Vài nét về thơ tiên tri “Mai Hoa Thi” của Thiệu Ung
- ChanhKien
- •
Trong nền văn hóa phương Đông, Thiệu Ung là một nhân vật kiệt xuất. Ông là một người có đạo đức cao thượng, đồng thời cũng là một bậc thầy về Dịch học và Lý học thời Bắc Tống. Theo Tống sử, rất nhiều sự việc sau khi xảy ra rồi, người ta mới nhận ra rằng Thiệu Ung đã nói về việc đó từ lâu. Cả đời Thiệu Ung đã viết rất nhiều dự ngôn và sách về phương pháp dự đoán, như “Mai hoa thi”, “Mai hoa dịch số”, “Thiết bản thần số”, “Hà lạc chân số”. “Mai hoa thi” tổng cộng có mười tiết, mỗi tiết có bốn câu thơ viết theo thể thất ngôn, dự đoán về quá trình diễn biến và những sự kiến lớn xảy ra từ thời Bắc Tống cho đến ngày hôm nay, những điều đã qua cũng đã được lịch sử chứng thực. Dưới đây xin giải sơ qua các tiết của “Mai hoa thi”, kính mong chỉ giáo.
Tiết thứ nhất
荡荡天门万古开,
几人归去几人来。
山河虽好非完璧,
不信黄金是祸胎。
Hán Việt:
Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai,
Kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai.
Sơn hà tuy hảo phi hoàn bích,
Bất tín Hoàng Kim thị họa thai.
Tạm dịch:
Dần từ vạn cổ cổng trời khai mở,
Hỏi mấy người đến mấy người trở về.
Non sông tuy đẹp mà không toàn vẹn,
Không tin Hoàng Kim là mầm tai họa.
Sơ giải:
Trong rất nhiều truyền thuyết của nhân loại đều nói về việc con người là do Thần tạo nên, là do các vị Thần khác nhau hạ thế tạo nên, rồi lại truyền cho văn hóa, truyền cho đạo đức và cách thức sinh sống. Đây là một thời kỳ Thần và người cùng sinh sống. Sau này, cuối thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế, cổng Trời cuối cùng đóng lại, Thần không được tự ý xuống cõi người, người cũng không thể tìm đường lên Trời được nữa. Nguồn gốc của con người là từ Thần, nhưng có mấy ai trở về được với cội nguồn đây? Chỉ có tu luyện mới có thể thành Phật, thành Đạo, thành Tiên…
Hai câu thơ sau, “Non sông tuy đẹp mà không toàn vẹn, Không tin Hoàng Kim là mầm tai họa” là sự trở về với thực tại của Thiệu Ung. Thời nhà Tống là lúc mà triều đình nhu nhược bất tài. Toàn bộ xã hội từ trên xuống dưới đều như vậy, đam mê ca múa vui thái bình. Rốt cuộc dẫn đến “nỗi nhục Tĩnh Khang”, Hoàng đế Bắc Tống, cung phi, hoàng thân, cho đến khắp đại thần trong triều ba ngàn người đều bị nước Kim bắt làm nô lệ.
Đặc biệt đến thời Nam Tống thì càng cẩu thả tạm bợ, ở nửa giang sơn vùng Giang Nam mà mê đắm trong tình sắc hoan ái, thể thơ Tống từ trở thành cách văn nhân bày tỏ tình cảm luyến ái. Đến nỗi cuối cùng Hoàng đế Nam Tống phải nhảy xuống biển vùi thân. Do vậy, non sông tuy tươi đẹp mà không toàn vẹn là vậy.
“Kim” là chỉ tộc Nữ Chân ở phương Bắc kiến lập nước Đại Kim. “Hoàng” là phủ Hoàng Long, kinh đô nước Kim. Ở đây tiên tri về sự kiện nhà Nam Tống sống tạm bợ trong một nửa giang sơn vùng Giang Nam và người Kim xâm chiếm. “Không tin Hoàng Kim là mầm tai họa” nói về việc Hoàng đế nhà Tống luôn có xu hướng chủ hòa, cắt đất cầu hòa, nhiều lần để gian thần hãm hại trung lương, tin rằng nhà Kim có thể để yên cho, cuối cùng vì thế mà mất nước.
Tiết thứ hai
湖山一梦事全非,
再见云龙向北飞。
三百年来终一日,
长天碧水叹弥弥。
Hán Việt:
Hồ Sơn nhất mộng sự toàn phi,
Tái kiến Vân Long hướng Bắc phi.
Tam bách niên lai chung nhất nhật,
Trường thiên bích thủy thán di di.
Tạm dịch:
Một giấc mộng Hồ Sơn mà hỏng cả,
Lại thấy Rồng Mây hướng phía Bắc bay.
Ba trăm năm hết chỉ nội một ngày,
Non xanh nước biếc than ôi còn đâu.
Sơ giải:
“Một giấc mộng Hồ Sơn mà hỏng cả”: Bởi nhà Nam Tống lập kinh đô Lâm An bên bờ Tây Hồ, hơn nữa hoàng đế Nam Tống cả ngày đắm chìm trong tửu sắc, vậy mới nói “Hồ Sơn nhất mộng”.
“Lại thấy Rồng Mây hướng phía Bắc bay”, là chỉ khí số thiên tượng rơi vào phương Bắc, ở miền Bắc sinh “chân long thiên tử”, triều đại mới sinh ra ở phương Bắc. Khi binh nhà Nguyên xâm nhập Lâm An, Hoàng đế bị bắt làm tù binh.
“Ba trăm năm hết chỉ nội một ngày”, là chỉ Bắc Tống, Nam Tống trải qua quãng ba trăm năm (từ năm 960 đến 1279 SCN) rồi cuối cùng diệt vong.
“Non xanh nước biếc than ôi còn đâu”, chính là chỉ năm 1279 SCN, tàn quân nhà Tống chiến bại không còn lối thoát, Lục Tú Phu cõng Hoàng đế Nam Tống Triệu Bính nhảy xuống biển mà chết, các tướng sĩ khác và hoàng phi đều gặp bão lớn rồi thuyền chìm dưới đáy đại dương.
Tiết thứ ba
天地相乘数一原,
忽逢甲子又兴元。
年华二八乾坤改,
看尽残花总不言。
Hán Việt:
Thiên địa tương thừa số nhất nguyên,
Hốt phùng giáp tử hựu hưng Nguyên.
Niên hoa nhị bát càn khôn cải,
Khán tận tàn hoa tổng bất ngôn.
Tạm dịch:
Số nhân của Trời Đất đến một nguyên,
Hốt gặp giáp tử thì lại hưng Nguyên.
Được tám tám năm thì càn khôn đổi,
Xem hết hoa tàn mà vẫn không tâu.
Sơ giải:
“Số nhân của Trời Đất đến một nguyên, Hốt gặp giáp tử thì lại hưng Nguyên”, là nói thời kỳ Thiên can Địa chi tương giao, trở lại ngọn nguồn, nhà Nguyên bắt đầu hưng thịnh. “Hốt” ở đây là chỉ Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, “hưng Nguyên” là chỉ nhà Nguyên được kiến lập. Hốt Tất Liệt năm 1260 SCN làm Đại Hãn, năm 1264 SCN (một giáp – “giáp tử”) lên ngôi kiến lập triều Nguyên. Năm 1271, Hốt Tất Liệt căn cứ vào kiến nghị của Lưu Bỉnh Trung, lấy ý nghĩa “Càn Nguyên” trong “Kinh Dịch” mà cải quốc hiệu thành “Đại Nguyên”.
“Được tám tám năm thì càn khôn đổi, Xem hết hoa tàn mà vẫn không tâu”, triều Nguyên từ Nguyên Thế Tổ truyền được 10 đời. Năm 1279 SCN, triều Tống diệt vong hoàn toàn, đến năm 1368 SCN, triều Nguyên bị diệt, tổng cộng là 88 năm, ứng với ý trong “Được tám tám năm càn khôn đổi”.
Thời Nguyên Thuận Đế, Hoàng đế cuối cùng không quan tâm đến chuyện triều chính nữa, lui về hậu cung sa đọa, quan viên ém nhẹm hồ sơ không tâu lên, có thể nói “hoa tàn” mà “vẫn không tâu” là như vậy.
Tiết thứ tư
毕竟英雄起布衣,
朱门不是旧黄畿。
飞来燕子寻常事,
开到李花春已非。
Hán Việt:
Tất cánh anh hùng khởi bố y,
Chu môn bất thị cựu hoàng kỳ.
Phi lai yến tử tầm thường sự,
Khai đáo Lý hoa xuân dĩ phi.
Tạm dịch:
Rốt cuộc là anh hùng từ áo vải,
Lầu son đâu phải cờ vàng ngày xưa.
Chim én bay đến ấy chuyện tầm thường,
Nở tới hoa mận thì xuân đã qua.
Sơ giải:
“Rốt cuộc là anh hùng từ áo vải, Lầu son đâu phải cờ vàng ngày xưa”, tả rõ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, tuy xuất thân bần tiện (bố y – áo vải), còn trải qua mấy năm làm hòa thượng, sau tham gia khởi nghĩa, cuối cùng thể hiện bản sắc anh hùng, từ một binh sĩ bình thường vọt lên làm thủ lĩnh, đến năm 1368 SCN xưng đế tại Nam Kinh. “Lầu son” ấy không còn là nhà nông đất vàng (“cờ vàng”) ngày xưa nữa.
“Chim én bay đến ấy chuyện tầm thường, Nở tới hoa mận thì xuân đã qua” chỉ con thứ tư của Chu Nguyên Chương là Yến vương Chu Đệ hùng cứ tại Yên Kinh, cuối cùng công nhập Nam Kinh, đoạt lấy ngôi Hoàng đế, đúng là “nhanh như chim én”. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương nhường ngôi cho Hoàng Thái Tôn cháu mình, tức Minh Huệ Đế. Năm ấy, hơn mười hoàng tử được phong làm Phiên vương, đóng tại biên cương. Trong đó Yến vương Chu Đệ thực lực mạnh nhất, danh vọng lớn nhất. Minh Huệ Đế vì cứ khăng khăng tước bỏ Phiên vương, đòi miễn Yến vương, nên Yến vương không còn cách nào khác đành khởi binh làm phản. Bởi vì Chu Đệ trí dũng hơn người nên cuối cùng giành chiến thắng sau 4 năm, trở thành Minh Thái Tông, sau được gọi là Minh Thành Tổ, niên hiệu Vĩnh Lạc. Yến vương được thiên hạ, ngẫm ra thì đúng là “tầm thường sự”, về cả tình và lý. “Nở tới hoa mận thì xuân đã qua”, ứng với năm 1644 SCN, Sấm vương Lý Tự Thành (“Lý hoa” – hoa mận) dẫn quân khởi nghĩa công phá kinh thành, hoàng đế Sùng Trinh thắt cổ tự vẫn ở Cảnh Sơn, triều Minh diệt vong (“xuân đã qua”).
Tiết thứ năm
胡儿骑马走长安,
开辟中原海境宽。
洪水乍平洪水起,
清光宜向汉中看。
Hán Việt:
Hồ nhi kỵ mã tẩu Trường An,
Khai tích Trung Nguyên hải cảnh khoan.
Hồng thủy sạ bình hồng thủy khởi,
Thanh quang nghi hướng Hán Trung khán.
Tạm dịch:
Kỵ mã của trẻ Hồ tới Trường An,
Khai thác vùng hải cảng tại Trung Nguyên.
Hồng thủy bình rồi lại hồng thủy khởi,
Ánh sáng trong phải hướng Hán Trung xem.
Sơ giải:
“Kỵ mã của trẻ Hồ tới Trường An”, “Bắc hồ Nam man”, Mãn Thanh ở vùng Đông Bắc xâm nhập làm chủ Trung Nguyên. Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh qua ải, đặt dấu chấm hết cho thời Minh mạt.
“Khai thác vùng hải cảng tại Trung Nguyên”: nhà Thanh ngày trước, thế nước hưng thịnh, văn trị võ công, cường thịnh phi thường, một trăm năm đầu tiên là thời “Khang Càn thịnh thế” (thời Khang Hy, Càn Long). Đặc biệt là hoàng đế Khang Hy, bình định các chủng nội loạn ngoại xâm, mở rộng bản đồ Trung Nguyên ở mức chưa từng có. Ngoài ra, nhà Thanh bắt đầu tiến hành thông thương quy mô lớn với nước ngoài, khai thác bến cảng, cũng chính là “hải cảnh khoan” vậy.
“Hồng thủy bình rồi lại hồng thủy khởi, Ánh sáng trong phải hướng Hán Trung xem”: Chữ “Hồng thủy” đầu tiên chính là chỉ năm 1851, Hồng Tú Toàn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, tựa như cơn hồng thủy cuốn sạch một nửa Trung Quốc, kéo dài trong 13 năm, làm lung lay nghiêm trọng sự thống trị của triều Thanh. Sau khi Thái Bình Thiên Quốc bị bình định rồi, triều Thanh vẫn loạn không ngừng, mãi đến cuối cùng, khởi nghĩa Vũ Xương thành công, Lê Nguyên Hồng thành đô đốc Trung Hoa Dân Quốc, sau khi Viên Thế Khải chết trở thành Tổng thống, Vương triều nhà Thanh diệt vong hoàn toàn. Do đó, cuối cùng của triều Thanh (“Thanh quang”) cần phải đến Vũ Hán (“Hán Trung” – Vũ Xương là một quận của Vũ Hán) mà xem.
Tiết thứ sáu
汉天一白汉江秋,
憔悴黄花总带愁。
吉曜半升箕斗隐,
金乌起灭海山头。
Hán Việt:
Hán thiên nhất bạch Hán giang thu,
Tiều tụy hoàng hoa tổng đới sầu.
Cát diệu bán thăng Ki Đẩu ẩn,
Kim Ô khởi diệt hải sơn đầu.
Tạm dịch:
Trời Hán sáng tỏ, sông Hán mùa thu,
Hoa cúc vàng tiều tụy vẫn ưu sầu.
Ánh cát tường nửa thăng, Ki Đẩu ẩn,
Mặt trời vụt tắt trên đầu núi biển.
Sơ giải:
“Trời Hán sáng tỏ, sông Hán mùa thu” là nói nhà Thanh suy vong, Trung Quốc tiến nhập thời đại mới (“Hán giang thu”). Ngày 10 tháng 10 năm 1911 (mùa thu), khởi nghĩa Vũ Xương kiến lập Trung Hoa Dân Quốc.
“Hoa cúc vàng tiều tụy vẫn ưu sầu”, cách mạng Dân Quốc tuy thành công nhưng nền móng rất thiếu ổn định, tựa như hoa cúc vàng tiêu điều.
“Ánh cát tường nửa thăng, Ki Đẩu ẩn”: “Cát diệu” là chỉ cờ Thanh Thiên Bạch Nhật của Quốc Dân Đảng, “bán thăng” là chỉ thời kỳ đầu của Quốc Dân Đảng, ở Trung Quốc quân phiệt cát cứ, nội chiến liên miên, không cách nào thực hiện bình định thống nhất. Đến khi Tưởng Giới Thạch lãnh đạo Bắc phạt thành công mới sơ bộ đặt địa vị cho Quốc Dân Đảng. “Ki Đẩu” thuộc tử vi cổ đại (Lã Thị Xuân Thu – Hữu Thủy Giác), là hai vì sao thuộc ba vì sao được phân vào phương Đông Bắc của bầu trời (Ki, Đẩu, Ngưu), ở đây chỉ thế lực của đảng cộng sản ngấm ngầm phát triển và rồi chiếm phần Đông Bắc Trung Quốc sau chiến tranh Trung Nhật. Cuối cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được Trung Quốc từ tay Quốc Dân Đảng.
“Mặt trời vụt tắt trên đầu núi biển”: Thời cổ “Kim Ô” là tên gọi khác của Thái Dương (Mặt trời), ở đây ám chỉ Nhật Bản. Cả câu là chỉ Nhật Bản gây chiến trong Đại Thế chiến II rồi cuối cùng chiến bại, đầu hàng.
Tiết thứ bảy
云雾苍茫各一天,
可怜西北起烽烟。
东来暴客西来盗,
还有胡儿在眼前。
Hán Việt:
Vân vụ thương mang các nhất thiên,
Khả liên Tây Bắc khởi phong yên.
Đông lai bạo khách Tây lai đạo,
Hoàn hữu Hồ nhi tại nhãn tiền.
Tạm dịch:
Mây mù mờ mịt hết một ngày đêm,
Thảm thương Tây Bắc khói lửa chiến tranh.
Cướp đến từ Đông, giặc đến từ Tây,
Còn có trẻ Hồ ở ngay trước mắt.
Sơ giải:
“Mây mù mờ mịt hết một ngày đêm”, là nói cục diện Trung Quốc và Đài Loan phân chia đối lập nhau (“các nhất thiên”). Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm Đại lục, Đài Loan là do Quốc Dân Đảng.
Ba câu sau là nói về nguy cơ của chế độ Trung Quốc. Phía Tây Bắc thì gặp vấn đề với Tân Cương và Tây Tạng. Phía Đông thì gặp vấn đề với Bắc Triều Tiên. Tây phương cũng luôn đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nước Nga ở phía Bắc cũng luôn kình nhau với Trung Quốc nhiều năm.
Tiết thứ tám
如棋世事局初残,
共济和衷却大难。
豹死犹留皮一袭,
最佳秋色在长安。
Hán Việt:
Như kỳ thế sự cục sơ tàn,
Cộng tề hòa trung khước đại nạn.
Báo tử do lưu bì nhất tập,
Tối giai Thu sắc tại Trường An.
Tạm dịch:
Như ván cờ mới rơi vào thế tàn,
Đồng lòng giúp nhau nhưng gặp đại nạn,
Con báo chết còn lưu lại bộ da,
Sắc thu đẹp nhất ở tại Trường An.
Sơ giải:
“Như ván cờ mới rơi vào thế tàn, Đồng lòng giúp nhau nhưng gặp đại nạn”: Cục diện thế giới xưa nay tựa như bàn cờ, đây là chỉ thời kỳ chiến tranh Lạnh đối đầu giữa thế giới Tây phương tự do dân chủ và cộng sản quốc tế. Đến thập niên 90, các quốc gia cộng sản ào ào biến sắc, điều này đối với toàn bộ chủ nghĩa cộng sản mà xét, thì đã đi vào tàn cuộc rồi. Liên minh các nước cộng sản giải thể, tuyệt đại đa số các nước từ bỏ chế độ cộng sản, đối với đảng cộng sản mà nói là lâm vào đại kiếp nạn vậy.
“Con báo chết còn lưu lại bộ da”: Quốc gia đứng đầu các nước cộng sản là Liên Xô tan rã, hệ thống đảng cộng sản thực tế đã lâm nguy rồi, chỉ còn lưu lại hình thức được những người đương quyền Trung Quốc kế thừa, cũng tựa như con báo chết rồi nhưng vẫn còn lưu lại bộ da. Trung Quốc ngày nay không còn ai tin tưởng chủ nghĩa cộng sản nữa, bao gồm cả những người đương quyền trong đảng cộng sản, họ chỉ lợi dụng hình thức đảng cộng sản để duy trì sự thống trị của họ mà thôi.
“Sắc thu đẹp nhất ở tại Trường An”: Thế giới đều biết rằng những người đương quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng hình ảnh bên ngoài, vì để tạo tính hợp lý cho chế độ nên đã ra sức tô son trát phấn ngụy tạo cái gọi là “tình thế tốt đẹp”, tập trung một lượng lớn tài lực để xây dựng rầm rộ, trang điểm thủ đô. “Trường An” là chỉ kinh thành của Trung Quốc, cũng chỉ Trung Quốc nói chung. Nhưng “sắc thu” thì cũng không cách nào trường cửu được.
Tiết thứ chín
火龙蛰起燕门秋,
原璧应难赵氏收。
一院奇花春有主,
连宵风雨不须愁。
Hán Việt:
Hỏa long trập khởi Yên Môn thu,
Nguyên bích ưng nạn Triệu thị thu.
Nhất viện kỳ hoa Xuân hữu chủ,
Liên tiêu phong vũ bất tu sầu.
Tạm dịch:
Rồng lửa khởi đau buồn từ Yên Môn,
Nguyên bích chịu nạn, họ Triệu thu về,
Một vườn hoa đẹp, mùa xuân có chủ,
Mưa gió suốt đêm không phải ưu sầu.
Sơ giải:
“Rồng lửa khởi đau buồn từ Yên Môn”: “Hỏa long”, tức ác long màu đỏ, chỉ đảng cộng sản Trung Quốc luôn thích dùng màu đỏ. Câu đầu tiên ẩn dụ về sự kiện “lục tứ” năm 1989, học sinh thỉnh nguyện tại Thiên An Môn sau đó chịu thảm sát tàn khốc.
“Nguyên bích chịu nạn, họ Triệu thu về”: “Nguyên bích” ngầm chỉ lịch sử Trung Quốc liên tục trong 5.000 năm, phải chịu nạn này. Đại Cách mạng văn hóa, rồi phá tứ cựu… liên tục các cuộc vận động đã tàn phá con người và văn hóa Trung Hoa, áp đặt lên hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tới từ phương Tây. “Triệu thị thu” là chỉ Triệu Tử Dương, đứng về phía sinh viên, muốn cứu lấy hy vọng của người Trung Quốc, nhưng vì sự kiện Thiên An Môn mà bị đàn áp.
“Một vườn hoa đẹp, mùa xuân có chủ”: Bởi vì trong văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là đạo Phật, thì hoa nở biểu hiện cho thành tựu, viên mãn, biểu hiện cho người tu luyện, nên một vườn hoa đẹp chính là để chỉ một tín ngưỡng. Niềm hy vọng của người dân Trung Quốc tưởng bị mất đi trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn, nhưng sau đó, nền văn hóa Trung Hoa lại thông qua một tín ngưỡng mà tiếp tục bén rễ khắp nơi, cực kỳ phổ biến tại Trung Quốc, cuối cùng như một vườn hoa đẹp. Dẫu tín ngưỡng ấy sau đó bị đàn áp, mưa giập gió vùi suốt đêm, nhưng cuối cùng cũng không phải ưu sầu. Lấy nhãn quang lịch sử mà xét, vô luận tà ác có điên cuồng đến cỡ nào, mùa đông có giá rét lạnh lẽo ra sao, cuối cùng vẫn vượt qua, chính là “không cần phải lo sầu” vậy.
Tiết thứ mười
数点梅花天地春,
欲将剥复问前因。
寰中自有承平日,
四海为家孰主宾。
Hán Việt:
Số điểm Mai Hoa thiên địa Xuân,
Dục tướng Bác Phục vấn tiền nhân.
Hoàn trung tự hữu thừa bình nhật,
Tứ hải vi gia thục chủ tân.
Tạm dịch:
Số điểm hoa mai trời đất là xuân,
Muốn biết Bác Phục hỏi nguyên nhân xưa.
Trong hoàn vũ tự hưởng ngày thái bình,
Bốn biển là nhà hỏi ai chủ khách.
Sơ giải:
“Số điểm mai hoa thiên địa Xuân”: Câu này chính là dụng bút theo kiểu “vẽ rồng điểm mắt”, làm nổi bật nét chính, tên bài thơ chính lấy từ câu này, do vậy mới gọi là “Mai Hoa Thi”. Kinh qua khảo nghiệm mùa đông giá rét, những bông hoa mai cười ngạo sương tuyết, trỗi dậy đón nở mùa Xuân đến. Đây chính là thời khắc vạn vật nghênh Xuân, khắp nơi đều quy chính. Như vậy trải qua nhiều khổ nạn, cuối cùng nền văn minh Trung Hoa thông qua sự kiên cường của văn hóa truyền thống và tín ngưỡng mà được phục sinh. Vạn vật quy chính, cũng có nghĩa là không còn bóng ma của chế độ độc tài nữa.
“Muốn biết Bác Phục hỏi nguyên nhân xưa”: Bác, Phục là tên hai quẻ trong Kinh Dịch. Bác cực tất Phục, cũng là chỉ “Vật cực tất phản”. Lịch sử tựa như bánh xe xoay chuyển (chuyển luân), có nhân trước tất có quả sau.
“Trong hoàn vũ tự hưởng ngày thái bình”: Đây chính là lúc mà vạn vật được hưởng thái bình.
“Bốn biển là nhà hỏi ai chủ khách”: Trong vũ đài lịch sử ai đóng vai phụ, ai đóng vai chính, đã sớm có số định trước. Văn minh nhân loại tựa như một màn kịch, ai cũng giữ một vai, ai cũng tự mình chọn lựa thiện ác trong vở kịch. Kể từ khi “Dần từ vạn cổ cổng Trời khai mở” (câu thứ nhất, tiết thứ nhất) đến “Trong hoàn vũ tự hưởng ngày thái bình”, chính là một vở kịch từ đầu chí cuối vậy. Thần khai mở cổng Trời, tạo nhân loại, dẫn dắt nhân loại đi trong lịch sử hàng ngàn năm, qua nhiều lần hưng suy, cuối cùng để cho nhân loại trải qua đầy đủ màn kịch lịch sử, rốt cuộc là để đặt định cho nhân loại điều gì?
Dựa theo “Dịch giải dự ngôn Mai Hoa Thi thời nhà Tống“
Đăng trên ChanhKien.org
Xem thêm:
- Tri thức của các cao nhân trí huệ và nhà tiên tri cổ đại đến từ đâu?
- Tìm hiểu về Thiệu Ung, tác giả của Mai Hoa Dịch số
Mời xem video: