Trong lịch sử Trung Hoa cũng như sử Việt  có nhiều vị quân vương phạm sai lầm lớn vì nữ sắc, và những người phụ nữ khiến quân vương trầm mê được gọi là “hồng nhan họa thủy”. Trong Ngô Việt Xuân Thu thời Đông Hán có một câu như thế này: “Hạ vong vì Muội Hỉ, Ân vong vì Đát Kỷ, Chu vong vì Bao Tự. Mỹ nữ là cái họa vong quốc, tuyệt không thể nhận”.

Trong sử Việt, nạn “hồng nhan họa thủy” ở Đàng Trong có Tống Thị Toại, Ngọc Cầu, khiến cơ nghiệp 8 đời Chúa Nguyễn suýt mất. Còn ở Đàng Ngoài có Đặng Thị Huệ khiến chúa Trịnh Sâm vốn anh minh bỗng trở nên u mê. (Xem bài: Mỹ nữ “hồng nhan họa thủy” khiến cơ nghiệp Chúa Nguyễn suýt mất)

Người được kỳ vọng đưa gia tộc họ Trịnh trở lại huy hoàng

Đàng Ngoài dưới thời chúa Trịnh Giang là suy sụp. Chúa nghe lời đám hoạn quan đứng đầu là Thái giám Hoàng Công Phụ, chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, hãm hại các công thần, cất nhắc nhiều vị trí cho những kẻ bất tài mà Hoàng Công Phụ giới thiệu.

Người dân cơ cực, mất mùa đói kém nhưng triều đình không ai quan tâm, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Đàng Ngoài trở nên hỗn loạn, Triều đình sụp đổ đến nơi.

Lúc này Trịnh thái phi Vũ thị tập hợp các quan đưa em của Trịnh Giang là Trịnh Doanh lên ngôi Chúa. Trịnh Doanh lên ngôi phải mất 10 năm mới có thể khiến Triều chính dần trở nên ổn định.

Trịnh Sâm là con của Trịnh Doanh, sinh ra trong cảnh cơ đồ họ Trịnh bị lung lay dữ dội do các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi dưới thời chúa Trịnh Giang. Trịnh Doanh cho con trai là Trịnh Sâm được ăn học tử tế với kỳ vọng sau này nối ngôi mình sẽ giúp họ Trịnh trở lại thời kỳ huy hoàng xưa.

Chúa Bầu
Phủ chúa Trịnh (Tranh do Trịnh QUang Vũ vẽ lại từ bản gốc của Samuel Baron vẽ năm 1685/ wikipedia.org)

Từ nhỏ Trịnh Sâm đã có tiếng là giỏi thơ và hay chữ. Năm 1753 khi 14 tuổi, Trịnh Sâm được phong làm Thế tử, năm 1756 thì được học với người thuộc hàng đệ nhất danh sĩ lúc bấy giờ là Ngô Thì Sĩ. Năm 1758, Trịnh Sâm được mở phủ đệ riêng giúp Chúa các việc Triều chính, thể hiện là người sáng suốt.

Năm 1767, chúa Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên nối ngôi.

U mê bởi nữ sắc

Thuở ban đầu lên ngôi, bên ngoài thì Trịnh Sâm chiêu dụ các cuộc khởi nghĩa vốn đã kéo dài từ xưa, bên trong thì trọng dụng nhân tài, xây dựng quân đội hùng mạnh.

Trinh Sam
Chân dung chúa Trịnh Sâm trong Trịnh gia chính phả. (Ảnh: Trịnh Như Tấu, Wikipedia, Public Domain)

Một vị Chúa vốn anh minh như thế nhưng đột nhiên lại trở nên u mê, sa đọa vào tửu sắc. Việc này có liên quan đến một người là Đặng Thị Huệ.

Đặng Thị Huệ quê ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), gia đình nghèo khó nên làm nghề hái chè kiếm sống, nhưng lại có tiếng trong vùng vì sắc đẹp, vì thế mà được tiến vào Phủ chúa.

Vào Phủ chúa, Đặng Thị Huệ chỉ là một nữ tỳ. Một lần Tiệp dư Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến nơi Chúa ngồi. Chúa Trịnh Sâm thấy Đặng Thị Huệ xinh đẹp thì rất bằng lòng, từ đó ngày càng yêu quý hơn, rồi phong làm làm chính cung của mình.

Từ đó Đặng Thị Huệ được Chúa yêu chiều, nói gì Chúa cũng nghe, Chúa có việc gì cũng bàn riêng với Huệ.

Trước đây chúa Trịnh Sâm sáng suốt, lo việc Triều chính, nhưng từ ngày có Đặng Thị Huệ thì trở nên u mê, Kinh thành lắm lời than vãn.

Đặng Thị Huệ có thai, rồi sinh đươc người con trai đặt tên là Trịnh Cán. Sinh được con trai, Đặng Thị Huệ càng được Chúa yêu chiều, phong làm Tuyên phi.

Đặng Thị Huệ có người em trai Đặng Mậu Lân là kẻ hung bạo và dâm dật. Có chị là Tuyên phi được Chúa sủng ái, Đặng Mậu Lân ngông cuồng làm càn, chuyên cưỡng gian phụ nữ con gái, khi bị bắt giam thì Đặng Thị Huệ lại bảo Chúa tha cho. Đặng Mậu Lân mặc sức hoành hoành ngang ngược, chẳng xem ai ra gì, vì thế mà thời đó gọi là “cậu trời”.

Chúa có người con gái và rất yêu chiều là Công nữ Ngọc Lan, đến khi lớn chưa chịu lấy ai dù nhiều người đã dạm hỏi. Thế nhưng khi Đặng Thị Huệ xin Chúa gả Công nữ Ngọc Lan cho em của mình là Đặng Mậu Lân thì Chúa lại đồng ý.

“Tang thương ngẫu lục” mô tả rằng:

“Tĩnh vương (tức chúa Trịnh Sâm) đem nàng Quận chúa thứ hai gả cho Lân, các đồ trang liêm và của hồi môn, so với các triều trước nhiều gấp mười lần. Phủ đệ dựng ở phía Tây nam kinh thành Thăng Long, đồ ăn thức dùng đàng hoàng như một vị vương giả. Lân càng làm nhiều sự càn rỡ, nuôi trong nhà hơn trăm gia đồng, thường cho đội mũ đeo gươm, ra ngoài chợ phố đi nhung nhăng, uống rượu say đánh người bị thương, quan Kinh doãn không kiềm chế nổi. Mỗi khi Lân đi ra, đem theo đến hàng mấy chục con chó săn, con nào cũng đeo nhạc vàng, khoác áo thêu, hét trước hò sau, lấp cả đường lối. Một lần nhân cơn tức giận, Lân giết chết nội giám là Sử thọ hầu, rồi cắm thanh gươm ở trước cửa để không ai dám vào bắt”.

Vì Công nữ Ngọc Lan không khỏe từ nhỏ nên cho các tỳ nữ theo hầu. Chúa cũng cử Sử Trung hầu đến làm sứ giả để giám chế, không cho Lân xâm phạm tới. Đặng Mậu Lân muốn gần Công nữ thì đều bị Sử Trung hầu ngăn lại nên tức giận giết chết Sử Trung hầu, rồi ngầm định phi tang xác. Công nữ Ngọc Lan biết được liền cho một thị nữ trốn ra ngoài báo cho Chúa biết. Chúa tức giận cho người đến bắt Lân lại, các quan đều tâu lên tội giết sứ giả đáng chết.

Đặng Thị Huệ lại xin tha cho em mình, Chúa cũng nghe theo không xử tội chết mà chỉ đày ở xa Kinh thành.

Đặng Mậu Lân mang theo nhiều người ăn kẻ ở cùng vợ lẽ. Đến nơi quan địa phương còn phải bỏ công sức tiền bạc dựng nhà cho y ở. Những việc đó khiến rất nhiều người bất bình.

Được Chúa sủng ái, Đặng Thị Huệ cho bà con thân thích làm quan lại ở địa phương, đám quan này cậy thế nên làm càn, o ép dân chúng.

Chúa cũng không ngừng lấy tiền quốc khố trang trải cho những lễ hội, cuộc vui để chiều lòng Tuyên phi, không còn tha thiết đến chính sự nữa. Mỗi khi lễ hội hay trung thu là dùng gấm lụa làm đèn lồng, loại gấm thượng hạng này mỗi cái cũng vài chục lạng vàng.

Chúa đã có ý định truyền ngôi Thế tử cho con đầu là Trịnh Tông, nhưng Đặng Thị Huệ không muốn thế mà tìm cách để con trai của mình là Trịnh Cán làm Thế tử, vì thế mà Chúa chưa bao giờ công bố ngôi Thế tử. Thậm chí khi Trịnh Tông 18 tuổi, đáng phải có phủ riêng, nhưng Chúa vẫn chưa cho.

Đặng Thị Huệ cũng thêu dệt rất nhiều chuyện xấu rồi vu cho Trịnh Tông, lại liên kết với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo cùng một số quan lại khác nhằm đưa Trịnh Cán lên ngôi. Trong khi đó binh lính lại rất ủng hộ Trịnh Tông. Từ đó Triều đình bị chia rẽ.

dang thi hue
Chân dung mẹ con Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán trong Trịnh gia chính phả. (Ảnh: Trịnh Như Tấu, Wikipedia, Public Domain)

Những năm trước khi mất Trịnh Sâm chọn con thứ Trịnh Cán làm Thế tử. Năm 1782, chúa Trịnh Sâm mất, di sản để lại là cuộc đấu đá trong Triều đình.

Đặng Thị Huệ và Huy quận công Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên ngôi lúc mới chỉ 5 tuổi. Lính kiêu binh vốn từ trước đã ủng hộ Trịnh Tông liền tổ chức cuộc đảo chính, giết chết Quận Huy rồi đưa Trịnh Tông lên ngôi.

Kiêu binh có công phò tá Trịnh Tông lên ngôi nên càng tự đắc, lộng hành ngang ngược không kiêng dè khiến kỷ cương phép nước hỗn loạn. Kiêu binh ép Chúa phải cho chúng được tự do thu thuế chợ, thuế đò, thầu ao đầm quanh khu vực Thăng Long, v.v…

Trịnh Sâm từ nhỏ vốn có tư chất nên được kỳ vọng trở thành vị Chúa anh minh, đưa gia tộc họ Trịnh trở lạ thời huy hoàng. Dù thuở đầu anh minh lo việc chính sự, nhưng vì nữ sắc mà Trịnh Sâm trở nên u mê khiến Triều chính suy sụp. Điều này trở thành nguyên nhân khiến nhà Trịnh bị quân Tây Sơn đánh bại.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: