Vương Duy: Một đời bao chuyện thương tâm, cửa Phật tiêu trừ hết thảy
- An Hòa
- •
Vương Duy là một nhà thơ, họa sĩ, nhà thư pháp nổi tiếng thời Đường. Con đường làm quan của ông thăng trầm chìm nổi, cuộc đời lên lên xuống xuống, được phong chức, rồi bị giáng chức, lại được lên chức, bị bắt giam vào ngục, rồi lại được miễn tử… Trong suốt hành trình này, lòng hướng Phật, tín ngưỡng đối với đạo Phật đã là chỗ dựa tinh thần, đồng thời điểm hóa ngộ Đạo cho Vương Duy.
Hơn 1300 năm trước, Vương Duy là một thiếu niên 15 tuổi, lưng đeo đàn cầm và bút mực, rời nhà từ Sơn Tây đến Trường An cầu danh. Với xuất thân quý tộc, vừa giỏi vẽ lại giỏi chơi đàn, dung mạo khôi ngô tuấn tú, Vương Duy vào kinh thành đã nhanh chóng trở thành khách quý của các vương tôn quý tộc.
Vương Duy có trí nhớ siêu phàm, vừa xem qua là có thể thuộc lòng, lại có tài xuất khẩu thành thơ. Năm 17 tuổi, Vương Duy với bài thơ “Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ” đã gây tiếng vang chấn động kinh thành. Còn bài “Tức phu nhân” nổi tiếng Vương Duy viết khi ông mới chỉ 20 tuổi. Năm 21 tuổi, Vương Duy thi đỗ Trạng nguyên, là “Đại khôi thiên hạ”, là vinh dự tối cao của người đi học thời ấy. Vương Duy ngoài thi thư hội họa ra còn tinh thông âm nhạc. Sau khi đỗ Trạng nguyên, Vương Duy được phong Thái Nhạc Thừa, làm giáo viên lễ nhạc cung đình. Trong thành Trường An, danh tiếng của Vương Duy lúc ấy đã vô cùng hiển hách.
Nhưng cổ ngữ nói: “Thiên hữu bất trắc phong vân”, trời có mưa gió bất ngờ. Chỉ sau một đêm, Vương Duy đang làm quan giữa kinh thành thì bị giáng chức chuyển đến địa phương khác. Nguyên nhân là đội lễ nhạc dưới quyền của Vương Duy đã múa điệu múa sư tử vàng, mà quy định lúc ấy là sư tử vàng chỉ được múa cho Hoàng đế. Bởi vì phạm vào cấm kỵ này, Vương Duy bị cách chức và chuyển đến Sơn Đông làm một chức quan nhỏ, không liên quan gì đến tài năng cũng như sự am hiểu về âm nhạc và văn học của ông.
Bốn năm sau, Vương Duy từ quan về ở ẩn. Một thời gian sau, Vương Duy viết thư cho Tể tướng Trương Cửu Linh, hy vọng được đề bạt. Vương Duy được làm Hữu thập di, chức quan tuy không lớn nhưng có cơ hội thăng tiến và được tiếp cận Hoàng đế.
Nhưng thế sự khó liệu, Trương Cửu Linh bị bãi chức, Vương Duy cũng bị liên lụy. Ông bị giáng chức và bị chuyển đến một nơi xa hàng ngàn dặm, làm giám sát ngự sử đi sứ biên cương. Về sau, Vương Duy lại dần dần được thăng chức. Lúc được phong làm Cấp sự trung, Vương Duy lại có thể vào triều yết kiến, được phục vụ Hoàng đế.
Thời thế thật không chiều lòng người. Lúc ấy, loạn An Sử xảy ra, An Lộc Sơn đánh chiếm thành Trường An, bắt được Vương Duy và ép Vương Duy phục vụ cho mình. Vương Duy đã cố ý uống thuốc giả bệnh không theo, nhưng cuối cùng vẫn là “thân bất do kỷ”, bị An Lộc Sơn cưỡng bách làm ngụy quan ở Lạc Dương.
Sau khi loạn được dẹp yên, Vương Duy bị bắt giam đưa về Trương An chờ xét xử, mang tội danh kẻ phản bội, không thể tha thứ. Hoàng đế thương tiếc tài hoa của Vương Duy, đồng thời suy xét cho tấm lòng của ông mà miễn cho tội chết. Ông bị giáng chức làm Thái tử trung doãn.
Vương Duy mất cha năm 9 tuổi, đến tuổi lập gia đình, vợ lại vì khó sinh mà mất, thai nhi trong bụng cũng không giữ lại được. Mất vợ mất con khiến Vương Duy có một sự hiểu biết sâu sắc về sự vô thường của nhân sinh. Sau 40 tuổi, Vương Duy lại chứng kiến bạn thân Mạnh Hạo Nhiên, ân sư Trương Cửu Linh lần lượt ly thế. Điều này càng khiến Vương Duy mất mát nhiều hơn. Năm 50 tuổi, Vương Duy lại mất mẹ. Là một người con chí hiếu, Vương Duy vô cùng bi thương.
Vương Duy sau khi bị bắt giữ, phải đánh mất tiết tháo mà giữ thân, phải sống tạm bợ trong sỉ nhục, lại không ngừng mất đi người thân thiết nhất, trải qua đủ loại đau khổ trong đời khiến cho ông càng hướng đến con đường giải thoát hơn. Trong bài “Thán bạch phát”, Vương Duy viết: “Nhất sinh kỉ hứa thương tâm sự, bất hướng không môn hà xử tiêu“, một đời bao nhiêu chuyện thương tâm, không hướng cửa Phật làm sao tiêu trừ.
Chịu ảnh hưởng của mẹ, cả gia đình Vương Duy đều tín phụng Phật Pháp. Cái tên của ông cũng gắn bó mật thiết với Phật giáo. Lúc Vương Duy ra đời, mẹ ông nằm mơ thấy cư sĩ Duy Ma Cật tiến vào trong phòng, cho nên đã đặt tên cho ông là “Duy”, hiệu là “Ma Cật”. Tên “Duy Ma Cật” mang ý nghĩa là không có dơ bẩn, tức là “tịnh” (tinh khiết, sạch sẽ).
Từ nhỏ Vương Duy đã được mẹ dạy ngâm kinh Duy Ma Cật. Vương Duy hướng Phật, rất thích đọc truyện về các cao tăng. Ông từng theo Bắc tông Đạo Quang pháp sư, sau lại có quan hệ mật thiết với Nam tông. Vương Duy đã viết bia ký “Năng thiện sư bia”. Ông cũng thường xuyên lui tới với nhiều vị cao tăng của các phái Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Mật Tông, Luật Tông…. Lúc tuổi già sống ở Trường An, ông cũng cấp dưỡng hơn 10 cao tăng.
Vương Duy nghiêm trì giới luật, ăn chay và niệm Phật. Trong phòng nơi ông ở chỉ có một số dụng cụ đơn sơ như ấm trà, giường, cối giã thuốc, bàn đọc kinh sách. Ông cũng dần dần làm kiền tịnh tâm mình trước những khổ nạn trong cuộc đời. Theo con đường hướng Phật nên trong thơ ca của Vương Duy có phản ánh Phật tính. Chính vì vậy mà ông được người đời xưng là Thi Phật.
Hết thảy hỉ nộ ái ố, yêu hận tình thù, ở trong thơ của Vương Duy đều biểu hiện không mạnh mẽ lắm. Nguyên nhân chính là vì tâm của ông không bị bi thương bởi cảnh đời, không phẫn giận bởi tục sự. Thơ của Vương Duy ôn nhu đôn hậu, không lộ ra sự tức giận, cũng không trau truốt gọt giũa, đau nhưng không ủy mị, từ ngữ nông cạn nhưng nghĩa lại thâm sâu, khiến cho người đọc ở trong đạm bạc mà cảm nhận được ý vị.
Sách sử viết về Vương Duy: “Thê vong bất tái thú, tam thập niên cô cư nhất thất, bính tuyệt trần luy”, vợ chết không lấy người mới, 30 năm sống một mình, giũ sạch cát bụi trần gian. Lúc tuổi già, Vương Duy ăn chay, mặc quần áo thô, sau khi bãi triều ông lại một mình trong phòng dâng hương, vứt bỏ những tạp niệm và chuyên tâm tụng kinh.
Lúc làm quan đến chức Thượng thư hữu thừa, Vương Duy đã 60 tuổi. Tháng 7 năm sau, Vương Duy như đoán trước được điều gì, ông đã viết thư cho người thân và bạn bè khuyên họ niệm Phật tu hành, rồi từ giã cõi trần.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phật giáo Vương Duy Thi nhân tu luyện