Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante – Kỳ VII: Hỏa ngục – Thiên sứ hàng lâm và câu đố của Dante
- Quang Minh
- •
Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”
Tiếp nối kỳ VI, sau khi vượt đầm lầy Styx, Dante và Virgil tiến đến Dis, một tòa thành cổ:
Cuối cùng chúng tôi đến cạnh những hào sâu,
Bao quanh một thành phố đơn độc,
Mà tường thành trông như bằng sắt.
Sau khi lượn quanh một vòng,
Thuyền đưa chúng tôi đến một nơi,
Lão lái đò quát lớn: – “Cổng vào! Xuống đi”,
Dừng chân tại cổng thành Dis, Dante ngay lập tức gặp phải những lời đe dọa của đám quỷ sứ:
Tôi thấy trên cổng có hơn nghìn quỷ sứ,
Chúng nhảy xuống và hét lên giận dữ:
“Mày là ai, sao chưa chết?
Mà lại dám đến vương quốc những người đã chết?”
Đây là những thiên thần sa ngã – những kẻ phản Chúa dưới sự dẫn dắt của quỷ Satan. Khác với nhóm thiên thần thứ ba mà Dante đã gặp ở bên ngoài Địa ngục, nhóm thiên thần sa ngã đã quy tụ tại thành cổ Dis, sau khi bị trục xuất khỏi Thiên đàng. Tội lỗi của những linh hồn này đã biến chúng từ những thiên thần thánh khiết trở thành những con quỷ gớm guốc.
Trước sự giận dữ của đám quỷ, Virgil ra dấu muốn bàn bạc với chúng để ông và Dante đi vào, vì các tầng tiếp theo của Địa ngục đều nằm đằng sau bức tường của thành Dis. Lũ quỷ tỏ vẻ rằng Virgil có thể đi vào, nhưng sẽ bị chúng giữ ở lại, còn riêng Dante, một kẻ còn sống dám “liều lĩnh” đến với vương quốc của người chết, thì tự phải tìm đường trở về:
Vị thầy thông thái của tôi liền ra dấu hiệu,
Tỏ ý có điều bí mật, muốn bàn riêng với chúng.
Bọn quỷ sứ liền giảm bớt một phần khinh thị,
Và bảo: – “Một mình ngươi vào thôi còn tên kia thì đi đi,
Sao nó dám liều lĩnh đến vương quốc này?
Nó đành phải trở về một mình theo con đường rồ dại,
Mà nó đã thử, đã biết, còn ngươi ở lại,
Mặc dù ngươi đã dẫn nó qua bao vùng tăm tối”
Nghe thấy những lời cay nghiệt của lũ quỷ sứ, Dante trở nên sợ hãi hơn bao giờ hết, nhà thơ thốt lên với Virgil:
“Ôi Thầy dẫn đường kính mến, đã hơn bảy lần,
Người cho con sự che chở an toàn.
Đã kéo con ra khỏi bao hiểm nguy đe doạ.
Xin đừng bỏ rơi con, xin đừng làm con tuyệt vọng,
Nếu chúng không cho con đi xuống sâu hơn,
Thì cả hai thầy trò ta cùng nhau quay lại”.
Và mặc dù Dante đã được Virgil trấn an rằng chuyến viếng thăm của nhà thơ là được sự cho phép của “Uy quyền tối cao”, chính là của Chúa trời, nhưng Dante vẫn không nguôi sợ hãi. Trong khi Virgil tới nói chuyện với những thiên thần sa ngã, thì Dante ở trong tình trạng “nửa tin nửa ngờ, đầu óc căng thẳng”. Nhà thơ thậm chí chẳng thể để ý được xem Virgil và lũ quỷ sứ nói gì.
Rồi lòng tin của Dante lại càng xuống thấp hơn khi cuộc thương lượng thất bại:
Nhưng Thầy cũng chỉ nói trong chốc lát,
Rồi cả bọn chúng chạy vụt vào trong.
Đóng sầm cổng lại, ngay trước mũi Thầy tôi,
Và người đứng lại bên ngoài,
Quay lại phía tôi, từng bước đi chầm chậm,
Mắt nhìn xuống và không còn vẻ bình tâm,
Người thầm thì trong tiếng thở dài:
“Chúng cấm ta vào nơi đầy ải!”
Rồi như để trấn an Dante, một lần nữa Virgil lại đảm bảo:
Rồi người nói: “Ta rất bất bình,
Nhưng con chớ ngại, chúng ta sẽ vượt qua cuộc đấu này.
Dù bên trong chúng đang tìm mọi cách ngăn cản.
Trò hỗn láo này, đâu có gì mới mẻ,
Chúng đã từng bày trò ở cổng khác ít cơ mật hơn,
Cái cổng đó đến nay không còn đóng nữa.
Con đã thấy trên cổng đó những dòng chữ chết”.
Cánh cổng mà Virgil nói tới chính là cánh cổng Địa ngục, nơi các thiên thần sa ngã đã từng tìm cách ngăn cản kẻ khác bước vào chốn tối tăm, bởi vì chúng coi Địa ngục là vương quốc của mình. Những dòng chữ chết mà Virgil nói tới chính là những dòng chữ đã được đề cập tới trong kỳ I.
Xem thêm: Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng: Chiếc xe thồ cỏ và sự sa ngã của nhân loại
Thất bại trong việc thương lượng với đám thiên thần sa ngã, Virgil và Dante phải chờ đợi sự giúp đỡ từ trên Thiên đàng, đó là một vị sứ giả sẽ “một mình vượt qua các tầng địa ngục” để tới giúp đỡ Dante. Và nhà thơ nghe thấy Thầy mình lẩm nhẩm không liền mạch:
Trong đêm tối sương sa mù mịt.
– “Chúng ta cần thắng trận này,
Thầy nói tiếp: – Nếu không… nàng đã thân hành…
Ta nóng lòng chờ đợi một người sẽ đến”.
Tôi nhận thấy Thầy có ý chữa lại
Câu nói đầu bằng câu nói sau,
Và câu trước, câu sau, không thống nhất.
Những lời nói không liền mạch của Virgil đã khiến nỗi sợ hãi trong lòng Dante một lần nữa trỗi dậy, nhà thơ chợt hỏi Thầy mình rằng:
“Có bao giờ một người từ vòng đầu Địa ngục
Xuống tận đáy của lòng chảo thảm sầu
Chỉ để nhận được một điều: mọi hy vọng tiêu tan!”
Ở đây, Dante không trực tiếp bày tỏ sự nghi ngờ, mà lại muốn thông qua lịch sử của những người đi trước để biết liệu mình có bị bỏ lại ở dưới Địa ngục hay không. Và Virgil đáp lời:
“Thật hiếm người như chúng ta,
Dám làm một hành trình như đã trải qua.
Hồi xưa có lần ta đã đến đây,
Theo khẩn cầu của Êritông độc ác,
Người chuyên việc gọi hồn về nhập xác.
Không lâu sau khi hồn ta lìa xác,
Mụ sai ta vào sau dãy thành này,
Để cứu một linh hồn thoát khỏi ngục Giuđa.
Đó là nơi thẳm sâu và tối tăm nhất,
Xa mặt trời và muôn vật vần xoay,
Nhưng con cứ yên tâm, ta thông tỏ mọi đường đi.
Vùng đầm lầy, hơi bốc lên nồng nặc,
Bao bọc quanh thành phố thảm sầu,
Không thể vào, nếu không dùng vũ lực.”
Thấu hiểu nỗi sợ hãi trong lòng Dante, Virgil không đưa ra những tấm gương cụ thể, mà chỉ nói với học trò rằng, thời Virgil mới xuống đây, ông đã từng giúp một linh hồn tạm thời thoát khỏi ngục Judas, một tầng ngục còn sâu hơn hiện tại. Virgil làm vậy theo sự điều động của phù thủy Erichtho, một phù thủy vô cùng ghê gớm trong thần thoại La Mã. Tương truyền rằng ma thuật của bà ta mạnh đến nỗi có thể tạm thời làm phục sinh cả một quân đoàn.
Trong trường ca Pharsalia của Lucan, Erichtho đã sử dụng ma thuật để gọi dậy một tử thi, yêu cầu kẻ đó nói về số phận của Pompey và dòng dõi ông ta. Có lẽ đây chính là linh hồn dưới ngục Judas mà Virgil nhắc đến. Và cũng chính vì thế nên Virgil rất am hiểu về con đường xuống Địa ngục.
Trong khi Dante còn đang cố gắng bình phục nội tâm sợ hãi của mình, thì nhà thơ lại tiếp tục chứng kiến một cảnh tượng ghê rợn khác:
Thầy nói nhiều nhưng tôi đều quên hết,
Vì mắt tôi bị thu hút hoàn toàn,
Bởi đỉnh tháp cao, sáng ngời ánh lửa.
Nơi đó bỗng thình lình xuất hiện,
Ba hung thần bê bết máu me,
Có cử chỉ và dáng dấp nữ giới.
Thắt lưng toàn bằng rắn bảy đầu xanh lét,
Rắn sừng, rắn giun làm tóc trên đầu,
Vấn quanh thái dương, ôi khủng khiếp!
Đó là Erinnys – các nữ thần báo thù: Alecto tượng trưng cho sự tức giận, Megaera tượng trưng cho sự hằn học, và Tisiphone tượng trưng cho sự trả thù:
Thầy nói với tôi: – “Trông kìa, bầy Êrinê hung dữ.
Bên trái là Mêgiêra,
Aléttô đang khóc than bên phải
Còn ở giữa là Têxiphôn”. Rồi Thầy ngừng lại.
Trong thần thoại Hy lạp, các nữ thần báo thù là những kẻ đáng sợ nhất, họ thở ra lửa, mắt nhỏ ra máu độc, trên đầu và thắt lưng là vô số con rắn. Họ có một sự ám ảnh tột độ đối với việc trừng phạt hay hành hạ kẻ có tội, và chỉ dừng lại khi kẻ đó biết ăn năn. Dù cho thần Zeus là vị thần tối cao của đỉnh Olympus cũng không ngăn cản được họ. Bản thân cái tên Erinnys bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ cũng có nghĩa là săn lùng (erinô), bức hại (ereunaô), hay giận dữ (erinuô).
Bởi vì sự hung bạo và ham muốn trả thù tột độ, nên các Erinnys vừa dùng móng sắc tự cào thân mình, vừa gào lên:
“Mêđuxa, lại đây, hãy biến nó thành đá”
Cả bọn cùng hét lên và cùng nhìn xuống dưới.
“Chúng tao chưa báo đủ mối thù Têxêô ngày trước!”
Mối thù mà các Erinnys đề cập đến ở đây đều liên quan tới việc những kẻ đang sống dám bước chân vào Địa ngục. Đó là câu chuyện về Theseus cùng Pirithous dám âm mưu bắt cóc nàng Persephone, vợ của vị thần cai quản Địa ngục, Hades. Theseus và Pirithous sau đó bị xích vào một tảng đá trước Địa ngục. Tuy nhiên sau này, Theseus đã được người anh hùng Hercules cứu thoát trong hành trình vào địa ngục bắt chó Cerberus.
Các Erinnys cảm thấy rằng việc một kẻ đang sống bước chân vào Địa ngục sẽ làm đảo lộn trật tự nơi đây, và vì thế họ gán mối thù của những người đi trước cho Dante. Vậy là họ vô cùng căm phẫn kêu gọi nữ quỷ Medusa, con quái vật có thể biến người ta thành đá. Tình thế trở nên nguy hiểm, Virgil ngay lập tức cùng Dante quay lưng, và ông lấy tay bịt vào mắt học trò:
Thầy bảo: – “Hãy quay lưng và nhắm nghiền mắt lại,
Vì nếu Goócgôn hiện ra mà con nhìn nó,
Thì vĩnh viễn không còn được trở lại trên kia!”
Thầy bảo thế rồi tự xoay tôi lại,
Và ý chừng chưa hẳn tin tôi,
Thầy lấy tay mình bịt kín mắt tôi!
Medusa là một con quỷ trong ba chị em quỷ có tên chung là Gorgon, bao gồm: Stheno, Euryale và Medusa. Trong số ba chị em quỷ này thì Medusa là con quỷ hung dữ nhất và cũng là con quỷ trẻ nhất. Trong thần thoại Hy Lạp, để giúp người anh hùng Perseus chặt đầu được Medusa, các vị thần trên đỉnh Olympus đã phải ban cho Perseus rất nhiều bảo vật, đó là: tấm khiên phản chiếu của nữ thần Athena, đôi dép có cánh của thần Hermes, thanh kiếm của thần Hephaestus, và khả năng tàng hình từ chiếc mũ của thần Hades.
Câu chuyện đột nhiên bị ngắt nhịp với một câu đố của chính Dante:
Hỡi độc giả, trí thông minh lành mạnh,
Hãy tìm xem ý nghĩa ẩn tàng,
Dưới lớp màn những câu thơ kỳ lạ.
Đây là câu đố mà chúng ta sẽ đề cập tới ở cuối bài.
Quay trở lại trước cửa thành Dis, trong khi Virgil cùng Dante gặp nguy hiểm, bỗng nhiên hỗn loạn ập đến:
Bỗng có tiếng động ầm ầm khủng khiếp,
Rồi ập đến một dòng nước đục ngầu,
Khiến cả đôi bờ cùng run rẩy.
Chẳng khác gì một trận cuồng phong dữ dội,
Sinh ra từ những luồng khí ngược chiều,
Táp vào rừng, không có gì ngăn được.
Vặt cành cây, quật nát, rồi cuốn đi,
Xốc tới trước, bụi tung mù, hỗn loạn,
Cả thú dữ lẫn mục đồng đều chạy trốn.
Virgil bỏ tay ra để Dante nhìn cơn thịnh nộ của dòng sông cổ đại, khi những làn khói đen kịt thoát ra, khi lũ nhái táo tác nhảy lên, khi mọi thứ đều phải chạy trối chết:
Tôi thấy hàng nghìn âm hồn tàn tạ,
Cùng chạy trốn trước một người đang sải bước,
Vượt qua dòng sông Xtigiê nhưng nước chẳng ướt chân.
Người ấy như muốn tránh làn uế khí,
Thường dùng tay trái phẩy ngang trước mặt,
Có vẻ việc đó khiến người không thoải mái.
Tôi biết đó là sứ giả Thiên đình,
Vội nhìn Thầy và Thầy ra hiệu cho tôi,
Đứng lặng im và cúi đầu trước người đó.
Thiên sứ đã đến! Với quyền năng của mình, vị sứ giả bay thẳng qua dòng sông, khiến cả địa ngục run rẩy…
Tiến đến cửa, lấy đũa con gõ nhẹ,
Cửa mở toang, không chút gì vướng víu!
Đứng trên bậc cửa kinh hoàng, người đó quát:
– “Hỡi bọn đày biệt xứ, bọn thối tha ngu ngốc,
Sao chúng bay lại hỗn xược thế kia?
Dám chống lại một lệnh chỉ từ trời cao?
Mà kết cục thì không thể nào khác được,
Chỉ làm nặng thêm tội trạng chúng bay.
Có ích gì đối đầu với số phận,
Chuyện Sécbêrô hẳn các ngươi còn nhớ,
Đến nay cổ và cằm hắn vẫn còn trơ trụi.
Vậy là chỉ bằng một cái gõ đũa của Thiên sứ, cổng trấn giữ thành Dis mở toang, và ngài nhắc nhở chúng về số phận của con chó ba đầu Cerberus. Trong thần thoại Hy Lạp, khi người anh hùng Hercules tới địa ngục bắt con quái vật Cerberus theo yêu cầu của vua Eurystheus, để hoàn thành chuỗi 12 kỳ công của mình, Cerberus đã tìm cách chống cự. Tuy nhiên các Thần đã có lời hẹn ước rằng sau khi Hercules hoàn thành những yêu cầu của vua Eurystheus, người anh hùng sẽ trở nên bất tử. Vậy nên khi Cerberus chống cự thì nó chính là đang đi ngược lại với ý muốn của Chư Thần. Và Hercules đã dùng sức mạnh đáng nể của mình để buộc con chó ba đầu phải nghe theo.
Quay trở lại với câu đố đột ngột của Dante mà chúng ta đã nhắc tới ở trên:
Hỡi độc giả, trí thông minh lành mạnh,
Hãy tìm xem ý nghĩa ẩn tàng,
Dưới lớp màn những câu thơ kỳ lạ.
Theo các học giả phân tích Thần Khúc, ẩn đằng sau sự kiện Virgil và Dante bị chặn lại ở bên ngoài thành Dis là một niềm tin của Cơ Đốc giáo: con người không thể làm gì được nếu không có sự giúp đỡ của Chư Thần. Trong kỳ V, khi nói về ý nghĩa sự xuất hiện của Chư Thần, Virgil đã hé lộ rằng các vị Thần là người chưởng quản chính cho mọi sự việc nơi thế gian. Chính vì thế, sự phát triển của một cá nhân nói riêng, và của cả nhân loại nói chung, đều là được sắp đặt tuân theo những quy luật nhất định.
Xem thêm: Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc: Đức tin của người Mỹ
Thực ra vấn đề này không chỉ có trong Cơ Đốc giáo, nó đều được các tín ngưỡng và dự ngôn đề cập tới. Trong lịch sử nhân loại, có rất nhiều dự ngôn nổi tiếng đã tiên đoán phi thường chính xác những sự việc diễn ra trong tương lai, ví dụ như: dự ngôn “Các thế kỷ” của Nostradamus (Pháp); dự ngôn “Mã Tiền Khóa” của Gia Cát Lượng (Trung Hoa); dự ngôn của bà Vanga (Bun-ga-ri); dự ngôn “Cách am di lục” của Nam Sư Cổ (Hàn Quốc); v.v.
Tại sao các dự ngôn lại có thể tiên đoán chính xác lịch sử hàng trăm năm như vậy? Phải chăng số mệnh thật sự có tồn tại? Phải chăng sự phát triển của nhân loại đều đã được Chư Thần sắp xếp? Đây chính là niềm tin Cơ Đốc mà Dante muốn thể hiện.
Sau khi Thiên sứ mở cửa, ngài nhanh chóng quay đi, không nói lấy một lời. Virgil và Dante bước vào thành Dis, tiếp tục cuộc hành trình dưới Địa ngục:
Rồi người quay lại con đường lầy lội,
Không nói với chúng tôi lấy một lời,
Có vẻ như đang bận tâm điều khác.
Nhưng không phải cho những người vừa gặp trên đường,
Còn chúng tôi tiến về phía đô thành,
Rất yên tâm vì bấy nhiêu lời thánh thiện
Chúng tôi đi vào, không bị ai sinh sự
(Còn tiếp)
Quang Minh
Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.
Từ khóa thần thoại Hy Lạp tiên tri Văn hóa phương Tây dự ngôn Dante Thần khúc Cơ đốc giáo Thần Phật