Vì sao cổ nhân sống an bần mà vẫn khoái hoạt?
- An Hòa
- •
Ngày nay rất nhiều người coi tiền tài là thước đo chính của sự giàu sang, hạnh phúc. Không ít người cho rằng để sống khoái hoạt, sung túc thì cần phải có của cải dồi dào, điều kiện vật chất đầy đủ. Nhưng cổ nhân vì sao có thể sống an bần mà vẫn vui vẻ khoái hoạt, thỏa mãn, không so đo với người, không oán trách với đời? “Sống an bần lạc đạo” là cách nói có xuất xứ từ cuốn “Hậu Hán Thư”, ý nói về người lấy đắc đạo làm vui, không vì nghèo khổ mà buồn phiền, lo âu. Đây vừa là phẩm cách cao thượng cũng là đạo xử thế, đạo làm người của cổ nhân.
Nhan Hồi là học trò của Khổng Tử, nổi danh là người đức hạnh. Khổng Tử thường khen ngợi Nhan Hồi: “Một đan cơm, một bầu nước, ở gian nhà nhỏ đơn sơ, người khác đều không chịu được cảnh khốn cùng kham khổ ấy vậy mà Nhan Hồi vẫn không thay đổi hứng thú học tập. Thật cao thượng biết bao!” Từ đời Nhan Hồi, dòng tộc Nhan Thị kéo dài suốt 700 năm mà không suy, hưng thịnh tới thời Nam Bắc Triều Tùy Đường.
Nhan Hồi được xem là hình mẫu về cách sống thanh bần đạo hạnh, nghèo khổ mà vẫn chuyên tâm học tập. Từ đời nhà Hán, Nhan Hồi được xếp là người đứng đầu trong 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử, cũng là người đứng đầu trong “Khổng miếu tứ phối” (4 môn sinh của Khổng Tử được tế tự là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Khổng Cấp, Mạnh Kha).
Nhan Hồi đi theo Khổng Tử chu du các nước gặp rất nhiều khổ nạn. Khi gặp nạn ở đất Khuông, Thái, Trần, học trò Tử Lộ và những học trò khác của Khổng Tử đối với lời thày dạy đều sinh tâm hoài nghi, riêng Nhan Hồi không hề thay đổi. Thậm chí, Nhan Hồi còn liễu giải đạo của Khổng Tử: “Lý tưởng của thầy rất cao, học vấn rất sâu, cho nên mới không được người bình thường lý giải và áp dụng. Đây đúng là nỗi nhục của bọn họ”. Khổng Tử nghe xong lời này của Nhan Hồi, trong lòng rất cao hứng.
Một học trò khác của Khổng Tử là Tăng Sâm, cũng là học trò xuất sắc của ông. Tăng Sâm duy trì ban ngày làm ruộng, ban đêm miệt mài học tập đến khuya, cuộc sống của ông có thể nói là vô cùng khốn khó. Nhưng điều đó không làm lung lay ý chí của ông. Vua nước Lỗ sau khi biết phẩm hạnh của Tăng Sâm thì vô cùng quan tâm và đồng cảm, quyết định tặng cho Tăng Sâm thực ấp. Nhưng Tăng Sâm kiên quyết từ chối, không nhận, vẫn giữ lối sống bần cùng như trước mà không oán không hận.
Đời Tống, Chu Đôn Di làm quan mấy chục năm thanh liêm, chính trực, không màng danh lợi, ông coi nhẹ địa vị và vàng bạc phú quý. Chu Đôn Di noi gương Khổng Tử và Nhan Hồi, thi hành nhân nghĩa. Lúc tuổi cao, ông từ quan về quê sống và dạy học. Sau này ông viết tác phẩm “Ái liên thuyết” lưu danh thiên cổ.
Trong “Ái liên thuyết” có ghi: “Tôi chỉ yêu hoa sen mọc lên từ bùn lầy mà không vấy bẩn, tắm gội trong sóng nước mà không có vẻ lả lơi, trong rỗng ngoài thẳng, không bò lan, không đâm cành”, đây là tượng trưng cho tính chính trực, không tùy tiện của người quân tử. “Mùi hương càng xa càng thanh khiết, dáng mọc lên dong dỏng cao”, đây là tượng trưng cho sức mạnh cảm hóa của người quân tử. “Chỉ có thể từ xa ngắm nhìn chứ không thể đến gần mà nâng niu sờ mó”, đây là tượng trưng cho khí tiết, dáng vẻ đoan trang của người quân tử, người khác kính trọng mà không dám xem thường.
Trong “Luận Ngữ. Vệ Linh Công”, Khổng Tử viết: “Điều mà người quân tử mưu cầu là đạo đức chứ không phải là kế sinh nhai. Người cày ruộng cũng khó tránh những lúc đói kém. Kẻ học giả cũng có thể hưởng được bổng lộc. Vì thế người quân tử hết lòng lo thiên hạ không hành đạo nghĩa, mà không lo sự nghèo khốn của cá nhân.”
Trong “Luận Ngữ. Thuật nhi”, Khổng Tử còn viết: “Nếu phù hợp với chính đạo thì ăn gạo xấu, uống nước lã, co cánh tay mà gối đầu cũng là vui mừng. Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang thì ta coi như phù vân.”
Cổ nhân có thể sống an bần, nghèo khó mà vẫn khoái hoạt vui vẻ chính là vì cổ nhân hiểu rõ mục đích cuộc đời. Tâm họ luôn truy tầm đạo, hướng đến đạo, mà không bị vướng bận vào sự giàu nghèo. Điều họ theo đuổi chính là làm phong phú nội tâm của mình cuối cùng đạt đến cảnh giới “thiên nhân hợp nhất”. Đây cũng chính là phẩm đức cao thượng “sống an bần lạc đạo” của cổ nhân.
Tất nhiên, người xưa không truy cầu nghèo, không cố tình rách nát. Khổng Tử giảng rằng: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử quý trọng tài vật bởi vì đó là công sức của bản thân làm ra, không thể phung phí, cũng là phù hợp với đạo Trời, còn tài vật không có được bằng chính đạo thì một tơ một hào cũng không lấy. Tử Cống từng hỏi Khổng Tử rằng: “Nghèo mà không nịnh nọt, giàu mà không kiêu ngạo, thì thế nào?” Khổng Tử đáp: “Rất tốt, nhưng không bằng nghèo mà vui, giàu mà hiếu lễ.” Người ta dù giàu hay nghèo đều cần làm được “ở trong Đạo”.
Không chỉ những người quân tử, kẻ sĩ của Nho gia mới chọn lựa cách sống “an bần lạc đạo”, vui với việc truyền dạy đạo lý cho thế nhân, mà những người tu Đạo, tu Phật thời xưa cũng sống an bần lạc đạo. Những người tu đạo thời cổ đại đều đến núi sâu rừng già, sống trong đạo miếu mà tu hành. Cuộc sống của họ trên cơ bản đều là túng thiếu, nghèo khổ.
Những người tu hành thời xưa cũng tự xưng là bần tăng (tăng nhân nghèo), đi xin cơm hóa duyên. Những đạo sĩ cũng xưng là bần đạo dạo chơi tứ phương. Họ tuy nghèo nhưng chính là những cao nhân đắc đạo, có tâm tu luyện vững chắc như bàn thạch. Họ lấy việc học đạo, ngộ đạo, đắc đạo là mục đích sống, là niềm vui sướng lớn nhất trong cuộc đời mình. Vì thế, họ không bị hoàn cảnh phú quý hay bần cùng nơi thế gian làm cho tâm bị xao động, phiền nhiễu, một mực kiên định đi đến tận cùng để hoàn thành sự lựa chọn của mình.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Thanh tâm quả dục không trở ngại tài phú mà là căn bản của thành công
- Buông bỏ dục vọng, sống đạm bạc là cách thoát khỏi phiền não
Mời xem video:
Từ khóa Vui vẻ thanh bần đạo hạnh Khổng Tử Đạo gia Phật gia tu hành Mục đích cuộc đời