Trí tuệ cổ nhân: Lập chí cao xa
- ChanhKien
- •
Con người ai cũng có ý chí riêng, qua việc ngôn chí, minh chí và lập chí có thể rõ được chân tâm, nhìn rõ được bản tính, càng có thể kiên định vào con đường phản bổn quy chân của chính mình. Hơn nữa một người cũng có thể nhìn vào ý chí của người khác và của mình để tìm ra khoảng cách giữa mình với người khác, để có thể tiến bộ hơn.
Vương Ngân thời Tống, tên là Tăng, từ nhỏ đã miệt mài sử sách, phẩm hạnh hiền hoà đôn hậu, ông luôn ra sức học tập, là người có chí hướng phi thường. Thời vua Tống Chân Tông, Vương Ngân thi đỗ Trạng nguyên. Có người nói với ông: “Thi đỗ Trạng nguyên rồi, thì một đời ăn chẳng hết, không cần lo cái ăn cái mặc nữa”. Vương Ngân nghiêm túc nói: “Chí hướng của ta xưa nay chưa từng hướng về ăn no mặc ấm”. Sau này, Vương Ngân nhiều lần nhậm chức Tể tướng, thanh liêm mà biết giữ mình, làm việc chính trực, triều đình rất trọng dụng ông.
Vào thời nhà Minh có một người tên là Trâu Lập Am, năm 16 tuổi đến kinh thành tham dự kỳ thi Hội, trò chuyện với một thí sinh khác cũng đến tham gia thi cử. Người ấy vừa gặp mặt liền hỏi: “Thi đỗ Trạng nguyên được bao nhiêu tiền nhỉ?” Trâu Lập Am vừa nghe vậy thì quay đầu bước đi, không buồn nói chuyện với người kia nữa.
Trong Luận Ngữ, Công dã tràng có chép một chuyện như sau.
Nhan Uyên, Tử Lộ theo hầu bên cạnh Khổng Tử, Khổng Tử nói: “Hai trò nói chí hướng của tự mình cho ta nghe?”
Tử Lộ thưa: “Con bằng lòng chia sẻ xe ngựa, áo da cừu của con cho bạn hữu dùng chung, dù dùng hỏng con cũng không oán trách một lời”.
Nhan Uyên nói: “Con nguyện không khoa trương sở trường của con, không tự biểu dương công lao của mình”.
Tử Lộ thưa: “Nhưng chúng con mong được nghe chí hướng của thầy”.
Khổng Tử nói: “Ta nguyện cho người già được phụng dưỡng đầy đủ vui vẻ, bạn bè tin cậy lẫn nhau, trẻ em được quan tâm chăm sóc”.
Ý chí của Tử Lộ ngay thẳng phóng khoáng, có thể khiến tình bạn bền chặt, đồng cam cộng khổ, trừ bỏ đi tự tư tự lợi.
Ý chí của Nhan Uyên thể hiện sự đôn hậu từ đức hạnh, có thể trau dồi bản tính, tu mình lợi người, đạm bạc mà quên đi hư danh của bản thân.
Chí hướng của Đức Khổng Tử thì trong lòng có thể chứa cả thiên hạ, ngôn hành thiện lương, vô tư vô ngã, trong tâm suy nghĩ cho con người khắp thế gian.
Chí hướng và hồng nguyện to lớn của Khổng Tử đã phản ánh ra tâm tính và cảnh giới rất cao, mà chí hướng và hồng nguyện to lớn ấy làm sao có thể được thấu tỏ rõ trong tâm của Khổng Tử như vậy? Nếu không phải xuất phát từ tiêu chuẩn đo lường đạo đức uyên bác tinh túy, thì sao có thể hình thành nên một hệ thống giá trị phổ quát trường tồn mà bất hủ như vậy? Mà bộ hệ thống giá trị, tiêu chuẩn đạo đức này giúp con người, trên có thể tiếp xúc với chân tính, dưới có thể hiểu rõ thế gian.
Con người sinh sống tại thế gian, đa số đều trong vô tri vô giác mà truy cầu và lạc lối vô tận, những điều người ta nghĩ, nói và làm ra mặc dù xuất phát từ ý chí tự do cá nhân, từ động cơ của bản thân, nhưng luôn luôn là vị tư vị kỷ, tự tư tự lợi, có lợi cho mình mà có hại cho người, đây không phải bản tính thuần chân hoàn mỹ của một con người.
Là điều gì bất thuần đã che đậy mất bản tính thuần chân của một người? Liệu có phải là truy cầu hướng ngoại vô tận không biết đủ, mà bất tri bất giác đã hình thành nên các loại quan niệm và kinh nghiệm? Trong thùng thuốc nhuộm lớn bất thuần của xã hội, những người càng tinh ranh càng sành sỏi, chẳng phải là những người càng cách xa bản tính thuần chân hay sao? Chẳng phải càng đánh mất tâm chí hay sao? Người ấy rất khôn, rất hiện thực, nhưng chí hướng của người ấy ắt lại rất nhỏ bé.
Trong xã hội ngày nay, nhân tâm vô cùng phức tạp, giá trị quan của rất nhiều người bị bóp méo nghiêm trọng, chuẩn mực đạo đức rất thấp, tranh đấu lợi ích, quan niệm sùng bái kim tiền, tâm lý biến thái… Điều này cũng gián tiếp hình thành nên một hệ giá trị, tiêu chuẩn đo lường, cũng có cách nhìn, quan niệm, ý kiến chung về con người và sự vật. Tuy nhiên hệ giá trị hiện đại này đối với chí hướng của con người có hại ra sao? Rất nhiều người trong vô thức đã tiếp nhận, khiến tư tưởng bị ô nhiễm, nên không còn sức kháng cự lại và bị cuốn theo cơn sóng trào lưu.
Một đứa trẻ vô tri bị nhấn chìm trong hoàn cảnh xã hội như vậy, làm sao có được chí hướng to lớn đây? Từng thế hệ những người trưởng thành với chuẩn mực đạo đức chỉ có thể ngày càng thấp, giá trị quan càng thêm méo mó, năng lực phân biệt tốt xấu càng yếu kém, sẽ khiến hoàn cảnh xã hội càng thêm đáng buồn. Vì vậy, không những cần cẩn thận khi cho trẻ tiếp xúc với tin tức, mà còn phải giáo dục trẻ theo văn hóa truyền thống, giúp trẻ hình thành nên ý chí to lớn, đạo đức cao thượng.
Chí hướng của mỗi người mỗi khác, quan điểm và hiểu biết đối với sự vật sự việc cũng khác nhau, vì vậy tâm nhất định phải chính, chí hướng nhất định phải thuần chính, nếu không sẽ thuận theo dòng chảy số đông mà dễ đánh mất chính mình. Bậc quân tử nên lập chí từ nhỏ, chí hướng thanh liêm cao thượng. Nếu như lập chí cao thượng và kiên định, ngày sau, khi phục vụ xã hội sẽ không bị lợi ích cám dỗ.
Theo “Tinh giải luận ngữ: Chí của Phu Tử“
Đăng trên ChanhKien.org
Xem thêm:
- Trí tuệ cổ nhân: Chí hướng của một người nên đặt ở Đạo
- Chim yến chim sẻ làm sao biết chí hướng của chim hồng chim hộc
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân
![](https://trithucvn2.net/wp-content/themes/trithucvn_v2/images/ajax-loader.gif)