Yêu cầu nghiêm ngặt của người xuất gia thời xưa
- An Hòa
- •
Chúng ta thường thấy trong phim ảnh hay có tình tiết người vừa phạm pháp hoặc giết người liền xuất gia làm hòa thượng để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế việc xuất gia đi tu hành thời xưa không hề dễ dàng như vậy và yêu cầu cũng khắt khe hơn ngày nay rất nhiều.
Thời cổ xưa, phần lớn tất cả mọi người đều tôn kính Thần Phật. Ngay cả Hoàng Đế gặp người xuất gia cũng cúi đầu thăm hỏi một cách tôn kính. Đó là vì họ vô cùng kính trọng đạo đức, học vấn và phẩm hạnh của những người xuất gia. Ai cũng xem người tu hành là tấm gương tại nhân gian để noi theo. Do vậy yêu cầu đối với việc trở thành người tu hành cũng không hề đơn giản.
Độ điệp – Thẻ đi tu
Người nào muốn xuất gia phải trải qua một cuộc thi, đạt tiêu chuẩn sẽ được phát bằng có tên là “Độ điệp”. Sau khi lấy được bằng “Độ điệp” rồi, nếu có duyên với nơi nào, đạo nào, sư nào thì đến đó xuất gia. Nếu không có bằng “Độ điệp” này mà cắt tóc đi tu thì tức là phạm pháp, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Vì để tăng thêm thu nhập, một số quan phủ có quyền hành thường bán bằng Độ Điệp vô danh. Trong cuốn “Yến dực di mưu lục” có ghi chép rằng vào những năm đầu thời Tống Huy Tông, mỗi bằng Độ Điệp có giá rất cao bởi vì thi đỗ được bằng này là rất khó nên mọi người vô cùng coi trọng.
Những yêu cầu của người xuất gia tu hành thời xưa
Đối với người muốn xuất gia tu hành thời xưa còn có rất nhiều yêu cầu nghiêm ngặt, nhưng thông thường không thể thiếu 10 yêu cầu dưới đây:
1. Không quá nhiều tuổi hoặc quá ít tuổi, có thể tự gánh vác được cuộc sống của mình
Theo ghi chép trong “Tăng Chi”, nếu người muốn xuất gia đã 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và còn khả năng tu tập thì cho xuất gia. Nếu người đã quá 70 tuổi, khi nằm xuống hay lúc ngồi dậy đều cần phải dìu đỡ thì không được cho phép xuất gia. Nhưng nếu như đã xuất gia rồi, thì không được đuổi ra.
2. Là người có ý chí kiên cường, có khả năng chịu khổ
Trong “Tăng Chi” viết: Người xuất gia trước tiên phải có khả năng chịu khổ về ăn uống, sinh hoạt… Cho nên, một người phải thực sự có nguyện vọng xuất gia tu hành mới có ý chí kiên cường để vượt qua những nỗi khổ đó.
3. Được cha mẹ cho phép
Trong cuốn “Xuất gia” viết: Một người trước khi muốn xuất gia, phải được cha mẹ cho phép. Nếu cha mẹ không cho phép mà xuất gia thì càng là phạm tội lớn.
4. Chưa từng phạm tội
Người muốn xuất gia tu hành phải là người chưa từng phạm một trong bốn tội thuộc Phật giới là: dâm (dâm đãng, tà dâm), sát (giết), đạo (trộm cắp), vọng (làm điều xằng bậy). Nếu đã từng phạm một trong bốn tội này thì nhất định không được xuất gia.
5. Động cơ xuất gia phải thuần khiết
Động cơ xuất gia phải thuần khiết có nghĩa là không được mang tà tâm mà nhập đạo. Cũng có nghĩa là người xuất xuất gia không được vì lợi ích bản thân, không được xuất gia vì mục đích nào đó, như vì ăn, mặc…
6. Ý chí tu hành kiên định, tín ngưỡng rõ ràng
Người mà từ ngoại đạo sau đó xuất gia tu hành, xong lại nhập ngoại đạo thì thể hiện đó là người không có ý chí kiên định, tín ngưỡng không rõ ràng. Kiểu người như vậy không được cho xuất gia.
7. Thân không mang nợ
Trong “Tứ Phân” viết: Có người thân mang nợ, vì muốn trốn tránh chủ nợ mà xuất gia, người như thế này không được xuất gia.
8. Không phải quan chức đang gánh vác trách nhiệm xã hội
9. Thân thể khỏe mạnh
Trong “Tăng kỳ” viết: Những người mắc bệnh đều không được xuất gia, nhưng nếu đã là người xuất gia rồi mà bị mắc bệnh thì không được đuổi ra.
10. Tứ chi đầy đủ, ngũ quan chỉnh tề
Người có tay chân không đầy đủ, câm, điếc, mù, què, còng… đều không được phép xuất gia.
Từ lịch sử cho thấy, việc muốn xuất gia tu hành trong quá khứ không phải là một việc dễ dàng như chúng ta tưởng tượng, không phải ai muốn đều có thể xuất gia. Chỉ những người đạt tiêu chuẩn mới được chấp nhận và chỉ có người thi đỗ bằng “Độ điệp” mới được công nhận là hòa thượng chính thức, còn không thì đều là xuất gia “phi pháp”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phật gia tu hành Phật giáo