Vì sao ở Trung Quốc hiện đại, ngày 1/1 dương lại bị gọi là Nguyên Đán?
- Quang Minh
- •
Mặc dù tên gọi Nguyên Đán ở Trung Hoa đã có từ xa xưa, nhưng ý nghĩa của nó ở Trung Quốc vào thời hiện đại đã bị thay đổi. Ngày nay, ở Trung Quốc có cách gọi ngày 1 tháng 1 dương lịch thành Nguyên Đán, còn ngày 1 tháng Giêng hoàng lịch thì được gọi là Xuân Tiết. Mà nguyên nhân của cách gọi này thì lại là điều rất đáng suy ngẫm.
Tên gọi “Nguyên Đán” của Trung Hoa được cho là có khởi nguồn từ Chuyên Húc, một trong Tam Hoàng Ngũ Đế. Thuật ngữ “Nguyên Đán” xuất hiện trong bộ “Tấn Thư”: “Chuyên Đế lấy tháng đầu mùa xuân làm Nguyên, lấy ngày đầu tiên của tháng đó là Nguyên Đán”.
“Nguyên” có nghĩa là khởi đầu, “Đán” chỉ thời điểm bình minh, cũng thường chỉ ban ngày. Nguyên Đán, là ngày đầu tiên khởi đầu của một năm theo hoàng lịch. Các nhà khảo cổ khi khai quật di tích văn hóa Đại Vấn Khẩu, phát hiện một bức tranh vẽ mặt trời mọc từ đỉnh núi, mây khói lượn quanh. Qua khảo cứu, người ta thấy rằng đây là cách viết chữ “Đán” cổ xưa nhất ở Trung Quốc. Sau này, trên chữ khắc trên đồ đúc đồng thời nhà Ân lại xuất hiện chữ “旦” bị giản hoá. Chữ “旦” là lấy mặt trời tròn tròn biểu thị. Chữ “一” (nhất) phía dưới chữ “日” (nhật) tượng trưng cho đường chân trời, nghĩa là mặt trời từ từ mọc lên từ đường chân trời.
Tiêu Tử Vân – văn sử gia ở Nam Triều có ghi lại trong bài thơ “Giới Nhã” của mình rằng “Tứ khí tân Nguyên Đán, vạn thọ sơ kim triều”, bốn mùa mới bắt đầu từ Nguyên Đán, vạn thọ cũng bắt đầu từ hôm nay.
Mục “Tháng Giêng” trong cuốn “Mộng Lương Lục” của Ngô Tử Mộc thời nhà Tống viết: “Ngày mồng 1 tháng Giêng gọi là tiết Nguyên Đán”. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm, là khởi đầu của một chuỗi các lễ hội.
Về cách gọi “Nguyên Đán”, “Thuấn Điển” (một chương trong cuốn sách cổ Thượng Thư) gọi là Nguyên Nhật; sách Tam Tử Thoa Minh của Thôi Viện đời Hán trong gọi là Nguyên Chính; sách Dương Đô Phú của Canh Xiển triều Tấn gọi là Nguyên Thần; và bài “Nguyên hội đại hưởng ca hoàng hạ từ” thời Bắc Tề gọi là Nguyên Xuân; Đường Đức Tông Lý Thích trong thơ “Nguyên nhật thoái triều quan quân trượng quy doanh” gọi nó là Nguyên Sóc.
Trong tiết Nguyên Đán còn có từ “tiết”. Từ “tiết” nghĩa cổ dùng để đánh dấu sự thay đổi thời gian, đặc biệt nhấn mạnh về sự thay đổi thiên văn địa lý, ví dụ tiết Đông Chí, tiết Hạ Chí, v.v…
Có sự khác biệt giữa “tiết” và “Tết”.
Ngày Tết là ngày đặc biệt của nền văn minh lúa nước, là dịp lập xuân, bắt đầu của một năm trồng trọt mới. Các dân tộc như Việt, Mường, Nùng, Thái, Tráng, Chàm… cho đến cả vùng đông bắc Ấn độ, Nepal, Mustang, Munda… đều có ngày này. Người Hoa Hạ xa xưa vốn không phải văn minh lúa nước (là ở xứ lạnh di cư xuống phương nam), không có sẵn ngày này, nhưng khi di cư dần về phương nam thì đã xuất hiện sự hòa hợp trộn lẫn. Trong lịch sử Trung Hoa, ngày “tân niên” (năm mới) đã thay đổi qua rất nhiều tháng trong năm, đến thời nhà Hán thì mới quy định trùng với tháng Giêng hoàng lịch (âm dương lịch – ở ta gọi là âm lịch). Do từ “Tết” vốn không có sẵn trong tiếng Hán (nhưng có sẵn trong rất nhiều ngữ hệ thuộc văn minh lúa nước), và ở một mức độ nào đó là tương đương với “tiết”, nên người Việt thời xưa cũng gọi ngày Tết của mình thành tiết Nguyên Đán (Hán Nôm).
Dẫu lịch sử phức tạp là vậy, năm mới của Trung Hoa đã trở thành tiết Nguyên Đán, tính đến thời cận đại là hơn 2000 năm lịch sử. Rất nhiều tục lệ ngày Tết của người Việt và tiết Nguyên Đán của người Hoa là tương đồng nhau, như tục cúng Táo, dọn dẹp nhà cửa, đoàn viên, mừng tuổi, v.v..
Cho đến trước năm 1949, Trung Quốc đều lấy ngày 1 tháng 1 hoàng lịch làm ngày năm mới, và cùng gọi là ngày Nguyên Đán.
Sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, Trung Quốc cận đại bắt đầu áp dụng lịch dương, ngày 1 tháng 1 được coi là năm mới, nhưng không hề gọi nó là Nguyên Đán.
Đến năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc giành lấy được chính quyền. Tại “Hội nghị hiệp thương chính trị” năm đó, Đảng này đã ra một quyết định thay đổi truyền thống dân tộc: một là đổi cách gọi tiết Nguyên Đán thành Xuân tiết; hai là dời ngày Nguyên Đán sang ngày 1 tháng 1 dương lịch. Cũng chính là nói, hiện nay Trung Quốc gọi ngày 1 tháng 1 dương lịch thành ngày Nguyên Đán, từ cách đổi tên cho đến cách đổi ngày cho thấy chế độ này sẵn sàng từ bỏ 2000 năm lịch sử văn hóa của dân tộc.
Theo ChanhKien.org
Tác giả: Nguyên Xuân
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
- Yêu nước kiểu Trung Quốc thời hiện đại nhìn từ Hán tự
- Đảng Cộng sản Trung Quốc rốt cuộc muốn làm gì? (Kỳ 1)
Mời xem video:
Từ khóa Tết Nguyên Đán