Cái sai của một hệ thống giáo dục
- Lê Quang
- •
Chất lượng của một hệ thống giáo dục không bao giờ có thể cao hơn chất lượng của giáo viên trong hệ thống giáo dục đó – Đó là câu trả lời chắc chắn nhất đối với mọi câu hỏi rằng vì sao giáo dục Việt Nam từ 1975 đến nay không có thành tựu gì đặc biệt bất kể đã có rất nhiều cuộc cải cách, kế hoạch được thực thi, nhưng có vẻ tất cả đều lúng túng và đi vào ngõ cụt.
Trong một nền giáo dục, nơi mà phụ huynh được mặc nhiên coi là “ngoại đạo”, học sinh được gọi là “sản phẩm” và giáo viên là “công cụ” thì nó chỉ đơn giản là một hệ thống sai.
Theo cách lập luận cơ bản nhất về vận hành hệ thống, ta không bao giờ có thể cải tiến bất kì điều gì khi bản thân nó đã là một điều sai.
‘Không có quả táo ngon trên cây táo hư’
Mọi chương trình giáo dục đều khó có thể quan trọng hơn người thực thi (mà ở đây là đội ngũ giáo viên – yếu tố con người trong hệ thống). Hàng chục năm qua, người ta kêu ca than vãn về chất lượng của giáo viên và sự thiếu chủ động trong việc dạy và học như một vấn nạn ở Việt Nam. Sự tự chủ và sáng tạo trong tư duy của giới giáo chức, thành thật mà nói là rất yếu kém. Bởi vì chính bản thân họ cũng là sản phẩm của một nền giáo dục có mục tiêu đào tạo con người công cụ, “người thầy” được đào tạo để thi hành những điều được chỉ đạo, chứ hoàn toàn không có chính kiến riêng hay tư tưởng riêng mang dấu ấn cá nhân và giờ đây chính họ lại trở thành những mắt xích trong hệ thống giáo dục.
Nói nôm na rằng không có quả táo ngon trên cây táo hư. Thời gian trôi qua, những thói quen, cách thực hành giáo dục trở thành nếp nghĩ, thành não trạng, tạo ra một tập tính xã hội được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau.
Viết đến đây, người viết bài hoàn toàn không có ý chỉ trích các thầy cô giáo (đặc biệt khi gia đình tôi có truyền thống nhà giáo – cả “tây học” lẫn “ta học”). Điều mà người viết muốn nói đến là sự hạn chế trong mô hình tập quyền (centralized system) của hệ thống giáo dục Việt Nam đã cản trở sự tiến bộ của người thầy như thế nào.
Không khó để nhận ra hệ thống giáo dục còn nặng quan liêu và tập trung mọi quyền lực cao độ vào một “Bộ”. Ở khía cạnh hành chính giáo dục, cấp trên sẽ ra các chỉ thị và đề ra, thực thi chính sách chủ yếu dựa trên các báo cáo và con số. Từ đó “chất lượng giáo dục” của một cơ sở giáo dục được biểu đạt bởi tỷ lệ học sinh khá giỏi, đỗ tốt nghiệp, “thi đua” và “phong trào”. Kết cục là trường học – nơi vốn dĩ nên được hiểu là có sứ mệnh khai mở và phát triển tối đa các cá nhân có cá tính riêng biệt, lại trở thành cơ quan hành chính và thụ động. Sinh hoạt ở trường học có thể nói là rất căng thẳng, đơn điệu, thiếu dân chủ. Như một quy luật tâm lý, giáo viên chịu áp lực và chuyển hóa toàn bộ chúng (đôi khi thậm xưng lên) vào học sinh. Chính vì lẽ đó, có một tâm lý bao trùm nơi phụ huynh là luôn thấy con em mình “khổ quá”.
Những cá thể bị động trong nền giáo dục tập quyền
Sự tập quyền ấy đã dồn toàn bộ giáo viên vào bên chịu áp đặt. Khi nhìn vào thế hệ học sinh non nớt không hề biết cách đặt câu hỏi, không có tư duy phản biện, thậm chí chẳng biết cách đặt vấn đề sao cho đúng thì chúng ta thấy lo lắng về chất lượng của nguồn nhân lực tương lai. Tuy nhiên, hãy làm một phép thử nhỏ là đặt một vài câu hỏi tương tự cho đội ngũ giáo viên? Khi đó ta sẽ hiểu ra phần nào các vấn đề mấu chốt của nền giáo dục. Phần lớn các giáo viên thường tỏ ra rất ái ngại để nói ra quan điểm của họ, hoặc chỉ trả lời chung chung, dựa theo văn bản hoặc cho rằng các vấn đề đó không phải là “chức năng” của họ (mà là của các chuyên gia ở trên Bộ).
Nhìn chung, họ luôn luôn chỉ tỏ ra rằng mình là một phần của hệ thống, thực thi theo chỉ đạo, theo đường lối, thông tư, công văn ở trên áp xuống. Hoàn toàn không có chính kiến gì. Nhìn vào thành tựu giáo dục của những đất nước thực hành giáo dục phân quyền, ta thấy rằng giáo viên của họ được quyền chất vấn, đặt ra câu hỏi, thực hành thực nghiệm và nhờ đó, mọi giáo viên đều trở thành “nhà giáo dục”. Bởi lẽ, mọi cải cách giáo dục là thay đổi một nền tảng triết lý, một cách nghĩ, một cách làm mới chứ không phải là những thao tác có tính kĩ thuật. Cứ tưởng tượng rằng chương trình sách giáo khoa được biên soạn lại (kể cả khi cho rằng nó được thực hiện một cách công phu) thì ngay tại một thời điểm, có hàng nghìn lớp học đang học về chúng theo đúng một kiểu, đúng một lối, răm rắp, rập khuôn… Thế thì vai trò của người giáo viên ở đây là gì? Có thể trả lời ngắn gọn là “rất-rất hạn chế”.
Chính vì thế, việc thực hành phân quyền là rất cần thiết trong giáo dục hiện đại, nghe có vẻ đầy phức tạp về hành chính nhưng kì thực nó chỉ là đặt người giáo viên vào một vị thế quan trọng hơn, đòi hỏi họ phải có thực tiễn sinh động, phải nỗ lực không ngừng đổi mới và phát triển kĩ năng giảng dạy, thảo luận. Họ phải là chủ thể chính trong phương pháp sư phạm. Tất nhiên khi phân quyền về đến từng trường, từng địa phương thì có nghĩa là giáo viên phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm.
Thử đặt ra một câu hỏi thực tiễn, cách học sinh trả lời gây thất vọng một thì cùng câu hỏi ấy, cách mà người giáo viên trả lời có thể gây thấy vọng mười. Đó chính là mâu thuẫn lớn bởi vì trường học Việt Nam – cuối cùng trở thành nơi làm mất đi và làm vơi cạn dần khả năng phản biện của trẻ nhỏ.
Trước khi cải cách trò, ta cần cải cách thầy
Nói tóm lại, sự thành bại của một hệ thống giáo dục, không phải (và không nên) là trách nhiệm của một ông Bộ trưởng. Sự thành bại ấy, đều phụ thuộc cả vào hệ thống giáo chức, những nhân tố đóng vai trò định hình, định hướng khung chương trình, biên soạn sách giáo khoa và hơn cả là quyết định những gì xảy ra bên trong lớp học của họ. Sự phân quyền đến những con người đó phải là tất yếu.
Để có thể tiến tới điều đó, như những gì mà những nền giáo dục tiên tiến đang thực hành, thì hẳn nhiên đội ngũ giáo chức cần phải được đào tạo, tái đào đạo, từ trong trường Sư phạm cho đến các giáo viên đang hành nghề. Ở nhiều nước, giới sinh viên Sư phạm được tiến hành cải cách từ rất lâu trước khi những cải cách giáo dục đầu tiên được áp dụng ở các trường phổ thông.
Như một chuyên gia giáo dục đã nhận định: Không có bất kì nền giáo dục nào có thể có chất lượng tốt hơn đội ngũ giáo viên trong chính hệ thống đó, chúng ta đã bàn bạc nhiều về chương trình học, về cải tiến sách giáo khoa nhưng hoàn toàn bỏ mặc giới giáo chức – những sản phẩm của chính nền giáo dục này – vốn được đào tạo để trở thành công cụ thuần túy.
Trong suốt hơn 30 năm, nhìn sơ qua thì chỉ có chương trình Công nghệ GD của GS Hồ Ngọc Đại là đặt giáo viên vào đúng vị trí chủ động và năng động của họ. Gần đây, bộ sách Công nghệ GD bị loại vì không đạt “chuẩn”. Và như ở đầu bài đã đặt vấn đề, ta không thể có một “chuẩn” đúng trong một bộ máy sai về căn bản, vậy nên xin chớ tỏ ra bất ngờ.
Người ta có vẻ tranh luận rất nhiều, giải thích trình bày rất nhiều, nhưng tuyệt nhiên không có bất kì một giáo viên nào lên tiếng vì những vấn đề của chính họ – trong khi họ được coi là nhân tố chủ chốt của hệ thống ấy. Và rồi chúng ta nên kì vọng gì ở con em mình – khi mà các em có những “người thầy” như thế?
Tôi vẫn còn nhớ thời phổ thông, khi gặp quá nhiều khó khăn trong các vấn đề về quan điểm ở trường, bố tôi (một nhà giáo dục Tây học) bảo tôi rằng ông e rằng tôi cần phải can đảm mà tự chọn lấy một nền giáo dục cho riêng mình. Phải mất rất lâu sau đó tôi mới hiểu ra đó chính là tính năng phân quyền trong giáo dục, điều có thể coi là rất xa lạ (thậm chí bị cho là độc hại) ở Việt Nam.
Có thể nói rằng trước khi cải cách trò, ta cần cải cách thầy. Nếu không, mọi thao tác kĩ thuật xem chừng là vô nghĩa.
Lê Quang (Kiến trúc sư)
Đăng theo Facebook Le Quang dưới sự đồng ý của tác giả. Bản đăng do TTVN chỉnh sửa. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa nền giáo dục Việt Nam giáo dục tập quyền