Bác sĩ đã làm cái này chưa?
- Trần Huỳnh
- •
Người đàn ông trung niên dáng nhỏ nhắn ngồi thu lu ở góc giường phía cuối phòng. Ông ta có vẻ sợ hãi. Nhóm bác sĩ (BS) và sinh viên (SV) bước vào phòng, dẫn đầu là BS chính (attending physician), theo sau là một đám BS nội trú, BS thực tập, và SV y khoa đi theo như đám vịt con lẹt dẹt theo vịt mẹ.
“Chúng ta có bệnh nhân nam, 46 tuổi, nhập viện nghi vấn do đa xơ cứng (Multiple Sclerosis). Chúng ta sẽ làm thủ thuật chọc dò tuỷ sống (Spinal tap)”
BS chính không nói tên bệnh nhân, không nhìn vào mắt bệnh nhân, và bắt đầu lấy dụng cụ ra. Cả nhóm SV và BS nội trú đứng nhìn theo.
Theo thông lệ, BS nội trú trưởng nhóm (Senior resident) sẽ làm thủ thuật này để chỉ cho các SV và BS thực tập cách làm. Anh này tiến gần đến bệnh nhân nam, hướng dẫn bệnh nhân ngồi trên giường, khoanh hai tay phía trước tựa trên một cái bàn nhỏ, đầu cuối xuống, sống lưng hơi cong. Khi đó, cả phòng im lăng. BS nội trú vẫn không nói lời nào. Sau khi sát trùng và ước lượng vị trí, anh lấy kim dài hơn 15 cm và chọc vào xương sống bệnh nhân.
Trong Y khoa, chọc dò tuỷ sống là một thủ thuật nhìn thì dễ nhưng không dễ làm và rất đau.
Nam bệnh nhân mặt nhăn lại, bấm tay vào thành bàn, người cong lên vì đau. Vẫn chưa thấy giọt nước tuỷ nào chảy ra sau khi cây kim dài đã cắm lút vào sâu. Anh BS nội trú lấy kím ra và đút vào lần nữa. Bệnh nhân lại bóp chặt hai tay vào thành bàn.
Kế đó, BS nội trú rút kim ra và đưa cho BS thực tập (intern) xem có may mắn hơn không. Anh BS thực tập nay chọn góc khác và đâm vào. Vẫn không có nước tuỷ chảy ra.
Các sinh viên năm cuối tiếp tục thử vận may bằng các vị trí khác nhau, góc khác nhau, lúc nhanh lúc chậm nhưng vẫn chưa có nước tuỷ chảy ra. Bệnh nhân tiếp tục im lặng và cong người vì đau.
Cho đến phiên Halee, cô là SV y khoa năm cuối trong nhóm.
Lúc đó, nam bệnh nhân ngước nhìn Halee và lên tiếng:
“Halee, mọi thứ sẽ ổn chứ?“
Halee đặt hai tay lên vai người đàn ông và dịu dàng nói:
“Vâng, mọi thứ sẽ ổn, ba à“.
Bệnh nhân nam đó chính là ba ruột của Halee 25 năm về trước.
Ngày nay, BS Halee Fischer-Wright là chủ tịch và giám đốc đều hành của Medical Group Management Association (MGMA), tâp đoàn tư vấn y khoa nổi tiếng của Hoa Kỳ và thế giới. Cô cũng là một chuyên viên giảng dạy về kỹ năng giao tiếp Bệnh nhân-Bác sĩ và là tác giả quyển sách nổi tiếng “Back to Balance”.
Cậu chuyện của BS Halee Fischer-Wright ngày đó vẫn cón tính thời sự hôm nay.
Chúng tôi sắp làm chọc khớp gối (arthrocentensis) cho một bệnh nhân nữ. Đây là một thủ thuật khá đơn giản với bệnh nhân thể trạng bình thường. Tuy nhiên, bênh nhân của tôi là một người cực kỳ béo phì (BMI 42) nên nhìn khớp gối bằng mắt thường khó xác định vị trí chính xác. Bệnh nhân đang đau khớp cấp nên bất kỳ cử đông nào càng làm đau thêm. Chúng tôi quyết định dùng máy siêu âm để tìm vị trí và hướng dẫn kim.
Đôt nhiên bà bệnh nhân nắm tay BS nội trú của tôi lại hỏi.
“BS đã làm cái (thủ thuật) này chưa?“
Vì trước chúng tôi, đã có 2 BS khác thử nhưng không thành công. Kết quả là càng làm bênh nhân thêm đau.
Nói cách khác, chúng tôi chỉ có một cơ hội. Anh BS nội trú năm 2 nhìn tôi chờ đợi, tôi gật nhẹ đầu, và anh ta quay sang trả lời.
“Tôi chưa làm thủ thuật này với máy siêu âm”.
BS nội trú của tôi nói thật. Anh ta chưa bao giờ làm.
“Nhưng BS Trần, người làm thủ thuật này nhiều lần, sẽ cùng làm và hướng dẫn tôi, cô có đồng ý không?“, anh nói tiếp.
Tôi tiến lên và bóp nhẹ tay bệnh nhân.
“Đúng vậy, thưa bà”.
Chúng tôi may mắn làm tốt trong lần chọc đầu tiên.
Trao đổi kinh nghiệm làm thủ thuật và nói rõ cho bệnh nhân biết khả năng của mình là môt chủ đề trong chương trình nội trú. Hầu như các chuyên ngành nội trú yêu cầu các BS phải thực hiện một số thủ thuật trước khi được cấp giấy nhận hoàn thành nội trú.
Dĩ nhiên không bệnh nhân nào muốn mình “bị” là người đầu tiên và BS nội trú nào cũng phải trải qua “lần đầu tiên”.
Bạn có nói cho bệnh nhân biết bạn chưa bao giờ làm thủ thuật này chưa?
Theo facebook Bác sĩ Trần Huỳnh (tên tiếng Anh: Huynh Wynn Tran)
Xem thêm:
Từ khóa cứu người Đạo đức con người tôn trọng bác sĩ