Người xưa học tập trước sau đều xem trọng sự kiên trì liên tục không biết mệt mỏi, học quý ở chỗ bền chí, kỵ nhất là nay còn mai mất. Người trong hoàn cảnh gian nan khốn khổ mà vẫn có thể chăm chỉ đọc sách thì sẽ đặt định được nền tảng rất cao. Một người đã vượt qua được khảo nghiệm như vậy thì sẽ không vì hoàn cảnh mà thay đổi chí hướng của mình, càng sẽ không vì vậy mà oán trời trách đất. Người như vậy không chỉ chăm học mà còn hiểu được mục đích học tập một cách rất rõ ràng, minh bạch đạo lý làm người.

Người chịu được nỗi khổ "tâm chí" mới làm thành được việc lớn
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Thời Đông Tấn có vị thiếu niên tên là Xa Dận, tự là Vũ Tử, ra đời trong gia đình làm quan nhưng gia cảnh đã sa sút lắm rồi. Xa Dận ra sức học hành, đọc nhiều sách vở, chăm chỉ không ngừng.

Bởi vì trong nhà không có tiền mua dầu để thắp đèn, Xa Dận rất buồn khổ, khi trời tối muốn tận dụng đọc sách thêm một chút, nhưng không có cách nào.

Một tối mùa hè nọ, ông nảy ra một kế, bắt rất nhiều đom đóm cho vào một túi lụa trắng, lấy ánh sáng từ đom đóm để chiếu sáng. Từ đó, ông thỉnh thoảng lại đi bắt đom đóm, dựa vào cái túi đom đóm này mà chịu khó đọc sách mỗi ngày, cuối cùng trở thành một người có học thức uyên bác, làm người công chính, có lòng can đảm trượng nghĩa dám nói thẳng, là người có thể xả thân thủ nghĩa.

Ông làm quan rất được lòng người, vang danh khắp triều đình và cả trong dân chúng, từng nhậm chức Ngô Hưng Thái thú, Hộ quốc tướng quân, cuối cùng làm quan Lại bộ thượng thư.

Cối Kê Vương thế tử Tư Mã Nguyên Hiển kiêu căng phóng đãng, Xa Dận thẳng thắn tố cáo nhưng bị gặp nạn, bị ép tự vẫn. Trước khi chết ông vẫn nói: “Ta há sợ chết sao? Ta nguyện chết một lần để vạch trần kẻ quyền lực mà gian trá!” Cuối cùng ông lấy cái chết để biểu đạt rõ ý chí của mình, nhận được sự kính ngưỡng của hậu thế.

Một tấm gương học tập khac là Chu Mãi Thần, người đất Ngô. Chu Mãi Thần gia cảnh nghèo khó nhưng thích đọc sách. Ông không có tài sản, dựa vào nghề đốn củi sống qua ngày. Lúc gánh củi xuống núi, ông vừa đi vừa đọc sách, vợ ông cũng gánh củi đi theo sau. Người vợ nhiều lần khuyên ông đừng ngâm tụng, ca hát trên đường nữa, Chu Mãi Thần không nghe theo, vẫn hăng say đọc sách ngâm tụng.

Có người chế giếu Chu Mãi Thần, vợ ông vì chuyện này mà cảm thấy xấu hổ, liền muốn bỏ đi. Chu Mãi Thần lại cười nói: “Khi tôi năm mươi tuổi nhất định sẽ phú quý, bây giờ tôi đã hơn bốn mươi tuổi rồi. Bà theo tôi nhiều năm ăn ở cực khổ như vậy, chờ lúc tôi phú quý, nhất định tôi sẽ báo đáp ân đức của bà.” Vợ ông tức giận nói: “Người như ông cuối cùng sẽ chết đói trong cống rãnh mà thôi, làm sao có thể phú quý đây!”

Chu Mãi Thần không cách nào giữ vợ ở lại, cũng đành để vợ ra đi.

Có một lần, Chu Mãi Thần một mình gánh củi trên đường vừa đi vừa ngâm nga, đi đến chỗ nghĩa địa, đúng lúc gặp được người vợ cũ cùng chồng mới của bà cúng viếng mồ mả. Bà thấy Mãi Thần cơ hàn khốn khó, đã cho ông một phần cơm nước đỡ đói.

Mấy năm sau, nhờ Nghiêm Trợ là người cùng huyện tiến cử, Chu Mãi Thần được Hán Vũ Đế triệu kiến, được Hoàng đế khen ngợi, sau nhậm chức Thái thú quận Cối Kê.

Khi Chu Mãi Thần đi tới quận Cối Kê, dân chúng dọn dẹp đường nghênh đón ông. Ông vào đến địa hạt đất Ngô, trông thấy vợ cũ cùng chồng đang sửa đường với dân chúng, liền dừng xe, đem hai người họ về dinh Thái thú, sắp xếp cho nơi ăn chốn ở. Hễ là người từng có ơn với ông, ông đều nhất định báo đáp.

Ngay cả Chu Mãi Thần kỳ thật là một người biết “tri thiên mệnh”, biết rõ khi nào mình sẽ phú quý, còn khuyên nhủ vợ nên nhẫn chịu bần hàn, tương lai tất có ngày thoát khổ. Bởi vậy người xưa nói, đàn ông cần chịu khó chăm chỉ, phụ nữ cần giữ được đức hạnh kể cả khi nghèo khổ. Đây cũng chính là đang tích đức, tích phúc.

Người chăm chỉ chịu khó, tương lai tất có thành tựu, không thể vì thân nơi nghịch cảnh, do những điều kiện khách quan mà bị hạn chế, lấy đó làm lý do mà từ bỏ chí hướng.

Trong văn hóa truyền thống còn có rất nhiều câu chuyện như vậy. Ví như Tôn Khang triều Tấn, vào ban đêm thường lợi dụng ánh sáng phản chiếu của tuyết mà đọc sách, tuy nghèo khổ, nhưng không ngừng tìm tòi học hỏi. Lý Mật triều Tùy dốc lòng cầu học, đi chăn bò thì đem sách treo lên sừng bò chịu khó đọc. Họ tuy hoàn cảnh cơ cực đến thế nhưng vẫn chịu đựng gian khổ. Những việc này không phải là vì cầu danh cầu lợi, mà chính là học đạo làm người, chính là sự tu dưỡng và trui rèn đức hạnh.

Dựa theo “Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lưu Như

Xem thêm:

Mời xem video: