Bi kịch phong tỏa ở Trung Quốc: Cô gái 29 tuổi chết đói chết rét trên xe
- Nhan Thuần Câu
- •
Việc đóng cửa thành phố Tây An đã gây ra một thảm kịch lớn khác. Nửa đêm thức dậy nhớ lại sự việc này, tôi tức giận đến mức không thể ngủ được, vì vậy tôi chỉ đơn giản là thức dậy và viết bài này.
(Bài viết của nhà văn Hồng Kông Nhan Thuần Câu, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)
Hôm qua, một bài báo ngắn có tựa đề “Đi theo tôi” (Du Du) được đăng tải trên mạng, nói rằng chị gái cậu ấy, năm nay 29 tuổi, làm việc trong một công ty “Bảo đảm sinh kế trong thời gian phong tỏa” tại thành phố Trạch Tây, tỉnh Thiểm Tây. Cô ấy đột nhiên bị sa thải và ngay cả quê hương của mình là Tây Thành, Hoa Phủ, quận Liên Hồ, thành Tây An, cô ấy cũng không được phép về vì phong tỏa. “Giữa những ngày đông giá lạnh nhất, chị ấy buộc phải sống trong một chiếc xe ở ven đường suốt 16 ngày và chết trên xe, một sinh mệnh thanh xuân đã úa tàn như vậy.”
“Tôi là em trai của người đã khuất, mong cho người chị đã mất được nhắm mắt xuôi tay! Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, chị ấy đã làm việc để bảo đảm sinh kế, nhưng lại không thể bảo vệ được mạng sống của chính mình, không thể bước vào khu dân cư dẫu chỉ cách một bước chân, và chết trong ô tô riêng! Tôi đến đây để cầu xin các lực lượng xã hội, trả lại công bằng cho chị gái tôi!”
Bài viết ngắn ngủi, nhưng khiến độc giả nhói lòng! Xã hội như thế nào mới nào có thể nhốt một người trong xe bên vệ đường suốt 16 ngày giữa mùa đông khắc nghiệt, và cuối cùng đã giết chết cô ấy!
“Bảo đảm sinh kế trong thời gian phong tỏa” là một loại hình công ty đảm bảo sinh kế cho người dân trong thời gian phòng chống dịch bệnh và phong tỏa. Kiểu công ty này là một hình thức kinh doanh kiếm bộn tiền, và chắc hẳn phải có một sự hậu thuẫn chính trị phía sau.
Người quá cố ấy đột ngột bị đuổi việc trước cuối năm, và không hiểu vì lý do gì, cô lại bị nhân viên bảo vệ chặn trước cổng khu dân cư và không thể trở về nhà của mình. Cô bị mắc kẹt trong xe suốt 16 ngày, không thể chịu đựng được cảnh đói rét khắc nghiệt và chết trong xe.
Một chính phủ phải bất nhân thế nào mới có thể khoanh tay ngồi nhìn một cô gái trong đang thuở thanh xuân chết ngay trước mắt? Một người sống đang chết dần chết mòn từng ngày, người nhà ắt sẽ chạy đôn chạy đáo cứu vớt họ. Nếu không phải do chính quyền máu lạnh thì sao có thể kéo dài đến 16 ngày?
Việc này chẳng khác chi cha mẹ già và sản phụ bị bệnh viện từ chối khám chữa bệnh, đều là do chính quyền bàng quan thấy chết mà không cứu. Cứu chữa cho bệnh nhân là việc gấp gáp trong vài giờ, nhưng cái chết của cô gái này đã bị trì hoãn trong 16 ngày.
Suốt 16 ngày, lẽ nào cả thành phố Tây An này lại không tìm được một vị quan vẫn còn nhân tính, đến thăm hỏi chuyện sống chết của một cô gái hay sao? Lẽ nào lại không một cơ chế nhân đạo nào có thể đưa cô gái ấy từ cõi chết trở về? Đây là kiểu nhân tình thế thái thế nào? Ưu thế và giải pháp của Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình vĩ đại là đây sao?
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham nhũng, lạm quyền đã đành, lẽ nào họ đã không còn sót lại dẫu chỉ một chút nhân tính? Người Trung Quốc có thể được coi là con người nữa hay không? Nếu cô gái tuyệt vọng đó là con gái của ông Tập Cận Bình, liệu các quan chức chính phủ có thể canh phòng nghiêm ngặt đến vậy không?
Cô gái có xe hơi riêng, hẳn là gia cảnh cũng khá đàng hoàng, không biết đã lấy chồng, sinh con hay chưa? Cô ấy lẽ ra còn được hưởng biết bao cảnh phú quý, tươi đẹp, còn biết bao ước mơ cho tương lai? Thật tiếc khi cô ấy không thể chờ đợi đến những tháng ngày tốt đẹp ấy trong cuộc đời mình dưới một chế độ coi mạng người như cỏ rác.
Điều không thể nhẫn chịu nhất dưới sự cai trị của ĐCSTQ là nhân tính tận diệt, họ không coi người dân Trung Quốc là con người. Mỗi sinh mệnh quý giá đều chỉ là một con số trên sổ sách của ĐCSTQ, họa phúc của mỗi người dân thường đều không liên quan đến các quan chức các cấp. Lẽ nào “thiên đường tại nhân gian” mà ĐCSTQ ngày đêm rao giảng lại là nơi mà một sinh mệnh tràn đầy nhựa sống phải “chết cóng bên lề đường” hay sao?
Cô ấy không đáp ứng được quy định, thì có thể để cô ấy lái xe đi thẳng về cách ly tại nhà hay đến khu cách ly chẳng phải sẽ ổn hơn sao? Chẳng phải để gia đình cô ấy đến đưa cơm là được?
Thể chế là thứ cứng nhắc, nhưng con người là sinh mệnh sống, mọi thứ có thể gác lại bởi sinh mệnh mới là điều hệ trọng, bất kỳ một chính phủ nào có lương tâm cũng sẽ làm như vậy. Nếu để cô ấy được về nhà có lẽ sẽ không xảy ra chuyện đau lòng này. Họ lại không để cô ấy về nhà cũng coi như đã hại chết cô ấy.
Cô gái tội nghiệp này không chết dưới bàn tay của virus viêm phổi Vũ Hán, mà là dưới bàn tay của chính quyền ĐCSTQ. Đây không chỉ là bi kịch của cô ấy, mà còn là bi kịch của Trung Quốc, là nỗi bi ai của thời đại!
Việc ngăn chặn dịch bệnh do ông Tập Cận Bình đích thân triển khai, việc đóng cửa thành phố cũng coi như lệnh tử hình, bản thân nó vi phạm luật pháp và gây nguy hiểm đến chức tước của các chức sắc và họ đùn đẩy cho nhau.
Bà Tôn Xuân Lan đã gửi lời xin lỗi đến người dân về việc bệnh viện từ chối khám chữa bệnh. Nếu sự việc này lại rơi trúng vào bà Tôn Xuân Lan, bà ấy sẽ giải quyết như thế nào?
Khi sự việc xảy ra, nhân viên an ninh ắt sẽ đẩy nó cho cấp trên, cấp trên lại đẩy lên thành ủy, thành ủy đẩy cho bà Tôn Xuân Lan, và trực tiếp đến chỗ ông Tập Cận Bình. Sau đó ông Tập Cận Bình lại đẩy nó cho bà Tôn Xuân Lan, bà Tôn lại đẩy cho thành ủy, thành ủy đẩy cho nhân viên an ninh. Kết quả là, cô gái bị chết oan này cuối cùng vẫn không thể đòi được công lý, chết cũng không thể nhắm mắt.
Điều ớn lạnh hơn nữa là bài viết của Du Du khá tĩnh lặng. Chị gái cậu chết không minh bạch, đây là một vụ giết người trắng trợn của chính quyền, nhưng bài viết chỉ yêu cầu cho chị gái mình “một cơ hội chết được nhắm mắt.” Phải chăng chỉ là cần một lời giải thích, để cô ấy có thể nhắm mắt là được, có đúng như vậy không?
Bà Long Ứng Đài (Lung Ying-tai) từng có một bài viết có tựa đề: “Người Trung Quốc, vì sao các bạn không nổi giận?” Bài viết chỉ trích một số hiện tượng phi lý trong xã hội Đài Loan. So với những gì đã xảy ra với cô gái kém may mắn này ở Tây An, những hiện tượng trên hầu như không có gì đáng nói. “Người Trung Quốc, vì sao các bạn không nổi giận?” Không ai có thể trả lời một câu hỏi như vậy ngoài người Trung Quốc.
Hôm qua còn có một đoạn video ngắn nói về một ông cụ có mẹ ở độ tuổi 90 đã qua đời, nhưng bảo vệ không cho ông về nhà lo tang lễ cho mẹ mình. Ông cụ quát tháo rằng thực hết cách với chính quyền lưu manh này. Cuối cùng ông cũng không thể về nhà, nhưng chí ít ông cũng dám mắng nhiếc chính quyền. Nhưng dẫu buông lời mắng mỏ thì những bi kịch tương tự vẫn sẽ tiếp tục xảy ra.
Tôi chuyển 2 video ngắn này cho một người bạn, anh ấy trả lời: “Tương lai Hồng Kông cũng sẽ như vậy.” Những lo lắng của anh ấy không phải là không có lý. Với chính quyền đặc khu ngày nay chỉ có những tên tướng cúi đầu tuân lệnh, nếu dịch bệnh ở Hồng Kông trở nên nghiêm trọng, thì việc sao chép lệnh đóng cửa thành phố của ĐCSTQ chưa hẳn sẽ không xảy ra. Tôi đành phải trả lời anh ấy: “Hy vọng điều đó sẽ không xảy ra”, nhưng ai có thể đảm bảo được đây?
Xã hội bất nhân, coi mạng người như cỏ rác. ĐCSTQ tàn bạo đến mức khiến người ta tin rằng ngày tận thế của họ không còn xa. Một chính quyền như vậy vẫn có thể kéo dài chút hơi tàn, thì đâu còn Thiên lý?
Nhan Thuần Câu
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được sao chép lại từ trang Facebook của Nhan Thuần Câu với sự cho phép.)
Xem thêm:
Từ khóa Thảm họa nhân đạo phong tỏa Dịch bệnh ở Trung Quốc Tây An Nhan Thuần Câu Zero COVID