Trí tuệ cổ nhân: Tiền tài phải khéo dùng, bổng lộc phải không thẹn
- An Hòa
- •
Trong sách “Vi lô dạ thoại”, tác phẩm nổi tiếng đời Thanh của tác giả Vương Vĩnh Bân có câu: “Tài yếu thiện dụng, lộc yếu vô quý”, nghĩa là đối với tiền tài phải khéo sử dụng, còn đối với bổng lộc có được thì phải không cảm thấy hổ thẹn trong tâm. Nếu một người làm ngược lại những điều này thì sẽ rất dễ dàng khiến thân bại danh liệt, gia đình suy vong.
“Vi lô dạ thoại” viết: Đối với tiền tài thì đừng lo không có được, chỉ lo khi có rồi mà ta lại không biết sử dụng tiền tài sao cho khéo, cho đúng đắn. Còn đối với quan lộc hay phúc phận cũng vậy, đừng sợ nó không đến mà nên lo rằng khi nó đến thì trong tâm của ta có điều gì hổ thẹn với nó hay không.
Một người chỉ cần chăm chỉ làm việc, tiết kiệm chi tiêu thì tài phú là không thể không có. Chỉ sợ bản thân buông lơi lười nhác, lại tiêu xài phung phí, như thế mà muốn có tiền tài thì quả thực là mộng tưởng hão huyền. Điều càng đáng sợ hơn là khi có được tiền tài rồi mà lại không khéo dùng, dùng không đúng. Nếu chẳng khéo dùng, không trở thành nô lệ của tiền tài thì cũng trở thành kẻ ăn chơi dâm dật, xa xỉ lãng phí. Như vậy thì tiền tài lại trở thành thứ hại người, không chỉ hại bản thân, nhà tan mạng mất, mà còn nguy hại cho xã hội.
Kì thực, nếu biết dùng tiền tài một cách phù hợp và chính đáng thì nó chính là một sức mạnh có thể giúp ích cho người khác, có thể làm việc thiện, phát huy được diệu dụng của tiền tài. Những câu như “Thiên yếu nễ phú mạc thái xa” (trời sẽ cho một người được giàu có nếu người ấy đừng quá xa xỉ) hay “Vi phú đương nhân” (Làm giàu nên gánh vác việc nhân từ), chính là những câu khuyên bảo chúng ta phải biết sử dụng tài phú sao cho tốt, cho thích đáng. Có tài phú thì không nên chỉ phục vụ cho dục vọng của bản thân mà nên thiện dùng thì mới có được phúc báo về sau.
Con người trên thế gian hầu như đều khát vọng quan cao lộc hậu và phúc phận, nhưng rốt cuộc có được mấy người có thể đắc được? Nếu không phải là do con đường chính đáng mà đạt được, hoặc là đã đạt được rồi nhưng lại làm ra những việc tổn phúc, có lỗi với lương tâm của bản thân thì hết thảy lại trở thành vô ích. Những phúc lộc ngoại thân là không thể trường cửu mãi, hơn nữa làm ra những sự tình trái đạo đức luân lý thì người ấy đã là vứt bỏ nhân cách của mình rồi, tai ương tất sẽ đến.
Cổ ngữ nói: “Làm người lương thiện, phúc tự tìm đến”. Cầu mong tiền tài danh vọng cũng chỉ là những thứ vật ngoại thân, chi bằng cầu phúc lộc ở nội tâm của mình. Không siểm nịnh không a dua, không ghen ghét không cầu xin, đó là phúc tâm, những thứ ấy thì bất cứ ai cũng không thể đoạt đi được.
Sử sách ghi chép lại rất nhiều những trường hợp siêng năng làm việc, khi khá giả lại biết sử dụng tiền tài một cách hữu dụng. Trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có ghi lại nhiều câu chuyện.
Chẳng hạn Chúc Nhiễm là người huyện Duyên Bình, Quận Sa, là người cần kiệm mà lại hay làm việc tốt viêc thiện. Gia cảnh nhà ông khá giả nhưng ông luôn sống cần kiệm, không xa hoa phung phí. Trong nhiều năm dân chúng gặp nạn đói, ông đều dùng tiền tài của gia đình để nấu cơm, nấu cháo cứu tế dân chúng nghèo đói khắp phương. Nhờ được ông cứu giúp mà hàng vạn người đã thoát được cảnh chết đói.
Một chuyện khác là Hoàng Kiêm Tế người Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, có đức tính coi trọng lễ nghĩa, chỉ cần đó là việc có ích cho người khác thì nhất định sẽ gắng sức làm. Hằng năm, cứ đúng vào mùa thu hoạch lúa, ông lại bỏ ra khoảng 300 xâu tiền để thu mua và cất trữ. Đến năm sau, khi lúa chưa chín, nếu cuộc sống của dân chúng rơi vào cảnh khốn khó thì ông bán ra với giá gốc, thậm chí là cứu tế người nghèo. Ông cho rằng, điều này đối với ông mà nói là không hề tổn thất gì, nhưng lại có thể trợ giúp người khác vượt qua được cửa ải khó khăn.
Con người khi có tiền của, muốn sống sung túc, muốn ăn ngon mặc đẹp cũng không có gì sai trái đáng trách. Nhưng nếu một người quá mức xa hoa lãng phí thì chính là đang mặc sức hưởng thụ phúc, sẽ tiêu hao hết phúc báo của bản thân. Một khi đã hưởng hết phúc mà không hành thiện tích đức thì tai họa sẽ đến ngay lập tức. Hơn nữa dục vọng truy cầu vật chất sẽ như chiếc thùng không đáy, không có điểm dừng, từ cần kiệm sang xa hoa thì dễ, từ xa hoa sang cần kiệm lại khó gấp nhiều lần. Cổ nhân giảng rằng hết thảy những thứ mà một người có được trong đời đều là từ phúc đức mà ra, cho nên sử dụng tiền của một cách đúng đắn chính là đang bảo toàn phúc, tích phúc cho chính bản thân mình và con cháu đời sau.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phúc phận tiền tài bổng lộc