Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Bên trong tường thành cổ Dis là những tầng địa ngục tiếp theo, mỗi một tầng lại phân chia thành nhiều vòng nhỏ (Ảnh: Wikipedia)

Tiếp nối kỳ VII, sau khi vượt qua sự cản trở của những thiên thần sa ngã, Virgil và Dante tiến đến một khoảng đất rộng lớn bên trong thành cổ Dis:

Vừa bước vào, tôi đảo mắt nhìn quanh,
Và thấy… mông mênh là đồng ruộng,
Rộn tiếng khóc than và cực hình tàn khốc.
Giống như ở Ácli, nơi dòng Rôđanô chảy chậm,
Hay như ở Pôla, gần vịnh Cácnarô,
Miền biên cương nước Ý tắm mình trong biển cả.
Mặt đất nhấp nhô toàn mồ mả,
Cao thấp, lổn nhổn, khắp nơi,
Còn quang cảnh thì muôn phần buồn bã!
Lửa rải khắp, cháy quanh các mộ,
Lửa trùm lên, cực kỳ gay gắt,
Tưởng không sắt nào nung được đỏ hơn.

Đó là những nấm mồ bị lửa nung đỏ, bên trong vang lên tiếng khóc than của các âm hồn đang bị tra khảo. Không cầm lòng được, Dante hỏi Virgil và nhận được câu trả lời:

Thầy đáp: – “Đây toàn những tên dị giáo,
Đủ mọi giới, cùng môn đồ của chúng,
Mồ ở đây chứa nhiều người hơn con tưởng.
Những tội phạm giống nhau được nhét cùng một hố,
Những nấm mồ ít nhiều đều bị nung đỏ,”

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Dante và Virgil giữa những nấm mồ bị nung đỏ (Ảnh: Wikipedia)

Tầng địa ngục thứ sáu chính là nơi trừng phạt những kẻ dị giáo. Dị giáo, đó là một khái niệm đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong lịch sử tôn giáo của nhân loại. Thông thường theo nghĩa rộng, cụm từ “dị giáo” dùng để chỉ những niềm tin không phù hợp với niềm tin được cho là chuẩn mực trong một tôn giáo nào đó. Ví dụ như người theo Phật giáo sẽ coi Đạo giáo là dị giáo, người tin vào Cơ đốc giáo sẽ coi Hồi giáo là dị giáo, v.v. Trong quá khứ, các tôn giáo chính thống đều có sự nhìn nhận như vậy. Trong một số giai đoạn lịch sử nhất định của Cơ đốc giáo, Do Thái giáo và một số tôn giáo khác, kẻ dị giáo thậm chí sẽ hứng chịu những hình phạt rất nghiêm khắc.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Bởi vì khái niệm dị giáo bản thân đã gây ra rất nhiều tranh cãi, nên nhà thờ đã từng lợi dụng nó để trừng phạt những nhà khoa học như Galileo (Ảnh: Wikipedia)

Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Mặc dù người ta nói rằng tin theo Chúa Jesus có thể tới Thiên Đàng, tin theo Phật A Di Đà có thể tới thế giới Cực Lạc, nhưng lấy thí dụ như: nếu các tăng nhân trong chùa vừa thực hành theo lời dạy của Phật A Di Đà vừa đào sâu vào lời dạy của Chúa Jesus thì rốt cục họ sẽ đi đâu? Vì thế việc coi tất cả tôn giáo khác là dị giáo âu cũng là một hình thức bảo vệ vững chắc cho giáo lý trong bản thân tôn giáo của họ. Chẳng thế mà Chúa Jesus cũng từng bị xem là kẻ dị giáo bởi Do Thái giáo đương thời, còn Phật Thích Ca Mâu Ni lại trở thành kẻ ngoại đạo đối với Bà La Môn giáo.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Chúa Jesus đã từng được Do Thái giáo xem là kẻ dị giáo (Ảnh qua thorncrownjournal.com)

Tuy nhiên, nếu đặt cụm từ “dị giáo” vào bối cảnh của Thần Khúc, thì có lẽ Dante đang muốn nói đến một nghĩa hẹp hơn, đó là sự tranh luận về linh hồn tại phương Tây, và những mâu thuẫn bên trong cuộc tranh đoạt quyền lực của nhưng kẻ “tự cho là” Cơ đốc giáo đương thời. Vậy thì dị giáo là gì trong cái nhìn của Virgil và Dante? Điều này sẽ được giải thích trong những dòng thơ tiếp theo…

Dante bày tỏ mong muốn được nói chuyện với những linh hồn đang chịu khổ hình bên trong các ngôi mộ:

Tôi nói: – “Hỡi người Thầy đức độ cao siêu,
Đã khiến con, vâng ý Người trở lại những miền vô đạo,
Xin Người chỉ giáo cho điều con muốn biết.
Những hồn ma trong các mộ kia.
Chúng ta có thể đến xem không?
Vì nắp mộ đã mở, họ đã bật dậy và không ai canh giữ?”
Thầy đáp: – “Rồi sẽ đóng lại tất cả,
Khi bọn chúng trở về từ Iôxaphát,
Cùng với thân xác đã bỏ lại phàm trần
Nghĩa địa của chúng ở phía bên này,
Gồm Êpicurô và các môn đồ,
Mà linh hồn đã chết cùng thể xác.
Về câu hỏi con vừa đặt ra,
Sẽ có trả lời tức khắc, ngay tại đây

Iôxaphát (hay Jehoshaphat) mà Virgil nhắc tới ở đây, là một thung lũng được đề cập đến trong Do Thái giáo và Cơ đốc giáo, nơi các linh hồn được Cứu thế chủ phán xử trong sự kiện Đại thẩm phán mà chúng ta đã nhắc tới ở những kỳ trước. Chỉ sau khi linh hồn tiếp nhận Đại thẩm phán rồi thì những ngôi mộ mới thật sự đóng lại – Điều đó đồng nghĩa với việc các linh hồn vẫn còn một tia hy vọng. Tại sao Virgil lại nói ra điều này ở tầng địa ngục thứ sáu của những kẻ dị giáo? Có lẽ chính là để ám chỉ rằng, nếu các linh hồn, nếu nhân loại có thể quay về với đạo đức truyền thống, với tín ngưỡng chân chính, thì số phận của họ sau Đại thẩm phán sẽ không phải là vô vọng.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Cứu thế chủ phán xét các linh hồn trong Đại thẩm phán (Ảnh: Wikipedia)

Và để Dante hiểu rõ hơn, Virgil đã nhấn mạnh vào một nhân vật lịch sử: Êpicurô (hay Epicurus). Epicurus là một triết gia cổ, đã đưa ra học thuyết phủ nhận sự vĩnh cửu của linh hồn. Ông ta tin rằng: sự thanh thản và khổ đau của tinh thần thông qua triết học là thước đo cho cái tốt và cái xấu; cái chết là sự kết thúc của cả tinh thần và thể xác; thần linh không thưởng phạt con người; chỉ có vũ trụ mới là vô cùng và bất diệt; và những sự việc xảy ra đều chỉ là kết quả tất yếu của sự vận động của những phần tử vi quan nhất của thế giới vật chất. Với lý thuyết của mình, Epicurus đã trực tiếp phủ định tín ngưỡng tâm linh thiện ác hữu báo. Ông ta vô hình chung đã thúc đẩy nhân loại truy tìm sự thỏa mãn bản thân một cách ích kỷ nhất. Đó chính là lý do vì sao Virgil lấy Epicurus làm đại diện tiêu biểu của kẻ dị giáo.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Epicurus đề cao tuyệt đối sự thanh thản nhờ triết học và phủ định niềm tin thiện ác hữu báo  (Ảnh: Wikipedia)

Mong muốn được trò chuyện cùng những kẻ dị giáo của Dante ngay lập tức được toại nguyện:

“Hỡi người Tốtxcan cung cách nói năng thánh thiện.
Còn sống mà dám đến thành phố lửa thiêu này,
Xin vui lòng tạm dừng bước lại đây,
Với ngôn từ thanh tao trong sáng,
Chắc hẳn người được sinh ra từ đất nước cao sang,
Với người, có thể, tôi đã có phần nghiêm khắc?”
Lời nói đó phát ra đột ngột,
Từ một trong những nấm mồ,
Khiến tôi kinh sợ, tiến sát Thầy tôi hơn nữa!

Đó chính là Farinata degli Uberti, kẻ đã sống không lâu trước thời của Dante tại Florence. Ông ta nhận ra Dante thông qua khẩu âm xứ Tuscan của nhà thơ. Vào những năm 50-60 của thế kỷ 13, Farinata là một nhân vật khá nổi bật trong giới chính trị tại Florence. Ông ta là người đã có công phản đối việc người ta phá dỡ toàn bộ Florence chỉ vì mục đích chính trị. Tuy nhiên sau khi chết, Farinata đã bị kết tội dị giáo vào năm 1283.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Farinata là một chính trị gia quyền lực thời bấy giờ (Ảnh: Wikipedia)

Được Virgil trấn an, Dante bước tới gần Farinata:

Khi tôi đã đến bên chân mộ hắn,
Hồn nhìn tôi, với vẻ khinh khi,
Và hỏi: – “Ai là tổ tiên của ngươi?”
Còn tôi, vì muốn chiều theo ý muốn của hồn,
Đã thổ lộ tất cả, không một điều giấu giếm,

Câu hỏi đầu tiên của Farinata đã cho thấy sự quan trọng của dòng tộc trong những mâu thuẫn chính trị tại Ý. Người ta sẽ lập tức biết rõ lập trường của một người thông qua dòng tộc của người đó.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Dante nói chuyện với Farinata (Ảnh: Wikipedia)

Và Dante thuộc về dòng tộc nằm ở phe đối lập với Farinata, vốn đã hai lần bị trục xuất khỏi Florence và hai lần tập trung quyền lực trở lại:

Hồn nghe xong, hơi nhíu cặp lông mày.
Rồi nói: – “Họ là bọn đã chống ta kịch liệt.
Chống ta, chống cả họ hàng, phe đảng nhà ta.
Bởi vậy, hai lần, ta đã đuổi họ đi phiêu tán!”
Tôi đáp: – “Hai lần bị đuổi đi,
Hai lần, từ khắp nơi, họ đã trở về,
Nghệ thuật này, phe đảng ông không học được bao nhiêu!

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IV: Hỏa ngục - Lời tiên tri tại tầng Phàm ăn, Đại thẩm phán và Cứu thế chủ
Mâu thuẫn giữa phe ủng hộ Hoàng đế La Mã Thần và phe ủng hộ Giáo hoàng tại Florence

Trong khi Farinata và Dante đang nói chuyện dang dở thì đột nhiên một kẻ khác nhỏm dậy chen vào:

Đúng lúc đó, ở nấm mồ bên cạnh,
Một hồn khác nhô lên, nhưng chỉ đến cằm,
Tôi đoán là hồn chỉ nhỏm dậy bằng đầu gối.
Hồn đảo mắt nhìn quanh quan sát,
Như muốn biết xem còn ai đi cùng,
Và khi điều nghi ngại đã tiêu tan.
Hồn vừa khóc vừa nói: – “Nếu nhờ tài siêu việt,
Mà ngươi xuống được nơi tù ngục tối tăm này,
Thì con trai ta đâu? Sao không xuống với ngươi?”

Nằm cùng nấm mồ với Farinata là Cavalcante de’ Cavalcanti, một người rất thân thuộc với Dante. Cavalcante là cha của Guido Cavalcanti, một nhà thơ, một người bằng hữu thân thiết của Dante. Trong cuộc mâu thuẫn ở Florence, để hòa giải hai bên, Cavalcante đã sắp xếp một đám cưới cho con trai của mình là Guido và con gái của Farinatas là Beatrice degli Uberti. Trước đó, Cavalcante thuộc về phe phản đối Farinata, nhưng chính ông ta cũng không thoát khỏi việc bị kết tội dị giáo.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Guido (bên trái) và Dante trong một bữa tiệc (Ảnh: Wikipedia)

Dante lập tức nhận ra và giải thích cẩn thận cho cha bạn:

Tôi đáp: – “Nếu đi một mình thì tôi đâu xuống được.
Người đợi đàng kia đã dẫn dắt tôi.
Mà có thể Guyđô của người trước đây không coi trọng”.

Tuy nhiên, do quá lo cho con trai, Cavalcante đã ngay lập tức phản ứng:

Nhưng hồn đứng phắt dậy và la lớn: – “Tại sao,
Tại sao ngươi lại nói trước đây
Phải chăng nó không còn sống, không còn được thấy ánh nắng dịu dàng?”
Rồi thấy tôi hơi nấn ná,
Cần chút thời gian để tìm câu trả lời,
Hồn đã ngã lăn và biến mất!

Chỉ một phút băn khoăn và nấn ná, Dante đã không còn được nói chuyện với Cavalcante. Lúc này, nhà thơ quay trở lại với Farinata. Ông ta vẫn rất bình tĩnh đứng bên trong ngôi mộ, và đưa ra một lời tiên tri khác:

– “Nghệ thuật kia nếu quả phe ta không học được gì.
Như ngươi nói, thì với ta, điều đó còn đau hơn cực hình này.
Nhưng cách đây năm mươi lần chiếu sáng,
Của Nữ thần Mặt trăng ngự trị nơi đây,
Ngươi sẽ hiểu, nghệ thuật kia khó khăn biết mấy!
Cầu mong cho ngươi được thấy lại cõi trần êm ái,

Nữ thần Mặt trăng ngự trị tại Địa ngục mà Farinata nói tới chính là nàng Persephone, vợ của Thần chết Hades. Năm mươi lần nàng chiếu sáng cũng có nghĩa là 50 tháng hay 4 năm 2 tháng kể từ lúc bấy giờ. Nếu chiếu theo thời gian mà Dante hé lộ đầu Thần khúc, thì chính là vào năm 1304. Khoảng thời gian đó là lúc những người thuộc phe của Dante đã bị trục xuất khỏi Florence (1302), và thất bại trong việc quay trở lại nhiều lần sau đó. Nó cũng dẫn tới những năm tháng tha hương đầy đau khổ của nhà thơ sau này.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Nàng Persephone, nữ thần Mặt trăng dưới Địa ngục (Ảnh sưu tầm)

Trò chuyện được một lúc, Dante dò hỏi về một nghi ngại của mình khi nói chuyện với Cavalcante:

Tôi nói: – “Nhưng xin gỡ hộ tôi thắc mắc này,
Đang làm rối điều tôi suy luận.
Nếu tôi không lầm thì ngươi có khả năng nhìn thấy.
Mọi việc tương lai mà thời gian sẽ mang tới,
Nhưng với việc hiện tại thì hình như hơi khác!”

Và Farinata lý giải rằng Thượng đế đã ban cho các linh hồn khả năng nhìn thấu tương lai, nhưng lại không cho phép họ biết được gì về hiện tại:

Hồn đáp: – “Chúng tôi như những ngươi kém mắt.
Nhìn rõ được những cái ở cách xa,
Nhờ Thượng đế ban cho ánh sáng.
Trí tuệ chúng tôi bất lực với những gì gần gũi,
Với cả hiện tại, nếu không có ai mách bảo,
Thì cũng mù tịt như về trần giới của ngươi.
Như vậy ngươi có thể hiểu rằng,
Tri giác của ta tất cả sẽ tiêu tan,
Khi cánh cửa tương lai đóng lại”.

Được giải khai thắc mắc, Dante tỏ ra hối hận đối với cha bạn là Cavalcante. Nhà thơ dặn dò Farinata:

Tôi nói: – “Nhờ ngươi báo lại với hồn vừa biến mất,
Rằng con trai của hồn vẫn sống ở dương gian.
Nếu tôi ngập ngừng trong việc trả lời,
Chỉ vì đầu óc còn vướng điều thắc mắc,
Mà vừa rồi ngươi đã giải đáp cho tôi”.

Lúc này, Virgil nhắc nhở Dante hỏi thêm về những kẻ đang phải chịu cực hình nơi đây, và nhà thơ nhận được câu trả lời:

Hồn đáp: – “Tôi ở đây với hơn nghìn hồn khác,
Có vua Phêđêricô đệ nhị và Hồng y giáo chủ,
Và nhiều ngươi khác nữa không cần kể tên”.

Vậy là hai nhân vật nữa được nhắc tới ở tầng Địa ngục thứ sáu: Hoàng đế Frederick II và Hồng y giáo chủ Ottaviano degli Ubaldini.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Frederick Đệ nhị (Ảnh: Wikipedia)

Hoàng đế Frederick II là một vị Hoàng đế La Mã thần thánh, người được nuôi lớn ở xứ Palermo và lên ngôi vào năm 1220. Ông là người đã có công trong việc khởi xướng một phong trào trí thức bao gồm triết học, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học và hội họa từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Bản thân Dante cũng được hưởng nhiều lợi ích và định hình thi ca từ chính sách phát triển của Frederick. Trong cuộc tranh đoạt quyền lực với Giáo hoàng, Frederick II đã hai lần bị vạ tuyệt thông vào năm 1227 và 1245. Theo đó, vạ tuyệt thông là một hình thức khai trừ khỏi Giáo hội Công giáo dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Khi lên tới đỉnh điểm, cuộc tranh giành quyền lực giữa Hoàng đế La Mã và Giáo hoàng đã gây ra cái chết của hàng vạn binh lính (Ảnh: Wikipedia)

Còn Ottaviano degli Ubaldini là một Hồng y giáo chủ xuất thân từ một gia đình quý tộc ở Florence. Ottaviano từng được đề cử làm Tổng giám mục tại Bologna, nhưng do khi đó ông còn quá trẻ nên không được chấp thuận. Sau này, Giáo hoàng Innocent IV đã phong Ottaviano làm Hồng y giáo chủ. Tuy nhiên, Ottaviano có một câu nói khá nổi tiếng rằng: “Tôi có thể nói rằng, nếu tôi có linh hồn, thì tôi sẽ mất nó cho phe ủng hộ Hoàng đế La Mã thần thánh”. Một Hồng y giáo chủ lại không hề tin theo linh hồn, mà lại sẵn sàng mất linh hồn (nếu có) cho kẻ khác. Chính vì câu nói này mà Ottaviano xuất hiện ở tầng địa ngục thứ sáu – dị giáo.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Vậy rốt cuộc dị giáo mà Dante nói tới ở đây là gì? (Ảnh: Wikipedia)

Quay trở lại với câu hỏi: “Thế nào là dị giáo?”. Tại tầng này, Thần khúc của Dante đã đưa ra những ví dụ sau:

  • Triết gia Epicurus
  • Chính trị gia Farinata
  • Chính trị gia Cavalcante
  • Hoàng đế Frederick II
  • Hồng y giáo chủ Ottaviano degli Ubaldini

Trong đó, ngoài Epicurus là có niềm tin sai lệch ra, những kẻ còn lại đều là những người tự nhận là tín ngưỡng Cơ đốc. Tuy nhiên, thứ họ theo đuổi thật sự lại chính là quyền lực, là những tranh chấp, là chia phe cánh sát hại lẫn nhau. Dù là một Hồng y giáo chủ, một Hoàng đế La Mã thần thánh được Giáo hoàng sắc phong, một chính trị gia đầy sức ảnh hưởng, một triết gia nổi tiếng, hay một người cha lo cho số phận của con trai, ẩn sau mỗi số phận đó đều là những ích kỷ cá nhân mà không phải là tín ngưỡng. Trong mâu thuẫn nổi tiếng giữa Hoàng đế La Mã và Giáo hoàng, những kẻ “tự cho là” Cơ đốc giáo, gần như tất cả mọi thứ đều chỉ xoay quanh hai chữ: “quyền lực”. Nhưng quyền lực lại là điều mà một tín ngưỡng chân chính không bao giờ mong muốn.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Bức tranh miêu tả những tội ác của kẻ dị giáo (Ảnh: Wikipedia)

Chính vì thế, Dante đã thể hiện một vấn đề không xa lạ gì trong cả tín ngưỡng phương Tây lẫn phương Đông, đó là: chỉ có đức tin chân chính mới khiến con người ta giải thoát, còn những kẻ lợi dụng tín ngưỡng và nhân danh đạo đức thì chắc chắn không phải là một tín đồ.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VIII: Hỏa ngục - Thế nào là dị giáo?
Bên trong thành Dis là tầng địa ngục thứ sáu với những nấm mồ (Ảnh: Wikipedia)

Sau câu chuyện ở tầng “Dị giáo”, Dante và Virgil tiếp tục cuộc hành trình của mình, đi qua các ngôi mộ và đến những tầng tiếp theo của Địa ngục…

Quang Minh

Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.

Xem thêm: