Vài câu chuyện “thiên nhân cảm ứng” được ghi chép trong sách cổ
- An Hòa
- •
Văn hóa truyền thống giảng “Thiên nhân cảm ứng”, nghĩa là giữa Trời và người là có thể cảm ứng, tác động qua lại lẫn nhau. Phật gia giảng “vạn vật có linh”, nghĩa là vạn vật đều có linh tính, có cảm giác, biết buồn đau vui mừng… Trong sách cổ có để lại rất nhiều ghi chép minh chứng cho điều này.
Gió xoáy thổi đến một chiếc lá báo oan tình
Trong cuốn “Bầu đàm” có chép một chuyện như sau. Chu Đáo Tân là người thời nhà Minh, vào năm Giáp Thân niên hiệu Vĩnh Lạc được bổ nhiệm làm Giám sát ngự sử. Khi điều tra luận tội, ông không sợ hãi hay kiêng dè người quyền cao chức trọng. Về sau, ông được đề bạt làm quan Án sát Vân Nam, nhưng trước lúc đi ông lại bị điều chuyển đến Chiết Giang. Những người dân bị oan uổng ở Chiết Giang sau khi nghe được tin này thì đều vui mừng vô cùng, nói: “Chu công đến đây, tai họa của chúng ta cuối cùng cũng được giải quyết!”. Quả nhiên, sau khi Chu Đáo Tân đến nhận chức, đã đem hết thảy những án oan xét xử lại, nhờ đó mà rất nhiều người vô tội được thả tự do.
Một hôm, khi Chu Đáo Tân đang làm việc thì đột nhiên có một cơn gió xoáy thổi đến một chiếc lá. Mọi người xung quanh đều nói rằng ở trong thành này không có loại cây ấy, chỉ duy nhất ở một ngôi chùa cách thành khá xa có trồng loại cây này. Chu Đáo Tân thầm nghĩ: “Đây nhất định là có giết người chôn xác ở chỗ cây này, là oan hồn đến báo cho ta biết đây.”
Chu Đáo Tân lập tức sai người đến chùa, đào đất chỗ cây này lên và quả nhiên tìm thấy thi thể của một người phụ nữ. Sau khi tra hỏi, kẻ giết người đã thừa nhận tội lỗi của mình. Chu Đáo Tân đã xử kẻ giết người theo pháp luật. Cũng bởi vì sự việc này, Chu Đáo Tân được mọi người ca tụng.
Sét đánh rửa oan cho người tốt
Trong cuốn “Tây tiều dã ký” ghi lại câu chuyện sửa án oan. Vào những năm niên hiệu Thành Hóa, ở Cù Châu có một người tên là Lô Tông Thiện, là một người rất lương thiện, lo cho dân. Lô Tông Thiện biết được ở địa phương có một tên cướp rất tàn ác và hoành hành ngang ngược, tên là Vương Thái. Vương Thái tùy tiện đánh giết người cướp tài sản khiến dân chúng rất sợ hãi. Tội lỗi mà Vương Thái gây ra là quá nhiều nên Lô Tông Thiện đã dùng kế để bắt hắn.
Sau khi bị bắt, Vương Thái đã vu cáo Lô Tông Thiện, còn báo với quan lại rằng: “Ta là đạo tặc, chết cũng không có gì đáng tiếc, nhưng phần lớn số tiền cướp được lại đều bị rơi vào tay của Lô Tông Thiện”. Quan phủ nhất thời không phân biệt được thật giả nên đã giam giữ cả hai người vào trong ngục.
Lô Tông Thiện sau khi vào ngục, đã ngửa mặt lên trời khóc than: “Tôi giúp quan bắt trộm cướp, vốn là trừ hại cho dân, hôm nay lại bị chết cùng với đạo tặc, thử hỏi còn có thiên lý hay không?”
Lô Tông Thiện vừa dứt lời thì bầu trời có biến động bất ngờ, tiếng sấm sét vang trời. Gông cùm của Lô Tông Thiện theo tiếng sét mà bị văng ra. Sau sự tình kinh động đó, Lô Tông Thiện được phóng thích còn Vương Thái bị hành quyết và thi thể bị bỏ lại ở chợ để thị chúng.
Sét đánh cảnh báo việc không hay xảy ra
Trong cuốn “Ninh ba chí” viết vào đêm rằm tháng 5 năm Tân Tị niên hiệu Thiên Thuận triều nhà Minh, Chu Phất, một học giả ở huyện Ngân đã nghe thấy những tiếng sét dữ dội. Đến lúc trời sáng, ông bước vào phòng lớn và phát hiện thấy trên mặt đất phủ đầy bụi trắng. Chu Phất hỏi người khách ngủ lại trong phòng này đêm qua xem đã xảy ra sự tình gì. Vị khách nói: “Khi tiếng sấm sét nổ, mùi rất hăng, tôi còn thấy ngọn lửa di chuyển trong phòng chính, ngọn lửa lớn bằng cái đấu. Tôi sợ hãi quá nên trùm đầu lại và nằm xuống, không biết sự tình xảy ra sau đó nữa”.
Chu Phất sau khi đi kiểm tra một số nơi thì phát hiện ra cây cột của xà nhà bị sét đánh bửa mất một mảnh, chiếc giá phơi quần áo ở sát tường cũng bị chia thành bốn mảnh nhưng sợi dây lại hoàn toàn không bị hư hỏng gì. Thân của một cây cổ thụ rất to của gia đình hàng xóm ở phía Tây cũng bị chẻ ra. Những cây cột nhà hàng xóm khác ở đầu ngõ cũng bị sét đánh văng ra và nát vụn thành bột. Một phần bức tường của miếu thờ tổ tiên bị đổ xuống và mái hiên bị sét đánh vỡ vụn. Trận sét này đã ảnh hưởng đến ba nhà, phá hủy nhiều chỗ nhưng không có ai bị chết, thật sự là một việc không ai ngờ tới.
Đến năm sau đó, Chu Phất vì phạm pháp mà bị xử tội, bị lưu đày đến vùng Hải Ninh. Trên đường bị dẫn đi lưu đày, Chu Phất bệnh nặng mà chết. Người ta cho rằng trận sét trước đó chính là lời cảnh báo sớm của Trời đối với Chu Phất, chỉ có điều ông ta không nhận ra mà xem xét lại bản thân, sửa đổi lại sai lầm của mình.
Người xưa tin rằng, Trời đất vận hành là có quy luật, mà quy luật này lại không phải điều giản đơn như sự vận hành của máy móc, mà là có linh tính, gọi là đạo Trời. Hơn nữa đạo Trời này không đâu không biểu hiện ra, tương thông với con người, bởi vậy mỗi việc làm thiện hay ác đều có báo ứng, không một chút sai lệch.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lý Mai
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa thiên nhân cảm ứng