Yêu nước kiểu Trung Quốc thời hiện đại nhìn từ Hán tự
- Thiên Cầm
- •
Hán tự của Trung Quốc là một loại văn tự tượng hình khá đặc biệt, phản ánh xã hội của đất nước này trong suốt hàng ngàn năm, cũng là công cụ truyền tải văn hóa quan trọng. Sự biến đổi của xã hội Trung Quốc hiện đại cũng được phản ánh vào Hán tự. Đơn cử như từ “ái quốc” hay “yêu nước”.
Chữ “Quốc” (國) chính thể thời xưa bên trái là bộ “Khẩu” (口), đại diện cho thành quách, bên phải là bộ “Qua” (戈), một loại binh khí dài. Chữ “Quốc” mang hàm nghĩa là một vùng lãnh thổ có thành trì, còn mang hàm nghĩa đó là nơi người dân có thể yên ổn sinh sống.
Chữ “Quốc” Giáp Cốt văn, chữ Kim văn và chữ Tiểu Triệu thời cổ đại, dẫu biến đổi về hình tượng, nhưng vạn sự biến thiên cũng không tách khỏi nguồn cội, đều mang hàm nghĩa như vậy.
Chữ “Quốc” (國) ban đầu đồng âm với chữ “Quy” (龜), bởi lẽ ban đầu Phục Hy diễn hóa Hà Đồ trên lưng con thần quy ở sông Lạc Hà, nắm được quy luật vũ trụ, mối liên hệ giữa con người và thiên địa, sắp đặt hôn nhân, ngũ hành, truyền dạy luật lệ, đặt nền móng cho nền văn mình Trung Hoa. Cũng vì thế lý niệm quốc gia Trung Hoa có cội nguồn sâu xa từ con thần quy chở Hà Đồ.
Trong khi đó, chữ “Quốc” giản thể (国) hiện đại là một cái khung chứa trong đó là quyền thế vương vị (chữ “Vương” – 王) và của cải ngọc ngà châu báu, chữ “Ngọc” (玉) mà thôi, về căn bản đã không còn hình ảnh của người dân trong đó. Thực chất ở thời hiện đại, nó có nghĩa là vùng đất nơi mà những kẻ giàu có độc chiếm tài sản lại nắm hết quyền hành.
Còn chữ “Ái” chính thể (愛) có bộ “Tâm” (心), chỉ trái tim, nghĩa là thực sự dụng tâm phó xuất mới được gọi là yêu. Trong khi đó chữ “Ái” giản thể (爱) hiện đại lại mất đi chữ “Tâm”, nghĩa là con người ngày nay yêu mà không có trái tim.
Nói ngắn gọn thì yêu nước kiểu Trung Quốc hiện đại là tình yêu đối với tiền và quyền, là tình yêu không cần trái tim. Chính vì thế cách người Trung Quốc hiện đại biểu đạt lòng yêu nước rất hào nhoáng bề ngoài, còn bên trong lại mê mờ và mất đi phương hướng. Từ đó mới có chuyện vì kim tiền mà chẳng từ thủ đoạn, làm hại con người, làm hại tự nhiên để lại những hậu họa không lường cho con cháu.
Cũng bởi vì mê mờ nên yêu nước mới biến thành thù hận, “chủ nghĩa ái quốc” kỳ thực là “chủ nghĩa thù hận”. Yêu nước kiểu Trung Quốc hiện đại chính là hận nước Mỹ, hận phương Tây, hận xã hội tự do, hận những giá trị phổ quát, hận tín ngưỡng, hận bất kỳ ai bị gán nhãn là “kẻ thù” của chế độ.
Kỳ thực yêu mà mất đi trái tim thì cũng chẳng thể tìm thấy phương hướng của tình yêu. Trong điển tích văn hoá cổ đại, không đâu là không có những đạo lý lớn lao, kính Thiên kính Đạo, thiện ác hữu báo, là một tình yêu vô cùng quảng đại. Đọc những sách thánh hiền như vậy, trong tâm biết kính sợ trời đất Thần Phật, coi trọng tu tâm dưỡng đức. Khi ấy con người biết quan tâm tới quốc kế dân sinh, họ có lý luận thánh hiền làm tiêu chuẩn để phán đoán đúng sai. Chỉ cần có lợi cho bách tính và phù hợp với thiên lý nhân tính, thì dẫu phải đối mặt với sự áp chế của cường quyền, đối mặt với khảo nghiệm sinh tử cũng vẫn kiên định.
Vậy nên Trung Hoa cổ đại đã xuất hiện rất nhiều hiền tướng trung thần ôm giữ lòng yêu nước “văn tử gián, vũ tử chiến”, nghĩa là quan văn có thể vì chính nghĩa mà không ngại xả thân can gián, quan võ vì trung chinh mà không tiếc xả thân nơi chiến trận. Họ là những bậc lương đống của quốc gia, là tấm gương cho hậu thế: “Vi thiên địa lập tâm, vi sinh dân lập mệnh, vi vãng thánh tục tuyệt học, vi vạn thế khai thái bình” (Lập tâm vì thiên địa, lập mệnh vì nhân sinh, kế tục tuyệt học vì thánh nhân trong quá khứ, khai sáng thái bình cho vạn đại). Họ được bách tính yêu mến, hậu thế tôn sùng.
Ngược lại những kẻ cậy quyền cậy thế chỉ biết bợ đỡ, lấy lòng, gió chiều nào che chiều nấy thường dung túng cho hoàng đế chìm đắm trong tửu sắc. Họ thường là những gian thần khiến quốc gia bước tới con đường suy vong, bị người đời sau khinh ghét, thậm chí bị dựng tượng phỉ nhổ như trường hợp của gian thần Tần Cối.
Vào thời hiện đại, khi không thể tìm thấy phương hướng của tình yêu, khi mất đi truyền thống được truyền thừa từ tiên tổ, người Trung Quốc dễ dàng biến yêu nước thành yêu chế độ. Họ quên mất một điều rằng: Từ xưa đến nay chưa có triều đại nào là tồn tại mãi mãi, cũng chẳng có nhà cầm quyền nào là sống được vạn tuế, muôn năm; mà triều đại nào, nhà cầm quyền nào càng độc tài thì lại càng mau tàn lụi. Người dân Trung Quốc không hiểu được rằng đất nước Trung Quốc kỳ thực không phải Đảng Cộng sản Trung Quốc, yêu nước không đồng nghĩa với yêu Đảng.
Có một điều rằng, dẫu chế độ, thời đại đổi thay, thì những giá trị phổ quát trong truyền thống văn hoá vẫn là những điều người ta cần phải trân quý. Khi truyền thống văn hoá biến mất thì linh hồn của một dân tộc cũng đã chết. Vậy nên, yêu nước chân chính là kế thừa và gìn giữ văn hoá truyền thống của cổ nhân, có vậy thì dân sinh mới thái bình, quốc gia mới hưng vượng.
Thiên Cầm
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa chữ Hán Lòng yêu nước Chủ nghĩa yêu nước cực đoan Chủ nghĩa yêu nước