Vương Dương Minh: Bảo trì được tâm thái vui vẻ chính là bản lĩnh
- An Hòa
- •
Vương Dương Minh là một nhà hiền triết lỗi lạc của triều Minh. Ông tinh thông Nho giáo, Thích giáo và Đạo giáo, hơn nữa còn dẫn quân chinh chiến, có thể nói là văn võ toàn tài. Tâm học của ông có ảnh hưởng sâu rộng ở cả Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên cuộc đời ông rất chông gai trắc trở. Ông từng bị phạt bốn mươi trượng ngay giữa triều đình, sau đó lại bị tống giam vào ngục, bị giáng chức, bị đố kỵ, lại bị vu oan là mưu phản. Nếu là một người thường, hẳn sẽ sầu muộn oán trách, nhưng Vương Dương Minh vẫn luôn giữ được cho mình một thái độ sống lạc quan và tâm thái vui vẻ tích cực.
Khi bị giáng chức xuống làm quan ở Long Trường, những người đi theo Vương Dương Minh đều lần lượt bị bệnh, duy chỉ còn lại mình ông là vẫn bình an vô sự. Vương Dương Minh nói: “Đến Long Trường hai năm, cũng bị chướng khí xâm hại, nhưng ta vẫn bình an vô sự. Đây là bởi bản thân ta trước sau luôn duy trì được tâm thái tích cực, thái độ lạc quan, không bi thương đau khổ, uất ức u sầu như những người khác”.
Lúc ở Cán Châu, Trần Cửu Xuyên, người bái Vương Dương Minh là thầy bị lâm bệnh nặng. Vương Dương Minh hỏi Trần Cửu Xuyên rằng: “Chuyện đổ bệnh này, ông cảm thấy thế nào?”
Trần Cửu Xuyên trả lời: “Bản lĩnh về phương diện này, quả thực rất khó”.
Vương Dương Minh nói: “Thường xuyên bảo trì được tâm thái vui vẻ chính là bản lĩnh”.
Theo cách nhìn nhận của Vương Dương Minh, bảo trì được tâm thái vui vẻ không phải là khả năng bẩm sinh, mà chính là một loại năng lực. Loại năng lực này phải thông qua trí tuệ và tu dưỡng mới có thể đạt đến được. Vương Dương Minh thực sự đã thông qua trí tuệ của bản thân, ở trong nghịch cảnh mà bảo trì được tâm thái vui vẻ, nhờ đó ở nơi rừng thiêng nước độc vẫn sống sót. Hơn nữa, ông còn tu thân, nghiên cứu học tập, cuối cùng ở Long Trường mà ngộ đạo.
Vương Dương Minh cho rằng một người cần làm được ba điều sau thì tâm thái nhất định khoái hoạt vui vẻ.
Sống ở hiện tại, không buồn lo vô cớ
Vương Dương Minh từng nói: “Những chuyện đã qua và những sự tình còn chưa xảy đến, nghĩ về chúng hỏi có ích gì? Suy nghĩ liên miên như vậy chỉ có thể đánh mất đi bản tâm trong sáng của mình”. Ông từng viết câu thơ: “Cơ lai cật phạn quyện lai miên, chích thử tu hành huyền canh huyền”, ý tứ là cơn đói đến thì ăn, mệt mỏi thì đi ngủ, đó chính là tu hành.
Người chuyên tâm với hiện tại, không tính toán những được mất trong quá khứ, cũng không buồn lo vô cớ về những chuyện chưa xảy ra trong tương lai thì tâm của họ tĩnh lặng mà rõ ràng. Cũng vì vậy nên họ lúc nào cũng vui vẻ tường hoà.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mức độ thỏa mãn và hạnh phúc của một người dường như giảm sút, đó là bởi họ đã không còn chuyên chú nữa. Mỗi người đều bị cám dỗ bởi vô số thông tin mỗi ngày, và có vô vàn cách giải trí, khiến sự chú ý của họ bị phân tán.
Bởi vậy, muốn chuyên chú ở hiện tại thì cần phải cố gắng thoát khỏi cảm giác “thất thần” này. Trong công việc và cuộc sống cần bảo trì một loại năng lực nắm chắc, chuyên tâm. Chỉ có như vậy người ta mới có thể cảm nhận được niềm vui xuất phát từ trong tâm mình.
Trừ bỏ chấp ngã
Lúc Vương Dương Minh còn ở Long Trường, ông đã từng đóng một cỗ quan tài bằng đá. Nguyên nhân là trong quá trình ngộ Đạo, ông trước sau vẫn không thể buông bỏ được tự ngã, buông bỏ được sinh tử. Ông phát tâm muốn vượt qua tự ngã, ở trong quan tài đá tĩnh tọa tu thân, dốc lòng ngộ Đạo, cuối cùng đã ngộ được đạo lý “Cách vật trí tri” (Nghiên cứu đến cùng để biết nguồn gốc của sự vật).
Chướng ngại lớn nhất của đời người là chính bản thân mình. Một người nếu không thể trừ bỏ được chấp ngã thì sẽ rất khó có được niềm vui thật sự. Sở dĩ chúng ta cảm thấy đau khổ là bởi những điều bản thân không hài lòng, không mong đợi, cái “bản thân” này kỳ thực chính là chấp ngã. Bởi vậy, quá trình tìm kiếm niềm vui cũng chính là quá trình không ngừng buông bỏ tự ngã.
Đối với những biến cố to lớn gặp phải trong đời hay nỗi buồn khó giải trong sinh mệnh, đại thi hào Tô Đông Pha cũng đã chọn cách quên đi tự ngã, trở về với tự nhiên. Ông dùng sinh mệnh hữu hạn của bản thân hòa cùng với thiên nhiên, lấy đó đổi lấy sự thoải mái và niềm vui trong sinh mệnh. Vậy nên, niềm vui thật sự là quên đi tự ngã, hòa cùng một thể với vạn vật, thân tâm không bị trói buộc, tự do tự tại.
Bớt một chút ham muốn mới có được khoái hoạt
Vương Dương Minh từng nói: “Đời ta cố gắng, chỉ cầu ngày một giảm đi chứ không cầu ngày một tăng thêm. Giảm đi một phần ham muốn cá nhân, chính là ngộ thêm một phần thiên lý, thật là nhẹ nhàng thoải mái, thật là giản dị.” Công phu nằm ở giảm chứ không ở tăng, cái gọi là giảm tức là tống khứ đi các loại ham muốn vật chất. Con người chỉ cần giảm thiểu mọi ham muốn dục vọng thì sẽ trở về với bản tính thiện lương lúc ban sơ.
Các bậc thánh hiền thời xưa cũng đều giảng rằng dục vọng là nguồn gốc của mọi thống khổ. Nếu chúng ta đem niềm vui của bản thân kiến lập trên sự thỏa mãn của ham muốn dục vọng thì một khi dục vọng không được thỏa mãn, niềm vui cũng sẽ theo đó mà tan biến. Hơn nữa, dục vọng của con người ta là vô cùng vô tận, thỏa mãn cái dục vọng này rồi, dục vọng kia cũng sẽ khởi lên, từ đó chìm đắm sâu trong bể khổ, vĩnh viễn không thể thoát ra được.
Trong Đạo Đức Kin” viết: “Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy”. Con người ta không thể có quá nhiều dục vọng, phải biết đủ mà dừng lại đúng lúc.
Vương Dương Minh từng lấy ví dụ cho học trò: Trương Lương, Đổng Trọng Thư, Gia Cát Lượng, Hàn Dũ, v.v., đều gặt hái được những thành tựu trác tuyệt. Nhưng trong số họ, không ai là không coi nhẹ danh lợi. Bởi dục vọng ít, nên họ mới có thể tập trung tinh lực, cuối cùng mới có được thành tựu hơn người.
Con người chỉ có thông qua tiết chế dục vọng của bản thân mới có thể giữ cho tâm hồn thật sự tĩnh tại. Khi bản thân đã thoát ra khỏi mọi ham muốn cám dỗ, làm được những sự tình có giá trị, chúng ta mới có thể chân chính khoái hoạt.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Dục vọng Vương Dương Minh Vui vẻ khoái hoạt