Ý nghĩa của chuông và trống trong chùa chiền
- An Hòa
- •
Xưa nay, chuông và trống là hai loại pháp khí thường được sử dụng trong các chùa chiền, cũng là hai loại pháp khí được sử dụng cùng nhau. Ngoài những công dụng căn bản như báo thức, tập hợp chúng tăng, hay xuất hiện trong những lễ nghi của Phật giáo, chuông và trống còn có nhiều ý nghĩa khác.
Ở Ấn Độ cổ khi cần tập hợp đông người, người ta sẽ gõ kiền trùy làm bằng gỗ. Kiền trùy là cái chuông nhỏ và là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu trong nghi lễ Phật giáo Tantra. Trong cuốn “Tăng nhất a hàm kinh” ghi rằng, vào ngày 15 tháng 7, Phật Thích Ca Mâu Ni bảo đệ tử A Nan gõ kiền trùy triệu tập mọi người. Sau này, Phật giáo Ấn Độ truyền nhập vào các nước, người ta dùng pháp khí sẵn có là chuông và trống để thay thế cho kiền trùy. Từ đó, trong các triều đại lịch sử, chuông và trống có mặt khắp các chùa chiền ở mọi nơi.
Trong Phật giáo, tiếng chuông có tác dụng giúp con người cắt đứt phiền não, tăng trưởng trí huệ, tăng phúc thọ, trợ giúp tu luyện. Thông qua tu luyện, các hòa thượng giải thoát khỏi luân hồi và đạt được giác ngộ, đồng thời cũng có thể mang đến điều phúc lành cho chúng sinh. Điều này được ghi chép trong cuốn “Thiện môn nhật tụng. Chung kệ”:
Hồng chuông vừa đánh, kệ báu ngâm cao, trên thì thông suốt đến các cõi trời, dưới thì thấu suốt đến cõi âm, trên chúc chư Phật Bồ Tát chiếu sáng càn khôn, dưới ban pháp giới chúng sinh. Sinh vật trong chốn tam giới đều được miễn luân hồi chuyển kiếp. Mười loại Cửu u địa ngục đều được lìa khỏi biển khổ. Năm gió mười mưa, miễn gặp nghèo đói hằng năm. Đất đai khắp trong nước đều thấm nhuần thời thái bình an lạc của Nghiêu Thuấn. Giặc giã mãi ngưng, chiến tranh chấm dứt. Những người thương tích hay chết vì bại trận đều được sanh về cõi tịnh độ. Chim bay thú chạy, không gặp lưới đánh bắt. Những kẻ lang thang hay những người mồ côi sớm trở lại quê hương xứ sở. Càn khôn thế giới rộng lớn vô biên, Trời đất trường cửu, những thí chủ xa gần đều được gia tăng tuổi thọ và hạnh phúc. Toà thánh được giữ gìn, đạo pháp được hưng thịnh lâu dài.
Trong “Minh chung kệ” cũng viết rằng:
Buổi sáng nghe tiếng chuông, phiền não giảm, trí tuệ tăng, rời xa địa ngục, tâm nguyện thành Phật, độ chúng sinh. Buổi tối nghe tiếng chuông, sinh tâm nguyện theo tiếng chuông siêu pháp giới, bụi trần thanh tịnh, tất cả chúng sinh đều giác ngộ.
Trong “Minh luân” viết: “Kinh tỉnh thế gian danh lợi khách, hoán hồi khổ hải mộng mê nhân”, ý tứ là tiếng chuông vang lên khiến con người thế gian chạy theo danh lợi bừng tỉnh, kêu gọi người đời mau thoát khỏi bể khổ mênh mông.
Chuông còn làm cho đàn tràng trang nghiêm và đem lại không khí sinh động. Lật lại lịch sử có thể thấy, thời xưa chuông không chỉ là sáng tạo độc đáo thuộc về nhà Phật. Chuông còn là lễ khí, nhạc khí được sử dụng trong các buổi hành lễ cúng dường Phật, cúng bái tổ tiên. Trong các buổi lễ Phật, chuông cũng được sử dụng như một loại nhạc cụ để đệm cho những bài tụng kinh, gõ mõ của chúng tăng. Đồng thời, ở các đạo trường, khi có người tu đạo lâu năm ở trên núi xuống hoặc những người hiển đạt có chức sắc đến thăm, người ta cũng rung chông lớn làm nghi thức đón tiếp trọng thể.
Trong Phật giáo, chuông không chỉ là pháp khí để các chùa chiền báo giờ giấc, tập trung mọi người mà còn có công dụng to lớn trong việc thúc đẩy sự tu hành của mọi người. Trong “Bách trượng thanh quy – Pháp khí” có viết: “Chuông lớn cũng đóng vai trò ra hiệu lệnh. Được gõ vào sáng sớm, nó phá tan màn đêm, đánh thức người ta dậy. Chuông ngân vào lúc hoàng hôn sẽ biến đổi màn đêm, khai thông những thành phần tăm tối”.
Bất kể là để triệu tập sư tăng lên điện, tụng kinh làm lễ, còn là thường ngày khi thức dậy, ngủ, ăn cơm đều dùng chuông để làm hiệu lệnh. Tiếng chuông vang lên vào sáng sớm có ý nghĩa cảnh tỉnh mọi người đêm dài đã qua, chớ có ngủ mãi, cần phải nắm chắc thời gian tu luyện. Còn tiếng chuông vào ban đêm thì trước khoan thai sau gấp gáp, nhắc nhở người tu luyện biết màn đêm đã tới, và xua tan những tâm niệm xấu xa. Một ngày làm việc và nghỉ ngơi trong chùa bắt đầu bằng tiếng chuông mà kết thúc cũng bằng tiếng chuông.
Cũng giống như chuông, trống là pháp khí rất quan trọng trong chùa chiền. Từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, chuông và trống đã gắn liền với nhau. Trong “Lăng nghiêm kinh” viết: “Tiếng chuông tiếng trống, trước sau nối tiếp nhau”. Cho đến nay, tiếng chuông và tiếng trống không ngừng vang lên vẫn là một nét đặc trưng của chùa chiền.
Trống có thể được chế tác từ nhiều loại vật liệu khác nhau như kim loại, ngọc, đá, gỗ, có nhiều loại hình dạng và kích thước lớn nhỏ khác nhau. Nó được sử dụng một cách rộng rãi ở hầu hết các dân tộc trên thế giới. Trống được sử dụng trong các buổi tế lễ, trong quân đội, võ nhạc, tập hợp mọi người, báo giờ, báo động, có tác dụng làm phấn chấn lòng người, truyền cảm hứng cho mọi người. Ngoài ra, trống pháp, loại trống to còn có tác dụng khuyên giới chúng sinh hướng thiện.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa luân hồi tu hành Phật giáo Cái chuông