Để đạt được mục tiêu nào đó, người ta cần phải tôn trọng và dựa vào quy luật khách quan của hết thảy sự vật, còn nếu chỉ dựa vào mong muốn chủ quan của bản thân để làm một việc gì đó, cho dù là ý định tốt, động cơ tốt thì kết quả cũng chỉ là phản tác dụng mà thôi. Thành ngữ cổ có câu: “Bạt miêu trợ trưởng” là chỉ việc rút cây lúa, hòng ép nó cao lên để giúp nó mau lớn. Thành ngữ này đã đưa ra một ví dụ sống động về việc nóng nảy vội vã không chỉ thể hiện ra sự kém hiểu biết mà còn làm hỏng việc.

Thành ngữ “Bạt miêu trợ trưởng” có xuất xứ từ “Mạnh Tử. Công Tôn Sửu thượng”. Trong đó viết, Mạnh Tử có một lần kể cho Công Tôn Sửu nghe một câu chuyện. Chuyện rằng ở nước Tống có một người vì lo lắng cây lúa của mình lớn quá chậm bèn đi đến ruộng cố sức rút chân cây lúa cho cao lên. Ông cho rằng làm như vậy có thể khiến cây lúa của mình mau lớn hơn. Làm cả ngày mệt nhọc, vừa về đến nhà, ông nói với người nhà rằng: “Hôm nay mệt quá! Ta đã giúp cho lúa lớn lên”. Con trai của ông nghe nói vậy liền vội chạy ra ruộng xem thì thấy lúa đã chết hết cả.

Về sau “Bạt miêu trợ trưởng” trở thành thành ngữ và được mọi người dùng để mô tả những người vì nóng vội đạt được kết quả mà coi thường quy luật phát triển của vạn vật, chỉ dựa vào cảm tính của mình mà làm, kết quả là không những không đạt được mục đích mong muốn mà còn mắc phải sai lầm không thể sửa chữa được, khiến sự tình hỏng mất.

Mạnh Tử sử dụng câu chuyện hình tượng này để làm rõ một ý rằng việc học tập nên phải tuần tự tiệm tiến, tức là từng bước chứ không thể một bước mà lên cao được. Ông cũng nói rằng nước của một con suối ngày đêm không ngừng chảy, đến khi chỗ trũng đã đầy, nước lại chảy hướng về phía trước, kết quả sẽ chảy ra biển. Nếu không theo một trình tự nhất định để học tập mà chỉ nôn nóng muốn có thành quả thì sẽ không bao giờ có được thành tựu mà trái lại còn phạm lỗi lầm.

Trí tuệ cổ nhân: Nóng vội, không thuận quy luật thì khó thành công
(Tranh minh họa: Tranh thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

“Quá do bất cập”, quá mức (thừa hay thiếu) thì đều lệch khỏi đạo trung dung. “Bạt miêu trợ trưởng” chính là một loại hành vi quá mức,  bắt nguồn từ sự nhiễu loạn của ma tính bên trong nội tâm. Bởi vậy hàm ý sâu xa của câu nói này chính là khuyên bảo người ta rằng đánh giá một cách thích hợp thỏa đáng sự việc thì không chỉ nằm ở bên ngoài, mà nằm ở sự toàn vẹn bên trong của việc làm phong phú thêm Phật tính và trừ bỏ đi ma tính.

Rất nhiều học giả trong lịch sử đã đưa ra những quan điểm tương tự về đạo lý làm người. Hồ Chi Duật triều Nguyên viết trong tác phẩm “Hằng trai kí vi y giả tống hòa chi tác”: “Chỉ có giữ tâm thái tĩnh lặng, điềm đạm, hành theo đạo trung dung, tùy kỳ tự nhiên, tuần tự làm hết bổn phận của bản thân mình, lúc cần làm cỏ thì làm cỏ, lúc cần tưới nước thì tưới nước, như thế mới không bị nhiễu loạn bởi những dị thường kỳ dị”.

Lã Bản Trung thời nhà Tống viết trong “Tử vi tạp thuyết” rằng: “Làm người, tu tâm và học vấn công phu đều không thể đi đường tắt, không thể trong một sớm một chiều là có thể đạt được mà cần phải liên tục tích lũy mới có được. Bởi vậy, phải không ngừng tích lũy điều chính điều thiện, sau khi đủ lớn thì nó sẽ tự nhiên làm tan hết băng cứng, nước sẽ chảy thành sông. Còn như bất ngờ dùng sức mạnh mà cưỡng đoạt, khổ tâm cực lực thì cuối cùng vẫn là không đạt được gì”.

Trong cuộc sống, những người “mong muốn cây lúa của mình mau lớn hơn một chút” có lẽ không phải là ít. Nhưng sự vật gì cũng đều có quy luật phát triển khách quan của nó, nếu như chúng ta chỉ dựa vào nguyện vọng tốt đẹp hay sự nhiệt tình của bản thân thôi là không đủ. Bởi vì một khi làm như vậy thì rất có thể điều chúng ta nhận được là hoàn toàn trái ngược lại với nguyện vọng của bản thân mình.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: