Truyền thống đọc – viết mỏng
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) trong Hồi kí viết rằng bác ruột mình ở Sơn Tây tuy có tiếng là hay chữ, giỏi Hán văn nhất tổng mà cũng chỉ có hai “cặp” sách gồm vài chục cuốn Tứ thư, Ngũ Kinh, Bắc sử, Kiều, Hoa Tiên… đọc đi đọc lại vì không có sách gì để đọc.
Cụ Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) cũng viết rằng ngày xưa ở Hà Nội đội quân bán sách đông đảo nhất, đem sách từ kinh đô về các miền quê cho các ông đồ là các bà… mù chữ. Vì mù chữ không đọc được nên các bà phải nhờ các ông đồ chỉ cho tên sách rồi buộc chỉ xanh đỏ mà đánh dấu.
Cụ Lê Quý Đôn (1726-1784) thì kể chuyện bản thân đã phải vất vả tìm kiếm sách vở bên Tàu rồi dùng cả mẹo vặt như thế nào để mang nó về nước Nam vì quan chức Tàu không muốn.
Sơ sơ như trên đủ thấy truyền thống đọc – viết mỏng có ảnh hưởng lớn như thế nào đến văn hóa đọc ở phương diện quốc gia hiện tại.
Vì nhiều lý do xuất bản trước thế kỉ 20 chưa bao giờ trở thành một kĩ nghệ ở Việt Nam và sách vở không được coi là hàng hóa. Người ta viết sách để chơi, để giao lưu bè bạn và sách được in ra với số lượng rất nhỏ bằng kĩ thuật rất cổ lỗ.
Dân làm cũng thế mà nhà nước làm cũng thế.
Vậy nên trong truyện của Nam Cao, các thầy giáo như thầy giáo Thứ, thầy giáo “tôi” (Lão Hạc) chỉ có một hòm sách thôi cũng đã là bá là tướng trong thiên hạ rồi.
Còn hiện nay thì sao?
Hiện nay, tất nhiên là kĩ nghệ xuất bản của Việt Nam đã khác xa một, hai trăm năm trước. Số lượng sách xuất bản cũng lớn. Một năm trung bình có hơn 3 vạn tựa sách mới được xuất bản. Thế nhưng oái oăm thay, tình trạng như trên hình như vẫn y nguyên.
Sẽ vô cùng thú vị nếu ở Việt Nam có một cuộc thống kê toàn bộ những người tốt nghiệp đại học trở lên hiện sở hữu bao nhiêu sách trong nhà.
Tôi đoán kết quả sẽ làm cho tất cả ngã ngửa!
Ở Việt Nam giống như thu nhập, sự chênh lệch của tốp đầu và tốp giữa, tốp cuối rất xa. Ở ta cũng có một cộng đồng, một nhóm yêu sách, có rất nhiều sách quý và chăm đọc nhưng số lượng không lớn lắm. Tôi mạnh dạn đoán loanh quan tầm 5.000 – 10.000 người.
Thế thôi.
Sẽ có người bảo “người ta đọc ở thư viện rồi đọc online” nhiều chứ!
Tôi thì không dám lạc quan vì tôi biết số lượng thẻ ở các thư viện công rất nhỏ. Thư viện nào làm tốt cùng lắm cũng chỉ có vài nghìn thẻ là cùng mà trong đó cũng chỉ có một bộ phận nhỏ tới đọc thường xuyên.
Tôi chưa từng có trải nghiệm phải xếp hàng ở thư viện bao giờ và thường khi tôi đến (có lẽ là do vào ngày thường) chỉ thấy rất thưa thớt thậm chí mình tôi và cô thủ thư giữ phòng cả ngày.
Còn trên mạng tôi thấy người ta đọc tin tức, báo là chủ yếu. Những người đọc bằng máy đọc sách hay đọc sách điện tử cũng chiếm một tỉ lệ nhỏ so với quần hùng trên mạng.
Điều này cho thấy, những người quan tâm tới văn hóa đọc cần phải nỗ lực bền bỉ nhiều hơn nữa.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa văn hóa đọc Nguyễn Quốc Vương