Lòng nhân đức của vua Lý Thánh Tông
- Trần Hưng
- •
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Phật giáo được đón nhận, đất nước bắt đầu thời kỳ văn minh rực rỡ. Qua đời vua Lý Thái Tông, đến thời vua Lý Thánh Tông, Phật giáo phát triển rực rỡ làm nền tảng để văn hóa thăng hoa, quân đội hùng mạnh, chính sách ngoại giao cứng rắn thể hiện chủ quyền dân tộc. Mặt khác, vua Lý Thánh Tông còn nổi tiếng là một vị vua nhân từ, thương dân như con.
Từ khi còn là thái tử, vua Lý Thánh Tông đã tỏ rõ tư chất của mình, ông “tinh thông kinh truyện, hiểu âm luật, lại càng giỏi về võ lược” (Đại Việt Sử Lược). Vua cha cho ông tới sống ở cung Long Đức ngoài thành để hòa mình cùng dân gian. Sau này dù lên ngôi báu, nhưng vua Lý Thánh Tông vẫn duy trì thói quen về cung Long Đức mỗi khi có lễ hội, xem dân trồng lúa gặt hái. Nhiều năm sống gần dân, ông thấu hiểu được cuộc sống nhọc nhằn của lê dân trăm họ, nên hiểu và cảm thông với người dân.
Các nguồn sử liệu đều cho rằng Lý Thánh Tông là vị vua nhân đức. Chẳng hạn vào mùa đông rét buốt, Vua lại nghĩ đến những tù nhân trong ngục. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.
Năm đó bởi có thiên tai, Vua giảm một nửa tô thuế cho người dân cả nước.
Khi mới lên ngôi, một trong những việc đầu tiên vua Thánh Tông làm là sai đốt các hình cụ tra tấn, tỏ ý muốn dùng nhân đức cai trị chứ không muốn dùng nhục hình với dân.
Vua thường ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện, sau rồi thấy việc xử phạt làm thương tổn tới sinh mệnh, bèn quyết định khoan giảm cho dân. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép chuyện này như sau:
Năm 1064 “mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.
Năm 1070, Vua lại cho phép người bị phạt trượng hình được nộp tiền phạt để giảm tội.
Bên cạnh việc miễn giảm tội hình, Vua rất quan tâm đến mùa màng của dân chúng. Tháng 10/1056, Vua ban chiếu khuyến nông.
Mùa thu hoạch, Vua đi khắp nơi xem dân gặt lúa, gặp lúc thu hoạch khó khăn hay mất mùa thì lo lắng giảm miễn thuế hoặc mở kho phát chẩn cho dân. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng: “Mùa hạ, tháng 4 (1070) đại hạn, phát thóc, và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo ”
Về mặt văn hóa, Vua cho xây dựngVăn Miếu, dựng tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 vị tiên hiền trong đó để khai sáng muôn dân. Vua còn duy hộ Phật Pháp, Đạo Pháp cho xây dựng chùa tháp, dựng tượng, đúc chuông, gây dựng nền tảng tín ngưỡng giúp Xã Tắc ổn định.
Bản thân vua Lý Thánh Tông là người tu luyện, được xem là Tổ thứ hai của thiền phái Thảo Đường, một trong 3 dòng thiền chính của Đại Việt lúc bấy giờ.
Vua Lý Thánh Tông đã tạo nên một nền tảng rực rỡ để con là vua Lý Nhân Tông kế thừa. Lý Nhân Tông là vị vua mang đến nhiều điềm lành nhất trong sử Việt, cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất sử Việt, hơn 55 năm. 55 năm đó đánh dấu giai đoạn Thịnh trị nhất trong lịch sử nhà Lý, và là một trong những giai đoạn văn minh bậc nhất trong sử Việt.
Sử thần Ngô Sĩ Liên viết về vua Lý Thánh Tông như sau:
“Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phía nam bình Chiêm; phía bắc đánh Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác cũng vẫn là bậc vua hiền. Hoặc có người bảo là vua nhân nhu có thừa mà cương đoán không đủ, ngu ý chưa cho là phải.”
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Lý Lý Thánh Tông