Trạng nguyên Dương Phúc Tư và giai thoại ngôi mộ thiên táng
- Trần Hưng
- •
Dương Phúc Tư lớn lên trong cảnh đất nước loạn lạc, triều đình tha hóa, nên dẫu thi đỗ trạng nguyên nhưng không thỏa được chí lớn với đời. Ông có bài văn sách được phê là “sĩ vị chân nho, xuất thế đạo hành”, cho thấy học vấn uyên bác của mình. Tuy nhiên tiếc là trạng nguyên Dương Phúc Tư không có cơ hội thi triển cái tài ấy.
Ngôi mộ thiên táng
Tháng 8 âm lịch năm 1470, vua Chiêm Thành là Trà Toàn thống lĩnh 10 vạn quân thủy bộ đánh úp châu Hóa của Đại Việt. Trấn thủ châu Hóa là Phạm Văn Hiển không thể địch nổi phải cho rút hết cả quân và dân vào thành, rồi cấp báo về Triều đình.
Nhận tin báo, vua Lê Thánh Tông cấp tốc chuẩn bị 26 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành, trong đội quân vua Lê có vị tướng tài là Hoàn Nguyên, sống rất nhân nghĩa.
Lần tiến quân này, Đại Việt thắng lớn, tiến thẳng vào Chiêm Thành bắt được vua Chiêm là Trà Toàn. Tuy nhiên tướng quân Hoàn Nguyên bị tử trận, thi hài được đưa về quê nhà.
Giai thoại kể rằng, trên đường đi, khi qua vườn Hồng ở làng Lạc Đạo thì đoàn đưa thi hài nghỉ ngơi, đến sáng hôm sau mọi người nhìn thấy kiến đã vùi toàn bộ áo quan. Người ta cho rằng đây điềm lành “thiên táng”, thế là mọi người cùng an táng tướng Hoàng Nguyên ngay tại vị trí đó. Người nhà cũng xin được cấp đất ở làng Lạc Đạo gần mộ cụ để có điều kiện dựng nhà chăm sóc cho ngôi mộ.
Con tướng quân Hoàn Nguyên là Giảng dụ Nghĩa Yêm là người hay chữ, đi thi Hương đậu qua tứ trường tức Hương cống (tương đương cử nhân ngày nay). Tuy nhiên ông lại không dự kỳ thi Hội mà chỉ thích dạy học bởi đó vốn là ước mơ từ nhỏ của ông. Vậy nên ông nhận chức quan Giảng dụ.
Trạng nguyên Dương Phúc Tư
Giảng dụ Nghĩa Yêm có cậu con trai là Dương Phúc Tư rất thông minh lại chăm chỉ đèn sách. Dù đã sớm có tài, nhưng gặp thời nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Dương Phúc Tư cứ đắn đo mãi không muốn đi thi làm quan cho nhà Mạc.
Mãi đến khoa thi năm 1547 đời Mạc Phúc Tông, ông mới đăng ký dự thi khi đã 43 tuổi. Kết quả ông đỗ đầu tức Trạng nguyên, ngoài ra họ Dương còn có 4 người đỗ khoa thi này là Dương Phúc Tư, Dương Trí Tri, Dương Đôn Cương, Dương Văn An.
Theo các nhà nghiên cứu thì khoa thi này có chất lượng tốt nhất, nêu được những vấn đề cần giải quyết của đất nước lúc bấy giờ. Hội đồng chấm thi đều là những Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa khoa thi trước. Họ phê vào bài văn sách của Dương Phúc Tư là: “Điều đối thiết yếu, chân đại thủ bút, sĩ vị chân nho, xuất thế đạo hành” (Có nghĩa là: điều trả lời thật là thiết yếu, đây là cây bút lớn, là vị chân nho đã xuất thế để hành đạo).
Đỗ Trạng nguyên, Dương Phúc Tư làm quan dần đến chức Binh bộ Thượng thư, được vua phong Tử Khanh Thiếu Bảo, Dương tướng công. Nhưng thời kỳ này xảy ra chiến tranh liên miên giữa các phe phái, triều thần lũng đoạn, “Vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi”. Vì thế Dương Phúc Tư quyết định từ quan về quê dạy học.
Dương Phúc Tư mất năm 1563 thọ 59 tuổi. Lớp lớp con cháu họ Dương ở làng Lạc Đào đều kế thừa đạo học của ông. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 có nhiều người thi đỗ, trong đó có nhiều người đỗ đại khoa tiến sĩ như Dương Thuần, Dương Hoàng, Dương Khuông, Dương Hạo, Dương Lệ, Dương Công Thụ, Dương Khiêm, Dương Sử, Dương Đôn, Dương Hiệu.
Bài văn sách
Sau đây là bài thi văn sách của Trạng nguyên Dương Phúc Tư đăng trên website của họ Dương Việt Nam.
Câu hỏi của Vua như sau:
Bậc Đế Vương cai trị thiên hạ tất phải lấy nhân nghĩa, giao xã, đồn điền, thủy lợi, lục nghệ, đồ thư, học hiệu, văn chương làm việc cốt yếu trong việc cai trị. Thế nào gọi là động, thế nào gọi là tĩnh? Động tĩnh có đúng là có tương thông với nhau chăng? Thế nào gọi là hợp, thế nào gọi là phân? Phân hợp cái nào thì thích hợp? Có phương pháp hoàn thiện việc phòng thủ, giảm bớt sự vất vả của việc vận chuyển, làm cho đất nước đủ cái chi dụng, thực hiện phương pháp này có khó không? Trong thì kinh đô, ngoài thì các quận, xa nữa là nơi biên giới, ai là người có thể khai thác nguồn lợi những nơi đó? Cái nghĩa cơ bản của ngũ nhạc, ngũ xạ, ngũ ngự, lục thư, cửu số có thể trình bày rõ được không? Mối liên quan, sự vững bền và biến hóa của bát quái, cửu trù, sinh số, thành số, cơ số, ngẫu số có thể trình bày đầy đủ được không? Phương pháp học của tiểu học, đại học, thượng tường, hạ tường, đông tự, tây tự, tả học, hữu học đều không giống nhau. Có thể chỉ ra thực chất việc thiết lập chúng và ý nghĩa của từng loại trường đó được không? Các thể thiên văn, nhân văn, sách sớ, từ phú, văn chương, chế cáo không giống nhau. Có thể chỉ ra người tiêu biểu đứng trong giới văn chương sách vở được không? Những thể văn trên đúng là có cái thể cái dụng, cái trước cái sau chăng? Trẫm nối nghiệp tiên tổ, ngay từ buổi ban đầu đã thi hành nền chính sự nhân nghĩa. Kẻ gian tà chưa được giáo hóa thì chỉnh đốn việc tế giao, tế xã. Việc thường ngày chưa được hài hòa thì quy định lại. Của cải tích lũy chưa nhiều thì lấy thủy lợi làm cho nhiều lên. Hạn hán lũ lụt chưa ngăn chặn được thì nghiên cứu lục nghệ , đồ thư. Nền giáo hóa trong thiên hạ chưa được thuần nhất thì coi trọng học hiệu, văn chương. Thế mà hiện nay phải chăng cái học của người lục nghệ học chưa được đúng đắn, hành động của họ chưa hợp với đạo? Có phải vì cái đạo ở đời có khi lên khi xuống mà dẫn đến như vậy chăng. Là bậc đại phu sinh ra trong thời nay, đứng trong triều, thi hành mọi việc, làm thế nào để ở bên trên thì đạo được thịnh vượng, ở bên dưới thì phong tục được tốt đẹp, khiến cho Trẫm có được một nền chính sự trong sáng, có phúc lành như bậc đế vương Hy, Dao xưa. Hãy trả lời tất cả những điều trên dâng lên để Trẫm đích thân đọc xét.
Bài văn sách của Trạng nguyên Dương Phúc Tư:
Thần từng nghe, cái cốt yếu của việc trị nước không phải chỉ có một, trị nước là phải có tâm ngay thẳng. Nhân nghĩa, giao xã, đồn điền, thủy lợi, lục nghệ, đồ thư, học hiệu, văn chương đều là cái cốt yếu của việc trị nước. Cho nên trị nước không chỉ là một việc. Vậy nên tâm mình đã ngay thẳng thì việc trị nước sẽ êm thấm, tâm không ngay thẳng thì việc trị nước sẽ rối loạn. Nếu kẻ sĩ đối với việc học không lấy tâm ngay thẳng làm gốc thì sao đạt được hiệu quả tốt nhất, khiến cho đạo thịnh vượng ở trên, tục tốt đẹp ở dưới, để có nền chính trị trong sáng, để có phúc lành như thời Hi Dao. Biết được điều này thì những điều trên có thể thấy được rõ ràng, cái thể cái dụng có thứ tự trước sau, cách thức trừ bỏ tệ nạn, cái cơ bản của một nền chính trị đều trở nên rõ ràng…
Thần kính đọc câu hỏi bài chế sách: Bậc Đế Vương cai trị thiên hạ tất phải lấy nhân nghĩa , giao xã, đồn lục điền, thủy lợi, lục nghệ, đồ thư, học hiệu, văn chương làm điều cốt yếu trong việc cai trị.
Qua câu hỏi có thể thấy Hoàng Thượng bệ hạ đã quá hiểu những điều cốt yếu trong việc cai trị thiên hạ, nhưng vẫn đem những điều đó ra để thử bọn thần mà thôi. Thần trộm nghe, về nhân nghĩa đã có ghi trong sách Châu thư, về giao xã có chéo trong sách Trung truyện. Cho nên việc nhân nghĩa, giao xã đáng là việc đầu tiên. Làm cho nước giàu dân đủ là việc ở đồn điền. Dân làm ruộng phải dựa vào thủy lợi. Vì vậy việc đồn điền, thủy lợi cần phải phát triển. Lục nghệ đều mang nghĩa lý sâu xa, đồ thư chứa sự thâm thúy của lý học. Thế thì lục nghệ, đồ thư há không nghiên cứu được sao? Trường học là cái gốc của nền giáo hóa, văn chương là tinh hoa của đạo trị nước. Thế thì trường học, văn chương há không coi trọng được sao? Nhân nghĩa được thi hành thì sinh dân hưởng lợi; giao xã dựng nên thì lễ thờ được minh bạch; đồn điền lập lên thì đủ quân lương; thủy lợi phát triển thì tăng thêm của cải trong dân; không có lục nghệ thì lấy đâu ra vật dụng thường ngày; không có đồ thư thì lấy gì để nghiên cứu phép lớn trị nước; trường học phát triển thì qua đó nền giáo hóa được tốt đẹo lên; văn chương thì thế đạo nhờ đó mà hưng thịnh. Những điều cốt yếu của phép cai trị thiên hạ của bạc đế vương đâu có ngoài những điều trên.
Thần kính đọc câu hỏi bài văn chế sách: Thế nào gọi là động, thế nào gọi là tĩnh? Động tĩnh có đúng là tương thông với nhau chăng? Thế nào gọi là hợp, thế nào gọi là phân? Phân hợp cái nào thì thích hợp? Có phương pháp hoàn thiện việc phòng thủ, giảm bớt sự vất vả của việc vận chuyển, làm cho đất nước đủ cái chi dụng, thực hiện phương pháp này có khó không? Trong thì kinh đô, ngoài thì châu quận, xa nữa là nơi biên giới, ai là người có thể khai thác nguồn lợi những nơi đó?
Thần kính đọc câu hỏi trên đã thấy Hoàng Thượng bệ hạ đã thấu hiểu mối lớn của việc cai trị thiên hạ, cho nên mới thể hiện một cách nhuần nhuyễn, thiết thực qua câu hỏi. Thần trộm nghĩ: Nhân nghĩa có động, có tĩnh. Cái dụng của điều nhân tuy hòa thuận mềm mỏng nhưng cũng có bao hàm cái ý vận động vượt lên, nên cái thể của nó lại thuộc về động. Cái dụng của nghĩa tuy là cứng rắn nhưng cùng có ý tùy thời mà quyền biến, nên cái thể của nó là tĩnh lặng thuộc về âm.
Ôi! Nhân thuộc động, nghĩa thuộc tĩnh, điều này xem ra có vẻ không thông. Nhưng suy xét kỹ thì động đến cực điểm thì trở về tĩnh, tĩnh đến cực điểm thì trở lên động, một động một tĩnh làm gốc lẫn cho nhau. Như vậy nhân nghĩa động tĩnh há không phải nương vào nhau mà lưu thông sao? Gia xã có phân có hợp. Trước nhà Hán chủ trương phân tế, sau nhà Hán cũng có khi phân tế. Có người cho rằng phân tế mới đúng, cũng có người cho là hợp tế mới thích hợp. Đến thời Tống thì dùng hợp tế vì cho rằng trời trao cho thiên mệnh nhưng cũng cho rằng đất cũng là trọng yếu, thế thì có việc lớn không thể không cáo với cả trời và đất, mà đại lễ không thể mở nhiều lần. Hợp tế không thể không cáo với cả trời đất và đất mà khi đại lễ lại phân tế thì có hợp với lẽ không? Việc lập đồn điền có ba cái lợi là trị được nước, có đồn điền, giữ vững được thành trì, vì vậy hoàn thành cái công phòng thủ nơi biên ải xa xôi, qua đó hoàn thiện trước việc cố thủ. Như Vũ đế lập đồn điền ở Thâu Đài nhưng làm hao mòn sức mạnh quân đội, như thế thì cố thủ tuy vũng vàng nhưng hỏi có ích gì? Khổng Minh lập đồn điền ở Vị Thượng nhưng có trâu ngựa gỗ tự hành dung vào việc vận chuyển, như vậy giảm được vất vả vận chuyển. Tào Tháo lập đồn điền ở Hứa Hạ là tính thu nguồn lợi nhưng tránh được cái vất vả của sự vận chuyển. Quách Chấn trấn thủ đất Lương, một lần lập đồn điền là đủ cái chi dung trong 10 năm. Đó là cách để có đủ cái chi dung cho quốc gia. Lục Kháng kia vì thiếu gạo mà lệnh cho các tướng tăng thêm diện tích trồng trọt, há đâu phải là người không biết việc chi dụng của đất nước là do việc lập đồn điền nên có đủ. Trên đây là những người biết sử dụng đồn điền. Việc thực hành thủy lợi có nhiều cách. Nghê Khoan kia đào cừ Lục Phụ để trị thủy ở Nội Sử. Nghiêm Hùng đào cừ ở đất Phùng Dực là lấy mối lợi từ nước cho đất kinh sư có hàng vạn miệng ăn. Phùng Trăn đào Giám Hồ mà Cối Kê được mùa. Vương Cảnh tu đắp đập Thược mà vùng Lô Giang no đủ, vượt núi thông đường cũng nhờ vào đó. Ấy là việc làm thủy lợi ở quận ngoài. Như Tang Hoằng Dương khôi phục lại cừ Luân Đài mà đủ nước tưới cho 50 khoảnh ruộng. Nước Xung khai cừ Tiên Thủy mà bắc cầu cho hơn 70 xã. Như vậy tuy là nơi biên ải vô cùng xa xôi mà về ngọn nguồn của thủy lợi không gì không để ý tới. Thế không phải là tính toán đến thủy lợi khắp đất nước sao? Đó là những người biết tận dụng mối lợi từ nước vậy.
Thần lại đọc câu hỏi bài chế sách rằng: Cái nghĩa cơ bản của ngũ nhạc, ngũ xạ, ngũ ngự, lục thư, cửu số có thể trình bày rõ được không? Mối liên quan, sự vững bền và biến hóa của bát quái, cửu trù, sinh số, thành số, cơ số, ngẫu số có thể trình bày đầy đủ được không? Phương pháp học của tiểu học, đại học, thượng tường, hạ tường, đông tự, tây tự, tả học, hữu học đều không giống nhau. Có thể chỉ ra thực chất việc thiết lập chúng và ý nghĩa của từng loại trường đó được không? Các thể thiên văn, nhân văn, sách sớ, từ phú, văn chương, chế cáo không giống nhau. Có thể chỉ ra người tiêu biểu đứng trong giới văn chương sách vở được không?
Qua câu hỏi này, thần kính thấy Hoàng Thượng bệ hạ đã vô cùng hiểu cái gốc lớn của việc cai trị đất nước cho nên đã biểu hiện rõ ràng như thế trong câu hỏi. Thần trộm nghĩ: Lục nghệ là cái biểu hiện văn hiến gồm có lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Có 12 cát lễ (lễ tốt lành) để tế các vị thần của quốc gia. Như lễ tế yên là để tế Hiệu Thiên Thượng đế; lễ tế phiên sài là để tế thần mặt trời, mặt trăng, và các vì tinh tú; lễ tế tiêu liêu là để tế thần phong Bá Liên Sư; lễ tế ly trầm là để tế thần của núi, rừng, sông ngòi, đầm hồ; lễ tế thù cô là để tế thần của muôn vật bốn phương; lễ tế huyết là để tế xã tắc. Ngũ lễ cùng với bốn lễ tế dâng đồ cúng: Lễ tế tự vào mùa Xuân, lễ tế thược vào mùa Hạ, lễ tế đương vào mùa Thu, lễ tế chưng vào mùa Đông, đó đều là lễ tế dâng lên Tiên Vương. Hung lễ ( lễ khi có điều dữ) có năm loại là để bày tỏ nỗi đau buồn trước những mối lo của đất nước. Như lễ tế tang là để bày tỏ nỗi đau buồn trước sự chết chóc; lễ tế hung là để bày tỏ nỗi đau buồn khi đất nước gặp điều chẳng lành; cùng với lễ tế điếu là để bày tỏ nỗi đau buồn khi đất nước thua trận; lễ tế hội là để bày tỏ nỗi đau buồn khi đất nước có giặc giã loạn lạc; lễ tế tuất là để bày tỏ nỗi đau khi đất nước gặp tai họa, đó chính là hung lễ. Quân lễ (lễ tế quân sự) có năm loại là để tập hợp lòng dân cả nước. Như lễ tế đại sư là để làm nhân dân phấn chấn; lễ tế đại phong là để tụ hợp lòng người; lễ tế đại điền là làm cho dân được thư thả, cùng với lễ tế đại đầu là để trao trách nhiệm cho dân chúng; lễ tế đại quân là để bày tỏ lòng thương xót dân chúng, đó chính là năm loại quân lễ. Tân lễ (lễ tiếp khách) có tám loại là để bày tỏ tình thân thiết giữa các nước. Như gặp gỡ vào mùa Xuân có lễ tế triều; gặp gỡ vào mùa Hạ có lễ tế tông; gặp gỡ vào mùa Thu có lễ tế cận; gặp gỡ vào mùa Đông có lễ tế ngộ, cùng với khi gặp nhau thường kỳ thì có lễ tế hội, gặp nhau long trọng thì có lễ tế đồng, tiến cống thường kỳ thì có lễ tế vấn. Gia lễ (lễ đẹp) có sáu loại, là để gần gũi với vạn dân. Như lễ tế chấn phiên là để bày tỏ tình thân thiết với những nước vào hàng anh em; lễ tế khánh hạ là để bày tỏ tình thân thiết với những nước khác họ; lễ tế quan hôn là để tác thành cho trai gái gần gũi, cùng với các lễ tế yến hưởng, ẩm thực, tân xạ, đó là sáu loại của Gia lễ. Không có ngũ lễ lấy gì để giáo hóa dân chúng? Thế nào là lục nhạc (sáu điệu nhạc)? đó là nhạc vân môn tượng trưng như mây bồng bềnh; nha hàm trì tượng trưng như dòng nước thông khắp; nhạc của vua Thuấn là nhạc đại thiều, há không phải nói lên sự nối tiếp nền thịnh trị vô cùng của vua Nghiêu sao? Nhạc đại hộ là nhạc của vua Thang có thể nói được cái ý cứu vớt nhân dân. Nhạc đại vũ là nhạc của vua Vũ là nhạc có ý ca ngợi võ công. Lục nhạc há không phải để giáo hóa cho muôn dân hòa hợp sao? Thế nào gọi là xạ? Xạ có ngũ xạ (năm phép bắn cung). Một phép bạch thỉ: Bắn xuyên qua đích thấy cả đầu mũi tên trắng; hai là phép tam liên: đầu tiên bắn một mũi, sau đó bắn tiếp ba mũi, khiến cho tên bay ra liên tục; Ba là phép tắc vũ: Đuôi tên hơi cao, mũi tên hơi thấp, khiến tên bay xuống thấp; Bốn là phép bầy tôi bắn cùng vua: Bầy tôi phải lùi lại một thước, đó gọi là nhừng bước; Năm là phép quay lại bắn trúng đích… Qua năm phép này có thể thấy đức hạnh của người bắn. Ngự có ngũ ngự (năm phép ngồi xe): Một là ngồi lên xe thì ngựa rung mình, ngựa rung mình thì nhạc ngựa kêu, nhạc ngựa kêu thì lòng hòa điệu; hai là phép toại thủy khúc, tức là ngồi lên xe thì theo thế nước mà đi, dù có gập ghềnh cũng không đổ; ba là phép vũ giao cù, túc là ngồi xe qua đường giao nhau quay xe như điệu múa; bốn là phép dĩ loại nhi nhập, tức là tùy theo duyên phận mà tới trước cửa cung, đó không phải là gặp được lệnh vua sao; năm là phép trục cầm sử tả, tức là đem của cải tới vua nước khác, đó không phải là trục cầm tả sao? Ngũ ngự là để không làm hỏng việc đi lại vậy. Lục thư là để xem xét cái ý của việc đặt chữ. Một là chữ tượng hình, nghĩa là chữ biểu hiện theo hình thể của vật thể, đó là các loại như chữ nhật, chữ nguyệt; hai là chữ chỉ sự, chỉ ra một cách thích hợp sự việc, đó là các chữ loại như chữ thượng, chữ hạ; ba là chữ hội ý, hội hợp dải ý của con người, đó là các chữ loại chữ thuộc loại như chữ vũ, chữ tín. Một chữ có hai cách dùng như chữ hợp, chữ trường thì không phải chữ Giả tá sao? Chữ chuyển chú là loại chữ các bộ phận chuyển đổi vị trí cho nhau, là các chữ thuộc loại như chữ khảo, chữ lão. Mà bên trái biểu diễn ý nghĩa, bên phải biểu diễn âm đọc, như các chữ thuộc loại như chữ giang, chữ hà, há không phải là loại chữ hình thanh sao? Cửu số (chín chữ số) bao hàm hết sự biến hóa của vạn vật. Như phép phương điền là để nắm được ruộng đất, dựng thành lũy, phép phương trình là để tính toán được hình tròn, phép dật phân là để phân rõ việc thuế má của kẻ sang người hèn, cũng như tính toán gạo thóc vải vóc nhiều hay ít, đầy hay vơi. Qua đây có thể thấy nghĩa các môn trong lục nghệ. Trong đồ thư có quái (quẻ) có trù, có sinh có thành, có cơ (số lẻ), có ngẫu (số chẵn). Vua Phục Hy thì có hà đồ, qua đó diễn ra thành các quái nên sau đó có tám quái. 5 số 1,2,3,4 giữ ngôi chính là các quẻ Càn, Khôn, Khảm, Ly. Các số 5,6,7,8 chấn ở các góc là các quẻ Chấn, Đoài, Tốn, Cấn. Đó là số của quái. Vua Đại Vũ thì có lạc thư để trình bày về các trù, các trù phối hợp với nhau mà về sau có chín trù. Như 1 là ngũ hành, 2 là ngũ sự, 3 là bát chính, 4 là ngũ kỷ, 5 là hoàng cực, 6 là tam đức, 7 là thất kê, 8 là thứ huy, 9 là lục cực. Đó là cửu trù. Mà nói riêng về hà đồ thì bắt quái là kinh mà cửu trù là vĩ, nói riêng về lạc thư thì cửu trù là kinh mà bắt quái là vĩ . Hà đồ lấy 5 sinh số thống lĩnh 5 thành số. Sinh ở trong, thành số ở ngoài. Lạc thư lấy 4 ngẫu số phụ thuộc vào 5 cơ số. Cơ số giữ vị trí chính mà ngẫu số giữ vị trí bên ngoài, số nào có vị trí của số đó. Trong Hà đồ thì lấy sinh số thống lĩnh thành số, trình bày cái toàn thể cho mọi người thấy, đó là cái thể của số vĩnh cửu. Lạc thư lấy cơ số để thống lĩnh ngẫu số là chủ ý trình bày việc dương thống lĩnh âm, để mở ra cái dụng biến đổi của số. Qua đó có thể thấy cái kinh vĩ, vĩnh cửu, biến đổi của đồ thư. Việc xây dựng và hoạt động của trường học là có thứ tự. Như 8 tuổi thì vào tiểu học. Trường này dạy về quét dọn, chào hỏi, lục nghệ, đi đứng, chữ của Lễ, Nhạ, Xạ, Ngự, Thư, Số. Đến năm 15 tuổi thì vào đại học. Trường này dạy tận cùng về lý và tính, cái đạo tu dưỡng bản thân, quản lý người khác. Đời Ngu thì đại học gọi là thượng tường, tiểu học gọi là hạ tường, có nghĩa là nơi di dưỡng tuổi già. Đời Hạ thì đại học gọi là đông tự, tiểu học gọi là tây tự, ngĩa là nơi tập bắn. Đời Ân gọi đại học là tả học, tiểu học là hữu học, đó không phải là đã lấy nghĩa là nơi dạy dỗ con người ư? Ôi! Cái nghĩa của học hiệu mỗi thời mỗi khác, nhưng việc thiết lập nó thì có khác nhau đâu. Văn chương biểu hiện mỗi nơi mỗi khác, như dải Ngân Hà kia rạng ngời tinh tú, trời không thể không có văn. Cái văn của trời là do tinh hoa thanh khiết của mặt trăng mặt trời, các vì tinh tú cùng năm ngọn núi thiêng hun đúc nên. Đất không thể không có văn, nên kẻ sĩ đời Hán đã soạn ra văn chương. Như Đổng Trọng Thư đời Hán dâng sách rất vừa long Hoàng Đế, Lưu Hướng dâng sớ mà gian thần hồn kinh. Cho nên có thể văn sách, có thể văn sớ. Tương Như soạn phú mà ngân tới tận tầng mây, Dương Hùng soạn phú mà ý tứ thanh tao mà đáng yêu. Đó là những bài phú nổi tiếng. Như vậy con người há không tung cánh bay cao vươn xa giữa từng trời sao? Kẻ sĩ đời Đường ruổi dong trong trường văn bút. Như Vương, Dương, Lư, kiều nổi tiếng về văn, Lý, Đỗ, Trinh, Gia vẻ vang về thơ. Đó là những người giỏi về thơ văn. Vung ngọn bút lớn viết nên những bài văn lớn gánh vác đạo đời. Như Lý Đức Dụ là người giỏi về chế cáo. Vậy con người ta há không muốn tăng thêm giá trị của mình để được như những người cự phách đời Đường sao? Đó là cái thể chế của văn chương. Tuy không được nổi tiếng thì há không mang lại cho mình chút gì sao?
Thần kính đọc câu hỏi bài văn sách rằng: Hỏi về một số điều trên, vậy trong những điều đó có cái thể cái dụng, cái trước cái sau không?
Qua câu hỏi này, bọn thần kính thấy Hoàng Thượng bệ hạ đã xét đạo trời, biết rõ thứ tự để suy xét khi hành động, phân ra cái trước cái sau nên đem điều này ra hỏi bọn thần. Thần trộm nghĩ: Số là cái cốt yếu trong thiên hạ. Nhưng lục nghệ, đồ thư, học hiệu, văn chương là để làm rõ cái thể, vậy thể nên đặt trước. Nhân nghĩa, giao xã, đồn điền, thủy lợi là để thấy được cái dụng, dụng nên đứng sau. Thế thì suy xét để hành động há không có cái thể, cái dụng, cái trước cái sau sao?
Thần kính đọc câu hỏi bài chế văn: Trẫm nối nghiệp tiên tổ, ngay từ buổi ban đầu đã thi hành nền chính sự nhân nghĩa. Kẻ gian tà chưa được giáo hóa thì chỉnh đốn việc tế giao, tế xã. Việc thường ngày chưa được hài hòa thì quy định lại. Của cải tích lũy chưa nhiều thì lấy thủy lợi làm cho nhiều lên. Hạn hán lũ lụt chưa ngăn chặn được thì nghiên cứu lục nghệ, đồ thư. Nền giáo hóa trong thiên hạ chưa được thuần nhất thì coi trọng học hiệu, văn chương. Thế mà hiện nay phải chăng cái học của người lục nghệ học chưa được đúng đắn, hành động của họ chưa hợp với đạo? Có phải vì cái đạo ở đời có khi lên khi xuống mà dẫn đến như vậy chăng.
Qua câu hỏi này, thần kính thấy Hoàng Thượng bệ hạ cẩn thận ngay từ buổi ban đầu mới nắm chính sự, đã hiểu rõ phương pháp diệt trừ tệ nạn nên đem lục nghệ điều đó ra hỏi bọn thần. Thần kính nghĩ Hoàng Thượng bệ hạ trung chính, tinh túy, thông minh sáng suốt, giỏi noi theo người xưa, nối nghiệp được tổ tông, chẳng mấy chốc thiên hạ được thái bình sao? Khi mới bắt đầu nắm chính sự, bệ hạ đã bày tỏ những điều cốt yếu của nghiệp đế vương, không việc gì không lấy long nhân ái để gần dân, lấy điều nghĩa để rèn dạy dân, nên nhân nghĩa được thi hành. Dùng tế giao để tế trời, tế xã để tế đất, nên giao xã được sửa sang. Làm kẻ bầy tôi, quả có thể dẫn được nhân nghĩa như Mạnh Tử từng vạch ra, thờ vua biết làm văn tế để giúp cho việc tế lễ, một dạ trung thành như Chu Công không. Thế thì ơn trên đã suy xét xuống nhưng kẻ gian tà còn chưa diệt hết, đó là long thành chưa thấu tới trời xanh mà thời vụ chưa được điều hòa, cho nên không thể không có kẻ gian tà. Nghiên cứu mà kẻ gian tà chưa diệt hết, thời vụ chưa được điều hòa thì chế ruộng đất tuy đã định ra những quỹ chi dung cho đất nước vẫn thiếu thốn, việc tích trữ vẫn chưa được đầy đủ. Thủy lợi đã thi hành mà trời vẫn giáng thiên tai không ngăn được, tức là vì nguyên cớ đó. Phát huy cái đẹp của lục nghệ nên lục nghệ đã rõ ràng. Nghiên cứu nguyên lý của đồ thư đã đầy đủ. Nhưng liệu người làm kẻ bầy tôi có thể thể hiện được việc xây dựng nền giáo hóa của triều đình để thi hành cái gốc của nền giáo hóa không. Thế thì nền giáo hóa còn chưa hứng khởi có thể xảy ra. Nền giáo hóa chưa hứng khởi thì tuy học hiệu đã được lập nên nhưng chưa thể làm thay đổi sĩ khí của sĩ phu; văn chương tuy đã được coi trọng nhưng chưa thể nuôi dưỡng nên đạo đức của sĩ phu, dẫn đến bảy môn học chưa được xác định. Do những nguyên cớ trên nên việc áp dụng Số chưa có hiệu quả. Cũng bởi lục nghệ chưa đúng đường mà thành như vậy. Phải chăng bởi thế đạo có lúc nên lúc xuống.
Thần kính đọc câu hỏi bài chế văn: Kẻ đại phu sinh ra trong thời nay, đứng trong triều, thi hành mọi việc, làm thế nào để ở bên trên thì đạo được thịnh vượng, ở bên dưới thì phong tục được tốt đẹp, khiến cho Trẫm có được một nền chính sự trong sang, có phúc lành như bậc đế vương Hy, Dao xưa. Hãy trả lời tất cả những điều trên dâng lên để Trẫm đích thân đọc xét.
Thần trong lòng lo sợ, đội ơn bệ hạ vui lòng dưỡng dục, may được vào làm trong hữu ty. Nay vừa mới vâng theo thiên chiếu lại được phong vào bậc đại phu, kỳ vọng thần sẽ thi hành tốt mọi chức vụ, mong muốn thần đạt được nhiều thành công lớn. Thần xét mình ngu muội, sao đủ làm nổi điều đó. Nhưng lấy một hạt bụi để tăng thêm chiều cao của ngọn núi, lấy một giọt nước để giúp cho biển cả mệnh mông, cho nên thần không dám không trình bày. Thần đau đáu tâm niệm lấy cái tâm chính đáng để khuyến khích mình. Tâm là đầu mối của những điều cốt yếu khi cai trị, là chuẩn mực của cái thể, cái dụng, lục nghệ, đó là cái xảo diệu của tâm. Đồ thư, đó là cái lý số của tâm. Học hiệu, đó là nơi theo học để tâm được trọn vẹn. Văn chương là nơi tâm truyền cái tinh diệu thành văn để dẫn đến nhân nghĩa. Giao xã, đồn điền, thủy lợi cũng có gốc ở đó. Từ đó suy ra, nay muốn đạo được thịnh vượng, phong tục được tốt đẹp, để có được nền chính sự trong sang, được hưởng phúc lành như vua Hy, vua Dao, nếu không lấy tâm để phấn đấu thì lấy gì để đạt được những điều đó. Thần xin suy từ lời trong sách Đại học, dâng lên kế sách Đổng Trọng Thư, lấy lễ chế ngự tâm, suy xét lời giáo huấn trong sách Trung Truyện, xin có lời bàn về cái gốc của tâm có được chăng? Kinh Dịch nói “Luôn lo sợ về cái nghiệp của tâm”, thần nguyện làm tâm mính như vua Nghiêu, vua Thuấn mà gắng gỏi không ngường, thần nguyện làm cho tâm mình như vua Thanh, vua Vũ luôn hầu hạ bên vua. Kinh Dịch nói: “Làm cho tâm này được thảnh thơi”, thần xin lấy cái nghiêm khắc của bậc thánh như vua Ngu để trình bày có được chăng. Lấy đó mà nghiên cứu về lục nghệ thì lễ nghĩa, văn chương được điều hòa, đó là cái giúp nuôi dưỡng cái tâm mình. Khi viết chữ thì nét trái nét phải đều thuần thục. Như vậy lục nghệ, đồ thư đều không gì không rõ ràng. Lấy đó mà suy xét cái học về lục nghệ, đồ thư để dạy rõ cái tinh diệu của lục nghệ, đồ thư thì học hiệu không thể không phát triển. Học hiệu đã phát triển thì nền giáo hóa trước kia không hưng khởi thì nay vì thế mà được hưng khởi, sĩ phu trước kia chưa ngay thẳng thì nay vì thế mà được ngay thẳng. Nền giáo hóa đã hưng khởi, sĩ phu đã ngay thẳng, trong bối cảnh con người được giáo dục, đạo làm người được giáo hóa, kẻ gian tà có thể được giáo hóa thành người lương thiện, mà ơn trạch nhân nghĩa có thể xuống tới người dưới vậy. Con người được hưởng ơn trạch của nền nhân nghĩa thì xa gần đều hòa hợp, trời đất mà hòa hợp có thể cảm ứng mà lễ giao, lễ xã có thể thấu tới trời đất. Qua đó mùa màng luôn bội thu mà hạn lụt cũng hết. Dân có dư thóc gạo, kho có dư của cải, mà thủy lợi phát triển, đồn điền lập nhiều, thì há không có hiệu quả sao. Từng thấy cai trị mà có đạo thì đạo hưng thịnh ở bên trên, đạo cải hóa muôn dân nên phong tục tốt đẹp ở bên dưới, nền chính sự trong sang có thể thấy ngay từ thủa ban đầu, phong thái như vua Hy, vua Dao có thể đủ theo người xưa. Còn như bàn về số thực khó lắm thay. Thấy được cái gốc của số vốn là ở cái tâm ngay thẳng, mà gốc của tâm chỉ có nhân nghĩa. Ôi! Từ cách làm tốt nhất của người lục nghệ giáo hóa mà nói thì nhân nghĩa là cái cốt lõi. Mà từ hai chữ nhân nghĩa mà xét thì nhân nghĩa chứa trong nó lẽ trời. Có cái tâm lớn thì số lớn cũng theo về. Huống bệ hạ hỏi lục nghệ hỏi lại, lấy nhân nghĩa đứng đầu trong các mục của số là có ý ở trong đó. Thần xin được trình bày rõ được chăng? Thần kính xét. Kinh Dịch nói: “Lấy cái gì để giữ ngôi vị, ấy là lòng nhân ái”. Kinh Dịch lại nói: “Ngăn ngừa dân không làm lục nghệ điều sai trái, ấy là dung nghĩa”. Kinh Thư nói: “Biết khoan dung, biết nhân nghĩa là đôn hậu, tín thực, sang suốt, hiểu nghĩa lý. Nhân nghĩa vốn là có lợi”. Mạnh Từ nói: “Có câu nói rằng, thuận theo nhân nghĩa thì thịnh trị”. Các nhà nho đời Tống có câu: “Ngu Thuấn sở dĩ là vuathuấn là bởi vì ngài thi hành nhân nghĩa. Hạ Vũ sở dĩ là vua Vũ là bởi ngài nhân ái gần gũi mọi người. Cư xử nhân nghĩa, vì thế mà Thái Giáp thọ tới 600 tuổi. Nhà Thương sửa nhân nghĩa cho nên Vũ Vương ở ngôi đến trăm năm”.
Xem khắp những lục nghệ được ghi chép trong kinh truyện, những việc mà các bậc đế vương làm, nếu từ nhỏ bỏ nhân nghĩa thì còn gì để nói. Thần xin Hoàng Thượng bệ hạ có tâm gắng thực hành nhân nghĩa, trước sau giữ đạo nhân nghĩa. Khi nhân nghĩa đã được thực hiện rồi, thì suy nghĩ thêm việc thực hiện nhân nghĩa. Khi nhân nghĩa đã được củng cố rồi, thì suy nghĩ thêm việc củng cố nhân nghĩa. Thế thì không thể kể hết tác dụng của nhân nghĩa. Lấy lục nghệ đó mà giảng lục nghệ, Đồ Thư thì đó là lễ, nhạc. Lễ nhạc tức là cái biểu hiện ra bên ngoài của nhân nghĩa. Một động, một tĩnh là lấy sự tác động lẫn nhau của nhân nghĩa làm tác dụng. Coi trọng học hiệu, văn chương là gốc của việc xây dựng nền giáo dục. Phải lấy giáo dục về nhân nghĩa dẫn đường cho nền giáo dục. Vung bút lên là thành bài, đó là cái tiềm ẩn của nhân nghĩa. Lấy nó trị nó, thì sẽ xây dựng được cái toàn thể. Khi đã xây dựng được cái toàn thể thì có thể tiến hành việc cai trị, mà sự hiệu nghiệm của giao xã, đồn lục nghệ, thủy lợi là vô kể. Đạo đã thịnh vượng thì có thể giữ cho luôn thịnh vượng. Cái tốt đẹp của nền cai trị sẽ giữ được luôn đẹp đẽ.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Trạng nguyên Khao bảng