Trí tuệ cổ nhân: Kẻ quê mùa học làm ô
- An Hòa
- •
Từ xưa đến nay, vô luận là bậc hiền nhân hay là nông phu, khi làm việc đều cần phải dụng tâm chuyên nhất mới mong có được thành công. Người ôm chí lớn lại càng phải dụng tâm chuyên nhất, một lòng một dạ, kiên trì với mục tiêu của mình. Trong cuốn sách “Úc Li Tử” của Lưu Bá Ôn có chép một câu chuyện ngụ ngôn nói về điều này có tựa đề “Bỉ nhân học cái”, tức là kẻ quê mùa học làm ô.
Vào thời Chiến Quốc, ở nước Trịnh có một người nông dân học cách chế tác ô đi mưa. Trải qua thời gian 3 năm học nghề và sau khi bỏ ra rất nhiều công sức, cuối cùng ông ta đã thành thạo được việc ấy.
Nhưng thật không may, một trận đại hạn xảy ra và những chiếc ô của ông căn bản đều trở nên vô ích. Thế là ông chuyển sang học cách làm gầu múc nước. Trải qua 3 năm và sau khi mất rất nhiều công sức, cuối cùng ông cũng lại thành thạo việc này.
Nhưng chẳng bao lâu sau, một trận mưa lũ lớn xảy ra, không có ai mua gàu múc nước của ông, nên gàu lại trở nên vô dụng. Thế là, ông quay trở lại với việc bắt đầu làm ô.
Nhưng không lâu sau, đạo tặc nổi lên bốn phương và tất cả mọi người phải tìm mặc áo giáp hay áo của quân lính để tự bảo vệ mình. Quân phục bản thân nó đã có thể dùng để tránh mưa, cho nên không ai hỏi mua ô của ông nữa.
Sau khi cân nhắc, ông nghĩ tốt hơn cả là học cách rèn vũ khí, nhưng lúc này ông đã quá già rồi, lực bất tòng tâm, không thể làm được việc ấy nữa.
Sau khi Úc Li Tử biết được câu chuyện này, ông đã nói:
“Rất nhiều sự tình trong đời người thường thường không phải là điều sức người có thể điều khiển được, mà là do Thần. Ngay cả học nghề gì và kỹ năng có thể được dùng không thì cũng do Thiên mệnh quyết định.
Tuy nhiên, học tập nghề nào lại là quyền lựa chọn của con người chúng ta. Cho nên, rơi vào một kết cục thất bại như vậy, bản thân chúng ta phải tự chịu trách nhiệm.
Giống như có một người làm ruộng rất giỏi trồng lúa, và ông còn khai khẩn đất hoang để trồng lúa. Tuy nhiên vì thủy tai nghiêm trọng, ông đã không thể thu hoạch được gì trong vòng ba năm. Rất nhiều bạn bè đã tới khuyên ông hãy dẫn nước ra ngoài và trồng ngô. Nhưng ông vẫn kiên trì không lay động và tiếp tục trồng lúa.
Năm sau, trời hạn lớn và vẫn tiếp tục như vậy trong hai năm sau đó. Kết quả ruộng lúa của ông khô ráo trở lại và có thu hoạch trong ba năm.
Khi tính toán mùa gặt trong ba năm ấy, ông thấy không chỉ đủ để bù đắp những tổn thất của ông trong quá khứ, mà còn dư lại rất nhiều.
Bởi vậy nói, “Trời hạn đóng ghe thuyền và trời nóng khâu áo bông” là rất có đạo lý.”
Trong cuộc sống, chỉ cần chúng ta có thể kiên trì nghề nghiệp của mình và cố gắng chú tâm vào những lựa chọn của bản thân một cách nghiêm túc thì “chịu được khô hạn tự nhiên sẽ có mưa to, chịu được nóng nực tự nhiên mùa lạnh sẽ đến”. Ngoài ra, người ta cũng cần phải biết nhìn xa trông rộng, có sự phòng ngừa chu đáo, có cách ứng phó kịp thời khi sự tình phát triển không như ta dự đoán. Điều này sẽ giúp giảm thiểu được tổn thất, thậm chí xoay chuyển được tình thế.
Đời người luôn là thăng trầm lên xuống như vậy, có được thì cũng có mất, mất thì tất sẽ được. Thế nên mới có câu: “Thủ đắc vân khai kiến thanh thiên”, nếu cứ chờ đợi cho đến khi mây tan hết, ta sẽ nhìn thấy bầu trời trong xanh.
Câu chuyện “Kẻ quê mùa học làm ô” được trích từ cuốn sách “Úc Li Tử” của Lưu Bá Ôn. Lưu Bá Ôn sinh vào cuối triều Nguyên, từng đỗ tiến sĩ và làm quan trong triều. Ông nhiều lần từ quan, chán ghét các chính sách bạo ngược của triều đình. Ông tinh thông quân sự, thiên văn, địa lý và lịch sử. Về lĩnh vực văn học, Lưu Bá Ôn đã dùng bút pháp ngụ ngôn để viết cuốn sách “Úc Li Tử”. Trong đó có rất nhiều câu chuyện ngắn gọn, ngôn từ giản đơn, tự nhiên, thậm chí còn có phần hài hước, nhưng ngụ ý lại thâm sâu. Những câu chuyện trong “Úc Li Tử” có khả năng đứng độc lập vì chỉ được liên kết nhau qua lời bàn của nhân vật Úc Li Tử.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa kiên trì Lưu Bá Ôn trí tuệ cổ nhân