Trí tuệ cổ nhân: Nước trong rửa mũ, nước đục rửa chân
- An Hòa
- •
Trong “Mạnh Tử. Ly lâu thiên” ghi lại rằng lúc Khổng Tử đi chu du thiên hạ vào nước Sở, khi đến một dòng suối nhỏ đã nhìn thấy một đám trẻ đang đùa nghịch nước, đồng thời ca hát: “Thương lãng chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngô anh; Thương lãng chi thủy trọc hề, khả dĩ trạc ngô túc”. Ý tứ của hai câu này chính là nếu như nước sông Thương Lãng là trong veo thì ta có thể dùng để giặt mũ, còn nếu như nước sông Thương Lãng là vẩn đục thì ta có thể dùng để rửa chân.
Vào những năm cuối thời Chiến Quốc, quan nước Sở là Khuất Nguyên là một người có tấm lòng trung trinh. Nhưng vua nước Sở không phải là minh quân, Khuất Nguyên bị đố kỵ và hãm hại, cuối cùng bị vua Sở xa lánh, bị lưu đày đến vùng Giang Nam. Khuất Nguyên thấy nước Sở suy vi, tiểu nhân lộng quyền, nước lớn lấn lướt, lại không có cách nào khiến cho vua Sở nghe lời can gián của mình nên rất thống khổ. Ông đi đến bên bờ sông, vừa đi vừa hát, nhan sắc tiều tụy, hình dáng khô héo.
Một ông lão đánh cá nhìn thấy Khuất Nguyên đã hỏi: “Này, ngài không phải là đại phu Khuất Nguyên, đứng đầu ba đại gia tộc ở nước Sở sao? Tại sao ngài lại đến đây?”
Khuất Nguyên đáp: “Bởi vì đời dơ bẩn chỉ có ta là sạch sẽ, bởi vì đời say chỉ có ta là thanh tỉnh, cho nên ta bị lưu đày!”
Ông lão đánh cá an ủi Khuất Nguyên: “Thế nhân dơ bẩn, vì sao ngài không cho chân xuống nước, khuấy một ít bùn lên và giả vờ rằng mình cũng bẩn? Mọi người đều đã uống say rồi, sao ngài không uống chút rượu nhạt, ngửi chút mùi rượu, giả vờ như mình cũng say? Vì sao ngài phải khác đi để khiến cho bản thân bị lưu đày?”
Khuất Nguyên trả lời ông lão: “Ông xem, người vừa gội đầu đều biết đội mũ sạch sẽ, người vừa tắm đều biết mặc quần áo sạch sẽ. Làm sao tôi có thể để bản thân dính vào những chuyện dơ bẩn chứ? Tôi thà rằng nhảy xuống nước để cho cá ăn chứ không làm bậy!”
Thấy ý chí của Khuất Nguyên kiên định như vậy, ông lão đánh cá không còn cố gắng thuyết phục nữa, vừa chèo thuyền vừa ngân nga bài hát đồng dao: “Thương lãng chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngô anh; Thương lãng chi thủy trọc hề, khả dĩ trạc ngô túc”, nước sông Thương Lãng là trong veo thì ta có thể dùng để giặt mũ, còn nếu như nước sông Thương Lãng là vẩn đục thì ta có thể dùng để rửa chân.
Khuất Nguyên vẫn kiên trì với bản tâm, cuối cùng đã nhảy xuống sông Mịch La tự tận.
Ông lão đánh cá là một người có trí tuệ. Câu nói đầu tiên ông thử lòng của Khuất Nguyên. Trong khi bài đồng dao sau đó thì lại để thể hiện một cách lựa chọn khác của ông lão. Ở hoàn cảnh có thể giúp đời, thì hãy ra cố sức giúp đời. Ở hoàn cảnh đời đen tối bẩn thỉu, thì vẫn có thể sống ẩn dật bảo toàn nhân cách trong sạch.
Trong khi đó, Khuất Nguyên vì muốn dương cao chính khí, ý muốn giúp đời, đi ngược dòng nước, nên cuối cùng lấy cái chết mà bày tỏ lòng mình với hậu thế.
Có thể thấy, bất luận là điều Mạnh Tử bàn, hay là sự kiên định của Khuất Nguyên, hay sự phóng khoáng tiêu sái của ông lão đánh cá, thì đều là những tấm gương về nhân cách và thái độ xử thế đáng giá để người đời sau học tập.
Theo Sound Of Hope
Tác giả: Văn Dật Phi
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đối nhân xử thế trí tuệ cổ nhân Phẩm đức