Trí tuệ cổ nhân: Người cần cù, thiên hạ không có việc gì khó
- An Hòa
- •
Tục ngữ có câu: “Nhất cần thiên hạ vô nan sự”, đối với người cần cù thì thiên hạ không có việc gì khó với họ cả. Vô luận là đối với học tập, làm việc hay sinh sống hàng ngày thì đại đa số người ta đều phải dùng cần cù mà trả giá thì mới có được thành công. Danh thần triều Thanh, Tăng Quốc Phiên, cho rằng người làm quan cần phải có “ngũ cần” là thân cần, nhãn cần, thủ cần, khẩu cần và tâm cần. Tuy rằng ông đưa ra “ngũ cần” là đạo làm quan, nhưng đó cũng là đạo đối nhân xử thế trong cuộc đời.
Thân cần
Thân cần chính là tự mình thể nghiệm, tự mình làm gương. Hay nói cách khác, việc giáo hóa người khác bằng lời nói không bằng lấy chính mình làm gương. Tăng Quốc Phiên lúc còn trong quân doanh, mỗi ngày đều tự yêu cầu bản thân phải cần cù, đầu tiên là phải dậy thật sớm. Bất luận là thời tiết ra sao, hoàn cảnh như thế nào, chỉ cần nghe tiếng gà gáy ông liền dậy đốc thúc việc luyện binh và làm đủ các loại sự vụ. Ông nói với các tướng sĩ: “Việc luyện binh, phải ngày đêm rèn luyện, lâu dần mới có thể thành thục. Như gà ấp trứng, như lò luyện đan, không thể lơ là”.
Trong sách “Luận ngữ” viết: “Thân ngay chính, có thể không cần mệnh lệnh, nếu thân bất chính, dẫu có lệnh cũng không tuân theo”. Ý nói, một người muốn cần tự mình làm gương, bản thân mình nghiêm chính, không cần phải ra lệnh thì mọi người cũng vẫn sẽ tự động nghe theo. Trái lại, nếu bản thân không ngay chính thì dẫu có ra lệnh cũng như không, cho dù cấm cũng không có tác dụng.
Nhãn cần
Nhãn cần là cẩn thận quan sát từ những điều nhỏ nhất. Khi Tăng Quốc Phiên giao cho Lý Hồng Chương huấn luyện đội quân Hoài, Lý Hồng Chương đã dẫn theo ba người đến cầu kiến để Tăng Quốc Phiên phân phó chức vụ cho họ. Đúng lúc đó Tăng Quốc Phiên không có mặt. Lý tướng quân nói ba người chờ ở bên ngoài còn ông đi vào bên trong chờ đợi. Tăng Quốc Phiên trở về, Lý Hồng Chương định cho gọi ba người kia vào gặp.
Lúc đó, Tăng Quốc Phiên ngăn lại và nói không cần gọi họ nữa. Ông nói với Lý Hồng Chương: “Người đứng bên phải là người trung thành đáng tin cậy, có thể ủy thác công việc tiếp tế, hậu cần. Người đứng giữa là người nguy hiểm, chỉ nên giao cho những việc không quan trọng. Còn người bên trái là người có tài nhất, nên trọng dụng”.
Lý Hồng Chương thất kinh hỏi: “Sao ngài có thể nhìn ra được như vậy?”
Tăng Quốc Phiên nói: “Vừa rồi ta tản bộ trở về, đi qua ba người họ. Người bên phải cúi đầu không dám ngẩng, có thể thấy rất kính cẩn, thận trọng, cho nên có thể cắt cử cho công việc tiếp tế. Người đứng ở giữa bề ngoài vô cùng cung kính, nhưng ta vừa đi qua, liền đưa mắt đảo quanh, có thể thấy không thể dùng. Người bên trái từ đầu đến cuối đều đứng thẳng hiên ngang, hai mắt nhìn thẳng, đúng mực, chính là bậc tướng tài”.
Người mà Tăng Quốc Phiên gọi là bậc tướng tài kia chính là Lưu Minh Truyền, sau này làm tới tuần phủ Đài Loan.
Thủ cần
Theo Tằng Quốc Phiên, thủ cần chính là dưỡng thành các thói quen tốt. Cả đời Tăng Quốc Phiên đã dưỡng thành thói quen tốt: tự nhìn nhận lại bản thân, đọc sách, viết thư về nhà.
Mỗi ngày ông đều viết nhật ký, thông qua việc viết nhật ký này mà tu dưỡng bản thân. Sau đó ông lại suy xét kiểm điểm lại những chỗ thiếu sót của bản thân, không ngừng tu dưỡng chính mình. Tăng Quốc Phiên nói: “Khí chất của con người là trời sinh, rất khó thay đổi, duy chỉ có đọc sách mới có thể cải biến được. Những người tinh thông tướng pháp thời cổ đều cho rằng, đọc sách có thể thay đổi được tướng cốt của một người”.
Tăng Quốc Phiên quy định cho bản thân mỗi ngày phải kiên trì đọc sách lịch sử không dưới mười trang. Sau khi ăn xong, ông sẽ luyện chữ không dưới nửa giờ. Thông qua đó, ông không những cải biến được khí chất mà còn tôi luyện được tinh thần cần cù bền bỉ cho mình, đồng thời cũng tăng trưởng được tài năng cho bản thân.
Ngoài ra, Tăng Quốc Phiên thường hay viết thư về nhà. Có tài liệu ghi rằng, chỉ trong năm 1861, ông đã viết hơn 253 lá thư về nhà. Thông qua thư từ, ông không ngừng giáo huấn em trai cùng con cái. Dưới sự ảnh hưởng của ông, hậu nhân của gia tộc họ Tăng đã xuất hiện rất nhiều nhân tài được lưu danh sử sách.
Khẩu cần
Khẩu cần là nói về đạo chung sống hòa hợp với mọi người. Trong quân binh, có những lúc mâu thuẫn xảy ra kịch liệt, nếu cứ tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc quốc gia đại sự, Tăng Quốc Phiên không chọn dùng “võ mồm” để tranh đấu mà chọn thái độ nhường nhịn, khiêm cung, dần dần cảm hóa được đối phương.
Khổng Tử từng nói: “Phàm là người nhân thì khi mình muốn tự lập tự cường thì mình cũng khao khát cho người khác được như thế; mình muốn thành đạt thì cũng cầu mong sao cho tha nhân được thành đạt”, và ngược lại, “Điều gì mình không muốn, không thích thì cũng là điều mà mình cần tránh gây ra cho người ta”. Tăng Quốc Phiên cũng thực hành điều này.
Tăng Quốc Phiên không chỉ là với đồng sự cùng người bề trên, mà ngay cả người bề dưới cũng kiên nhẫn khuyên răn giảng giải. Cách đối nhân xử thế này của ông không chỉ khiến ông thành tựu được bản thân, mà còn giúp những danh thần như Lý Hồng Chương, Tả Tông Đường, Trương Chi Động phục hưng được một đoạn mạt Thanh ngắn ngủi.
Tâm cần
Tâm cần chính là nói về phẩm chất ý chí kiên định. Bất luận là trong học tập thi cử hay khi bình định quân đội đều có lúc thành lúc bại, nhưng Tăng Quốc Phiên đều dùng sự cần cù nỗ lực kiên trì, ý chí kiên định để vượt qua. Trong mọi phương diện, ông đều dụng tâm dụng sức, nhờ sự bỏ công ấy mà có được thành tựu.
Ông nói: “Tất cả những kẻ tầm thường trong thiên hạ từ cổ chí kim, đều từ lười biếng mà dẫn đến thất bại”. Lấy siêng năng trị lười biếng, lấy chăm chỉ trừ bỏ thói tầm thường. Dẫu là tu thân, tự kiểm điểm, hay trong đối nhân xử thế chỉ cần có chữ “cần” thì thiên hạ ắt không có việc gì khó, không có việc gì là không thể làm được.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khiêm cung tu dưỡng đạo đức kiên định