Vé số
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
“Ngoại ơi, hôm qua con bán ế quá trời.”
Chị sà xuống ngồi vào cái ghế bên cạnh mẹ. Kéo ống quần, để lộ ra bàn chân vặn vẹo thịt dồn thành một cục ở gót, chỉ vào chỗ phồng rộp, chị nói như khóc.
“Con đau quá. Hôm qua con lội khắp nơi, mời không ai mua. Tới chiều vẫn còn ế mấy chục tờ.”
Chị vừa kể vừa níu vào cánh tay mẹ, để tìm sự an ủi hơn là than thở. Mẹ nén tiếng thở dài, ừ ừ. Vuốt vuốt bàn tay chị. Móc túi lấy ra hai chục, biểu chị lấy cho mẹ hai tờ vé số.
“Cỡ này mưa gió, đường trơn, đi lại khó khăn. Con lấy ít thôi để bán cho hết.”
Chị lại nũng nịu.
“Con là con báo nè. Ngày nào con cũng báo Ngoại hết.”
Hai người cùng cười xòa. Đôi mắt ầng ậc nước vừa chực trào của chị chuyển thành những tia lấp lánh. Vài người đang ngồi ăn sáng, uống cà phê cũng mua vài tờ.
Cái bóng gầy nhom, thấp tủn, bước thấp bước cao đi mãi về phía chợ.
Ngồi ăn sáng, cà phê, phơi nắng một lúc, có năm, sáu người ghé vô mời mua vé số. Có người tật nguyền, có người già đầu tóc bạc phơ đi đứng lò dò, cũng có người trung niên trông bề ngoài lành lặn khỏe mạnh. Có người cầm một xắp dày. Có người cầm xắp mỏng. Bán nhiều hay bán ít thì mỗi sáng tất cả đều túa ra khắp các nẽo đường, lang thang vô mọi ngóc ngách, mọi xóm. Sáng nào mẹ cũng mua vé số của chị.
Cơm trưa xong, mẹ hay ngồi ở hàng hiên hóng mát. Ngóng. Trưa nào cũng có một anh trung niên bại liệt ngồi xe lăn ghé vô. Mẹ và người cháu họ nhà cạnh bên chia nhau mua hết vài tờ vé số còn lại.
Người lý trí bấm ngón tay tính một cái là ra người mua toàn lỗ tiền bạc. Người nhiều thông tin chỉ cần vài phân tích, tổng hợp là nhìn thấy phần lớn tiền mua vé số đi về đâu. Người mua vé số không phải không biết tính, không biết thông tin. Như mẹ mình và không ít người khác, “mua để giúp hội.” Đơn giản một lẽ, “giúp hội.” Họ không biết nói nhiều, nói hay về tình thương, chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ… Họ chỉ mắt thấy, bụng chịu hổng nổi, thì lập tức chìa tay ra. Có chút hi vọng để nuôi dưỡng.
“Tao mà trúng độc đắc thì tao mần con đường này.”
“Tao mà trúng số tao cho đứa này, đứa kia.”
Năm khi mười họa những người thường mua vé số trúng số đầu đôi tờ, trị giá đôi trăm bạc. Lâu lâu lại nghe đồn ông nọ bà kia nhà ở xóm trong ngoài chợ trúng độc đắc mấy tỉ bạc. Sáng bỏ ra đôi chục, hoặc hơn, tùy theo hứng và túi tiền, đổi lấy mấy tờ giấy in dãy số mang hi vọng. Niềm hi vọng kéo dài tới lúc dò số vào sáng hôm sau. Nỗi tiếc nuối vì không trúng chỉ kịp thoáng qua rồi lập tức được thay thế khi buông tờ giấy dò cầm lấy xắp vé số, lựa chọn hi vọng. Lặp đi lặp lại. Niềm hi vọng được nuôi dưỡng.
Ngó đâu cũng thấy người lao động siêng năng cực nhọc mỗi ngày, không dám bệnh, nhịn đau, sợ bệnh viện, bất trắc bất kỳ ập đến là cả nhà lao đao rơi vào nợ nần. Hi vọng đổi đời qua một vài tờ vé số là một hi vọng mong manh, cũng có thể gọi là hão huyền, nhưng còn hơn là không có chút hi vọng nào. Bên cạnh hi vọng đổi đời còn là niềm tin. Còn là ước mơ vào tương lai, một điều gì đó sáng lạn ở phía trước, một điểm tựa để bấu víu, để người ta neo lại đời người vốn quá đau khổ nhọc nhằn, khi mà lực bất tòng tâm.
Sáng đi chợ về, gặp một bé con ốm nhách, nhỏ thó, ẹo người qua lại đạp cái xe đạp người lớn, quá khổ. Chạy qua rồi, bụng chịu hổng nổi, ghé lại đợi nó chạy lên, mua hai tờ.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Thị Bích Ngà