Xem bói hay không xem bói?
- An Hòa
- •
Thời cổ đại, việc xem bói rất phổ biến và được coi trọng. Trước khi làm một việc lớn hay khi gặp phải những sự tình khó lựa chọn, khó đưa ra quyết định thì người xưa cũng tìm kiếm câu trả lời thông qua xem bói. Vậy xem bói hay không xem bói, ý nghĩa thực sự của việc xem bói là gì?
Trong lịch sử Trung Hoa, Đường Thái Tông Lý Thế Dân và thời kỳ “Trinh Quán chi trị” được xem là hình mẫu lý tưởng nhất của minh quân và thịnh trị. Tuy nhiên để mở ra thời kỳ trị vì hưng thịnh, ổn định và được ca ngợi này thì không thể không nhắc đến sự kiện “Huyền Vũ môn”, trong đó Lý Thế Dân tiêu diệt Thái tử Lý Kiến Thành và Tề Vương Lý Nguyên Cát. Đây là sự việc tranh đấu tương tàn, giành ngôi đoạt vị hay còn có ý nghĩa gì khác? Vì sao người tự tay tàn sát anh em của mình lại vẫn được coi là một vị Hoàng đế mẫu mực xuyên suốt lịch sử các triều đại sau?
Trước khi xảy ra việc “Huyền Vũ môn”, Thái tử Lý Kiến Thành và Tề Vương Lý Nguyên Cát đã âm mưu giết anh em ruột của mình là Tần Vương Lý Thế Dân nhằm đảm bảo việc Lý Kiến Thành sẽ thừa kế ngôi vị. Khi Tần Vương Lý Thế Dân phát hiện ra âm mưu này, vì không muốn cốt nhục tương tàn nên ông đã do dự, không động thủ mà quyết định tìm đến Trương Công Cẩn tham khảo bói toán.
Trương Công Cẩn thấy vậy liền ném mai rùa xem bói xuống đất và nói: “Bói toán dùng để giải quyết nghi ngờ hoặc việc khó khăn, bây giờ đã không còn nghi ngờ gì nữa, sao phải bói toán? Nếu bói toán ra không phải điềm lành, thì bói toán để làm gì!” Tần Vương lúc này mới hạ quyết tâm.
Trương Công Cẩn vốn là người có khả năng xem bói, vậy thì rõ ràng ông tin vào bói toán. Tần Vương đến nhờ ông xem bói một sự kiện trọng đại như vậy, vốn là có thể biết được cát hung, lại rất có thể lập công lao đầu. Nhưng ông lựa chọn từ chối và tỏ thái độ kiên quyết. Vì sao lại thế?
Kỳ thực, bói toán là một phương thức mà người xưa dùng để cầu xin sự chỉ dẫn của Thượng Thiên khi gặp phải sự tình khó lựa chọn, khó đưa ra quyết định. Từ góc độ lợi ích cá nhân mà lý giải thì bói toán có vẻ là để biết trước phương hướng của sự việc sẽ đi đến thành hay bại, cát hay hung, nếu kết quả tốt lành thì nên theo, còn nếu không tốt lành thì nên nghĩ biện pháp để tránh. Tuy nhiên, mọi sự đều do Trời định, làm sao con người có thể tùy tiện thay đổi được? Cổ nhân kính Trời, tu đức, vì hiểu đạo lý này cho nên thực ra bói toán là để thuận theo ý Trời hơn là thay đổi số mệnh.
Ví như, khi Lý Thế Dân muốn xem bói, kỳ thực ông không phải là muốn tính toán xem sự thành bại của việc này, mà vì ông cho rằng cốt nhục tương tàn là việc ác lớn. Sách “Tư trị thông giám” chép: “Anh em ruột thịt giết hại lẫn nhau là tội ác lớn từ xưa đến nay. Ta biết rằng thảm họa sắp xảy ra, muốn đợi nó xảy ra sau đó dùng nghĩa để trừng phạt, vậy có được chăng?”. Đây là suy tư của Lý Thế Dân trước sự kiện “Huyền Vũ môn”.
Lý Thế Dân biết rằng thiện ác sẽ có báo ứng, phải lấy đức mà ứng với Trời. Mặc dù Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát đã nhiều lần mưu hại ông, nhưng ông không muốn thực sự động thủ, sợ rằng sẽ ảnh hưởng không tốt đến vận mệnh của nhà Đường và các thế hệ sau. Ông đang nghĩ nếu các anh em mình động thủ trước thì bản thân cũng có thể lấy lý do tự vệ để phản kháng, ít nhất là không để lại một vết đen trong lịch sử.
Vậy vì sao cuối cùng Lý Thế Dân lại quyết định động thủ mà không xem bói nữa? Kỳ thực vẫn là thuận theo ý Trời. Bởi vì nếu người không có đức, không có năng lực mà cai quản thiên hạ thì đối với dân chúng và các thế hệ sau còn nguy hại hơn nữa, ảnh hưởng còn tệ hại hơn nữa. Có thể thấy, vô luận là có xem bói hay không, bản chất vẫn là thuận theo ý Trời mà làm. Người thuận theo ý Trời thì thịnh vượng, kẻ nghịch ý Trời thì diệt vong.
Vậy ý Trời là gì? Trong sách “Tả truyện” có chép một câu chuyện làm sáng tỏ hơn việc này.
Vào thời Xuân Thu, mẹ của Lỗ Thành Công là Mâu Khương đã bị giam lỏng ở Đông Cung vì tư thông với một đại thần và can thiệp vào công việc triều chính. Bà tìm sử quan xem cho mình một quẻ bói, kết quả của quẻ bói là “Cấn chi tùy”. Sử quan nói rằng điều này có ý nghĩa là bà sẽ thoát khỏi nguy hiểm và tin rằng bà sẽ sớm được tự do. Trong phần giải thích của quẻ này quả thật là có ghi như vậy.
Nhưng Mâu Khương lại nói rằng kết quả của quẻ bói mặc dù thể hiện ra là có thể thoát hiểm, nhưng điều kiện tiên quyết phải là người có đức, “nguyên hanh lợi trinh”: nhân đức đủ để lãnh đạo người khác; đức hạnh tốt đẹp đủ để xử sự lễ nghĩa; làm lợi cho vạn vật đủ để hài hòa đạo nghĩa; thành tín vững mạnh đủ để giải quyết sự tình. Bà than rằng:
Một phụ nữ như ta đã nhúng tay vào biến loạn, địa vị vốn ở dưới mà lại bất nhân, nên không thể nói là ‘nguyên’ được. Ta không giữ cho quốc gia được ổn định, nên không thể nói là ‘hanh’ được. Ta gây biến loạn để mang hại vào thân nên không thể nói là ‘lợi’ được. Ta phế bỏ thái hậu để làm trò dâm loạn nên không thể nói là ‘trinh’ được. Người có đủ bốn đức nguyên, hanh, lợi, trinh thì xem bói được quẻ Tùy mới không gặp tai họa. Như ta đây chẳng có bốn đức ấy, lẽ nào ứng hợp với Tùy được sao? Ta vốn là kẻ thủ ác, lẽ nào tránh được tai họa được sao? Ta ắt phải chết nơi này, không thể ra ngoài thành được.
Cuối cùng Mâu Khương quả thực đã chết ở Đông Cung.
Bởi vậy có thể thấy, ý Trời biểu hiện ở cõi người chính là đạo đức. Đối với cá nhân thì thể hiện ở việc gìn giữ và ước thúc bản thân cho hợp với Đạo. Đối với những việc lớn như trị quốc an bang, thì thể hiện ở việc tạo phúc cho bách tính.
Mâu Khương vốn tin bói toán, lại còn hiểu biết Kinh Dịch, nên đã hiểu rõ ý Trời. Nói hình tượng một chút, ý Trời không phải nói là: “Ngươi rồi sẽ được ra thôi”, mà nói là: “Người có đức thì sẽ được ra thôi. Ngươi tự xét mình có đức hay không?”
Tần Vương Lý Thế Dân đứng trước lựa chọn khó khăn là “tránh cốt nhục tương tàn” hay “lên ngôi để tạo phúc cho dân”. Nếu cân nhắc vấn đề từ phương diện trị quốc an bang, thì buộc phải cốt nhục tương tàn. Điều quan trọng là ở xuất phát điểm của ông, là bảo vệ bản thân, quan tâm đến quyền lực và lợi ích của bản thân, hay là nghĩ đến việc lớn hơn. Đây chính là điểm khác biệt khiến ông mặc dù làm ra hành động “cốt nhục tương tàn” lại vẫn được coi là minh quân mẫu mực nhất.
Ý nghĩa của bói toán nằm ở việc thuận theo ý Trời, từ đó có được sự cảnh báo của Thượng Thiên. Nếu một người có chính niệm, có suy nghĩ đúng đắn, Thượng Thiên sẽ cho người ấy sự khẳng định và người ấy sẽ kiên định hơn với những suy nghĩ đúng đắn của mình. Trái lại, nếu một người có khuyết điểm, Thượng Thiên sẽ cảnh báo người ấy không được làm xằng làm bậy và người ấy có thể suy ngẫm lại, sửa chữa lỗi lầm của mình, nhờ vậy họ sẽ không bị sa đọa.
Cho nên bói toán là cách người xưa cầu xin Thượng Thiên chỉ bảo, điểm hóa xem việc mình làm có phù hợp với tiêu chuẩn do Thượng Thiên đặt ra hay không, có điều gì sai lầm hay bỏ sót không. Nếu con người có thể kiên trì tu chỉnh đức hạnh của mình, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng vẫn có thể giữ gìn được tiêu chuẩn đạo đức của mình thì dù họ không bói toán vẫn có thể gặp được điềm lành và tránh được tai ương, cũng có thể thuận theo ý Trời mà hành động.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tâm Liên
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
