Thổ Phồn là một đế quốc của người Tạng tồn tại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9. Tên gọi là Thổ Phồn nghĩa là đất của người Tạng, Vua của người Tạng được gọi là Tán Phổ. Khi Tán Phổ là Đề Tán lên ngôi, Thổ Phồn từng hùng mạnh khiến nhà Đường phải chịu cống nạp, lãnh thổ mở rộng đến cực điểm. Trong thời gian tồn tại, Thổ Phồn cũng chứng kiến sự truyền bá của Thích giáo vào vùng đất người Tạng.

Phật Pháp truyền đến Thổ Phồn

Sự hình thành của Phật giáo người Tạng không phải chỉ có một con đường, và cũng không phải chỉ có Thích giáo (Phật giáo xuất sinh từ những lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni). Tuy nhiên một con đường chủ yếu và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Phật giáo người Tạng chính là từ công chúa Văn Thành thời nhà Đường.

Vào thời Hoàng đế Đường Thái Tông, công chúa Văn Thành được gả cho Tán Phổ là Tùng Tán Cán Bố nhằm giữ quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Bản thân công chúa không phải là con ruột của Hoàng đế, mà chỉ là con em hoàng tộc. Bấy giờ Phật giáo thịnh hành, công chúa Văn Thành đã đưa tín ngưỡng Phật Pháp truyền đến Thổ Phồn.

Tho Phon 01
Tượng Văn Thành công chúa, bên phải. (Ảnh: Ernst Stavro Blofeld, Wikipedia, Public Domain)

Phật gíao phát triển thịnh vượng vào thời công chúa Văn Thành. Nhưng sau này trong triều đình Thổ Phồn có những người chống Phật giáo. Đến thời Tán Phổ Tri Detsuktsen thì những người này thắng thế với người đứng đầu Triều đình. Thổ Phồn lúc này cũng ngày càng trên đà suy yếu.

Sau đó theo truyền thống, Hoàng đế Đường Trung Tông gả công chúa Kim Thành cho Tán Phổ Tri Detsuktsen vào năm 710 nhằm giữ quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Tuy nhiên cuộc hôn nhân này không mang lại hòa bình, Thổ Phồn vẫn đưa quân tiến đánh nhà Đường. Tại Thổ Phồn, công chúa Kim Thành sinh được con trai đặt tên là Ngật Lật Song Đề Tán. Công chúa Kim Thành kính ngưỡng Phật Pháp, Đề Tán cũng rất có niềm tin vào Phật Pháp.

Vì triều đình Thổ Phồn bất ổn, năm 754, các quý tộc Thổ Phồn lật đổ Tri Detsuktsen, đưa Đề Tán lên làm Tán Phổ của Thổ Phồn.

Phục hưng và phát triển Phật giáo

Nhờ sự giúp đỡ của mẹ, Đề Tán phục hưng Phật giáo vốn đã hình thành từ khi công chúa Văn Thành đến Thổ Phồn. Công chúa Kim Thành cũng đóng vai trò lớn trong việc hòa giải xung đột giữa các tôn giáo.

Đề Tán cho mời cao tăng Ấn Độ là Tịch Hộ đến Thổ Phồn truyền Phật Pháp. Tịch Hộ nhận lời mời liền lên đường, nhưng trên đường gặp rất nhiều chướng ngại do thiên tai. Tịch Hộ đến Thổ Phồn cũng là lúc thiên tai và ôn dịch khắp nơi. Tể tướng Mã Tướng cùng nhiều quan lại cho rằng sự xâm nhập của Phật giáo là nguyên nhân dẫn đến thiên tai và ôn dịch.

Dù gặp phải muôn vàn khó khăn từ nhóm quan lại bài xích Phật giáo, Tịch Hộ đã cố gắng xây dựng cơ sở Phật giáo tại Thổ Phồn. Về Ấn Độ, Tịch Hộ gặp Liên Hoa Sinh và hai người cùng nhau đến Thổ Phồn.

Năm 787, hai ông xây dựng ở phía đông nam Lha Sa một tu viện gọi là Tang Diên (Sam Ye) nhằm vừa trấn áp tà ma vừa hồng truyền Phật Pháp. Từ đó tu viện Tang Diên trở thành trung tâm Phật giáo, Tịch Hộ làm sư trụ trì đầu tiên ở đây. Đề Tán cũng cho mời nhiều tu sĩ Ấn Độ cùng các dịch giả đến, nhiều kinh sách được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tạng.

Cùng với sự phát triển của Phật giáo thì những người chống Phật cũng dần suy yếu. Cuối cùng Đề Tán thành công xây dựng Thổ Phồn theo mong muốn của mình.

Nhà Đường phải chịu cống nạp

Thổ Phồn có niềm tin kính ngưỡng Phật Pháp, đất nước cũng ngày càng ổn định và phát triển hùng mạnh. Hoàng đế Đường Túc Tông khi ấy phải chịu cống nạp cho Thổ Phồn.

Tho Phon 02
Cung điện Potala. (Ảnh: Hanyu Qiu, Shutterstock)

Năm 763, Hoàng đế Đường Đại Tông lên ngôi không chịu cống nạp nữa. Tán Phổ Đề Tán liền đưa 20 vạn quân tiến đánh nhà Đường. Quân nhà Đường không sao ngăn được, quân Thổ Phồn tiến đến Kinh thành Trường An. Hoàng đế Đường Đại Tông phải bỏ Kinh thành chạy đến Hà Nam.

Quân Thồ Phồn chiếm Kinh thành Trường An nhưng không hợp với khí hậu ở đây, nên một thời gian thì rút về sau khi đạt được một số thỏa thuận có lợi.

Thời kỳ này Phật Pháp phát triển rực rỡ, Thổ Phồn cũng trở nên cường thịnh, lãnh thổ mở rộng đến cực điểm, phía tây làm chủ cả Bồn địa Tarim (thuộc Tân Cương), phía đông đến tận Nam Chiếu..

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: