Tràng Tiền Plaza hiện là một trung tâm thương mại của Hà Nội. Trước đó đây là tòa nhà Godard, biểu tượng thương mại lớn của thành phố, trung tâm thương mại đầu tiên của Việt Nam.

Từ xưởng đúc tiền thời nhà Nguyễn

Khi vua Gia Long thống nhất đất nước đã quyết định đóng đô ở Phú Xuân (Huế), Kinh đô cũ Thăng Long được gọi là Bắc Thành.

Năm 1808, nhà Nguyễn lập xưởng đúc tiền ở làng Cựu Lâu thuộc huyện Thọ Xương, gọi là Bảo Tuyền cục. Địa điểm này được chọn vì có diện tích khá rộng lại thuận tiện giao thông, sau đó dân chúng quen gọi nơi đây là Tràng Tiền.

Năm 1873, quân Pháp tiến đánh Hà Nội lần thứ nhất. Khu vực nơi gần đê sông Hồng, quân Pháp cho xây khu doanh trại và bệnh xá, chiếc cổng đặt ngay tại Nhà Hát Lớn bây giờ, đặt tên là công Porte de France (Cổng Pháp Quốc).

Quân Pháp dù chiếm được vài tỉnh miền bắc, nhưng phong trào chống Pháp cũng lan rộng khắp nơi. Quân của Hoàng Kế Viêm và quân Cờ Đen tiêu diệt được chỉ huy quân Pháp là Francis Garnier khiến quân Pháp phải xuống tàu rời khỏi miền bắc.

Năm 1882, quân Pháp lần thứ hai tiến đánh thành Hà Nội, ép buộc nhà Nguyễn phải đóng cửa các xưởng đúc tiền ở Thuận Hóa và Tràng Tiền. Sau đó người Pháp đến khu vực Tràng Tiền xây nhà cùng các cửa hàng bán đồ cho người Pháp.

Đến Trung tâm Thương mại Godard

Đầu năm 1901, Liên hiệp thương mại Đông Dương và châu Phi (LUCIA) đã xây dựng Trung tâm Thương mại Godard (Maison Godard). Đây là trung tâm thương mại đầu tiên ở Việt Nam (trước đó chỉ quen với chợ truyền thống), có diện dích 4.500m2 với 2 tầng và 3 mặt tiền. Người Việt phát âm theo tiếng Việt đọc là Nhà Gô Đa.

Tên gọi Godard là lấy theo tên của người chịu trách nhiệm quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội, Sebastien Godard.

Toa nha Godard
Maison Godard, Hà Nội, Việt Nam, năm 1903. (Ảnh: Leonard de Selva, CORBIS, Vietnam Public Domain)

Là một Trung tâm Thương mại lớn nhưng Godard chỉ được xây 1 tầng. Nguyên nhân là vì theo quy hoạch của người Pháp thì khu vực quanh hồ Gươm không được xây cao, vì nếu xây cao thì hồ Gươm sẽ lọt thỏm trong các khối nhà cao lớn làm mất đi mỹ quan của thành phố.

Trung tâm Thương mại Godard chỉ bán các loại hàng hóa thời thượng, là hàng tốt nhất được tuyển chọn từ trong nước, châu Âu, Pháp và các nước khác.

Trong 10 năm đầu tiên, khách hàng mua sắm chỉ là người Pháp, rất ít người Việt có điều kiện để vào mua sắm nơi đắt đỏ xa hoa như ở đây.

Đến những năm 1920, các khu phố bán hàng của người Việt và người Hoa cũng bán nhiều hàng hóa từ châu Âu khiến Godard phải cạnh tranh, giá cả cũng hạ hơn nên thu hút được thêm người Việt đến đây mua sắm.

Từ đó đến năm 1945, Godard dù là Trung tâm Thương mại lớn nhất nhưng cũng phải cạnh tranh để tồn tại, liên tục đổi chủ, thay tên đổi họ và diện mạo, nhưng dù đổi thành tên nào thì người Việt vẫn quen với tên gọi ban đầu là Nhà Gô Đa (Godard).

Lúc này chủ sở hữu Nhà Gô Đa là Société Coloniale des Grands Magasins (SCGM), đây cũng là chủ sở hữu Thương Xá Tax ở Sài Gòn. Vì vậy mà tòa nhà cũng được sửa lại, nhất là chóp nhọn rất giống với Thương Xá Tax.

Đến thập niên 1940, Nhà Gô Đa lại có diện mạo theo phong cách Art Deco – đây là trào lưu kiến trúc thời bấy giờ xuất phát từ Paris.

Năm 1950, lo sợ người Pháp thua trận, chủ sở hữu đã phân lô bán lại nhà Gô Đa, từ đó Nhà Gô Đa nhiều lần thay tên đổi chủ.

Bách hóa Tổng hợp

Đến năm 1958, chính quyền Hà Nội sửa lại Trung tâm Thương mại này, hợp nhất các quầy bán hàng thành Công ty hợp doanh mang tên Bách hóa Tổng hợp. Tên gọi Nhà Gô Đa dần dần bị lùi vào quá khứ và quên lãng.

Năm 1960, Bách hóa Tổng hợp chính thức được khai trương – đây là cửa hàng thương nghiệp quốc doanh đầu tiên của Hà Nội và lớn nhất miền bắc lúc bấy giờ.

Mặc dù mang tên Bách hóa Tổng hợp nhưng hàng hóa lại không nhiều, nhất là khi so với trước đây, chủ yếu là do nguồn nguyên vật liệu nhập từ các nước phe xã hội chủ nghĩa không phong phú, cung cách quản lý kế hoạch hóa.

Hàng hóa ít và được bán theo tem phiếu, nên người vào đa số chỉ để ngắm nhìn. Thỉnh thoảng có hàng tự do không bán theo tem phiếu thì dân chúng kéo đến mua rất đông, phải xếp hàng.

Năm 1990, khối xã hội chủ nghĩa ở Đông âu sụp đổ, chính quyền Việt Nam bắt buộc phải đổi mới. Năm 1993, Bách hóa Tổng hợp chuyển giao cho công ty mới thuộc nhà nước, tuy nhiên cũng hoạt động không thành công. Ngày 29/9/1995 là ngày bán hàng cuối cùng của Bách hóa Tổng hợp.

Năm 1995, Hà Nội đã cấp phép cho Công ty liên doanh Trung tâm Thương mại Hà Nội với cái tên gọi là Hà Nội Plaza, thay thế Bách hóa Tổng hợp. Năm 1996 bắt đầu khởi công xây dựng lại, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Tuy nhiên năm 1997 xảy ra khủng hoảng tài chính Đông Nam á, không thể vay vốn ngân hàng, Bách hóa Tổng hợp trở thành khu đất bị bỏ hoang.

Tràng Tiền Plaza

Đến nắm 1999 thì Công ty Vinaconex thuộc Bộ Xây dựng đàm phán mua lại và quyết định xây dựng Trung tâm thương mại Tràng Tiền. Tuy nhiên việc xây dựng bị gián đoạn do các thủ tục cũng như quy định về đấu thầu.

Đến năm 2000 thì công trình được xây dựng, do kiến trúc sư người Pháp Claude Cuvelier thiết kế. Sau 16 tháng thi công thì công trình cũng hoàn tất với số tiền 145 tỷ đồng (tương đương 9,7 triệu USD).

Ngày 1/2/2002, Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza chính thức bắt đầu hoạt động. Dù rất nhiều người đến đây thuê mặt bằng, nhưng nhiều đơn vị thuê mặt bằng báo lỗ, rất nhiều khách đến đây nhưng chỉ để ngắm nhìn.

Đến năm 2007 thì Tổng công ty Vinaconex thực hiện cổ phần hóa, Tràng Tiền Plaza đã được chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rồi chính thức đóng cửa ngừng hoạt động.

Để tiếp tục vận hành Tràng Tiền Plaza có hiệu quả, chính quyền Hà Nội quyết định liên doanh với nước ngoài, và tập đoàn DFS của Singapore được chọn. DFS được biết đến với các cửa hàng miễn thuế ở các sân bay trên thế giới. Johnathan Hạnh Nguyễn làm đại diện cho Tập đoàn này.

Đến năm 2011, chủ đầu tư đã bỏ 400 tỷ để sửa chữa lại Tràng Tiền Plaza, đến năm 2013 thì mở cửa hoạt động.

Mặc dù đã có mặt các thương hiệu thời trang hàng đầu như Rolex, Louis Vuitton, Kenzo, Christian Dior, Cartier, nhưng các gian hàng vẫn chưa được lấp đầy, còn nhiều gian trống. Trong khi đó khách hàng đến mua cũng ít, nguyên nhân là vì nơi đây bán toàn các hàng hiệu giá cao không phải ai cũng mua được.

Chính vì thế mà Tràng Tiền Plaza phải thông báo đóng cửa từ tháng 8 đến hết tháng 11/2014 nhằm quy hoạch sửa lại các gian hàng để thu hút các thương hiệu lớn của thế giới, đồng thời quy hoạch thêm các gian hàng cho giới bình dân.

Sau khi mở cửa trở lại, hoạt động dù có phần khởi sắc hơn trước nhưng khách hàng vẫn vắng. Có lẽ nhiều người đã quen rằng Tràng Tiền Plaza là nơi dành cho giới siêu giàu chứ không phải dành cho mình. Dù thế Tràng Tiền Plaza vẫn nhận được bằng khen và kỷ niệm chương của Tổng cục Du Lịch, đứng đầu trong top 5 trung tâm mua sắm của Việt Nam.

Sau này Tràng Tiền Plaza do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 90% cổ phần, còn lại Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nắm giữ 10% cổ phần. Còn Công ty Liên Thái Bình Dương – Imex Pan Pacific (IPP) của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn thuê để làm trung tâm hàng hiệu, phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao và khách nước ngoài.

Năm 2018, Tràng Tiền Plaza cổ phần hóa, SCIC bán lại cổ phần, Jonathan Hạnh Nguyễn đã mua lại, nhưng SCIC vẫn nắm giữ 51%.

Ngày nay Tràng Tiền Plaza là điểm đến dành cho các thương hiệu quốc tế nổi tiếng, quy tụ hơn 200 nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, túi xách, giầy dép và phụ kiện nổi tiếng. Trong số đó có hơn 50 thương hiệu quốc tế hàng đầu và đa số các thương hiệu thuộc top 10 huyền thoại thời trang thế giới. Đây là nơi dành cho những ai thích mua sắm hàng hóa từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: