Trương Phước: Dòng họ võ tướng công thần thời Chúa Nguyễn (P1)
- Trần Hưng
- •
Họ Trương Phước thuộc dòng võ tướng, nhiều đời trấn giữ ải bắc ngăn quân chúa Trịnh nam tiến, lại giúp việc di dân mở rộng lãnh thổ về phương nam của các đời chúa Nguyễn thành công, định hình nên nước Việt ngày nay.
Trương Phước Phấn trấn ải, nhiều lần đánh lui quân Trịnh
Thời Lê Trung Hưng có ông Trương Gia Sơn là vị tướng thanh liêm lại tài giỏi nên được giữ chức Điện Tiền Đô Chỉ Huy, phong tước Lương quận công. Nhận thấy chúa Trịnh ngày càng chuyên quyền lấn át vua Lê, Trương Gia Sơn bỏ chúa Trịnh đi vào nam.
Đến huyện Khang Lộc, phủ Tân Bình, thuộc tỉnh Quảng Bình, Trương Gia Sơn cùng họ Lê và họ Hoàng khai khẩn và lập làng Trường Dục. Tại đây ông sinh được người con trai và đặt tên là Trương Công Phấn.
Là con nhà tướng, Công Phấn được học võ nghệ, binh thư trận đồ từ nhỏ, vì thế mà sớm giỏi võ và mưu lược hơn người.
Đến đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Công Phấn tham gia đội quân của chúa Nguyễn, nhờ có tài nên được làm Cai cơ. Ông ra quân lệnh rất nghiêm, không nhũng nhiễu làm phiền dân chúng, đồng thời cũng đồng cam cộng khổ với binh lính, vì thế mà binh lính nể phục, dân chúng có cảm tình.
Năm 1627, chúa Trịnh Tráng chỉ huy 20 vạn đại quân tiến đánh Đàng Trong theo 2 đường thủy bộ nhưng quân Trịnh bị chặn đứng.
Năm 1630, Đào Duy Từ hiến kế cho chúa Sãi trả lại sắc phong, đồng thời đắp lũy Thầy ngăn quân Trịnh. Chúa Sãi cần một vị tướng tài ba cầm quân nơi địa đầu phía bắc là châu Bố Chính để ngăn quân Trịnh, các trướng lĩnh đều tiến cử Trương Công Phấn.
Chúa Sãi cho Trương Công Phấn giữ trọng trách trấn thủ Bố Chính, phong cho làm Phấn quận công, đồng thời đổi chữ “Công” thành chữ “Phước” tức mang họ đệm của Chúa, thành tên mới là Trương Phước Phấn. Đại Nam liệt truyện chép rằng: “Lập doanh Bố chính cho Phấn làm trấn thủ”.
Năm 1633, chúa Trịnh Tráng lần thứ 2 thống lính binh mã thủy bộ tiến đánh Đàng Trong. Quân Trịnh hội quân ở cửa sông Nhật Lệ. Trương Phước Phấn cùng các tướng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến đưa quân đánh úp, quân Trịnh thua trận phải rút về
Năm 1640, tướng quân Trịnh là Nguyễn Khắc Liệt đưa quân tiến đánh Nam Bố Chính, Trương Phước Phấn phòng thủ thành công và đánh bại quân Trịnh, Nguyễn Khắc Liệt phải rút quân về.
Sau đó Phước Phấn cùng Nguyễn Cửu Kiều bất ngờ vượt sông Gianh đánh úp quân Trịnh, lấy được Bắc Bố Chính. Trận này Trương Phước Phấn được Chúa khen ngợi và ban thưởng rất hậu.
Năm 1643, chúa Trịnh Tráng đưa quân đánh để lấy lại Bắc Bố Chính, tướng nhà Nguyễn là Bùi Công Thắng tử trận. Quân Trịnh tiến đánh Nam Bố Chính nhưng Trương Phước Phấn giữ vững các chiến lũy ngăn được quân Trịnh.
“Phấn cố trì” khiến quân Trịnh e sợ
Năm 1648, quân Trịnh nam tiến lần thứ 4, bộ binh tiến đánh thẳng vào Nam Bố Chính, còn thủy quân tiến đến cửa Nhật Lệ. Quân Trịnh sau nhiều lần thất bại nên có thêm kinh nghiệm, lần này quân Trịnh rất mạnh và đánh rất hăng, quân Nguyễn bỏ chạy rất nhiều.
Trương Phước Phấn cùng con trai và Trương Phước Hùng cầm quân trấn giữ lũy Trường Dục ngăn quân Trịnh. Cuộc chiến rất ác liệt, “Đại Nam liệt truyện” ghi chép khá chi tiết cuộc chiến này:
Phấn cùng con trai là Hùng giữ lũy Trường Dục. Quân Trịnh đánh mạnh, sát ngay ngoài Lũy. Lũy ấy đắp bằng đất cát, không bền lắm. Đạn giặc bắn vào, lũy bị lở vài mươi trượng. Chủ quân sợ chạy mất 7, 8 phần 10. Phấn đánh trống, vẫy cờ đem bộ hạ của mình ác chiến vói giặc. Giặc vừa lui vừa đánh, đạn súng dội xuống nhiều. Cha con ông Phấn xông pha tên đạn, giương lọng (chỗ vị tướng ngồi chỉ huy) ngồi ở trước lũy, đốc quân lấy thuyền nan đựng cát lấp vào chỗ lũy bị sạt. Súng giặc cứ chỗ cắm lọng bắn đạn như mưa. Vũ sĩ ở tả hữu vài trăm người, nhiều người bị thương chết. Phấn vẫn ngồi nghiêm chỉnh, không động, giặc cho là thần, không dám đến gần. Được một chốc, Lũy vá xong, giặc không đánh được, người ta gọi là “Phấn cố trì”.
“Phấn cố trì” nghĩa là giữa lúc gian nguy mười phần, ông vẫn giữ vững chiến lũy trước sức mạnh của quân Trịnh, không cho quân Trịnh chọc thủng được chiến lũy.
Thế tử Nguyễn Phước Tần sai Nguyễn Hữu Tiến đưa quân cùng 100 thớt voi đến đánh thẳng vào quân Trịnh. Cha con Phước Phấn và Phước Hùng cũng mở cửa thành cho quân phối hợp tấn công.
Trận này quân Nguyễn thắng lớn, bắt được nhiều tướng cùng 3 ngàn quân Trịnh. Cha con Phước Phấn lập công lớn được phong Hầu.
“Quảng Bình địa dư ca” của Trần Kinh có câu:
Phước Phấn là tướng hùng phi,
Đánh quân Trịnh tặc vậy thì hiển danh.
Sau khi Trương Phước Phấn mất, lớp con cháu của ông tiếp tục thay cha chặn đứng quân Trịnh ở phía bắc, giúp các đời chúa Nguyễn yên tâm mở rộng lãnh thổ về phương nam.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đàng Trong danh tướng lịch sử Việt Nam Trịnh Nguyễn phân tranh