Năm 257 TTL Thục Phán đánh bại vua Hùng Vương và đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Cùng thời kỳ này, ở bên Tàu, nước Tần lần lượt đánh bại các nước thuộc Tây Chu và Đông Chu, sau cùng đánh bại nước Tề. Lần đầu tiên nước Tàu thống nhất dưới quyền Tần Thủy Hoàng.

Bấy giờ biên giới cực nam của nước Tàu là dãy núi Ngũ Lĩnh (cũng gọi là Nam lĩnh). Dãy núi này khởi xuất từ Thành Đô qua phía nam Trùng Khánh, Tây Dương, Tư Nam, Lê Bình, Tinh Huyện, Lâm Châu, Nam Xương, và Chiêu Hưng rồi ra biển.

Lãnh thổ ở phía nam Ngũ Lĩnh gọi là Lĩnh Nam hoặc Lục Lương. Sống trên lãnh thổ này là 5 Việt tộc (tức Bách Việt) như sau:

  • Đông Việt cũng gọi là Ngô Việt hay Đông Âu ở Chiết Giang.
  • Mân Việt ở Phúc Kiến.
  • Nam Việt ở Quảng Đông và phía bắc Quảng Tây.
  • Tây Việt hay Tây Âu ở phía nam Quảng Tây.
  • Lạc Việt ở Bắc Việt và bắc Trung Việt tức Âu lạc đời Thục An Dương Vương.

Năm 214 TTL Tần Thủy Hoàng sai đô úy Đồ Thư và quan sử Giám Lộc đem quân đi đánh Bách Việt.

Thắng và bại trong cuộc chinh phục Bách Việt

Thành phần quân Tần gồm:

  • Những kẻ trốn tránh (trốn lính , trốn thuế , trốn nợ …).
  • Những kẻ nghèo hèn phải gửi rể để được cưới vợ.
  • Và những kẻ làm nghề buôn bán.

Đoàn quân này sẽ bị giữ lại đất Bách Việt như những kẻ bị lưu đày.

Ngoài ra đoàn quân này còn có 1,500 phụ nữ với nhiệm vụ may vá quần áo cho quân lính.

Đồ Thư chia quân ra làm 5 đạo:

  • Đạo thứ 5 tập trung ở sông Dư Can thuộc Giang Tây, mục tiêu là Đông Việt và Mân Việt. Hai nước này đầu hàng quân Tần ngay phút đầu.
  • Đạo thứ 4 xuất phát từ Dự Chương do đèo Đại Du tiến đánh Nam Việt ở Quảng Đông.
  • Các đạo 1, 2 và 3 tiến vào tây bắc Quảng Đông và bắc Quảng Tây.

Quân Tần chiến thắng Nam Việt ở Quảng Đông và bắc Quảng Tây dễ dàng nhưng khi tiến vào Tây Việt (Tây Âu) ở nam Quảng tây thì bị cầm chân. Người Tây Việt rút vào rừng đánh du kích trong suốt 3 năm khiến quân Tần không thể tiến sâu. Quân Tần càng mất nhuệ khí khi chủ tướng là Đồ Thư bị giết chết.

Tuy nhiên những vùng bị đánh chiếm đã được quân Tần đặt quận huyện để cai trị. Đông Việt và Mân Việt bị hợp nhất thành quận Mân Trung, Nam Việt (Quảng Đông và bắc Quảng Tây) bị chia làm 3 quận là Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Nhâm Ngao được cử làm Nam Hải úy và Triệu Đà làm huyện lệnh Long Xuyên (thuộc quận Nam Hải).

Cuộc chinh phục Bách Việt coi như thắng lợi 4/5. Có được chiến thắng này là nhờ tài hành quân của tướng Đồ Thư và công chuyển vận lương thực của quan sử Giám Lộc.

Thời bấy giờ chuyển vận khối lượng lương thực cho một đoàn quân 50 vạn người qua địa thế hiểm trở là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhất là tiếp tế cho mặt trận Quảng Tây. Vì sông ngòi ở địa phương này không thuận lợi nên Giám Lộc phải giải quyết bằng cách khơi ngòi chảy vòng qua núi. Con ngòi đó là một hệ thống cửa đập (thủy môn) dẫn nước lên cao nên được gọi là linh cừ.

Linh Cừ

Tổ tiên của Giám Lộc là người Việt (sử sách của Tàu không nói rõ Việt tộc nào).

Tiến vào Quảng Tây, quân Tần phải vượt qua ngọn núi thứ 5 của dãy Ngũ Lĩnh ở phía bắc Quảng Tây. Tại đây có sông Tương và sông Ly. Sông Tương chảy ra biển nên không thuận tiện cho việc chuyên chở lương thực vào mặt trận. Sông Ly chảy về Quảng Tây thuận tiện cho việc chở lương nhưng cách sông Tương một sườn núi.

Năm 219 TTL, Giám Lộc khai một cừ nối sông Tương với sông Ly. Lộc cho đắp một đập bằng đá để chặn dòng chảy của sông Tương và đổi dòng chảy vòng qua sườn núi để nối với sông Ly. Vì địa thế, dòng nước phải chảy ngược lên, nên Lộc cho đắp những đập giữa dòng để giữ nước như những bậc thang. Mỗi đập có cửa mở đóng gọi là thủy môn.

Sau đây là một đoạn trích trong sách Lĩnh Nam di thư của Âu Đại Nhâm mô tả linh cừ:

“Lộc bấy giờ lượng tính làm ra cái đập để nước xối mạnh vào bãi cát sỏi rồi xếp đá làm vũng lái nước sông Tương đổ ra. Nước chảy xói đi hàng 60 dặm, lại đắp 36 cửa đập (thủy môn). Khi thuyền chở lương đi qua một cửa đập thì đóng cửa đập ấy lại khiến nước tụ lại đẩy lên dần. Do đó thuyền có thể lần theo sườn núi mà lên hoặc xuống dễ dàng”.

Linh cừ khởi công từ năm 219 TTL nhưng tới năm 214 TTL quân Tần mới khởi phát cuộc nam chinh, như vậy việc kiến tạo linh cừ đòi hỏi phải vài năm mới hoàn tất.

Ngày nay cách tàu bè lên xuống như bậc thang được áp dụng ở kênh đào Panama (nối biển Caribbean với Thái bình dương) và sông Saint Lawrence (nối Ngũ đại hồ với Đại tây dương) nhưng với kỹ thuật hiện đại và quy mô to lớn.

Quan hệ giữa Âu Lạc và nhà Tần

Trong các sử sách, mối quan hệ giữa Âu Lạc và nhà Tần được chép khác nhau.

Học giả Đào Duy Anh, tác giả Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, cho rằng:

“Nhóm Lạc Việt là tổ tiên trực tiếp của dân tộc Việt Nam ở miền trung châu Bắc kỳ và bắc Trung kỳ vì không bị nhà Tần chinh phục nên giữ được độc lập lâu hơn các nhóm khác” .

Học giả Trần Trọng Kim, tác giả Việt nam sử lược, viết rằng:

“Đến năm 214 TTL, Tần Thủy Hoàng sai tướng Đồ Thư đánh lấy đất Bách Việt (vào quãng Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây). An Dương Vương cũng xin thần phục nhà Tần để bảo tồn. Nhà Tần mới chia Bách Việt và Âu Lạc làm 3 quận: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc Việt).”

Đại Việt sử ký toàn thư (do Viện khoa học xã hội dịch) chú giải Tượng quận như sau:

“Nhiều sách sử của ta và Tàu đều chép quận Tượng là quận Nhật Nam hay bao gồm cả 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Thuyết này dựa vào câu cước chú trong Hán thư về quận Nhật Nam đời Hán rằng quận Nhật Nam là quận Tượng đời Tần. Tuy nhiên cũng trong Hán thư phần bản kỷ chép rằng năm thứ năm niên hiệu nguyên phương (năm 76 TTL) quận Tượng bị bãi bỏ, chia làm 2, một nửa sát nhập vào quận Uất Lâm, một nửa sát nhập vào quận Tường Kha. Uất lâm thuộc Quảng Tây, Tường Kha ở phía tây Uất Lâm và là một phần của Quý Châu”.

Như vậy Âu Lạc hoặc Lạc Việt không phải là Tượng Quận và không bị quân Tần chiếm đóng hoặc uy hiếp.

Tuy nhiên Âu Lạc chỉ độc lập thêm được 6 năm.

Nhân nhà Tần suy yếu vì loạn khắp nước, quan úy quận Nam Hải là Nhâm Ngao mưu toan đánh Âu Lạc và ly khai nhà Tần để lập một nước riêng. Nhưng mộng chưa thành thì Nhâm Ngao mất; trước khi mất, Nhâm Ngao giao quyền bính cho Triệu Đà.

Năm 208 TTL, Triệu Đà đánh bại An Dương Vương và sáp nhập Âu Lạc vào Nam Hải thành nước Nam Việt, tự xưng là Triệu Vũ Vương.

Bùi Quý Chiến
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (www.dslamvien.com)

THAM KHẢO

  • Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên.
  • Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
  • Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim.
  • Nguồn gốc dân tộc Việt nam của Đào Duy Anh.
  • Những kinh thành có trước Hà Nội của Nguyễn Quang Lục.

Xem thêm:

Mời xem video: