ĐCSTQ sợ vận động viên Olympic làm gì trên bục nhận giải?
- Lâm Nghiên
- •
Chuyên gia cấp cao của phương Tây phân tích, để duy trì cái gọi là hình tượng “vĩ đại, quang minh, chính xác”, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chắc chắn sẽ theo dõi nhất cử nhất động của các vận động viên Olympic. Và điều họ sợ nhất là việc các vận động viên hô to các khẩu hiệu chính trị trên bục nhận giải.
Ông Nicholas Eftimiades là thành viên cấp cao tại Trung tâm Scowcroft về Chiến lược và An ninh thuộc Hội đồng Đại Tây Dương. Ông đã làm việc trong Chính phủ Mỹ 34 năm với tư cách là một chuyên gia về Trung Quốc cho CIA, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo Quốc phòng.
ĐCSTQ sẽ tiến hành giám sát người tham dự thế vận hội, đây là âm mưu mà ai ai cũng biết. Ngày 23/1, ông Nicholas Eftimiades viết trên tạp chí The Diplomat rằng ĐCSTQ đang cố gắng duy trì hình tượng của mình trên thế giới, “Vì sao ĐCSTQ cảm thấy vận động viên chuyên nghiệp là mối đe dọa? Đời sống cá nhân, hành vi, quan điểm của vận động viên hải ngoại có quan hệ như thế nào đối với chính quyền ĐCSTQ?”
Ông phân tích, “Dù sao, những phấn đấu và luyện tập gian khổ cả một đời của những vận động viên này, không phải là vì để dò xét Bắc Kinh, bởi vì họ không có quyền tiếp xúc bất cứ cơ sở, quan chức cấp cao hoặc bí mật quốc gia nào của chính quyền ĐCSTQ. Vậy vì sao ĐCSTQ lại cần giám sát họ? Đáp án là bảo vệ hình tượng Trung Quốc (ĐCSTQ).”
Ông Nicholas Eftimiades viết: “Giữ thể diện là điều hoang tưởng của ĐCSTQ, như thế mới để duy trì chế độ độc tài của Trung Quốc (ĐCSTQ). Để bảo vệ hình ảnh của mình, các lãnh đạo ĐCSTQ đã tạo ra các khả năng kiểm duyệt tiên tiến và phổ biến nhất trên thế giới. Khiến Trung Quốc trở thành quốc gia chuyên chế kỹ thuật số đầu tiên, hạn chế thông tin do công dân đăng tải, đe dọa hoặc tấn công bất kỳ chính phủ, doanh nghiệp hoặc nhân vật công chúng nước ngoài nào phê bình ĐCSTQ, đương nhiên bao gồm cả vận động viên.”
Ông nói rằng các vận động viên quốc tế phải biết rằng họ đang là mục tiêu của ĐCSTQ khi họ xin thị thực. “Thông tin mà thị thực cung cấp đã được sử dụng để tạo tài liệu và tiến hành công việc thu thập thông tin về họ.”
Ông giải thích rằng lúc này, các vận động viên được ĐCSTQ chia thành ít nhất hai nhóm: thứ nhất, những người ủng hộ các quan điểm mà ĐCSTQ coi là mối đe dọa, chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến dân chủ, tự do, nhân quyền, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, dân tộc thiểu số, Hồng Kông, quyền phụ nữ, v.v., Nhóm thứ hai là những người công khai ủng hộ ĐCSTQ (những người mà được ĐCSTQ gọi là “những người bạn cũ người dân Trung Quốc”). Nhóm đầu tiên có thể đưa ra những lời bình luận công khai tại Thế vận hội Mùa đông để vạch trần bộ mặt của ĐCSTQ, trong khi nhóm thứ hai có thể được ĐCSTQ tích cực sử dụng để tuyên truyền.
“Tuy nhiên, bất kể nhóm vận động viên nào, tín hiệu điện thoại di động của họ có thể bị chặn khi họ đến Bắc Kinh. Tất cả nội dung sẽ được chặn và thu lại, sau đó chuyển đến Bộ Công an Trung Quốc,” ông Effitiades nói.
Bắc Kinh yêu cầu tất cả các vận động viên phải cài đặt một ứng dụng điện thoại thông minh “thông hành Thế vận hội mùa đông” có tên MY2022, được sử dụng để báo cáo dữ liệu về sức khỏe và du lịch. Nhưng Citizen Lab tại Đại học Toronto đã báo cáo rằng ứng dụng này có các lỗi bảo mật và mã hóa nghiêm trọng có thể cho phép người dùng vô tình tiết lộ thông tin của họ.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy một tệp văn bản có tên “legalwords.txt” trong “MY2022”, bao gồm “các từ nhạy cảm” cho 2.442 từ khóa và cụm từ, chẳng hạn như “Tập Cận Bình”, “ĐCSTQ”, “89”, “Kỷ niệm Lục Tứ năm 1989”, “Pháp Luân Đại Pháp Hảo “, v.v.
Bắc Kinh đã cam kết cung cấp Internet cho các vận động viên Olympic tại các địa điểm và khách sạn chính thức, cho phép họ vượt qua tường lửa và truy cập các trang web bị cấm ở Trung Quốc như Facebook, Twitter, Gmail và YouTube, cũng như nhiều trang tin tức nước ngoài. Nhưng ông Nicholas Eftimiades phân tích rằng những kiểu truy cập như vậy chắc chắn sẽ bị ĐCSTQ giám sát.
“Các công ty tham gia cung cấp thông tin liên lạc và hỗ trợ mạng, chẳng hạn như Huawei và iFLYTEK, đều hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an ĐCSTQ. Hơn nữa, cả hai công ty này đều nằm trong danh sách bị từ chối xuất khẩu của Mỹ.” Ông còn nói, thông tin trên máy tính xách tay của những người nước ngoài dường như sẽ được cung cấp theo hình thức thời gian thực cho bộ phận an ninh của ĐCSTQ.
Ông Nicholas Eftimiades cũng nhắc nhở rằng ĐCSTQ sử dụng theo dõi điện thoại di động, hệ thống giám sát video tại chỗ và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để định vị nhất cử nhất động của các vận động viên. “Trung Quốc sẽ rất chú ý đến hành vi cá nhân của các vận động viên, bao gồm cả nội dung cuộc trò chuyện của họ. Mấy thập kỷ qua, ĐCSTQ vẫn đang lắp các thiết bị nghe lén ở các khách sạn mà người nước ngoài đến, có khả năng họ sẽ làm tương tự đối với các làng Olympic”.
Cuối cùng, “yếu tố chính trị trên bục nhận giải (Olympic)” sẽ được giám sát chặt chẽ. Ông nói rằng trong những năm gần đây, một số vận động viên đã chọn kêu gọi các yêu cầu chính trị hoặc xã hội trên bục nhận giải, điều này đối với Bắc Kinh mà nói thì là một “mối quan tâm lớn“. Nếu có bất kỳ thông tin nào được cho là “không phù hợp“, thì đều có thể khiến ĐCSTQ ngay lập tức cắt chương trình phát sóng trực tiếp.
Hiện tại, nhiều chính phủ trên thế giới đang khuyến cáo các vận động viên nên thực hiện các biện pháp dự phòng trong thời gian diễn ra Thế vận hội, chẳng hạn như sử dụng máy tính xách tay, điện thoại di động và địa chỉ email mới. Các thiết bị sẽ cần được dọn dẹp triệt để hoặc vứt bỏ sau Thế vận hội.
Theo Lâm Nghiên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh Vận động viên Olympic Dòng sự kiện Olympic Bắc Kinh 2022