Ngày nay khi đối mặt với những hiện tượng dị thường như sóng thần, bệnh dịch, hạn hán, lũ lụt… người ta thường cho rằng đó là hiện tượng tự nhiên, tai họa tự nhiên. Nhưng trong thời kỳ quân chủ, người phương Đông lại cho rằng đây chính là phương thức mà Trời cảnh báo con người, mà cụ thể là cảnh báo về tình trạng triều chính của một quốc gia.

Sử sách ghi lại rằng vào giữa trưa ngày 28 tháng 7 năm Khang Hy thứ 18, một trận động đất nghiêm trọng đã xảy ra tại kinh thành. Trận động đất này mạnh cấp 8, tâm chấn nằm tại vùng Bình Cốc, Tam Hà. Trận động đất ảnh hưởng đến một phạm vi rất rộng lớn, bao gồm cả 6 tỉnh xung quanh là Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Liêu Ninh, Sơn Đông, Hà Nam cùng với hơn 200 châu huyện khác nhau. Tại kinh thành nhiều bức tường thành, các trụ sở nha môn, nhà dân đều bị đổ sập, rất nhiều người chết và bị thương.

Trước đại nạn bất ngờ này, Hoàng đế Khang Hy đã nhanh chóng lấy 10 vạn lượng bạc trong kho bạc để cứu tế nạn dân. Mặt khác Hoàng đế kêu gọi các quan lại và người giàu quyên góp tiền của để cứu trợ. Nhưng điều Hoàng đế Khang Hy đặc biệt coi trọng là ra lệnh cho quan lại trong triều phải nghiêm chỉnh nhìn lại việc triều chính một cách toàn diện.

"Đình Huấn Cách Ngôn" và những giáo huấn trí tuệ của Hoàng đế Khang Hy
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Ngay sau khi xảy ra động đất, Hoàng đế Khang Hy ra lệnh triệu tập các quan lại, Cửu khanh, Chiêm sự, khoa, còn cho gọi các đại học sỹ Minh Châu, Lý Úy tới cung Càn Thanh, nghiêm khắc nói rằng nhiều vị quan “từ lúc được bổ nhiệm tới nay, sinh kế của gia đình quá đầy đủ, hoàn toàn chẳng còn chút tâm báo quốc, chẳng những không thanh liêm chuyên cần mà ngược lại hành vi càng thêm tham lam vô độ, đã thành thói quen rồi”. Hoàng đế cho rằng “nếu những loại người như thế không cố gắng tỉnh ngộ và thay đổi, một khi bị điều tra ra được, thì hoàn toàn chiếu theo quốc pháp, quyết không tha thứ.”

Hai ngày sau, Hoàng đế Khang Hy lại một lần nữa triệu tập các quan lại từ Học sỹ xuống tới Phó đô ngự sử ra cửa Tả Dực môn, đồng thời cho người truyền chỉ thị, tuyên bố rõ 6 điều hiện tại xảy ra trong việc chính sự, bao gồm :

Một là: Các cấp quan lại cai trị hà khắc và bắt dân chúng phải lao dịch nặng nề, vơ vét khiến dân khốn khổ.

Hai là: Có rất nhiều quan đại thần vì tư lợi mà làm trái phép công.

Ba là: Trong lúc dùng binh, tùy tiện giết người đốt nhà, cướp bóc của người dân vô tội.

Bốn là: Quan lại địa phương đối với những điều khốn khổ của dân thì không dâng sớ tâu trình phản ánh. Còn đối với việc cứu trợ cho dân chúng những lúc thiên tai hạn hán thì xâm phạm cướp đoạt bừa bãi, báo cáo giả dối.

Năm là: Hình phạt tù ngục bất công, nhiều vụ án tồn đọng không xem xét giải quyết.

Sáu là: Người nhà và nô bộc của nhiều Vương Công đại thần chiếm đoạt lợi ích, can thiệp vào việc kiện cáo, làm càn bậy coi thường pháp luật.

Hoàng đế Khang Hy yêu cầu các quan đại thần phải đề xuất các biện pháp cụ thể để chấm dứt 6 loại tệ nạn như trên. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng, muốn loại trừ được tệ nạn, thì mấu chốt là các quan phải làm gương từ trên xuống dưới.

Hoàng đế nói:

“Nếu quan đại thần liêm chính, thì các quan Tổng đốc, Tuần phủ mới kiêng sợ, không dám vì việc tư lợi mà làm trái pháp luật. Tổng đốc, Tuần phủ thanh liêm chính trực, thì quan lại cấp dưới tự nhiên sẽ có phẩm hạnh trong sạch, tuy chỉ có một chút lỗi lầm thiếu sót cũng nhất định lo lắng và tu chỉnh, không gây ra những việc tổn hại nặng nề cho dân chúng”.

Các quan Đại thần căn cứ theo ý chỉ của Hoàng đế Khang Hy, trong vòng 10 ngày đã nghĩ ra các biện pháp trừ bỏ 6 điều tệ nạn kể trên, kiến nghị lên các biện pháp xử lý, nặng nhất bao gồm cả tử hình. Hoàng đế Khang Hy đã phê chuẩn những biện pháp ấy.

Từ sử sách mà xét, khi đất nước xảy ra thiên tai nhân họa, chính quyền nguy nan, Đế vương các đời đều tắm rửa trai giới, hiến tế thiên địa thần linh, tự xét lại tội của mình, sám hối tội lỗi của mình, có người còn ban bố “tội kỷ chiếu” (Chiếu thư tự trách tội mình) khắp thiên hạ, rồi xét đến việc triều chính có xảy ra điều gì sai trái không. Đây chính là việc làm mà các Đế vương thời cổ đại cho rằng là quan trọng bậc nhất.

 Người xưa tin rằng nguyên nhân căn bản sinh ra thiên tai nhân họa chính là thi hành triều chính sai lầm và đạo đức nhân quần suy đồi mà ra. Thiên tai nhân họa chính là Thượng thiên khiển trách, cũng là để khai thị cho con người nhân gian. Bởi vậy cổ nhân giảng: “Thiên nhân cảm ứng, kính đạo Trời tất hiểu sự đời”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: