bệ hạ chớ vội tin lời của quan Lang trung kẻo hỏng việc hệ trọng”.
Một số quan khác tâu rằng cứ để quan Lang Trung làm, nhưng nếu số vật liệu xây dựng bị sai lệch dù một viên gạch cũng phải chịu tội. Vua Lê Thánh Tông nhìn Vũ Hữu hỏi: “Nhà ngươi thấy ý kiến đình thần đề xuất thế nào?”
Giữ thái độ thản nhiên, Vũ Hữu đáp: “Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý.”
Đúng ngày khởi công, các quan kéo đến cổng thành Đông Hoa. Lo sợ Vũ Hữu giành mất công trạng, các quan liền tìm cách giấu đi một viên gạch, để nhân đó vin vào bộ luật Hồng Đức khép Vũ Hữu vào tội lừa dối Vua.
Cổng thành được xây xong vừa khớp số vật liệu tính toán khiến nhà Vua rất hài lòng, tuy nhiên các viên quan đại thần hôm trước tức tối nói: “Quan Lang trung, ngài tính toán rất tài, nhưng vẫn còn thừa một viên”.
“Xin các ngài hãy thư thả, viên gạch đó tôi đã tính toán trước, dùng để thay thế viên gạch bị vỡ ở tường thành phía Tây cửa Đông Hoa”, Vũ Hữu nói.
Rồi Vũ Hữu cùng Vua và các quan đại thần sang bên kia tường thành, sai thợ trèo lên gỡ viên gạch vỡ ra và đem trám viên gạch mới vào thì vừa khít.
Nhà Vua rất đẹp lòng, khen Vũ Hữu đúng là bậc thần toán, rồi sai tặng ông 100 mẫu ruộng tốt.
Vũ Hữu làm quan lập kỷ lục khi làm Thượng thư đến 6 bộ khác nhau. Ông làm quan trải qua 7 đời vua, đến năm 70 tuổi mới nghỉ hưu.
Tác phẩm toán học
Trạng Toán Vũ Hữu để lại cuốn sách “Lập thành toán pháp” (立 成 算 法) giúp đo đạc ruộng đất trên tất cả các địa hình khác nhau, kể cả các địa hình phức tạp, giúp việc tính toán phân chia đất chính xác. Sách cũng có cách tính bằng bàn tính, phép cửu chương.
Trạng Lường Lương Thế với tài đo lường tính toán của mình đã chỉnh lý hoàn thiện cuốn “Toán pháp đại thành” 算法大成 của Vũ Quỳnh. Đồng thời Trạng Lường cũng là tác giả của cuốn “Khải minh Toán học” giúp việc tính toán đo đạc được dễ dàng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video: