Khoa thi kỳ lạ: 3 thần đồng nhỏ tuổi đỗ đầu
- Trần Hưng
- •
Trong lịch sử khoa bảng, khoa thi năm 1247 thời vua Trần Thái Tông là khoa thi kỳ lạ bậc nhất khi cả 3 người đỗ đầu tức “Tam khôi” chỉ là 3 thiếu niên, nhưng họ đều là những thần đồng nổi tiếng tại làng quê của mình. Có khá nhiều câu chuyện về 3 người được lưu lại trong dân gian.
Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất Nguyễn Hiền
Nguyễn Hiền là người xã Dương A, huyện Thượng Hiền (nay thuộc thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, Nam Định), từ nhỏ được xem là thần đồng, thi đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi và là Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng.
Nguyễn Hiền sinh năm 1234 thời vua Trần Thái Tông, dù mất cha từ nhỏ nhưng thông minh và rất thích chữ Thánh Hiền, người mẹ thấy thế liền xin cho con được học chữ ở chùa.
Tương truyền một lần sư viết chữ 10 trang giấy, Nguyễn Hiền liền đọc ngay khiến sư lấy làm lạ. Một lần sư nằm mộng thấy có vị Phật dạy rằng: “Trạng nguyên mỗi lần vào chùa thường nghịch ngợm, sao nhà ngươi không răn đe, ngăn chặn?”
Sư tỉnh dậy đốt đuốc xem xét thì thấy các tượng Phật đều có chữ viết, liền phạt Hiền. Nguyễn Hiền nhận lỗi và lau xóa hết các chữ viết, từ đó vẫn chăm chỉ học hành, học đến đâu nhớ đến đó, đến năm 11 tuổi đã nức tiếng thần đồng.
Bấy giờ có người họ Đăng nghe tiếng về thần đồng Nguyễn Hiền liền đến thử tài, ra đầu đề bài phú “Phượng hoàng sào a, kỳ lân du úc”, và ra hạn cho Hiền số câu, mỗi câu phải có tiếng chỉ một loài cầm thú. Hiền liền ứng khẩu:
Phi long kiên chiếu
Mã bất xuất hà
Ý bi Hữu Hùng chi thế
Ấp vu Trác Lộc chi a.
Dịch là:
Rồng không bay lên nơi ao hồ
Ngựa không từ sông phi ra
Đẹp thay đời có họ Hữu Hùng
Làm nhà ở nơi Trác Lộc.
Người họ Đặng chỉ có thề trầm trồ: Thiên tài.
Bảng nhãn Lê Văn Hưu
Lê Văn Hưu là nhà sử học nổi tiếng thời nhà Trần, ông là tác giả cuốn “Đại Việt Sử ký” – đây được xem là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Ông là người làng Thần Hậu (tục gọi Kẻ Rỵ), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Từ nhỏ Lê Văn Hưu đã nổi tiếng là thần đồng. Truyện xưa kể lại rằng thuở nhỏ Lê Văn Hưu học với thầy ở làng Cổ Bôn, hàng ngày đi học ngang qua quán thợ rèn nên thường hay dừng lại để xem.
Một lần đang xem, Hưu liền buột miệng hỏi: “Bác này! Ông tổ nghề rèn của ta là ai đó?” Người thợ rèn không biết trả lời thế nào liền nói có ý ra câu đối, nếu không đối được thì phải ở lại đây quai búa cho đến khi đối được thì mới được về. Rồi ra câu đối: “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò, rèn nên dùi sắt”.
Lê Văn Hưu thấy câu này chẳng khó đối mấy liền đối ngay: “Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi, giật lấy khôi nguyên”.
Quả nhiên sau này Lê Văn Hưu đỗ vào hàng Khôi nguyên thật.
Thám hoa nhỏ tuổi nhất Đặng Ma La
Sinh cùng năm với Nguyễn Hiền là Đặng Ma La người làng Khúc Thủy, huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Năm 4 tuổi, Đặng Ma La đã đòi mẹ cho được học chữ, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên đến năm 6 tuổi cậu mới được mẹ đưa đến nhà thầy đồ học chữ.
Có giai thoại kể rằng thầy đồ muốn thử tài Ma La nên ra vế đối rằng: “Làm thằng chí, làm thằng chuột, làm thằng bạch đinh, khốn khổ lầm than cùng khắp đất”.
Ma La đối lại rằng: “Đỗ ông cống, đỗ ông nghè, đỗ ông Hoàng giáp, giàu sang phú quý lệch nghiêng trời”.
Vốn thông minh nên trong mấy năm liên, Ma La cứ phải học hết thầy này đến thầy khác, bởi thầy nói hết chữ để dạy rồi. Sau mấy năm Ma La đã học hết chữ của các thầy đồ quanh vùng, nên đành phải tự học.
Năm 1247 thời vua Trần Thái Tông, Triều đình mở khoa thi, đây là khoa kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử, khi mà 3 vị đỗ đầu tức “Tam khôi” chỉ là 3 thiếu niên.
Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, còn Đăng Ma La đỗ Thám hoa, cả hai mới chỉ 13 tuổi và là Trạng nguyên và Thám hoa nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng.
Bảng nhãn là Lê Văn Hưu năm ấy chỉ 17 tuổi cũng còn rất nhỏ tuổi, nhưng sau được vua Trần Thái Tông tin tưởng cho làm thầy dạy trực tiếp cho hoàng thân quốc thích, trong đó có Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Sau này Trần Quang Khải trở thành Tể Tướng đầu triều các đời vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng thần đồng nhà Trần