Vạn Hạnh: Vị thiền sư có ảnh hưởng to lớn đến vận mệnh của Đại Việt
- Trần Hưng
- •
Phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Diệt Hỷ) với chiều dài hơn 600 năm đã có ảnh hưởng to lớn đến lịch sử của Đại Việt. Trải qua 19 đời (580-1216), trường phái này đã tạo ra nhiều vị thiền sư xuất chúng, ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của đất nước qua các thời kỳ. Nhà Đinh, tiền Lê, Lý đều dựa vào các thiền sư nhằm giáo hóa muôn dân, giúp nâng cao đạo đức cũng như văn minh tinh thần xã hội. Một trong những thiền sư xuất sắc của phái này là Vạn Hạnh, ông đóng vai trò quan trọng thời tiền Lê và tạo ra một cuộc chuyển giao hòa bình hiếm có sang nhà Lý.
Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, sinh năm 937, từ nhỏ ông đã bộc lộ bản tính thông minh. Năm 958 ông xuất gia theo trường phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Cuốn “Thiền uyển tập anh” ghi chép rằng: “Chùa Lục tổ, làng dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Người Cổ Pháp, họ Nguyễn. Gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ sư đã khác thường, gồm thông ba học nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh. Năm 21 tuổi xuất gia, cùng với Định Huệ thờ Thiền Ông chùa Lục tổ làm thầy. Ngoài lúc hầu hạ, sư học quên cả mệt mỏi.”
Thời tiền Lê
Dưới thời vua Lê Đại Hành, nhà Vua rất tin tưởng vào Phật Pháp, tất cả những việc lớn và quan trọng ông đều lắng nghe lời của các thiền sư nổi tiếng lúc đó là Vạn Hạnh, Khuông Việt, và Đỗ Pháp Thuận.
“Thiền uyển tập anh” ghi chép rằng vua Lê Đại Hành rất tôn kính thiền sư Vạn Hạnh: “Bấy giờ sư nói ra lời nào thiên hạ đều cho là phù sấm. Hoàng đế Lê Đại Hành hết lòng tôn kính sư”.
Cuối năm 980, nhà Tống đưa gần 10 vạn quân, trong đó có 4 vạn cấm quân (tức quân tinh nhuệ) tiến đánh Đại Cồ Việt, vận nước lâm nguy. Vua cho mời sư Vạn Hạnh đến hỏi nếu đánh thì thắng hay bại, thiền sư đã trả lời rằng quân Tống sẽ bại và rút lui. Câu trả lời cả sư Vạn Hạnh củng cố thêm quyết tâm chống Tống cho cả Vua và toàn quân tướng Đại Cồ Việt.
Sách “Thiền uyển tập anh” chép rằng Vua cử thiền sư Khuông Việt đến Bình Lỗ để chuẩn bị một trận địa mai phục, xây thành, đóng cọc đánh Tống. Kết quả quân Tống bị bao vây và tiêu diệt ở Bình Lỗ, chủ tướng Hầu Nhân Bảo cũng bị tử trận tại đây, khiến quân Tống sau đó phải tháo chạy về nước.
Sau khi đánh bại quân Tống, năm 982 vua Lê Đại Hành cho sứ giả đến Chiêm Thành nhằm giữ hòa hảo giữa hai nước. Nào ngờ vua Chiêm muốn quan hệ tốt với nhà Tống liền bắt giam sứ giả của Đại Cồ Việt.
Vua Lê Đại Hành quyết thân chinh đưa quân đánh Chiêm Thành cứu sứ giả. Trước khi lên đường nhà Vua chưa an tâm lắm, cẩn thận hỏi lại thiền sư Vạn Hạnh xem có nên xuất binh không, thiền sư trả lời rằng đây là cơ hội tốt đừng để vuột mất.
Vua Lê Đại Hành vững tâm tiến binh, kết quả vua Chiêm bị chém giữa trận tiền, quân Chiêm thua to, từ đó Chiêm Thành quy thuận Đại Cồ Việt.
Người dạy dỗ vua Lý Thái Tổ
Năm Lý Công Uẩn lên 7 thì được đưa đến chùa Cổ Pháp để sư Vạn Hạnh dạy dỗ. Ông khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Sư Vạn Hạnh đã truyền thụ cả Phật Pháp và võ học cho Lý Công Uẩn, rồi tiến cử vào Triều đình.
Sau khi vua Lê Đại Hành mất, các hoàng tử chém giết tranh giành quyền lực, khiến Triều đình mục nát. Cuối cùng Lê Long Đĩnh giết anh trai mình là vua Lê Trung Tông để cướp ngôi, lại cai trị hà khắc khiến lòng dân oán thán. Lê Long Đĩnh ở ngôi 4 năm thì có 5 lần diễn ra bạo loạn lớn.
- Xem thêm: Lòng nhân đức của vua Lý Thánh Tông
Tiên đoàn của trường phái Diệt Hỷ
Trước khi Cao Biền trấn yểm An Nam, các thiền sư thuộc phái Diệt Hỷ đã biết trước việc này và đã chuẩn bị để phá giải. Khi sắp viên tịch, thiền sư Định Không cho gọi người kế tục mình là Thông Thiện đến dặn dò rằng rằng, sau này người kế tục Thông Thiện là người mang họ Đinh. (Xem bài: Chuyện thiền sư Việt phá giải thuật phong thủy của Cao Biền)
Sau này Thông Thiện chọn người kế tục mình là Đinh La Quý. Đinh La Quý là người nối lại long mạch cho làng Cổ Pháp, phá giải thuật trấn yểm của Cao Biền. Trước khi mất ngài La Quý có làm một bài thơ tiên đoán như sau:
Đại sơn long đầu khỉ
Cù vĩ ẩn châu minh
Thập bát tử định thiền
Miên thọ hiện long hình
Thổ kê thử nguyệt nội
Định kiên nhật xuất thanh
Dịch là:
Đại sơn đầu rồng ngửng
Đuôi cù ẩn Châu minh
Thập bát tử định thành
Bông gạo hiện long hình
Thỏ gà trong tháng chuột
Nhất định thấy trời lên
Ở câu thứ 3 “thập bát tử” tức chữ thập (+), chữ bát (八), chữ tử (子) tạo thành chữ Lý (李) ý chỉ vị vua sau này mang họ Lý. Hai câu sau nói ra vị vua này lên ngôi vào tháng chuột (tháng 11) năm gà (tức năm dậu 1009).
Điều này cho thấy các Thiền sư dòng Diệt Hỷ đã biết trước Vua nhà Lý sẽ lên ngôi vào năm 1009, và sư Vạn Hạnh là người hoàn tất sự việc này.
Nhà Lý lên ngôi
Năm 1009, Lê Long Đĩnh mất, hoàng tử Lê Cao Sạ còn rất bé, đất nước loạn lạc. Người dành được thiện cảm lớn nhất trong Triều đình lúc này chính là Lý Công Uẩn.
Để ổn định đất nước, sư Vạn Hạnh đã bàn với Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Vua. Cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim có ghi chép rằng: “Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm, ở trong triều có bọn Đào Cam Mộc cùng với Sư Vạn Hạnh mưu tôn Lý Công Uẩn lên làm vua.”
Nhờ sư Vạn Hạnh chuẩn bị trước mọi việc, nên khi quan Chi hậu Đào Cam Mộc đề xuất Lý Công Uẩn lên ngôi Vua thì Triều thần đều đồng lòng. Lý Công Uẩn lên ngôi hiệu là Lý Thái Tổ.
Cuốn “Văn học đời Lý” xuất bản năm 1957 tại Sài Gòn của Lê Văn Siêu cho rằng cuộc chuyển giao từ nhà tiền Lê sang nhà Lý rất êm đẹp, không đổ một giọt máu, không gây một oan cừu. Sư Vạn Hạnh khi thành công đã không chịu nhận một chức tước gì trong triều của ông Vua vốn là học trò của mình, mà ngai vàng lại đã do chính tay mình đem đến.
Người quyết định dời đô về Thăng Long
Sư Vạn Hạnh biết phong thủy ở kinh đô Hoa Lư không phù hợp nữa, các Triều đại ở đây chỉ tồn tại ngắn ngủi. Nơi đó chật hẹp đất thấp không xứng với tầm vóc để xây dựng một Giang Sơn hùng mạnh, vì thế mà khuyên Vua dời đô đến thành Đại La.
Vua Lý Thái Tổ nghe lời thầy, cho dời đô đến thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long. Cũng kể từ đó văn minh đất nước phát triển vượt bậc, nhà Lý tồn tại 216 năm trải 9 đời (tính cả Lý Chiêu Hoàng). Các nhà Trần và Lê sau này cũng rất lâu dài.
Vua Lý Thái Tổ được thầy mình là Vạn Hạnh dùng Phật Pháp dạy dỗ từ tấm bé, nên mang theo trí huệ và tấm lòng từ bi của nhà Phật. Ông giúp Xã Tắc ổn định sau cuộc loạn lạc và nhanh chóng phát triển đến cường thịnh về mọi mặt.
Các đời vua Lý sau này là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông cũng đều là những người tu Phật, dùng từ bi để trị quốc, khiến văn minh Đại Việt phát triển rực rỡ.
Thiền sư Vạn Hạnh giống như một vị quân sư dưới thời vua Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ, là thiền sư nhưng lại là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến sử Việt.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Lý nhà tiền Lê thiền sư Vạn Hạnh Lý Thái Tổ