Trong nhà bạn đang có bao nhiêu cuốn sách?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Bạn bè, người thân của bạn có bao nhiêu cuốn sách trong nhà? Có lần tôi đã làm thống kê và viết rằng so với người Nhật thì người Việt đọc ít, viết ít hơn. Lần này, sau khi đọc xong lần thứ 2 Hồi kí cụ Nguyễn Hiến Lê, đối chiếu với các thông tin khác tôi có thì tôi lại liều mà cho rằng người Việt ta – kể cả giới sĩ – các nhà nho – có ít sách hơn giới tương đương ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản. Rộng ra thì người dân nước ta cũng có ít sách trong nhà hơn.
Bác cụ Hiến Lê có hơn trăm cuốn sách trong nhà mà trở thành người nổi tiếng nhiều sách nhất tổng, nhất phủ. Các nhân vật trí thức của Nam Cao như thầy giáo Thứ có hai hòm sách thôi mà cũng được tiếng là nhiều sách, nhiều chữ và coi nó là cả một gia tài.
Bối cảnh đằng sau của việc ít sách đó có thể là:
1. Kĩ nghệ in ấn lạc hậu, nên số bản in ra ít, khó lưu truyền, nhân bản.
2. Nhà nho, trí thức Việt Nam nghèo, ăn uống đạm bạc mà sống vẫn chật vật nên không có tiền mua sách, chơi sách, tích trữ sách.
3. Tâm lý và thói quen khoa cử rất nặng nên người ta chỉ quan tâm và đọc những sách phục vụ việc dạy học và thi. Sách nào không phục vụ việc này thì dẹp bỏ hoặc làm ngơ.
4. Hệ thống thư viện cho mượn ở Việt Nam hình thành muộn. Phải chờ đến khi người Pháp vào và đặt ách cai trị xong thì mới có và cũng chỉ phục vụ hạn chế. Về cơ bản, cả giới sĩ của Việt Nam cũng không có thói quen đến thư viện đọc và mượn sách.
5. Tư tưởng, tâm lý trọng người có khoa bảng, người đỗ đạt, làm quan nhưng coi thường người đọc sách mà “không nên cơm cháo gì” (không giàu, không chức) làm cho sách không trở thành một thứ cần thiết của giới thượng lưu.
6. Số người biết chữ không nhiều, người đọc được sách cũng hiếm nên nhu cầu trao đổi, giao lưu bị hạn chế, không tạo ra một cộng đồng chơi sách, đọc sách, tích trữ sách lớn, tạo ra sức mạnh cộng hưởng.
Ngày nay, ít nhiều các yếu tố trên đều được khắc phục dần dần. Các cá nhân có nhiều sách trong nhà (2000 cuốn trở lên tạm gọi là nhiều) cũng tăng lên.
Nhưng có lẽ so với Nhật, Hàn, Trung Quốc thì vẫn còn xa lắm. Và ta cũng hiểu tại sao nước ta thiếu một bầu không khí tôn vinh giá trị tinh thần để làm bệ phóng cho thiên tài xuất hiện, bay cao.
Viết lòng vòng để rồi chốt lại một câu: Nhà bạn có bao nhiêu cuốn sách?
Anh em cùng khoe để tạo ra “trend” khoe có nhiều sách trong nhà. Biết đâu nhờ đó mà có ngày ta hơn các nước xung quanh.
Tái bút: Giới sĩ và trung lưu trở lên ở Việt Nam ta không chỉ sở hữu ít sách mà sự truyền thừa qua các đời cũng… mỏng. Rất nhiều người có nhiều sách nhưng chỉ một đời là… xong. Con cái không có nhu cầu đọc, sở hữu nữa thế là giải tán. Tìm được một gia đình nào có thư viện gia đình tồn tại, phát triển qua 5 đời khó như kiếm kim cương. Đấy là điều đáng tiếc. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng sau khi qua đời đã để lại di sản mà không có người kế nghiệp xứng đáng và kết quả là mai một. Thật buồn.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa đọc sách Nguyễn Quốc Vương